Bình sách 451 Độ F – Ray Bradbury: phần 4, trang 148-hết

Hãy ghi nhớ kỹ đoạn từ trang 149-154 khi mà đội trưởng Beatty diễn thuyết bằng cách trích dẫn vô số lời trong các tác phẩm của nhiều nhà văn. Tại sao phải nhớ kỹ? Vì đây là đoạn quan trọng nhất trong cuốn sách này, nó chỉ ra một sự thật không thể chối bỏ, đó là mọi sự diễn ra trong thế giới loài người chúng ta đều xuất phát từ trí tuệ và tư tưởng thâm sâu của con người. Con người khác với những giống loài khác ở chỗ nó có khả năng tư duy, và nhờ đó nó nhận thức được sự hiện hữu của chính nó với thế giới bên ngoài. Thông qua tư duy sâu, nó nhận ra các quy luật của cuộc sống đang chi phối tất cả mọi thứ (kể cả chính nó), các quy luật ấy ta có thể gọi là chân lý. Nhưng bởi vì khả năng con người là có giới hạn, nên có rất nhiều câu hỏi không có lời giải đáp, lấy ví dụ như “ý nghĩa đời sống con người là gì?”, hoặc “làm sao để có được hạnh phúc đích thật?”. Dựa trên những chân lý đã khám phá và những câu hỏi không lời giải, bản thân con người phải tự chọn lựa cách mà nó sống. Điểm gút mắc là tại đây! Loài người không phải là một thể thống nhất, mỗi cá nhân là một bản thể tự do và khác biệt về tư duy – hành động – giới hạn, nên sự lựa chọn cách sống sẽ khác nhau, có thể tương đồng, có thể đối lập, có thể nằm trong đoạn trung gian. Sự đối lập sẽ tạo nên mâu thuẫn về lợi ích và gây ra sự tranh đấu.

Dù không muốn nhưng tôi vẫn phải nói, phần đông loài người đều là những kẻ ngu muội, nhưng cái thế giới này chưa bao giờ được dẫn dắt bởi những kẻ ngu muội, mà nó được dẫn dắt bởi những kẻ khôn ngoan và sự chọn lựa của kẻ khôn ngoan đó. Như phân tích ở trên, tự do có thể là một trong những nguyên nhân sinh ra các mâu thuẫn trong đời sống, nên vài kẻ khôn ngoan nghĩ rằng nên lấy đi sự tự do của đa số và biến tất cả như một thì sẽ dễ quản lý hơn. Nếu là một con người khôn ngoan thì không ai muốn mất tự do cả, cho nên điều tiếp theo cần làm là khiến cho đa số trở thành những kẻ đần độn, khi đó họ sẽ không đòi hỏi tự do, mà họ cũng không hiểu tự do là gì ấy chứ. Vì ban đầu đa số là ngu muội nên ta sẽ không lạ gì khi cái đa số ấy lại ngu ngốc ủng hộ những kẻ muốn lấy đi tự do của họ, và thế là cái đám đông ấy từ ngu muội sẽ trở nên đần độn hơn. Tất nhiên sau tất cả những chuyện đó thì đúng là thế giới trở nên yên bình … trong phút chốc (cười), nhưng có một chân lý khác luôn tồn tại, đó là hạnh phúc đích thật không thể có được bởi sự ngu muội mà phải từ sự khôn ngoan, sự ngu muội chỉ mang lại bình yên phút chốc, về lâu dài nó sẽ dẫn con người đến cái “chết” trong đời sống và thế giới sẽ sụp đổ. Nói dễ hiểu thì, một đất nước toàn kẻ ngu có thể chống lại một đất nước toàn kẻ khôn sao? Mơ mộng hảo huyền!

Bài diễn thuyết của Beatty chính là sự đấu tranh nội tại đó của trí tuệ loài người, và điều mà ông chọn chính là phe muốn biến đa số thành ngu muội. Sự đấu tranh nội tại này không chỉ diễn ra trong cả nhân loại, mà nó còn diễn ra trong bản thân mỗi người, đó là lý do tại sao ông có thể trích dẫn 2 câu mang ý đối lập nhau của cùng một nhà văn. Bạn cảm thấy mấy dòng trích dẫn ấy không có gì ghê gớm? Đó là do chúng ta không có học thức đấy thôi (kể cả tôi), nếu chúng ta hiểu hết những tác phẩm lẫn tư tưởng của những vị được nêu, chúng ta sẽ hiểu rằng đó là một cuộc chiến dai dẳng và khủng khiếp, nó kéo dài nhiều thế kỷ, xuyên qua nhiều cuộc chiến (kể cả các cuộc thế chiến), chiến tranh tôn giáo, chiến tranh do ý thức hệ, có chủ nghĩa nào không do những con người trí tuệ “phát minh” ra? Nhưng bạn phải nhớ kỹ điều này, sự chọn lựa là do chính bạn và bạn phải tự gánh lấy hậu quả từ sự chọn lựa đó.

Trong bài diễn thuyết có câu này rất hay “một chút hiểu biết sẽ biến ta thành kẻ đại ngốc” (John Donne,”The Triple Fool”) và “mấy thứ đó làm cho anh giống như thằng say rượu …, thế là anh sẵn sàng làm nổ tung thế giới, … , hủy diệt chính quyền”. Beatty rất hiểu Montag, quả thật Montag muốn hủy diệt chính quyền, nhưng Montag làm được sao? Khi “hệ thống” (bất kể nó theo xu hướng nào) đã hình thành, bản thân nó tự có biện pháp bảo vệ chính nó để tiêu diệt kẻ thù, sức mạnh cá nhân không là gì cả. Chỉ là nếu xu hướng “hệ thống” đó đi ngược lại với sự tiến bộ thì chính nó sẽ bị đào thải thôi, ví như cái đất nước trong tác phẩm này, hoặc nếu toàn bộ loài người theo xu hướng này (tôi e là vậy) thì tận thế là sự hiển nhiên. Thế giới của chúng ta có không ít những kẻ có “một chút hiểu biết” đã nhảy cẩn lên rồi tưởng mình là “chúa cứu thế”, họ kích động người này, khuyên răn người nọ, tôn vinh lý tưởng này đến tận cung trăng, chà đạp lý tưởng nọ đến tận bùn sâu, họ cầm lấy giáo mác gậy gộc xông lên chém giết, hoặc ôm bom tự sát, quả thật rất đáng sợ! Hãy bình tâm lại, cố học để hiểu nhiều hơn, sau đó bạn sẽ biết trao món quà gì cho chính bạn và cho cuộc đời.

“Beatty muốn chết”, bạn có biết tại sao không? Vì mỗi người phải chịu trách nhiệm trước sự chọn lựa của họ. Với kẻ ngu muội thì họ biến cuộc đời họ thành hư ảo phù du, với kẻ khôn ngoan thì đó lại là sự thống hận chính bản thân và sự ray rức của lương tâm, mà nỗi thống khổ này còn đau đớn hơn cả cái chết của thân xác, vì vậy Beatty muốn chết, ông biết ông đã làm gì, bằng cái chết, ông thúc đẩy 2 điều, giải thoát bản thân ông và thúc đẩy Montag đến bước đường không thể quay đầu trong sự chọn lựa của anh ta. Điều thứ 2 giống như sự gửi gắm một hy vọng làm lại cuộc đời thông qua một con người khác, điều mà có lẽ trước đó ông đã hèn yếu nên không dám chọn. Còn với Montag thì sao? Anh không muốn giết người, nhưng trong anh có quá nhiều sự ấm ức bị kiềm nén. Đừng tưởng rằng khi con người u mê thì ai đó có thể cướp đi cuộc sống chân chính vốn thuộc về họ, sự ấm ức vẫn còn đó, có lẽ họ không tự nhận thức được, nhưng nó đang chìm sâu trong tâm thức, và khi ai đó “châm lửa” thì “bùm…!” quả bom phát nổ. Đó là lý do tại sao có quá nhiều kẻ điên hoặc tên giết người trong một xã hội bất công, dù luật pháp của nó nghiêm minh hoặc con người trong đó bị kiềm chế gắt gao. Bình yên thật sự chỉ tồn tại trong một xã hội mang lại hạnh phúc thật sự.

Ngọn lửa là một hình ảnh mang tính biểu tượng, nó có thể đốt mọi thứ thành tro bụi, nó cũng là ánh sáng dẫn đường và sưởi ấm cho Montag. Hoặc công nghệ cũng thế, nó kéo con người khỏi sự sống, mặt khác thì nó lại giúp Montag thoát khỏi cái chết. Trí tuệ cũng thế, hay nói chính xác hơn là mọi thứ đều thế cả, quan trọng là chúng ta dùng chúng với mục đích gì, là mang lại hạnh phúc thật hay hủy diệt hạnh phúc. Nhưng có một điều luôn phải ghi nhớ, để có một nền văn minh thì con người phải nỗ lực xây dựng trong thời gian rất dài, còn phá hủy thì chỉ cần vài ba giây, giống như cái búng tay của Thanos, sau đó tất cả thành tro bụi.

Bạn có biết truyền thuyết về Phượng Hoàng? Nó tự đốt cháy mình rồi sống lại từ đống tro tàn và cứ tiếp tục thế. Nói cho vui thì loài người cũng giống như vậy, đáng buồn là loài người có trí tuệ chứ không phải là một con chim ngu ngốc. Thành ra nếu hiểu bản chất loài người thì đừng vội vã mà ăn mừng khi sự khôn ngoan chiến thắng sự ngu muội, vì sẽ có lúc loài người ngủ quên và châm lửa tự thiêu. Điều quan trọng nhất là cố bảo vệ lấy những chân lý đã tìm được, giữ nó không chỉ trong sách vì sách có thể bị đốt, mà còn phải giữ nó trong đầu. Thời đại chúng ta chưa có cái máy có thể khôi phục ký ức sau khi đọc qua một lần, thật ra thì đó chỉ là một cách nói ẩn ý. Mọi sự mà chúng ta tiếp nhận và thấu hiểu sẽ luôn nằm trong đầu ta, có thể lúc nào đó chúng ta quên, nhưng chúng vẫn ở đấy, vào một lúc nào đó chúng sẽ bật trở ra theo cách này hay cách khác, chúng sẽ truyền qua đôi tay để vào các bài viết, chúng sẽ được thốt qua miệng ta khi trò chuyện với ai đó. Vì vậy hãy cố mà tiếp thu để giữ lấy cái mầm của sự sống ấy, biết đâu ngày nào đó loài người lại chơi trò tự thiêu thì ta còn có thể thổi hơi của sự sống để giúp nó sống lại.

“Đừng đánh giá một cuốn sách qua bìa của nó”, thời đại chúng ta có rất nhiều người thích bìa sách hơn là nội dung trong sách nhỉ? Hãy nghĩ về những vị như Đức Jesus, Đức Phật, Thánh Gandhi, Lão Tử, Sokrates, hoặc mẹ Teresa. Các vị ấy không sống trong cung điện nguy nga, không giàu có như vua Solomon, nhưng những điều mà các vị cho thế gian thì nhiều vô kể. Bạn là ai trong xã hội, địa vị của bạn cao hay thấp, bạn giàu hay nghèo… tất cả không quan trọng, nhưng nếu bạn lưu giữ được sự khôn ngoan và truyền sự sống vào thế gian, bạn có thể là Đức Jesus, là Đức Phật, là Shakespeare, là Tolstoy. Bạn muốn bạn là ai nào? Sau khi đọc 451 Độ F và viết bài này, tôi là một phần của Ray Bradbury, hoặc khi tôi nêu cao tình yêu, tôi là một phần của Đức Jesus hay vài vị khác đã rao truyền và mang tình yêu đến thế gian. Chúng ta hãy làm điều chúng ta nên làm, trong sự khiêm tốn, không cần chống đối ai hay ép buộc ai, vì các vở kịch bi hài của thế gian sẽ mãi tiếp diễn. Trọng yếu là làm sao giữ cho “cây sự sống” không bao giờ mất đi, để những ai muốn sống thì tìm đến.

………………….

Phần cuối của tác phẩm này còn đề cập đến rất nhiều vấn đề có thể mang ra phân tích, nhưng tạm thời chỉ nêu bao nhiêu đó thôi, mỗi người khi đọc sẽ tự nhận ra thêm những điều quan trọng khác đối với bản thân người đó. Cảm ơn bạn đã đọc bài. Tiếp theo sẽ là Thế Giới Của Sophie – tác phẩm khó nhất trong 4 cuốn sách mà tôi chọn. Mong là bạn đã mua và đang đọc, vì nó rất bổ ích.

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog  (Facebook) .

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review sách Thế Giới Của Sophie - Jostein Gaarder: bạn có đang sống lần hồi qua ngày?

T6 Th9 6 , 2019
“Kẻ nào không biết rút ra bài học của 3000 năm thì chỉ sống lần hồi qua ngày” – Goethe, 3000 năm là một quảng thời gian quá dài với biết bao bài học, nhưng không dài cho lắm nếu được rút gọn trong một quyển sách chỉ có 500 […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese