Khi người khác nói rằng Việt Nam chậm tiến hơn so với các nước phát triển đến hàng trăm năm thì không chỉ là các vấn đề về kinh tế và công nghệ, mà còn có yếu tố nhận thức của xã hội. Đó là lý do khiến tôi nghĩ rằng chúng ta mà đặt biệt là nữ giới thì nên tìm đọc các tác phẩm của Virginia Woolf (VW), một nhà văn nữ kiệt xuất hàng đầu thế giới. Tư tưởng cấp tiến của bà mà đến tận ngày nay hoặc sau này vẫn luôn có giá trị. Căn Phòng Của Riêng Ta được viết theo lối tự sự, là một tiểu luận đề cập đến vai trò của nữ giới trong nền văn chương (hay văn minh) của con người. Theo lẽ thông thường, chúng ta rất khó tự ý thức được những mâu thuẫn đang tồn tại trong cuộc sống hằng ngày, vì đã sống trong nó và quen với nó, những mâu thuẫn mà chúng ta không biết thì vẫn luôn luôn âm thầm tác động đến suy nghĩ cũng như hành động của bản thân, chỉ khi nhận ra và vượt qua nó thì mới đạt được sự tự do hoàn toàn, và biến cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn.
Bằng cách tìm về quá khứ và những suy luận logich, VW đã phát họa gần như chính xác những bất công mà nữ giới phải gánh chịu trong cuộc sống. Bởi bất công, chúng ta muốn đạt được quyền lợi nào đó cho bản thân, nhưng bà cũng chỉ ra rằng, con người ít khi cố gắng để đạt được nó hoặc ý thức về sự trả giá cần phải có, đôi khi kết quả của quyền lợi đạt được chưa chắc đã mang ý nghĩa lớn lao như ta nghĩ. Nói thế không có nghĩa là ta chấp nhận sự bất công, trái lại, ta phải đấu tranh, nhưng khi đạt được nó, ta cần tĩnh lặng để suy xét xem việc theo đuổi cái mới có khiến ta đánh mất những điều quý giá hơn. Thật ra khi đạt được sự bình đẳng, bạn được quyền Tự Do Lựa Chọn, nhưng phải hiểu rằng, khi đứng trước sự bất công, ta có ảo tưởng rằng đời sống trong sự bất công đó là kém giá trị hoàn toàn.
Nếu bàn luận xa hơn trong việc tìm hiểu tác động tâm lý con người lên hiện thực, thì ảo giác về tính ưu việt của những điều “được quyền” lại khiến con người nỗ lực hơn để xóa bỏ sự bất công đó. Vai trò phụ nữ ngày xưa kém hơn nam giới, nhưng họ cũng có những thứ giá trị mà nam giới không có (cảm xúc, gia đình), rồi khi bình đẳng hơn, họ vội bỏ nó để chạy theo đời sống như nam giới (lý trí, sự nghiệp), vậy liệu cách mà nam giới sống có phải mọi thứ đều ưu việt? Trong một chừng mực nào đó, sự bình đẳng giới mang lại nhiều lợi ích hơn cho nam giới, vì họ có thể sống được theo cách họ muốn mà không bị cười chê, hoặc loại bỏ những thứ vô nghĩa mà cái thời ở “trên” họ bị buộc phải lao vào. Sự bình đẳng giới mang lại lợi ích cho cả 2 giới nam và nữ.
Bằng cách nêu ra một loạt các nhà văn nữ và giới hạn trong khả năng của họ, VW giúp chúng ta hiểu rằng, chúng ta chỉ có thể phát huy được hết khả năng/tài năng bản thân khi đủ sức mạnh và lý trí để đặt xuống những vấn đề khiến tâm trí của chúng ta trở nên u mê hoặc xao lãng, đó có thể là sự nóng giận, sự ganh ghét hay khinh thường. Bà cũng đưa ra một nhận định rất thực tế rằng, một phụ nữ chỉ có thể trở thành nhà văn khi có tiền và một căn phòng riêng. Bởi sự bất bình đẳng và thành kiến, đa số phụ nữ luôn gặp khó khăn trong việc sống theo ý họ, thậm chí xấu hổ hoặc coi khinh chính họ. Xét cho cùng, các vấn đề này không chỉ diễn ra với nữ giới mà nó xẩy ra với tất cả chúng ta, thời gian dành cho việc mưu sinh, sự xấu hỗ về địa vị thấp kém của mình, giới tính mình, màu da mình, dân tộc mình.
Điều này khiến chúng ta đặt ra một câu hỏi “bản chất của sự tự tin, tự tôn và nhìn sự thấp kém của người khác là gì?” phải chăng là những thứ giúp chúng ta có sức ảnh hưởng lên người khác, quyết định số phận của họ? Nếu vậy, xã hội tôn vinh cái gì thì cái đó sẽ trở nên cao quý? Bạn có tin như vậy không? Sự kiêu ngạo của con người thật ra chỉ là sự phóng chiếu khả năng áp bức của mình lên người khác, còn cao quý hơn? Chưa chắc! Nhưng theo cách ngược lại, tôi nghĩ, nếu đàn ông không tỏ ra nổi trội hơn thì phụ nữ có khâm phục không? Chính phụ nữ cũng góp phần ủng hộ sự phóng chiếu cái tôi của đàn ông.
Nếu phải công nhận một tư tưởng cấp tiến nhất của VW, thì tôi sẽ chọn quan niệm cho rằng trong mỗi con người chúng ta dù là nam hay nữ, thì đều có 2 phần nam tính và nữ tính. Do đó, nếu bất kỳ ai, bởi sự kêu ngạo hoặc do thành kiến mà khinh thường hoặc căm ghét giới tính nào đó, thì chính họ đã tự giới hạn chính họ trong khả năng họ đang có.
Khi nhắc đến một số phụ nữ thành công thời của cô ấy, VW lặp lại sự khẳng định về khả năng của nữ giới là tương đương với nam giới khi họ đạt được sự bình đẳng nào đó. Bà cũng chỉ ra rằng dù từ rất lâu phụ nữ luôn ở “dưới” nhưng tầm ảnh hưởng của họ đối với xã hội lớn lao hơn là chúng ta nghĩ, đó là những sự tác động không theo cách được ghi chép và tôn vinh như của nam giới, mà vô hình và gián tiếp, len lõi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, giống như 7 phần chìm của một tản băng trôi (rất nguy hiểm). Và tôi cũng tự hỏi “tại sao phụ nữ trở nên rất khó hiểu?” phải chăng vì luôn ở vai trò thấp hơn nên tính cách họ uyển chuyển như nước và luôn ẩn dấu bên trong?!
………….
Phần phản biện của tôi với VW khi đánh giá quá cao Jane Austen (tác giả Kêu Hãnh Và Định Kiến) và đánh giá quá thấp Charlotte Bronte (tác giả Jane Eyre):
Nếu C.Bronte vì chịu ảnh hưởng lớn bởi các tư tưởng của nam giới và thể hiện sự nóng giận thì tác phẩm Jane Eyre của bà sẽ trở nên kém giá trị? Tôi không nghĩ vậy! Ngược lại, Jane Eyre vẫn mang tầm vóc lớn lao hơn vô số tác phẩm do nam giới sáng tác. Và ta tự hỏi, giả như C.Bronte không chịu sự ảnh hưởng đó của nam giới và dùng các “công cụ” riêng của nữ giới thì tác phẩm của bà sẽ xuất sắc hơn? Ai đủ khả năng để thẩm định điều chưa diễn ra này? Dù là tự do hay đè nén thì cả 2 đều phải được công nhận vị trí và giá trị của nó đối với bản thân tác giả, vì tự nó tạo nên một nét đặc trưng riêng, một linh hồn sống động và khác biệt. Khi đặt giả sử khác đi, ta đã không còn nói về chính người đó dù cái “giả sử” có vẻ tốt hơn hay hợp lý hơn. Lý luận về những gì đã diễn ra chỉ mang tính khai trí và tham khảo, nhưng không đủ để phủ nhận giá trị của một tác phẩm nào đó.
Dù VW thấy được khả năng của phụ nữ được phát huy khi có sự bình đẳng giới, nhưng bà vẫn còn giới hạn bởi thời đại củ chính bà, để không nhìn thấy được một sự việc, rằng ngày nay có quá nhiều nhà văn nữ chuyên nghiệp có thể “sản xuất” hàng loạt tác phẩm “chuyên nghiệp” – giống như tác phẩm của Jane Austen mà bà đã khen nức nở. Chính vì hằng hà sa số các tác phẩm như thế, các nhà văn như thế mà khi đọc các tác phẩm của J.A thì tôi cảm thấy nhạt nhẽo vô cùng.
Sự tự do, tự chủ và lý tính là những điều kiện cần có để phát huy hết khả năng của bản thân, nhưng chúng không phải hoặc chưa bao giờ là yếu tố quan trọng nhất để tạo ra những tác phẩm vĩ đại. Những tác phẩm này thường được sinh ra bởi sự phẫn nộ trước những bất công và phi lý của cuộc sống, sự rung động của tâm hồn sinh ra những tác phẩm có linh hồn và sức sống, sự rung động càng mãnh liệt thì sức sống của chúng càng mãnh liệt. Trong khi những tác phẩm chuyên nghiệp hoàn hảo chỉ giống như một bộ máy đang vận hành một cách vô cảm dù cấu trúc của chúng có phức tạp đến đâu đi nữa.
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Nếu bạn thấy bài viết có ích cho bạn – cộng đồng – xã hội, hãy Share hoặc hỗ trợ tài chính bằng cách thỉnh thoảng mời Chí Blog 1 “ly cà phê bình dân”:
Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Đừng để điều tốt đẹp biến mất chỉ vì vô tâm
About Author
Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất “đỉnh” là được!