Review sách Xứ Cát – Frank Herbert: con đường của số phận

Thật lạ lùng làm sao, khi mà nếu đọc một câu chuyện viết về những hoang mạc trên trái đất thì có thể khiến tôi khá chán chường, nhưng biến đổi nó đi, khoát cho nó một hình hài khác, một vẻ bề ngoài khác, ném vào một câu chuyện mang tính thần thoại trên một hành tinh xa xôi nào đó … thì bỗng dưng tất cả toát lên một sự cuốn hút không cưỡng lại được; khi đó những bài học thoát ra từ cái hình hài mới ấy sẽ được nâng lên với vẻ thần thánh rực rỡ, những bài học đó ta vẫn có thể rút ra được khi tìm hiểu về cái đời sống khắc nghiệt ở châu Phi hoặc Trung Đông kia mà? Chúng ta vẫn là những đứa trẻ luôn say mê món đồ chơi mới như Saint Exupery đã chỉ ra trong Xứ Con Người, và say mê sự lãng mạn cùng thế giới lý tưởng như Donna Tartt nói trong Con Sẻ Vàng; nhưng chúng ta cũng không cần quá phiền vì cái bản chất ấy, mặt khác, nhờ nó mà thế giới này trở nên đầy màu sắc của sự sáng tạo, và tôi tin ngày nào đó chúng ta sẽ xây dựng được thiên đường trên trái đất này, ở chính ngay nơi ta đang sống.

Có một điều thú vị là, khi mở cuốn Xứ Con Người thì tôi cũng đồng thời mở cuốn Xứ Cát, sau khi đọc vài mươi trang của cả 2, tôi quyết định đọc Xứ Con Người trước. Và cả 2 lại cùng nói về sa mạc và nước, có điều gì mang tính siêu nhiên ở đây chăng? Điều gì đó đang dẫn dắt tôi tìm hiểu về nguồn cội của sự sống, hay đó chỉ là sự ngẫu nhiên của số phận? Nếu xem như một điềm báo thì ngày nào đó sẽ có bước chân tôi trên sa mạc? Và việc ấy là số phận định sẵn hay tự ta chọn đi theo điều mà ta tin, ta tự tạo ra số phận của mình?

Nếu bạn là một người thực tế, đặt niềm tin vào khoa học và lý trí, thì đây sẽ là một tác phẩm rất tuyệt vời dành cho bạn. Tác phẩm có nhiều yếu tố hòa vào nhau như chính trị, âm mưu, tôn giáo, huyền bí, thần thoại, tâm lý, khoa học, giả tưởng; nhưng điểm nhấn trọng tâm lại tập trung vào sự kết hợp giữa chính trị và tôn giáo, đọc xong tác phẩm này thì bạn sẽ có một mức độ thấu hiểu sâu sắc hơn về đạo Hồi ở Trung Đông, và thuyết (tạm gọi thế) về việc tạo ra những dòng giống con người có gen siêu việt thường thấy của nhóm cực hữu, tất nhiên truyện này không liên quan gì đến trái đất chúng ta cả.

Xứ Cát giống như một bộ sử thi kể về cuộc đời của Paul – còn gọi là Muad’Did, một vị “cứu tin – tiên tri”, một người mà dân Fremen của Xứ Cát chờ đợi để dẫn dắt dân tộc họ đến bến bờ hạnh phúc; ta thấy câu chuyện khá giống với việc dân Do Thái chờ đợi đấng Mesia của họ. Điểm khác biệt ở đây là tác phẩm được xây trên một bộ óc thuần lý trí và có nền tảng khoa học, ví như Mentat là cương vị mà suy nghĩ hoàn toàn duy lý, có vai trò người lập kế hoạch cho chủ, hoặc Bene Gesserit là cương vị như một chuyên gia tâm lý có thể thấu hiểu và điều khiển người khác trong giao tiếp. Bạn sẽ học được rất nhiều bài học ở đây để vận dụng vào thực tế.

Thử thách đầu tiên của Paul với chiếc hộp đã chỉ ra một điều rất quan trọng về con người, con người khác con vật ở chỗ có ý chí, ý chí khống chế bản năng. Con người có thể là sinh vật thua cả loài thú bằng cách bỏ cuộc khi quá khốn khổ hoặc đau đớn, nhưng cũng có thể mạnh hơn cả bản năng và bỏ qua bản năng để hoàn thành sứ mệnh theo lý tưởng của mình.

Đã có thời con người chuyển giao sự tư duy của họ sang máy móc với hy vọng điều đó cho họ tự do, nhưng nó lại chỉ cho phép những người khác cùng với máy móc biến họ thành nô lệ“, khi bạn không có khả năng tư duy, bạn sẽ đánh mất tự do và bị kẻ khác điều khiển vì sự ngu muội.

Một thế giới được chống đỡ bằng 4 thứ. Hiểu biết của kẻ thông thái, công lý của kẻ vĩ đại, lời cầu nguyện của kẻ công chính, và chí can trường của kẻ dũng. Nhưng những thứ đó chẳng là gì nếu không có một người trị vì biết thuật cai trị“. Đó là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển và ổn định của xã hội, thông thái là biểu tượng của triết học, công lý là biểu tượng của tôn giáo, công chính và can trường là bản tính dân chúng, thuật cai trị là một chế độ quản lý nhà nước hoàn hảo. Ta sẽ thấy những quốc gia hàng đầu thế giới đang theo đuổi hình thái này.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Xứ Cát sẽ cho bạn thấy giá trị của nước, nước đóng vai trò nền tảng cho sự sống, và ở nơi nào thiếu thốn sự sống thì chính nó luôn luôn mang tính chủ đạo trong văn hóa, niềm tin, lý tưởng, khát vọng, mơ ước … đối với con người nơi đó. Bạn cũng sẽ biết rằng tương lai là hoàn toàn có thể “thấy” được khi ta hiểu được bản chất con người và sự việc; một Mentat sẽ hành động thế nào, một Bene Gesserit sẽ xữ sự ra sao, hay một dân tộc mạnh mẽ sống trong môi trường khắc nghiệt bị áp bức sẽ khủng khiếp thế nào nếu họ đoàn kết lại. Và sự hiểu đó là nhờ vào những kinh nghiệm của vô số sự việc từng diễn ra trong quá khứ.

Theo tôi thì điểm mạnh tạo nên giá trị của tác phẩm dựa trên những quan điểm duy lý, thì cũng chính cái duy lý ấy đã làm giảm giá trị mà lẽ ra nó nên có. Ấy là khi tác giả xem tôn giáo chẳng khác nào một công cụ thuần túy phục vụ cho mục đích chính trị, dù mục đích ấy nhằm mang lại hạnh phúc cho con người. Bằng quan điểm duy lý, tác giả đã tầm thường hóa tôn giáo, khả năng về thần học của tác giả rất giới hạn (tôi thì chả biết gì về thần học). Ví như trong tác phẩm có nhân vật với vai trò Mẹ Chí Tôn – người có thể truy nhập vào vô số kiếp sống và kinh nghiệm của những Mẹ Chí Tôn khác trong quá khứ, ta thấy điều này xuất hiện ở Phật Như Lai, và Mẹ Chí Tôn có thể đạt cái tầm cao gần bằng Phật Như Lai, nhưng bản thân tác giả lại không đạt đến cái tầm cao này nên nhân vật Mẹ Chí Tôn được thể hiện kém quá xa so với vai trò đó. Không chỉ thế, Paul được mô tả là có khả năng vượt qua cả Mẹ Chí Tôn, Paul càng giống Phật Như Lai hơn khi có khả năng nhìn thấy tương lai. Ấy vậy mà kết truyện thì Paul lại hành động như một nhà chính trị đơn thuần, tác giả đã “vung tay quá trán”.

Nếu chỉ xét tác phẩm như một tiểu thuyết khoa học giả tưởng thì đây là một truyện hàng đầu, hấp dẫn và đáng để đọc. Nhưng nếu xét về những giá trị mang tính biểu tượng về bản chất con người và xã hội thì chưa đạt đến những tầm cao như một số cuốn tôi từng đọc: Quo’s Vadis, Suối Nguồn, Cuốn Theo Chiều Gió, 1984, Đồi Thỏ, Thế Giới Mới Tươi Đẹp, Mùa Lòa, Chúa Ruồi …, ấy là chưa nói tới những tác phẩm của những nhà văn vĩ đại hàng đầu.

Tuy nhiên, tác phẩm có thể liệt vào hàng một trong những tiểu thuyết giả tưởng lớn nhất mọi thời đại, và xứng đáng có trong tủ sách nhà bạn.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review sách Bão - Le Clezio: vượt qua sự tàn phá

T4 Th5 15 , 2019
Tôi thích nhà văn Le Clezio đoạt giải Nobel 2008 này, bởi những điều ông viết trong truyện Bão, viết về nỗi đau của con người, điều quan trọng ở đây là cách ông nêu lên những nỗi đau để rồi sau đó mang các nhân vật vượt lên chứ […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese