Tác giả của Hoàng Tử Bé, Saint Exupery là một trong vài nhà văn mà khi có tác phẩm nào xuất bản thì tôi phải mua cho bằng được, và sau khi đọc Xứ Con Người thì tôi biết điều tôi làm là chính xác. Sẽ có vô số nhà văn ở tầm cao mà khi đọc bạn phải có một mức độ nhận thức nào đó mới hiểu được, nhưng đôi lúc bạn nhận được một sự may mắn hiếm hoi nào đó khi tìm ra một vài nhà văn cũng ở cái tầm cao ấy, viết ra những dòng chữ mang chân lý lại vô cùng sáng sủa, đơn giản và dễ hiểu. Tuy vậy điều này lại làm khó tôi khi phải viết review, vì tôi khao khát chuyện bê nguyên xi tác phẩm vào để bạn đọc; rắc rối này từng xẩy ra lúc tôi viết bài cho Hoàng Tử Bé. Bạn hiểu ý tôi không? Các tác phẩm khác giống như những chiếc đèn lồng nhiều hoa văn rực rỡ, tôi viết review để chỉ ra … ừ chiếc đèn này đẹp ở đây và ở đây, nhưng với tác phẩm của Saint Exupery thì lại giống ngọn đèn neon bạn gắn vào tường nhà, và cái việc ít ỏi tôi phải làm chỉ là câu “đây là ngọn đèn, hãy đặt ở nơi cao trong căn phòng, nó sẽ soi sáng cho bạn”.
Vậy chúng ta thống nhất rồi nhé, dù là tôi rất khinh thường những người hay trích dẫn tác phẩm mà chẳng viết ra được một nhận xét nào mang tính cá nhân. Xứ Con Người đã dành giải thưởng của viện hàn lâm Pháp 1939. Tác phẩm là lời tự sự kể về công việc chuyển thư bằng máy bay – đó là một công việc khá nguy hiểm thời bấy giờ, từ câu chuyện, bạn sẽ tìm được rất nhiều thứ, sự thật, nhận định, phiêu lưu, sống – chết, con người và xã hội. Tất nhiên là bạn đừng mong mỏi nó sẽ rắc rối phức tạp, hoa hòe như những cuốn sách đang có trên thị trường, tác giả là một con người bình dị, và trong những miêu tả bình dị đó bạn sẽ tìm được ánh sáng.
Nói về chuyện con người chạy theo sự phát triển mà quên rằng những vật chất được tạo ra chỉ là công cụ chứ không phải mục đích:
“Mỗi tiến bộ đuổi chúng ta ra xa hơn một chút những thói quen nào đó mà ta vừa có, và chúng ta thật sự là những kẻ nhập cư chưa xây được tổ quốc cho mình. Chúng ta tất cả đều là những đứa trẻ man dã mà các thứ đồ chơi mới còn làm cho chúng say mê. Những chuyến rượt bay bằng máy bay cũng chẳng có nghĩa nào khác. Cái kia lên cao hơn, bay nhanh hơn. Ta quên vì sao cho nó bay. Bay, tạm thời, quan trọng hơn mục đích bay…, trong khi ca ngợi các tiến bộ của chúng ta, chúng ta buộc những con người phải phục vụ cho việc đặt đường xe lửa, dựng nên những nhà máy, khoan đào các giếng dầu lửa . Chúng ta có hơi quên một chút rằng chúng ta dựng nên các công trình ấy để phục vụ những con người.“
Chỉ khi ở cao hơn thì bạn mới nhìn rõ sự thật, nhìn rõ quang cảnh bên dưới:
“Ta giống như bà hoàng hậu muốn đi thăm các thần dân, muốn biết họ có hân hoan vì sự trị vì của mình không. Để dối nhà vua, những kẻ nịnh thần bố trí một vài cảnh an lạc trên đường vua qua , thuê người nhảy múa ở những nơi đó. Ngoài con đường bé tí, vua không nhìn thấy gì trong đất nước của mình, và tuyệt không hay biết là trong các làng mạc, những người sắp chết đói đang nguyền rủa mình…; Với chiếc máy bay…từ nay được giải thoát khỏi những thói tục yêu dấu…, từ trên cao với đường bay thẳng ta mới khám phá thấy cái nền cơ bản, thấy chân đá, chân cát, và chân muối, cái nền cơ bản nơi mà cuộc sống, đôi khi, giống như một ít rong rêu trong khe các di tích, mon men nở hoa, đây đó…; Như vậy ta đánh giá con người theo tầm cỡ của vũ trụ, nhìn kỹ con người qua cửa sổ con tàu như qua các đồ dùng nghiên cứu. Như vậy ta đọc lại lịch sử của chính ta.“
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Và đây là điểm tôi tâm đắc nhất (cười), vì nó từng làm tôi đau đớn trong thời gian rất dài khi nhìn vào những cô gái mà tôi từng say mê:
“Ngày đó, hai cô lẫn vào trong một cái gì đó thật lớn rộng. Nhưng rồi một ngày, người đàn bà trỗi dậy trong cô gái. Người ta sau cùng mơ tìm một điểm 19 (max=20). Một điểm 19 đè nặng lên lòng. Đến lúc đó có một thằng khốn hiện tới. Lần đầu tiên đôi mắt sắc sảo ấy nhầm lẫn, và đem những màu sắc rất đẹp làm sáng rõ cho kẻ kia. Gã ngốc, nếu hắn nói vần người ta lại ngỡ hắn là thi sĩ. Người ta tưởng kẻ kia hiểu các ván sàn thủng lỗ (nơi có con rắn làm tổ dưới bàn), người ta tưởng hắn quý những con chồn đèn. Người ta tưởng là sự tin cậy ấy làm cho hắn thích con rắn lục đi lắc lư dưới bàn giữa 2 chân hắn. Người ta đem cho hắn trái tim của người ta nó vốn là một mãnh vườn hoang dại, mà hắn thì chỉ thích những công việc tỉa tót. Và cái tên khốn kiếp mang nàng công chúa đã bị bắt làm nô lệ ấy đi“
Tôi đã rất xúc động khi đọc đến đoạn những thủ lĩnh trên vùng đất sa mạc đến Pháp, họ thấy nước phun trào ra từ một cái thác lớn, họ không muốn đi dù bị người hướng dẫn hối thúc, họ nói “Anh biết không… Thượng Đế của người Pháp… Ông ấy hào phóng với người Pháp hơn là Thượng Đế của người Moor đối với người Moor!“. Một số người trong họ sẽ quy hàng và chối bỏ niềm tin của họ, nhưng rồi sau đó, họ lại trở về để chống lại người Pháp vì họ biết điều gì mới thật sự quý giá, không phải vật chất để trở thành nô lệ, mà là tự do, là chân lý. Giống lời của một người Moor khi nhìn vào người Pháp:
“Anh ăn rau giống hệt như loài dê, và ăn thịt lợn như loài lợn. Phụ nữ của anh để trần ra không biết xấu hổ gì hết. Anh không bao giờ cầu nguyện cả. Máy bay, vô tuyến điện, Bonnafous, nào dùng được vào việc gì, nếu anh không có chân lý?“
Nhưng điều khiến tác giả (cũng như tôi) đau đớn nhất, là khi nhìn vào những con người, họ từng là những gì tốt đẹp nhất, giống như thứ vật liệu tốt mà ta có thể nặn thành vô số thứ đẹp đẽ, mỗi đứa trẻ có thể là một Mozart trong tương lai, nhưng chính con người đã hủy hoại điều đó, biến họ thành nô lệ, thành công cụ, thành cả rác rưởi.
“Vì sao mà họ trở nên những tảng đất sét như thế. Trong cái khuôn ghê gớm nào mà họ đã qua, đã bị cái khuôn ấy đóng dấu như là một cái máy rập? Một con thú có già cũng vẫn giữ được nguyên dáng của mình. Tại sao thứ đất sét loài người tốt đẹp lại méo mó đi như thế?“
“Khi bằng phép đột biến, cho nẩy được một đóa hoa hồng mới trong các khu vườn, tất cả những người làm vườn đều xúc động. Người ta che chở nó, vun xới nó, nuông chìu nó. Nhưng đối với những con người, nào có người làm vườn nào! Mozart trẻ thơ cũng sẽ bị cái máy rập đánh dấu như mọi người khác. Mozart sẽ làm ra những cái vui sang nhất của mình từ một thứ âm nhạc thiu ôi trong mùi hôi hám của các quán nhạc giải khát. Mozart bị phế bỏ!“
Còn rất nhiều đoạn và ý mà tôi muốn trích dẫn vào, nhưng không đủ chỗ trong bài viết này. Nếu bạn muốn biết thì bạn nên mua đọc, và tôi nghĩ đó là điều rất cần cho chúng ta. Đọc để hiểu ta và hiểu những con người khác, từ hiểu mới biết cái máy rập nào đã tạo nên một xã hội như thế này, và để tự chữa trị cho mình và những người xung quanh mình.
Nhớ chia sẽ bài viết và Chí Blog với nhiều người và “cứu tế” tôi qua:
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog