Sẵn hôm nay là ngày thứ 2 liên tiếp tôi tham gia offline của Hội Những Người Yêu Nhạc Trịnh (khác hội hôm qua) nên viết 1 bài về tôi và nhạc Trịnh như một sự ghi nhớ nào đó. Sau khi ca xong bài Lời Thiên Thu Gọi (bị lạc vài chỗ) thì MC hỏi “bạn đã đến với nhạc TCS như thế nào?” và tôi đã trả lời rằng “thật ra thì ban đầu em đến với nhạc Trịnh không vì yêu thích, mà vì cha mẹ em thường nghe, sau một thời gian thì ngấm và từ đó em không thể nghe nổi nhạc trẻ nữa”. Đêm nay đúng là một đêm thật đẹp với tôi.
Nhớ ngày xưa lúc còn rất nhỏ, mẹ và các cậu tôi có mở 1 quán café nho nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách, có lẽ tôi đã bắt đầu nghe nhạc từ đó. Rồi thì mẹ bị người quen giật hụi và quán đóng cửa, bẵng đi một thời gian khá dài đến năm lớp 6, khi cha mở một cuộn băng casset thì tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên bởi vài bài hát vô cùng quen thuộc. Bài ấy dường như tôi nghe rất nhiều lần ở đâu đó rồi, bài Diễm Xưa, Hạ Trắng, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng và Như Cánh Vạt Bay. Hỏi cha mới biết là nhạc của TCS, từ ấy tôi yêu những bản tình ca thể loại giống vậy. Nói là giống vậy vì những bài hát về tình ca có thể xem là bất hủ thì còn phải kể đến các nhạc sĩ như Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Vũng Thành An hay Lê Hựu Hà.
Nhớ vào năm lớp 10, khi ra tiệm thâu băng để thâu nhạc Trịnh và 10 Bài Không Tên của Vũ Thành An thì chủ tiệm hỏi tôi rằng “em còn trẻ vậy sao lại nghe nhạc này?”, quả thật lúc ấy tôi chả biết trả lời thế nào, vì khi thật sự thích những dòng nhạc ấy thì không thể nuốt nổi những bài trong Làng Sóng Xanh ở VN.
Bài hát ấn tượng nhất, khởi đầu cho một sự cảm nhận sâu sắc thật sự về nhạc Trịnh chính là Tình Nhớ. Thời gian cuối năm lớp 12, tôi đã thất tình cô lớp trưởng, mỗi ngày không biết hát bao nhiêu lần cái bài ấy, Tình Nhớ gắn liền vời tình yêu đầu đời của tôi, một tình yêu đơn phương. Và tôi vẫn thường hát nó vài năm sau đó khi lên SG học. “khi cơn đau chưa dài thì tình như chút nắng/khi cơn đau lên đầy thì tình đã mênh mông”, bạn có cảm giác mỗi câu bị đảo ngược? tôi cứ bân khuân mãi về 2 câu ấy, rồi đến một ngày tôi hiểu ra rằng cái tác động đến ta trước nhất đó chính nỗi đau, cảm nhận về cảm xúc luôn luôn đến với ta trước khi ta biết mình ở nơi nào trong cuộc tình ấy.
Có thể nói, tôi cảm nhận được hầu hết các bài hát của TCS nhưng có một bài cho đến lúc này vẫn còn là sự khó khăn, bài Dấu Chân Địa Đàng. Cả bài này đều dùng những hình ảnh trừu tượng để diễn tả, thật đáng kinh ngạc với những lời như “Vùng u tối loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng…”. Không biết đến bao giờ tôi mới thật sự hiểu về nó.
Lại một quãng thời gian qua đi, có 2 bài trở nên thân thiết với tôi. Tình yêu đầu vẫn không ngui ngoai, học rồi về, rồi lang thang đâu đó một mình, chỉ một mình tôi. Bạn nghĩ đó là bài hát gì? Không phải Chiều Một Mình Qua Phố đâu nhé, đó là bài Một Ngày Như Mọi Ngày (đi về một mình tôi). Tôi thích nhất đoạn điệp khúc “những sông trôi âm thầm…trong chập chùng thác nguồn”. Hôm nay anh MC nói rằng “thấy ta là thác đổ” là nói về tình yêu, theo tôi không phải, đó là dòng thác của cuộc sống bộn bề bon chen, khi đêm về chỉ còn một mình ta, ta mới cảm nhận được dòng thác ấy đè nặng lên thân xác và tâm hồn mình. Bài thứ 2 là một bài vô cùng đặt biệt, khi ta đứng ở một góc nào đó để nhìn người ta yêu, hay những người ta thích, nhìn “đời bày cuộc vui” quanh em, em “ngồi hát” khi tình yêu đến, em “ngồi khóc” khi tình yêu đi. Vâng! Đó là bài Rừng Xưa Đã Khép, và phải do Sĩ Phú trình bày mới thể hiện hết nỗi niềm trong đó.
Nếu ai hỏi trong tất cả các bài nhạc Trịnh thì bài nào hay nhất, tôi sẽ đáp ngay là bài Ru Ta Ngậm Ngùi. Cả một cuộc tình từ khi bắt đầu đến khi kết thúc. “Môi nào hãy còn thơm…tóc nào hãy còn xanh…” phải chăng là đôi môi chưa hôn ai một lần và tóc chưa ai vuốt một lần? “Hương trầm có còn đây, ta thấp nốt chiều này” phải chăng là với ta cuộc sống quá ngắn ngũi, ta không thể cùng em đi đến cuối cuộc đời, ta phải rong chơi, nếm trải những ngọt bùi cay đắng? Thôi hãy để cho từng người cảm nhận bài hát ấy.
Thời gian lại trôi qua, khi tôi nhìn được nhiều điều hơn, tôi bắt đầu thích những bài hát về cõi đời này. Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ, Chiếc Lá Thu Phai, Cỏ Xót Xa Đưa, Một Cõi Đi Về…và Còn Tuổi Nào Cho Em – một bài hát thể hiện hết quãng đời của người con gái, từ lúc còn hồn nhiên trong trắng đến lúc tóc đã bạc màu.
Một quãng thời gian lại trôi qua, khi điều ta quan tâm không chỉ là thực tại trong đời sống ta, ta còn cảm nhận được những nỗi đau vô cùng sâu sắc từ quá khứ hiện về. Còn gì thực hơn một đàn bò đi hoang trong thành phố? Còn gì đau hơn khi “xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng” hay “trong khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con”, hay “người Việt nào da không vàng, mẹ Việt nào nhớ xác con”. Và bởi vì tôi là một chàng trai mang nhiều cảm xúc nên sao có thể không tiếc thương khi “nhìn” thấy “người con gái chợt ôm tim mình, trên da thơm vết máu loan dần”, “em chưa biết quê hương thanh bình, em chưa thấy xưa kia Việt Nam” và quả thật tôi đã khóc cho bài hát này, khóc cho Người Con Gái Việt Nam Da Vàng.
Đến đây có phải là kết thúc? Tình yêu, đời sống, quê hương, tất cả gói trọn trong những gì tôi đã đi qua? Nó đã đầy đủ chưa? Chắc chắn là chưa! Vì ta cần phải sống, sống thật hạnh phúc dù từng đau thương. Thế cho nên để kết thúc bài này và cũng là đoạn đường mà tôi sẽ đi, được gói gọn trong bài Cho Đời Chút Ơn
“Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm Cho đời chút ơn biết tà áo nọ Em là phấn thơm cho rừng chút hương Là lời hát ca cho trần gian Dưới phường phố kia có người nhớ em Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường”
Minh Chí
Facebook Comments