Bình sách 451 Độ F – Ray Bradbury: phần 1, trang 17-57

“Bạn sẽ không biết gì về thế giới mà bạn đang sống cho đến khi học được cách bước chậm lại để ngắm nhìn nó”, câu nói này là của ai? Của tôi, sau khi đọc chừng ấy trang sách. Không cần thiết phải copy một câu nói của nhà văn hay nhà tư tưởng nào nếu bạn tự hiểu ra điều gì đó có ý nghĩa. 451 Độ F là một tác phẩm sâu sắc dành cho ai muốn hiểu được thực tại và tương lai của con người. Bằng cách nhìn vào thực tại của chính tác giả, ông đã tự vẽ lên và dự đoán được phần nào tương lai “tươi sáng”, tương lai của ông là thực tại của chúng ta, và tương lai đó cũng sẽ là tương lai của chúng ta nếu chúng ta không hiểu ông muốn nói gì.

Tác phẩm không dài (khoản 200 trang) nhưng lại có quá nhiều điều khiến ta phải suy ngẫm, có những thứ đang tồn tại ngay trong đời sống bạn, bạn sẽ không nhìn thấy nó vì đã quá quen rồi. Thật trớ trêu là con người dễ bị lừa lọc trước sự phi lý được phủ bởi vẻ bề ngoài hợp lý, nhưng nhà văn sẽ giúp bạn nhìn ra khi ông “vẽ” nó trên một cái nền của sự phi lý mang tính trắng đen rõ ràng. Trong quá khứ hoặc tương lai không có nghề “lính phóng hỏa” thay thế cho lính cứu hỏa mà ta biết, nhưng chắc chắn là có những người lính làm nhiệm vụ đốt sách, việc thế này diễn ra khá nhiều lần trong quá khứ rồi, nếu bạn chịu tìm hiểu về lịch sử, và nếu “may mắn” thì bạn sẽ có cơ hội chứng kiến trong đời, hoặc tương lai sẽ tiếp tục diễn ra. Những người lính đốt sách ấy trong hiện thực sẽ làm nhiệm vụ của họ bằng cách khoác vào một lý tưởng nào đó rất đẹp, lý tưởng ấy khiến con người mơ mộng và tự hào, nhưng chính nó lại làm cái việc hủy diệt sự tiến bộ và khiến con người lạc vào sự ngu dốt.

Khi đối mặt với những thách thức cần được giải quyết, con người thường chọn lựa cách thức dễ dàng nhất là hủy diệt hơn là tìm cách tháo gỡ trong hòa bình, ngọn lửa phun ra hoặc những viên đạn lóe lên từ họng súng, thế là điều rắc rối biến thành tro tàn và ta không còn bận tâm về nó nữa, đó là cách mà con người dùng để chạy trốn khỏi sự không hoàn hảo của họ, bằng cách vận dụng sự thứ khiến họ không hoàn hảo, đó cũng là một thứ bản năng nguyên thủy, dù nó chỉ giải quyết được phần ngọn và để lại những hậu quả vô cùng khủng khiếp. Dù sao thì con người đã đạt được những lợi ích trước mắt đúng không nào? Họ nghĩ vậy là khôn ngoan!

Montag là một lính phóng hỏa và anh tự hào vì điều đó, cả sự phấn khích nữa, thiêu rụi mọi cuốn sách bị liệt vào hàng cấm. Nhưng có vẻ cuộc sống của anh đã thay đổi khi anh gặp Clarisse – cô gái 17 tuổi mà nhiều người nghĩ là cô bị điên, bởi cô hay lang thang vào buổi tối và có những suy nghĩ khác với đa số. Trên con đường về nhà, cô hay đặt cho anh những câu hỏi vô cùng lạ lùng, mà nếu là một con người lịch sự thì không ai làm thế cả. Câu hỏi quan trọng nhất là “Anh có hạnh phúc không?”, có ai đã hỏi bạn câu đó chưa? Và bạn có thường hỏi chính bạn câu đó? Nếu ai đó hỏi, để tự an ủi, để không làm tổn thương người thân thiết, để người khác không cảm thấy bạn đáng thương, phải chăng bạn sẽ trả lời nhanh rằng “Ồ tất nhiên rồi! Tôi rất hạnh phúc, vì…” và bạn liệt kê ra hàng loạt thứ để khoe, nhưng sự thật có phải thế chăng? Sau đó thì bạn quên ngay câu hỏi ấy bằng cách lao vào đủ thứ khiến bạn vui trong phút chốc để trốn tránh nó. Trong ngày trò chuyện sau cùng, Clarisse cho rằng Montag không biết yêu. Liệu những con người “như mọi người” trong cái thế giới ấy có biết yêu chăng?

Tôi cảm thấy mình có sự đồng cảm với Clarisse trong những điều cô làm và những gì cô nói. Hãy nghĩ đến cái Pano quảng cáo dài 70m, nó dài thế để người ta có thể thấy được khi ngồi trên một tàu siêu tốc chạy cực nhanh, vì lúc ngồi trên tàu thì con người chỉ có thể thấy thế giới nhạt nhòa như những vệt màu, cây cỏ là vệt màu xanh, đàn bò là vệt màu nâu. Họ không thấy được vẻ đẹp của một bông hoa nở khi mặt trời lên, cũng chẳng thấy được những hạt sương lấp lánh như ngọc trên lá cỏ lúc sớm mai, thứ họ thấy là những biển quảng cáo liên tiếp nhau kéo dài vô tận. Hãy nhìn vào tivi, trên những con đường, trên sản phẩm sữ dụng, toàn là quảng cáo, tất cả chúng có ý nghĩa gì trong cuộc đời bạn? Chẳng gì cả. Hãy nhớ đến sự trống rỗng mà bạn có được sau một cuộc vui cuồng loạn, bạn trốn sự trống rỗng đó bằng cách nào? Nhảy vào những cuộc cuồng loạn khác để quên chúng, thế là đời bạn là tập hợp của một chuỗi những cuồng loạn vô nghĩa, có giống những biển quảng cáo dài vô tận trên đường tàu không?

Tôi cũng không phải là một người dễ hòa đồng, tôi giống Clarisse, mặc dù tôi rất biết cách chia sẻ với người khác, bạn nhớ đọc kỹ đoạn mà Clarisse nó về sự hòa đồng. Thử một lần bước chậm lại để quan sát con người, các buổi liên hoan trong công ty, sếp của bạn sẽ kể cho bạn một chuyện hài hước vô nghĩa và sau đó bạn sẽ thấy bạn cùng nhiều đồng nghiệp cười thỏa thích cứ như là nó có ý nghĩa lắm. Hoặc khi trò chuyện với bạn bè ở quán cà phê, bạn và họ sẽ nói về các món ăn, quần áo, các doanh nhân thành đạt, một loại ô tô mới nào đó, tất cả chúng có ý nghĩa gì đây? Tôi và Clarisse có thể giả vờ hòa đồng với những con người ấy, nhưng cứ phải sống như vậy thì mệt mỏi quá, thành ra chúng tôi trốn tránh con người, chúng tôi ngắm nhìn thế giới, ngắm nhìn mọi thứ diễn ra từ một góc khuất nào đó.

Montag có một người vợ, cô ấy cũng giống như mọi người, cô say mê các chương trình Tivi trên 3 bức tường lớn của căn nhà, tai cô luôn mang 2 vỏ sò phát ra thứ âm nhạc xập xình, cả ngày cô thả hồn vào các bộ kịch không có nội dung, thứ còn đọng lại sau cùng là có vài nhân vật có cái tên nào đó. Xét cho cùng thì cô không khác chi một chiếc xe máy hoặc con chó máy được lên chương trình điều khiển. Nếu có khác thì các loại máy móc sẽ tự tắt để “nghỉ ngơi” còn cô thì phải dùng thuốc, vì khi các màn hình bị tắt đi thì sự còn lại trong cô chỉ là sự trống rỗng. Hãy nhớ cách mà người ta cấp cứu, 2 cái ống cắm vào dạ dày và mạch máu, nó có giống như cách người ta rửa bình xăng và thay nhớt cho chiếc xe máy đang gặp trục trặc? Người phụ nữ ấy đang sống trong một trạng thái sống và không sống, vì cái cơ thể ấy còn hoạt động nên ta thấy nó sống, nhưng nó chẳng thể hiện bất cứ sự sống đặc trưng riêng nào vốn có nên ta thấy nó không sống. Điều diễn ra với cô có phải là tự tử? Nó không hẳn, nhưng cái cách mà cô đang sống là một hành động tự tử trong vô thức, vì thế cô chẳng nhớ gì, chẳng biết gì về điều cô đã làm.

Nhờ gặp gỡ Carisse mà Montag đã bước chậm lại để ngắm nhìn thế giới xung quanh, cây cỏ giờ không còn là những vệt màu xanh, anh nhìn kỹ người phụ nữ mà anh gọi là vợ, cô ấy không còn đơn thuần là thứ gì đó mang một cái tên hay một vai trò nào đó, anh nghĩ về công việc mà anh đang làm, anh để ý đến con chó máy và cảm nhận được sự run rẩy của sợ hãi khi nghĩ đến vai trò của nó. Anh tự hỏi phải chăng lính phóng hỏa từng có thời là lính cứu hỏa? Benjamin Franklin là người lập ra ngành lính phóng hỏa đầu tiên trên đất nước của anh? Lịch sử mà anh biết đã ghi như thế. Ôi! làm sao chúng ta biết được một thứ lịch sử trái ngược hoàn toàn từng tồn tại nếu không ai cho ta biết? Ta cứ phải tin vào điều mà người ta dạy, điều mà người ta viết, vì ngoài những thứ đó ta còn biết gì hơn, vì tất cả sự thật đã bị đốt thành tro tàn.

…………………..

4 tác phẩm mà tôi chọn cho tháng 8 là rất quan trọng, mỗi tác phẩm đóng một vai trò nền tảng căn bản trong sự hình thành tư duy với người đọc, chúng giúp ta nhìn lại mình và nhìn ra thế giới. Ta sẽ không nhìn thấy gì nếu không biết tự tách mình ra khỏi hoàn cảnh tạo nên chính mình, ta chỉ có thể biết mình đứng đâu trong thế giới nếu có một cái nhìn bao quát toàn diện.

Các bài phân tích tiếp theo của tác phẩm này chỉ đăng trên website, các bạn nhớ đọc sách và theo dõi.

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog  (Facebook) .

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Bình sách 451 Độ F – Ray Bradbury: phần 2, trang 58-99

T4 Th8 28 , 2019
Trong công việc, khi ta làm một điều gì đó mà ta biết sẽ gây đau khổ cho người khác, cách tốt nhất là làm điều đó khi không có mặt họ, hoặc ta sẽ tự nhủ “đó là nhiệm vụ của ta và ta chỉ làm theo lệnh”, hoặc […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese