Ở thời đại mới này của chúng ta, ai ai cũng tôn sùng tự do, bởi trong tự do ta có hạnh phúc, trong tự do ta làm được những điều mình muốn. Và theo lẽ tất nhiên cái, tự do đó không làm tổn hại đến ai, đảm bảo được phần trách nhiệm cần có với gia đình – xã hội.
Xét cho cùng thì mọi khái niệm đều mang tính tương đối của nó, phụ thuộc vào quan niệm sống của từng vùng miền hay quốc gia. Với các nước châu Á, trách nhiệm với vợ/chồng con cái, gia đình, dòng tộc, xã hội là khá lớn, chính vì vậy tự do cá nhân cũng có sự hạn chế của nó. Trong khi các nước phương Tây đặt tự do cá nhân lên hàng đầu nên con người có nhiều sự tự do hơn.
Tôi nghĩ nhiều người khá lầm lẫn khi cho rằng càng tự do thì con người càng được hạnh phúc. Thật ra thì không phải vậy! vì hạnh phúc không chỉ xuất phát từ chính bản thân ta mà còn từ môi trường bên ngoài. Khi tự do vượt quá giới hạn mà hoàng cảnh sống nơi đó cho phép sẽ tạo ra những mâu thuẫn khiến ta khổ đau. Làm sao có thể hạnh phúc khi gia đình bị bỏ bê, người với người như kẻ xa lạ?
Đối lập với tự do chính là sự ràng buộc, mà sự ràng buộc sinh ra do ham muốn chiến hữu có bên trong mỗi con người. Vợ/chồng hay con cái phải thuộc về ta, phải làm theo ý muốn của ta. Tài sản này, căn nhà này ta muốn có được. Ta muốn đạt được một danh tiếng hay địa vị nào đó. Khi ấy, hầu như mọi việc ta làm chỉ với một mục đích duy nhất là chiếm hữu, khi đạt được sự chiếm hữu đó thì ta cảm thấy hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đó cũng chóng tàn trong sự đạt được nó, bởi con người cần một động lực để mà thúc đẩy tiến lên trong cuộc sống.
Thường thì sự chiếm hữu sinh ra khi ta cảm nhận được cái tốt cái đẹp trong một sự vật nào đó không thuộc về ta nên muốn nó thuộc về ta. Sự chiếm hữu chỉ là sự chiếm hữu khi ta có thể tác động lên nó, làm biến đổi nó, gán vào trong nó những thuộc tính của chính ta. Một người cha sở hữu con cái mình khi dùng mọi biện pháp để nó làm theo ý mình, suy nghĩ như chính mình, tạo ra một bản sao như mình. Từ đó thấy rằng sự sở hữu mang trong nó mầm mống triệt tiêu bản chất của vật/người bị sở hữu. Khi bản chất của sự vật chết đi thì giá trị của chính nó cũng mất đi và giá trị của nó trong mặt người sở hữu cũng mất đi, mà điều này hoàn toàn trái ngược với cảm nhận ban đầu khiến người ta muốn sở hữu.
Ở một cái nhìn cao hơn, sở hữu những sự vật ở ngoài mình chỉ là một ảo tưởng xa vời. Sự sở hữu thật sự chỉ có khi cái bản chất bên ngoài đó thuộc về ta, trong khi sự sở hữu chúng ta thấy lại là sự đồng hóa như mình và triệt tiêu bản chất nội tại của sự vật. Bản chất của sự vật thuộc về ta? Đó là điều không thể! Vậy nếu ta thật sự yêu một sự vật nào đó thì hãy để cho nó được tồn tại như là chính nó, đừng chiếm hữu để rồi tàn phá nó.
Hãy để một cánh chim bay lượn trên khoản không, chỉ khi ấy cánh chim đó mới phô bày hết giá trị của nó, và theo tầm mắt, ta thấy mình cũng chao lượn cùng nó. Hãy để bông hoa ở lại trên cánh đồng để bầy ong đến hút mật, để những mầm sống được phát tán trong gió mà bay khắp nơi. Hãy để cho đứa trẻ lớn lên theo bản tính nó, để nó biết rằng cuộc sống này là của chính nó chứ không phải của ai khác. Hãy để cô gái mình yêu rong chơi giữa cõi trần, trong những bước nhảy tung tăn đó, ta cảm thấy trái tim mình thổn thức với muôn sắc màu tươi trẻ.
Minh Chí
Facebook Comments