Hẳn bạn đã nghe hoặc đọc thấy rất nhiều về tác phẩm này, tôi thì nghe nhiều đến nỗi sinh ra ghét luôn, thành ra mãi tận đến bây giờ mới tìm nghe audio (vì lười giở sách ra đọc). Nghe mới hiểu đây đúng là một tác phẩm lớn, mới cảm nhận được khoản cách tri thức giữa mình và tác giả xa nhau diệu vợi, người ta nói “càng học càng thấy mình ngu” chính là thế. Tác phẩm này cũng lấy đi không ít nước mắt của tôi, các bạn biết tôi nghe audio thế nào không? Tôi nghe từ chương 1 thẳng đến chương 34, đến đây tôi nghe chương 44 (cuối) rồi đảo ngược lên trên đến chương bác Tom chết, sau đó mới tiếp tục nghe chương 35-44, nghe như vậy là vì trước khi nghe truyện thì tôi đã biết bác Tom sẽ chết, mà đến chương 34 thì nỗi đau và sự bất nhẫn trong tôi trở nên quá lớn nên cần biết ngay bác ấy chết thế nào, đó có thể là sự yếu đuối về mặt cảm xúc trong tôi.
Khi đọc tựa cuốn sách, ta sẽ nghĩ tác phẩm viết về câu chuyện của một cá nhân, nhưng hoàn toàn không phải, trọng tâm dựa vào những diễn biến trong cuộc đời bác Tom để mô tả lại khung cảnh của xã hội Mỹ thời kỳ ấy, khi chế độ nô lệ còn tồn tại; để chúng ta hiểu rằng chế độ nô lệ tàn ác thế nào. Bác Tom là một con người trung thực, tín nghĩa, có đạo đức, nhân cách cao thượng, vậy mà cái xã hội ấy xem bác như một món đồ và như súc vật, trong khi những chủ nô lệ tàn ác được gọi là con người mới thật sự là súc vật. Chính cái chế độ ấy biến súc vật thành con người và biến con người thành súc vật; câu này của tôi có 2 ý, ý đầu là cách đối xữ với con người khi họ là nô lệ, ý thứ 2 là chính cái luật lệ đó khiến con người biến thành súc vật khi trao cho những ông chủ cái quyền quá lớn, nó khiến bản tính súc vật trong họ sinh sôi nẩy nở, còn những nô lệ không có bất cứ quyền gì nên họ không có cơ hội để học làm người (trừ những người may mắn có được chủ tốt), khi không được học thì họ sẽ sống như súc vật; sự tàn nhẫn bị nhân đôi.
Nửa trước của truyện nói về những người chủ tốt, nửa sau nói về người chủ ác. Để chúng ta hiểu rằng một người có nhân phẩm sẽ tạo ra gì và quý giá thế nào, ngược lại, kẻ mất nhân phẩm sẽ có khả năng hủy hoại thế nào. Có nhân phẩm và mất nhân phẩm của một cá nhân thì hoàn toàn không phải là chuyện cá nhân người đó, mà họ có thể tác động đến số phận của vô số người khác, có thể biến cuộc sống của vô số người thành thiên đường hoặc địa ngục. Thật may mắn khi ta quen biết hoặc đời sống phụ thuộc vào người có nhân phẩm, và ngược lại. Nhưng việc các người chủ tốt lần lượt gặp rủi ro và cái chết của bác Tom cũng cho ta thấy rõ là dựa vào may mắn chẳng được ích gì, hạnh phúc chỉ đến với những ai biết đấu tranh để bảo vệ cho những điều tốt đẹp.
Tác phẩm này được tôi gọi là “lớn” vì dù tả về thời kỳ chiếm hữu nô lệ nhưng cái mà chúng ta tìm thấy trong ấy chính là tình yêu thương, một tác phẩm viết về thời kỳ tăm tối lại tràn ngập ánh sáng, cái bóng tối dù rộng lớn và bao la cũng không che lắp nổi những vầng sáng dịu dàng đang tỏa ra, đó là vợ người chủ đầu tiên, là cậu chủ nhỏ, là người chủ thứ 2 và cô bé Eva, là những người giúp đỡ nô lệ chạy trốn, là bác Tom. Như chương kể về cô bé nô lệ hay trộm cắp, dù được chị gái ông chủ dạy bảo nghiêm khắc mà cô bé vẫn chứng nào tật nấy, vì cô bé biết trong thâm tâm họ vẫn coi mình là kẻ hạ đẳng; nhưng khi Eva nhìn nó buồn bã nói rằng cô buồn khi thấy nó không thay đổi, rằng cô sẽ yêu thương nó thì nó đã khóc nức nở và đã bỏ những tật xấu. Trong mỗi chúng ta ai cũng có một trái tim để thấu hiểu, một kẻ nào đó giúp bạn nhưng khinh bạn cũng sẽ không làm bạn biết ơn, còn ai thương yêu bạn thật sự thì bạn sẽ trao lại họ tình yêu thương và làm những gì có thể khiến họ hạnh phúc.
Túp lều bác Tom là một tác phẩm hiện thực, mô tả một xã hội chân thật, vạch trần mọi thứ ra ánh sáng, từ cái tốt đẹp đến xấu xa, kể cả tính sáng – tối của những người theo Kitô giáo. Để làm được điều này thì tác giả phải có một tầm nhìn và sự hiểu biết vô cùng rộng lớn, về giáo dục, tôn giáo, tâm lý, luật pháp, đạo đức. Chính vì thế sau khi đọc thì tôi mới hiểu mình nhỏ bé đến thế nào khi phải so sánh. Ở đây tôi muốn góp ý nhẹ một tí khi các bạn đọc những bài review khác, một số các bài đó nhấn mạnh chế độ nô lệ tàn ác thế này thế kia, nó tạo cho ta sự phẫn nộ và căm thù, cách nhìn như thế chẳng giúp bạn học hỏi hoặc mang đến lợi ích gì cho tâm hồn hết; cái lợi ích thật sự mà tác phẩm mang đến chính là chỉ cho ta thấy giá trị của tình yêu, của nhân phẩm con người, chỉ sau khi hiểu những điều đó thì bạn mới thấy chúng đáng quý trọng và bảo vệ, và thấy ghê tởm những điều bất công và tồi tệ. 2 cách nhìn có vẻ tương tự nhau nhưng hoàn toàn khác nhau, khác nhau rất xa, một cái đặt nền tảng trên yêu thương, một cái đặt nền tảng trên thù hận; một cái khiến bạn nhận ra giá trị sống, một cái khiến bạn mù quáng, mà mù quáng thì dễ bị điều khiển và lợi dụng.
Tôi đã khóc khi thiên thần nhỏ bay về trời.
Một tác phẩm lớn thì còn rất nhiều điều để bàn, nhưng vì giới hạn bài viết nên tôi chỉ nói về những gì tôi nghĩ là cần thiết. Túp Lều Bác Tom rất đáng để đọc, và tôi mong nhận được sự chia sẻ quan điểm từ các bạn. Xin cảm ơn!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog