Review Sách Lolita – Vladimir Nabokov: Nỗi đau tuổi dậy thì

Hẳn nhiều người đã từng nghe qua tên của tác phẩm này, Lolita trở thành một cái tên phổ biến để ám chỉ các bé gái dễ thương tuổi dậy thì (12-15). Đây là một tác phẩm khó cảm nhận, và thật sự khó viết review vì nó nói đến một hành vi đang vi phạm luân lý của xã hội ngày nay, khó nói vì nếu phân tích không cẩn thận thì người đọc có khi nhìn tác giả bài viết (tôi) giống như một tên biến thái đáng tởm (cười). Thôi thì đành cố mà viết.

Để hiểu đúng tác phẩm, trước tiên chúng ta phải xác định các “tiểu nữ thần” trong mắt ngài Humbert của chúng ta là như thế nào, đó là các cô bé tuổi mới lớn vừa bước vào ranh giới của sự cuốn hút giới tính, cả về tâm lý lẫn sinh lý; với mỗi người thì cái ranh giới này không cố định, có thể là 12 – 13, đôi khi là 14 – 15. Về sinh lý, các em dễ bị thu hút từ người khác phái, về tâm lý, các em nhận ra sự cuốn hút của mình trong mắt đối phương và cảm thấy háo hức về điều đó, rồi các em cố tình thực hiện những động tác làm tăng thêm sự cuốn hút ấy như vuốt tóc, ăn mặc hở hang hoặc các loại quần áo bó sát thân thể. Sự khác biệt lớn nhất giữa các “tiểu thiên thần” và các cô bé bình thường cùng tuổi chính là sự ý thức về sức hút của tính dục.

Như cách mà Humbert mang ra bào chữ cho hành vi của ông ta, cách nay chưa tới một thế kỷ thì việc tảo hôn là điều thường thấy ở mọi dân tộc trên thế giới, và việc lấy một cô vợ 12-13 tuổi không có gì là bất thường. Tất nhiên, ngày nay nền văn minh nhân loại tiến bộ hơn, nhiều nghiêng cứu cho thấy việc tảo hôn sẽ gây tổn hại tâm – sinh lý đối với các nạn nhân của nó. Việc quay về cái văn hóa từng tồn tại trong quá khứ là để nhắc nhở chúng ta rằng, khi phán xét một sự việc hay một luân lý, thì chúng ta nên dựa vào những cơ sở rõ ràng chứ đừng trở thành con rối vô thức cho những xu hướng của thời đại.

Vấn đề thứ hai, việc Humbert bị ám ảnh bởi các “tiểu nữ thần” là thuộc về tâm lý hơn là sinh lý, các hành vi sinh lý (làm tình) chỉ nhằm thỏa mãn những khát vọng của ông. Vậy khát vọng đó là gì? Là sự chiếm hữu một cô gái còn “trinh nguyên”, “trinh nguyên” ở đây được hiểu như là sự hồn nhiên, là một búp hoa vừa hé và tỏa ra mùi hương dịu ngọt, là cái bánh vừa mới ra lò còn nóng hổi, là con bướm vừa thoát ra khỏi kén, là một mầm non vừa nhú khỏi mặt đất và tỏa ra sức sống vô biên. Sự khát khao đó bị tăng lên vô số cung bậc để trở thành nỗi ám ảnh khó cưỡng lại được khi xã hội cấm đoán điều đó. Hãy tưởng tượng, bạn đang chinh phục một cô gái đẹp, nếu cô ấy cực kỳ giàu có, bạn si mê hơn và háo hức hơn, nếu cô ấy là có địa vị là nàng công chúa hoặc là một bà hoàng, mức độ khát khao sẽ dâng đến tột bậc. Sự ám ảnh của những điều thuộc về loạn luân còn ghê gớm hơn, đó là ảnh hưởng về mặt tâm lý của con người.

Khát khao của Humbert là sự khát khao về sự sở hữu cũng như chiếm đoạt những đặc tính mà cô bé Lolita đang sở hữu. Đó là dục vọng từ sâu thẳm của con người chứ không phải tình yêu đích thực, dù ông ta luôn bảo rằng rất yêu cô bé. Khi một hành vi đặt trên cơ sở là dục vọng chứ không phải tình yêu, thì nó chỉ mang lại sự tàn phá dành cho người sở hữu (Lolita) và kẻ chiếm đoạt (Humbert), dục vọng khiến con người trở nên thấp hèn và bỉ ổi. Nếu Lolita không còn sở hữu cái sức sống đó nữa thì sao? Thì ông ta sẽ vứt cô bé như vứt một miếng giẻ rách, đây chính là nỗi đau của đa số các cô bé khi bước vào tuổi dậy thì. Các em sở hữu sự “trong trắng”, sở hữu sức sống tươi mới nhưng lại không có khả năng tự bảo vệ mình trước những con sói đầy mưu mẹo, món quà quý giá trở thành nguyên nhân tạo nên bi kịch.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Khi theo dõi chuyến hành trình của 2 người, nhìn vào những đòi hỏi của Lolita, ta thấy được chúng đều mang tính hời hợt, sáo rỗng rà rẻ tiền. Và cả thế giới này đang ra sức tôn tạo lên những thứ rẻ tiền như thế để phục vụ cho cái nhu cầu ấy. Sự mĩa mai ở đây là Lolita đã dùng những thứ thật sự quý giá của bản thân để đổi lấy những thứ không đáng giá một xu, lỗi không ở cô bé, mà ở cái thế giới ta đang sống. Những miêu tả khi họ xuyên qua nước Mỹ, những vẻ đẹp xen lẫn những thứ sáo rỗng như sự ám chỉ cái đất nước còn non trẻ này như một nàng Lolita vừa tràn đầy sức sống, lại vừa nhạt nhẽo. Nhưng cũng bởi vì thế, trong nó mang một sự quyến rũ vô hình, vượt xa cái cựu lục địa châu Âu già cỗi. Cái sự “trinh nguyên” của các cô bé ở châu Âu bị giết chết ngay từ trong trứng nước, bị giết bởi những truyền thống, bởi tính giáo điều, bởi những con đường bằng phẳng mòn mỏi được dựng lên trước cả khi con người có ý thức về cuộc đời của chính họ.

Nếu ban đầu, Lolita chỉ là nỗi ám ảnh của sự thỏa mãn cho dục vọng của Humbert, thì ở đoạn cuối, ông đã yêu cô bé thật sự. Khi trong tim có tình yêu, con người trở nên sáng suốt hơn. Ông nhìn ra những tài năng của Lolita, hiểu cô bé thật sự cần gì trong cái thế giới cô độc này, ông nhớ cô bé từng bảo với bạn “Cậu biết không, điều cực kỳ khủng khiếp khi ta chết là ta hoàn toàn trơ trọi một mình”. Cái vẻ dửng dưng của Lolita trước mọi sự việc, kể cả khi nghe tin mẹ chết, chỉ là cái mặt nạ mà cô bé phải mang vào để tự vệ khi biết bản thân hoàn toàn trơ trọi trong một thế giới lạnh băng. Lolita cũng khao khát một gia đình, khao khát sự yêu thương, khao khát một người cha để che chở, nhưng cô bé không tìm thấy, cái cô bé tìm thấy trong mắt những người đàn ông khác chỉ là dục vọng, và cái mà cô bé có thể mang ra đổi chác để được cái mà cô muốn chỉ có thể là thân xác của chính cô. Đó cũng là lý do vì sao Humbert không để lại một tình cảm nào trong Lolita.

Khi Humbert hiểu được tình yêu là gì, ông không thể trốn tránh khỏi bản án của lương tâm. Nỗi đau, niềm hối hận đó càng nhiều hơn, khi mà ông tìm thấy Lolita với cái bụng bầu, sức sống của cô bé giờ đã tàn phai. Ai là kẻ đã tàn phá cái vẻ đẹp thánh thiện đó? Chính là ông và những kẻ như ông. Việc Humbert sát hại Clare Quilty như là một bản án trừng phạt dành cho chính ông và kẻ như ông, những kẻ có bề ngoài đạo mạo, có học thức, có địa vị xã hội… nhưng bản chất thì thối tha mục nát. Hãy nhìn vào quanh ta, những thứ sáo rỗng và rẻ tiền đang tồn tại không phải được những người như họ tạo ra hay sao? Tôi tự hỏi, trong thế giới ngày nay, ai có khả năng bảo vệ hàng triệu triệu nàng Lolita? Hay ta chỉ có thể bất lực và buồn bã trước những tàn phá đó!?

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review sách Hoàng Tử Bé - Antoine de Saint-Exupéry: nhìn bằng đôi mắt trẻ thơ

T2 Th4 1 , 2019
Cho tới lúc này, đây là cuốn sách mà tôi đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn không chán, càng đọc thì càng hiểu rõ hơn về bản thân, con người và cuộc sống. Đây cũng là tác phẩm cần có và nên có nhất trong tủ sách của bạn, […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese