Tủ sách gia đình và ý nghĩa của việc đọc sách

Có rất nhiều thống kê cho thấy rằng tỉ lệ đọc sách ở các nước phát triển vượt xa các nước kém phát triển, và khi nói về sách, phần lớn mọi người đều gật đầu đồng ý là sách mang lại rất nhiều lợi ích; chỉ có điều đáng tiếc ở chỗ, người đồng ý thì nhiều nhưng người có quyết tâm đọc sách lại quá ít – quá ít ở Việt Nam. Tại sao lại như vậy? Đơn giản bởi vì những lợi ích từ việc đọc sách mà đặt biệt là những thể loại như văn học – triết học – tâm linh – nghệ thuật – lịch sử không mang lại những lợi ích được gọi là thiết thực có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng, trong khi đó những cuốn sách thể loại như kỹ thuật – kỹ năng – làm giàu có thể được áp dụng một cách nhanh chóng. Hoặc một số người sẽ coi thường việc đọc sách và cho rằng thay vì đọc thì con người cứ bắt tay vào hành động, như thế lẽ đạt được nhiều lợi ích thực tế hơn.

Nhìn rộng hơn một chút, có bao giờ bạn tự hỏi các vấn đề như tội phạm, đạo đức xã hội xuống cấp, những định kiến cổ hủ, mê tín, chiến tranh, diệt chủng, độc tài, khủng bố … là do đâu mà có? Do trình độ dân trí thấp, mà dân trí thấp là do đâu? Do ít đọc sách vậy! Không khó để nhận ra rằng các vấn đề mà tôi vừa kể ở trên chiếm tỉ lệ lớn ở thành phần được gọi là ít học, vì ít học nên khả năng tư duy kém, dễ dàng hành động theo bản năng, dễ bị kẻ khác kích động và lợi dụng; họ chẳng khác nào một đàn cừu chỉ nhìn thấy nhúm cỏ trước mắt, không thấy được việc sẽ bị vặt lông và xẻ thịt trong tương lai. Để có thể hiểu rõ một cách cụ thể thì tôi lấy cái laptop ra làm ví dụ, theo bạn thì cái nào quan trọng hơn trong 3 thứ: khả năng xữ lý của CPU, phần mềm ứng dụng, và dung lượng ổ cứng? Nhóm kiến thức đầu văn học/triết học là CPU, kiến thức kỹ năng/kỹ thuật là phần mềm ứng dụng, tài nguyên (tiền tài – vật chất) là ổ cứng, 2 loại sau dù bạn có tiếp thu nhiều thế nào đi nữa mà tốc độ xữ lý chậm thì cái laptop ấy cũng thành rác rưởi.

Con người phức tạp hơn cái laptop nhiều, nếu không có khả năng tư duy, không có tầm nhìn, thì trước hay sau bạn sẽ bị biến thành công cụ phục lợi cho lợi ích cho kẻ khác, đánh mất tự do và trở thành nô lệ. Không có khả năng tư duy thì bạn dễ bị những thứ hoa hòe che mắt và hấp dẫn, cả đời chỉ chạy theo sự hư ảo, thậm chí vỗ tay hoan hô cái thân phận nô lệ của chính mình. Có vô số người khi mà tuổi tác và kinh nghiệm nhiều hơn, nhìn lại quá khứ họ sẽ tự nhủ “ước gì trước đây ta hiểu được những gì ta hiểu lúc này, như vậy ta sẽ không phải quanh co hàng chục năm để đạt được một đời sống viên mãn và hạnh phúc”; tất nhiên vẫn sẽ có vô khối người sống đến cuối đời vẫn chẳng hiểu ra cái gì cả.

Trong bài này tôi không có tham vọng để đưa ra một nhận định nào đó về cuộc đời, ví dụ như cười chê việc theo đuổi vật chất là phù phiếm hay nêu cao các giá trị tinh thần. Điều tôi muốn nói là, nếu bạn được trang bị những kiến thức cần thiết, thì bạn sẽ sớm nhận ra bản thân bạn, không bị lạc lối trong cuộc đời, và cuộc sống của bạn được viên mãn trong từng phút giây mà bạn đang sống, bạn sẽ sống trọn vẹn cho tuổi thơ, cho thời niên thiếu, cho lúc trưởng thành, và cho cả đời người. Nhưng việc đó cũng khó lắm thay, vì tính cách của mỗi con người trong hiện tại đã được định hình từ sự giáo dục của gia đình – nhà trường – xã hội, bản thân người đó khó lòng vượt qua cái nhận thức của chính họ để nhận ra sự giới hạn trong những gì mà họ tiếp thu; không phải chỉ với vài lời là có thể biến một người đam mê lợi ích trước mắt thành người biết theo đuổi lợi ích lâu dài; không thể giúp người đang nhìn thấy cái lợi lích hữu hình có thể nhìn thấy những lợi ích vô hình mang tính trừu tượng lại vô cùng quý giá; đơn giản là khó lòng thuyết phục người coi thường giá trị của sách thành người đam mê đọc sách.

Thích đọc sách là một chuyện, đọc sách gì lại là chuyện khác. Sách có thể mang con người đến tự do, nhưng mặt khác sách cũng có thể biến con người thành nô lệ. Con người sống và hành động dựa vào niềm tin và tư tưởng của họ, nếu tư tưởng ấy chỉ tiếp thu một vài quan niệm mà không có sự so sách với những quan niệm khác thì họ sẽ nghĩ rằng những điều họ tin luôn là chân lý. Tôi lấy ví dụ về học thuyết của Khổng Tử, một học thuyết mà tôi nghĩ đã lỗi thời, học thuyết này là một công cụ phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị, ủng hộ sự bất bình đẳng nam – nữ, cái gì “trung hiếu làm đầu”, cái gì “tam tòng tứ đức”? Tôi không cho rằng mọi điều Khổng Tử nói đều là sai lầm, nhưng thử nghĩ một con người sẽ thế nào nếu cả đời chỉ đọc được cái học thuyết của ông, liệu họ có nhận ra những giới hạn trong học thuyết này? Có một số học giả ngày nay cố ý lèo lái học thuyết của ông cho phù hợp với thời đại, nhưng việc ấy có thay đổi được cái giới hạn trong học thuyết của ông? Theo dòng lịch sử, biết bao người đã dùng sách để đầu độc tư tưởng con người bằng cách giới hạn sự đọc của họ, ví như việc đốt những quyển sách trái với tư tưởng của Hitler trong chế độ phát xít, và ta thấy con người trong cái chế độ đó điên như thế nào.

Đọc sách, biết chọn sách, và tạo một tủ sách gia đình là vô cùng quan trọng, quan trọng với chính bạn, người thân, và con cái bạn. Nếu bạn đọc sai sách, sách sẽ hủy hoại bạn, khiến bạn xem vàng ngọc thành rác rưởi và xem rác rưởi thành vàng ngọc, hoặc đọc những sách có giá trị lại không hiểu hoặc hiểu sai, hoặc biến bạn trở thành ngông cuồng tự mãn. Dưới đây tôi sẽ giới thiệu vài phương pháp chọn lựa cũng như cách đọc sách để bạn tham khảo, vì ngày nay sách được xuất bản quá nhiều mà đa phần là rác rưởi.

1/ Đọc sách là một quá trình lịch sử: tốt nhất là bạn nên làm quen với những tác phẩm có trước, sau đó đọc dần theo dòng thời gian, nếu không thì bạn khó mà hiểu những quyển sau này. Lấy ví dụ như văn học phương tây, bạn nên đọc mảng thần thoại Hy Lạp trước, khi đọc các tác phẩm thời phục hưng sẽ thấy trong đó dẫn ra nhiều nhân vật trong thần thoại, rồi sau đó là các tác phẩm cuối thế kỷ 19 lại thấy dẫn ra những lời/nhân vật của tác phẩm thời phục hưng, các tác phẩm càng về sau thì càng phức tạp bởi được xây dựng từ nhiều tầng nhiều lớp như thế, lấy bộ Đi Tìm Thời Gian Đã Mất làm điển hình, tôi không đọc nổi vì kiến thức của mình ít ỏi kinh khủng, muốn hiểu thì phải khảo sát lại hằng hà sa số các tác phẩm thời kỳ trước.

2/ Đọc sách từ thấp đến cao: quá trình này ứng với trẻ em lẫn người lớn, nên đọc dòng cổ tích trước, sau đó là phiêu lưu, thiên nhiên, tình cảm gia đình, lịch sử, hiện thực xã hội, và cuối cùng mới đến các tác phẩm thiên hướng triết học / tôn giáo.

3/ Giá trị được chắt lọc qua thời gian: theo thời gian thì mấy thứ rác rưởi đều bị đào thải, vì thế bạn nên chọn các tác phẩm kinh điển, bài học trong những tác phẩm này là trường tồn, nghĩa là ứng với thời nào cũng đúng (cái này phụ thuộc bạn có nhìn ra bài học ấy hay không).

4/ Giá trị được công nhận từ những cá nhân/ tổ chức có uy tín: sách được xuất bản ngày nay có hàng vạn quyển, trong khi sức đọc và sức mua của ta là có giới hạn, nên khi chọn cần tìm hiểu tác giả ấy được đánh giá thế nào, người / tổ chức đánh giá có uy tín không. Bạn có thể tham khảo từ wikipedia hoặc các trang uy tín, các giải thưởng lớn.

5/ Chất lượng hơn số lượng: ai đọc sách thuần giải trí thì tôi miễn bàn, còn đọc sách để tăng kiến thức thì nên tìm đọc những cuốn có giá trị, trọng tâm là hiểu tác phẩm. Kinh nghiệm cho thấy một số người mua sách vô tội vạ, vài năm sau, khi mà nhận thức của họ cao hơn thì có hàng đống sách bị vứt sọt rác, kể cả những cuốn chưa đọc vì khi ấy họ sẽ nuốt không trôi mấy thứ tạp nham đó.

6/ Dẹp bỏ định kiến: rào cản cho việc hiểu sách chính là định kiến, về văn hóa, tôn giáo, niềm tin. Điều này cực kỳ khó khăn, cố gắng hiểu theo cách khách quan nhất có thể, tránh sự ngạo mạn. Sau khi hiểu mới có thể đưa ra nhận định và phê phán (theo nghĩa tích cực).

Phê phán một số quan điểm đối với người đọc:

1/ Sách nào cũng tốt: sai lầm, một số cuốn được viết với mục đích bất chính như đầu độc tư tưởng, thỏa mãn dục vọng và lòng ích kỷ – loại này mang đến lợi nhuận rất cao.

2/ Đọc sách nhiều là trí thức: đọc sách mà không đủ khả năng hiểu thì có đọc cũng vô ích, mục đích đọc sách không thuần chính vì mê danh lợi thì đọc nhiều cũng không thấm.

3/ Yêu sách vì bìa và mùi sách: (cười) chuộng hình thức, miễn bàn hen!

4/ Khen chê theo phong trào: đọc không hiểu nhưng thấy người khác khen nên mình cũng khen để tỏ ra là hiểu biết, rồi khi hỏi sách hay chỗ nào thì không nói được. Nên thành thật với bản thân thì mới có tiến bộ.

5/ Không nhìn thấy giới hạn của bản thân nên kêu ngạo: đối với các tác phẩm kinh điển, dù hiểu như thế nào thì rất cần sự khiêm tốn, có những tác phẩm mà đến hàng giáo sư đẳng cấp thế giới cũng không dám chê, còn ta là ai? Hiểu biết của ta ở mức độ nào? Cả đời đọc qua bao nhiêu quyển sách? Nghiêng cứu được những luận án đẳng cấp thế giới chưa? Càng đọc nhiều tôi càng thấy mình thiếu thốn nhiều, những câu hoặc nhân vật được trích dẫn nếu có 100 thì tôi chỉ biết một vài trong số ấy, vậy tôi lấy gì để dám ngông cuồng?

6/ Không chấp nhận sự phê phán: nhiều người miệng thì ủng hộ tự do tranh luận nhưng khi ai đó chạm vào hoặc phê phán sở thích của họ thì trở nên kích động và sừng sộ, loại người này rất nhiều hen.

7/ Chỉ biết lý thuyết mà không hành động: câu này có 2 mặt để lý giải, một số người đọc nhưng không thấm nên việc đọc trở nên vô ích với đời sống họ hoặc xã hội; với một số người là thấm và nó có tác động lên hành động của họ, chỉ có điều tác động ấy mang tính trừu tượng biến ảo thì người khác làm sao có thể nhận ra? Hay nó phải mang đến địa vị và tiền tài thì mới gọi là có giá trị? Trong khi phần lớn những kẻ đạt được tiền tài địa vị ngày nay thì ai dám vỗ ngực là không dùng thủ đoạn?

8/ Đọc sách để đạt chính đạo chứ không phải là khôn lỏi: có một số kẻ mà tư tưởng đã bị hư, khi đọc những quyển sách có giá trị thì họ không thì thấy sự cao cả mà chỉ hiểu theo dạng khôn lỏi. Ví dụ như Thái Bình Thiên Quốc bên Tàu, Kinh Thánh là nơi chứa đựng tình yêu và chân lý, nhưng khi rơi vào tay Hồng Tú Toàn lại biến thành công cụ mê hoặc nhân tâm và theo đuổi quyền lực.

Còn rất nhiều điều cần phê phán nhưng chỉ nói đến đó thôi, những phê phán này dành cho cả tôi nữa. Tóm lại thì một tủ sách gia đình là vô cùng quan trọng với mỗi người, riêng đối với con trẻ thì nó có thể giúp chúng rút ngắn một chặn đường mấy mươi năm vòng vo trong đời, hãy suy nghĩ về việc này nếu bạn yêu thương chúng.

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

Hàng thánghttps://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews

Paypalhttps://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806

Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Ví momo:

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Lịch sử con người qua dòng chảy văn học

T6 Th7 19 , 2019
Hôm nay tôi sẽ kể bạn nghe về lịch sử con người, đây là một đề tài rất lớn, tuy vốn hiểu biết của tôi còn nhiều giới hạn nhưng vẫn phải viết để hệ thống lại phần lớn những gì đã đọc, nhằm có cơ sở để còn bổ […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese