Review sách Mọi Cái Tên – Jose Saramago: đời sống là một đầm lầy

Jose Saramago là nhà văn Bồ Đào Nha đoạt giải Nobel 1998, ông có một số tác phẩm nổi tiếng khác như Mù Lòa, Hang Động, 2 tác phẩm này dễ đọc và hấp dẫn hơn Mọi Cái Tên rất nhiều. Khi bạn đọc Mọi Cái Tên, bạn như cảm giác được đang sống trong một không gian đặc sệch, như một người đang vùng vẫy trong đầm lầy với nỗi sợ hãi tột cùng, anh ta cố dùng mọi cách để ngoi lên tìm sự sống. Đây là một trong rất ít quyển sách mà tôi cảm thấy khó đọc, vì nó khiến bạn bức bối, chán nản, và ức chế. Thế nên bạn cần thận trọng trước khi mua về.

Chuyện kể về Senhor Jose, anh là một thư ký quèn của phòng Đăng Ký Trung Ương – nơi công chứng và lưu trữ thông tin của mọi con người. Jose thích sưu tập thông tin của người nổi tiếng, căn nhà nơi anh ở có cánh cửa thông với kho lưu trữ của cơ quan nên anh có thể cập nhật một số thông tin trọng yếu về họ. Trong một lần tình cờ, anh rút nhầm hồ sơ của một người phụ nữ bình thường, rồi chợt nẩy ra ý định muốn biết cô ấy là ai, từ vài thông tin ít ỏi có được mà anh lần theo dấu vết để cuối cùng có được cô ấy trong một “hình hài” mơ hồ nào đó, mà ít ra cái “hình hài” ấy sinh động hơn mọi cái tên khác rất nhiều.

Trong suốt tác phẩm, chỉ có một cái tên được nêu ra, đó là Senhor Jose, còn những con người khác thì bị gọi bằng chức danh hoặc không được nêu tên. Đó là sự ám chỉ rằng bản chất cá nhân của đa số con người giống như hoàn toàn tiêu biến đi trong xã hội rộng lớn. Mỗi con người không còn được xem như một thực thể sống, họ chỉ đơn giản được thể hiện qua một cái tên, hoặc một mã số trong hồ sơ, ngày họ sinh hoặc ngày họ chết; điều này giống với đoạn nói về cách con người đánh giá một căn nhà trong Hoàng Tử Bé, là căn nhà đáng giá bao nhiêu chứ không phải nó đẹp thế nào.

Có triết gia từng nói “tôi tư duy nên tôi tồn tại”, tác phẩm là một chuỗi vô tận những suy nghĩ, suy diễn, ảo tưởng, sự sợ hãi của Jose trên con đường tìm kiếm người phụ nữ. Lẽ ra việc tìm kiếm là rất đơn giản, nhưng cái cách mà xã hội đang vận hành hoặc cách mà con người ta đối xữ với nhau khiến chuyện anh đang làm giống như là điều gì đó xấu xa và đồi bại. Ta thấy mọi con người không phải như đang sống, mà đang trôi, hoặc họ cứ đứng bất động giữa đầm lầy rồi cứ để bản thân chìm dần xuống. Mỗi khi gặp gỡ một người để tìm thông tin thì Jose như lâm vào một cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt, anh phải đấu tranh tư tưởng, phải lên kế hoạch tỉ mỉ, nếu không thì có khả năng đời sống của anh bị hủy hoại trong chốc lát. Chúng ta có bao giờ tự hỏi là tại sao sự giao tiếp giữa người và người lại trở nên phức tạp như vậy.

Tác phẩm dường như giúp ta định nghĩa lại sự sống và cái chết của mỗi con người, bản chất của sống – chết của ai đó đối với người mà họ quen được đơn giản hóa bằng những thông tin đơn giản, một người còn sống khi ta biết tin rằng họ còn sống, còn họ sống thế nào, vui hay buồn, hạnh phúc hay khổ đau … thì ta chẳng quan tâm. Nếu vậy thì việc họ sống hay họ chết đều có giá trị như nhau cả thôi. Chính vì thế vị trưởng phòng quyết định không cần phân ra khu hồ sơ người chết và người sống, bởi có người sống mà như đã chết, hoặc người ta có thể tìm người chết qua những ai còn sống, hoặc sự sống của những kẻ chết đang tiếp diễn trong người còn sống. Hình ảnh cái nghĩa trang cũng mang ý tương tự, nó không còn hàng rào bao quanh, nó phơi ra, tràn ra với những người đang sống.

Tác phẩm có vài chi tiết đặt biệt mà ta nên lưu tâm, đó là trong khu hồ sơ người sống đã tồn tại vài bộ hồ sơ có từ rất lâu, lâu đến nỗi bìa của chúng đã thâm đen và bạc màu. Ấy thế mà cả cái cơ quan ấy chẳng ai lấy làm ngạc nhiên hết, người ta chỉ đơn giản làm theo nguyên tắc là không có giấy chứng tử nghĩa là còn sống. Và sau vụ điều tra của Jose thì số người “bất tử” đó lại tăng thêm một. Vụ điều tra là một hàm ý về sự sống, một người trong mắt người khác thực sự chỉ sống khi ta thật quan tâm đến việc họ còn sống và sống thế nào, sự sống của họ còn mãi tiếp diễn khi họ còn được nhớ đến trong bản chất sống của họ chứ không phải chỉ là vài dòng thông tin trên một tờ giấy hoặc tin nhắn.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Vị trưởng phòng có quyền uy tối cao thì giống như hình ảnh của Thượng Đế, ông nghiêm khắc, đôi khi vô tình, nhưng ông biết tất cả, ông nắm trong tay sự sống – chết của mỗi con người, ông biết cách chỉ cho con người không lạc lối trong khu hồ sơ kẻ chết. Ông để mọi thứ diễn ra như cách con người muốn nó diễn ra, trước đây sống và chết là 2 khu, giờ thì chúng trộn lẫn vào nhau, con người cũng đang sống y như vậy. Nhìn như vô tình, nhưng ông không vô tình, ông đặt biệt chăm sóc những ai đang cố thoát ra sự ngưng đọng của cái chết, mà cụ thể là Jose. Trong quá trình điều tra, Jose đã mạo danh ông để tìm sự sống của người phụ nữ, thật ra thì nó không hề là sự mạo danh mà là được phép vì ông luôn biết những điều Jose che dấu. Đi xa hơn, Jose có thể hoàn thành cuộc điều tra cũng nhờ ông chấp nhận cho anh nghỉ phép một đoạn thời gian; sẽ có lúc bạn trách Thượng Đế sao cứ buộc bạn phải sống một cuộc sống cơm – áo – gạo – tiền dài đằng đẳng mà không cho bạn khoản thời gian để bạn thật sự sống. Bạn đã lầm, Thượng Đế luôn cho phép bạn tìm nó trong đời, chỉ là bạn không có đủ ý chí hay sự can đảm để làm.

Khi nói đến vấn đề tự tử, tôi lấy làm lạ là tại sao phần lớn nhiều người trở nên ngạc nhiên khi người thân họ tự tử. Nếu họ thật sự quan tâm, chuyện đó đã không diễn ra, nhưng nó vẫn diễn ra, đó là câu trả lời mà họ nên nghiềng ngẫm, hoặc họ cứ tiếp tục ngu ngơ như trước. Cũng như lời người chăn cừu, con người tự tử vì muốn trốn tránh người khác. Người chăn cừu tráo đổi số của bi mộ để con người không cần thể hiện sự dối trá trong việc tiếc thương kẻ chết, vì kẻ mà họ tiếc thương không còn nằm trong bi mộ đó. Vì “sự sống mới linh thiêng”“không ai có thể chứng tỏ lòng kính trọng hơn là khóc cho một người xa lạ”. Điều mà người chăn cừu đã làm giống với điều vị trưởng phòng làm, và họ chỉ quan tâm đến sự sống, sự tác động nếu có liên quan đến cái chết thì cũng vì người sống.

Trên là vài nhận định của tôi về ý nghĩa tác phẩm, tuy nhiên cần cảnh báo lại là tác phẩm rất dễ khiến bạn bỏ cuộc. Tôi đọc đủ 1/2 cuốn, 1/2 còn lại tôi đã lướt nhanh vì chịu không thấu, chỉ đọc kỹ đoạn cuối. Còn về giá trị tác phẩm, nên nhớ năm xuất bản của nó là 1997, trước khi tác giả nhận giải Nobel, nghĩa là đây cũng là một tác phẩm trọng yếu để mang lại giải thưởng lớn ấy, nên các bạn đừng xem thường.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

………….

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog  (Facebook) .

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Joker (2019): nụ cười của nỗi đau

CN Th10 6 , 2019
Joker có IMDb 9.1 – số điểm rất cao, những phim thế này thì không phù hợp với những bạn còn quá trẻ hoặc coi với mục đích giải trí, và không lạ khi ta thấy khá đông người Việt xem xong lại chê dở. Việc hay hoặc dở tùy […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese