Ender không muốn đánh đứa bạn, không muốn đạp tiếp vài cái vào mặt hay bụng khi thằng bạn đã gục ngã, nhưng nó biết nó phải làm vậy để bọn chúng sợ mà không chặn đường mỗi khi nó lẻ loi một mình, nó phải ác, hay thể hiện cái ác trước bọn chúng dù nó không muốn, dù nó chỉ cần được yên thân. Đó là sự việc bắt đầu của câu chuyện về cậu bé Ender – một cậu bé vô cùng thông minh. Khi đọc đến đây, ta tự hỏi liệu cái sự việc đó hay bài học đó của Ender chỉ cần làm một lần là đủ? Không! cuộc sống không hề ngừng lại, nó vẫn tiếp diễn, nó mãi tiếp diễn và thăng cấp đến vô cùng, cho đến khi mọi kẻ thù hoặc trở thành bạn, hoặc bị khuất phục hoàn toàn. Đó là gánh nặng của đời sống, là một vòng tròn quay mãi, khi mà con người còn mang trong bản thân sự tị hiềm, sự tham lam và ích kỷ.
Tôi đã đọc tác phẩm này liên tục trong 2 đêm liền (đến 4-5h sáng) vì sự lôi cuốn của nó. Câu chuyện của Ender không hề là câu chuyện của riêng cậu bé, mà còn là câu chuyện về mỗi người chúng ta, về sự thúc ép của sinh tồn lên đời sống, lên suy nghĩ và hành động của con người. Ender phải trở thành vị chỉ huy tài ba nhất để cứu nhân loại trước nguy cơ tuyệt duyệt đến từ người ngoài hành tinh, để cậu bé phát huy tất cả những khả năng vốn có, người lớn đã mang đi mọi thứ mà cậu yêu thương, đẩy cậu vào một môi trường đầy thù địch, không gia đình, không bạn bè, không có bất kỳ ai để nương tựa; họ tạo ra mọi sự bất công đối với cậu, cậu bé phải đi tiếp hoặc gục ngã.
Chúng ta thường mơ về sự thành công, sự vinh quang của ai đó, nhưng chúng ta lại dễ quên đi những gì mà họ đã đánh đổi để đạt được hay bị bắt phải đạt được sự vinh quang đó. Chúng ta mơ như họ, rồi khi biết mình không bằng thì chúng ta tức giận và căm thù họ. Để thỏa lòng căm thù hay đạt được lợi ích nào đó, chúng ta liên kết với những kẻ khác cũng giống mình để tạo ra bè phái, đoàn thể; và kẻ thù của ta cũng đủ thông minh để làm thế. Vậy là hàng hàng nhóm người lao vào chém giết nhau, xâu xé nhau. Đó là những gì Ender gặp phải, đó là những gì mà người lớn cố gắng tạo ra thông qua cái trò chơi chiến trận ở Trường Chiến Đấu.
Ender đủ thông minh để nhận ra sự vô nghĩa trong cái trò chơi ấy, và tôi – ngay lúc ấy, cũng nhận ra cái “trò chơi” chiến tranh của bọn người lớn chúng ta, những cuộc chiến vô nghĩa trong lớp học lúc ta còn bé, những cuộc chiến nơi công sở lúc trưởng thành, những cuộc chiến giữa các quốc gia…, tất cả chúng đều vô nghĩa, nhưng chúng ta vẫn phải cầm lên vũ khí và bắn vào phe thù địch, bắn họ chưa chắc đã vì căn thù họ, mà vì để mình được sống. Trong khi sự sống của ta, nền văn minh của ta cũng dạy ta một bài học khác, đó là cần hiểu nhau, tập sống hòa thuận nhau và tha thứ cho nhau. Và có vẻ chúng ta luôn chọn theo cách ngược lại, vì chúng ta cho rằng đó là điều thông minh nhất. Tình yêu hay lòng hận thù đều mang lại cảm giác rằng ta đang sống, nhưng để có tình yêu thì cần một nỗ lực lâu dài để xây dựng, còn hận thù sẽ đạt được ngay bằng cách hủy diệt.
Đứng trước những điều lớn lao như tình yêu, sự sống, sự sinh tồn thì bọn người lớn chúng ta cũng chẳng khác gì trẻ con. Chúng ta tạo ra những cái bẫy cho nhau để nhảy vào, chúng ta lừa nhau, chúng ta biến nhau thành ngu muội, thành cay nghiệt, thành vô cảm.
Với người khác, tác phẩm này mang nhiều tính giải trí, mang lại cho họ sự thú vị, nhưng nó lại khiến tôi thấy nặng nề, tôi cứ phân vân mãi về câu hỏi xuất hiện ngay trong đầu sau khi đọc xong quyển sách. Khi con người hiểu biết nhiều hơn về cuộc sống, họ sẽ được giải thoát và tìm thấy bình yên hay lòng sẽ nặng nề hơn khi thấy những trách nhiệm lớn lao phải gánh và những điều phải làm?
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog