Review phim Titane: con người sắt thép ở thời đại mới

Titane (2021) là phim đoạt Cành Cọ Vàng, Chí Blog – website duy nhất ở VN chuyên giải mã phim nghệ thuật sẽ giúp bạn hiểu tại sao phim này làm nên thành công tại LHP Cannes 2021, lưu ý rằng bạn vẫn không thể tìm được lời giải kể cả ở các trang nước ngoài, và nếu có thì nó cũng chỉ thể hiện qua những ngôn từ mang tính trừu tượng. IMDb 6.7 , bài viết tiết lộ nội dung phim.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Điện ảnh Pháp trước giờ ít bị giới hạn trong việc sữ dụng “xác thịt” để thể hiện cảm xúc và thông điệp của phim, điều đó tạo nên những tranh cãi đối với truyền thông và công chúng, nhưng cũng nhờ vậy, thứ được truyền tải cũng trở nên chân thật hơn và sâu sắc hơn, vì con người luôn sống trong xác thịt, tuy nhiên khán giả đừng lẫn lộn giữa việc sữ dụng xác thịt như một công cụ nghệ thuật và việc sữ dụng nó nhằm mục đích không trong sáng. Phim này có nhiều cảnh rất táo bạo nhưng những cảnh nude không mang tính gợi dục mà thể hiện sự quái dị của con người.

Cảnh mở đầu là động cơ của chiếc oto đời cũ, mỗi bộ phận của nó được thể hiện một cách rõ ràng, cảnh tiếp theo là người cha cùng con gái đang ở trong xe, ông ta nghe một bản nhạc đồng quê khi đang lái xe, còn đứa bé gái thì liên tục quấy phá. Cảnh này mang ý nghĩa gì? Người cha đang lái xe trên đường cao tốc, bài hát có nhịp độ chậm dễ gây buồn ngủ, nội dung kể về một kẻ lữ hành tìm về với cha và với Jordan – miền đất thiên đường mà Thiên Chúa từng hứa với dân Do Thái.

Xã hội chúng ta đang hướng tới miền đất hứa? Hình như không phải, có vẻ đang hướng đến địa ngục thì đúng hơn. Thứ tác động đến đứa bé gái không phải là bài hát đối lập với hiện thực, nó nhại theo âm thanh vô nghĩa của chiếc xe. Trong xe không có người mẹ, hãy chú ý đến vài trò của phụ nữ trong phim này vì nó rất quan trọng. Sau vụ tai nạn, Alexia – đứa bé gái được thay một phần hộp sọ bằng tấm Titan. Bạn có biết tại sao sau khi ra khỏi bệnh viện thì Alexia lại ôm hôn chiếc xe? Vì chính chiếc xe đã bảo vệ cô bé khỏi cái chết, không phải là cha và cũng chẳng phải mẹ. Hoặc nói cách khác thì bản thân cha mẹ của Alexia cũng không nhận ra hiện thực cuộc sống, thậm chí phim còn lướt nhẹ về vai trò của tôn giáo ngày nay qua bài hát.

Nhiều năm sau, Alexia trở thành người mẫu thời vụ quảng cáo xe, và chiếc xe “của” cô ấy là xe đời cũ. Tại sao là xe đời cũ? Vì sự vững chắc và trọng lượng của nó, nếu xẩy ra một vụ tai nạn, những chiếc siêu xe đời mới sẽ bẹp dúm hoặc bay lên cao như một con diều khi chạy với tốc độ “bàn thờ”, vì chúng được làm từ những vật liệu nhẹ và chỉ đẹp ở cái hình thức bên ngoài, con bản chất của nó thì yếu đuối mong manh. 2 chiếc xe đời cũ và mới là biểu tượng cho hình thái xã hội xưa và nay, và nếu xem tiếp phim, chúng cũng được so sánh với 2 người cha.

Người cha ruột, ông ta là một bác sĩ – thành phần trí thức, ấy vậy mà vẫn không thể nuôi dạy Alexia nên người, khi trưởng thành, Alexia có lối sống buông thả như đa số thanh thiếu niên thời nay, và cô ấy có những hành vi hết sức điên loạn, một kẻ giết người hàng loạt. Việc giết người đó nếu được diễn giải thì nó không phải là một thú vui của bệnh tâm thần, mà là một phương thức tự vệ trước những kiểu tấn công của thời đại mới, sự sa đọa, quấy rối tình dục. Cái trâm cài tóc là thanh kim loại dài trở thành vũ khí giết người, nếu kim loại trong mắt kẻ khác giống như vật trang trí thì đối với Alexia là tấm chắn bảo vệ và vũ khí tự vệ.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Biểu tượng của thời đại mới, cô gái “hippie” và xe, thay cho người đẹp và quái vật

Đó cũng là lý do Alexia thể hiện sự khát khao đối với kim loại, cảnh làm tình với chiếc xe đời cũ, cảnh hôn ngực cô gái trẻ, hoặc làm tình với chiếc xe cứu hỏa đã thể hiện điều đó. Ngoài ra còn một hàm ý khác, nếu nói về tình yêu nam nữ, trong sự phơi bày bản chất, chúng ta có thể nhắc đến câu chuyện cổ tích Người Đẹp Và Quái Vật, nữ giới được so sánh với “người đẹp” – đẹp cả tâm hồn lẫn thể xác, nam giới được so sánh với bản năng loài thú, và cái bản năng đó chỉ biến mất khi được tình yêu của “người đẹp” cảm hóa, đó là chuyện ngày xưa. Còn ngày nay? “tình yêu” đó là câu chuyện giữa một cô gái hippie sa ngã và một chiếc xe, cả 2 đối tượng đã rơi xuống một cấp độ.

Titan là một hợp kim siêu cứng, về mặt vật chất hoặc “thể xác”, tấm Titan bảo vệ bộ não của Alexia được an toàn, còn về mặt tinh thần, nó biến cô ấy trở thành khác loại khi so với những người cùng thế hệ. Xã hội ngày nay là sự kết hợp giữa tả và hữu, giữa tính tập thể và tính cá nhân, nhưng bản chất của cả 2 đều trở nên quái dị, trong tính cá nhân, con người sống trong bản năng thuần túy, trong tính tập thể, con người “được quyền” tự do sa đọa.

Chúng ta có thể so sánh sự tương phản đó qua cách sống và hình thể của thân xác giữa 2 nhóm người, nhón 1 là những người bị Alexia giết chết trong căn nhà, nhóm thứ 2 là những nhân viên cứu hỏa của người cha thứ 2. Cả 2 nhóm đều có đủ các màu da và sắc tộc, một bên có thân thể mục nát và hưởng lạc, bên kia thì thân thể rắn chắc và cứu người. Từ đó chúng ta cũng nhìn thấy được sự tương phản của yếu đuối và mạnh mẽ trong tâm hồn lẫn thể xác.

Kết cục của 2 người cha cũng thể hiện tính nhân quả trong việc nhận ra hiện thực của họ, một người bị con gái ruồng bỏ và đốt chết, một người thì tìm lại được “đứa con” bị mất tích; một người chết trong lửa, một người thì xông vào lửa để cứu người; bác sĩ chỉ có thể cứu người khi người bệnh đến khám và có đủ trang thiết bị cần thiết, cần nhiều thời gian; lính cứu hỏa cứu người trong tình trạng khẩn cấp hoặc ở nơi nguy hiểm; cái thời đại mới đang lao đi với tốc độ “bàn thờ” này cần điều nào hơn?

Đó là lý do mà người cha thứ 2 luôn tìm cách giữ lại sức mạnh của thể xác mặc dù ông ấy đã già, không chỉ như vậy, việc ông ấy luôn tìm kiếm đứa con trai mất tích sau 10 năm, và vẫn sống ở căn nhà cũ có căn phòng và đồ dùng của đứa con đã thể hiện sự mạnh mẽ vô cùng của tinh thần – giống như Titan. Đó là lý do Alexia không bỏ chạy khỏi người cha đó, vì một người cha “mạnh mẽ” như vậy có thể bảo vệ cô ấy khỏi mọi nguy hiểm của thời đại này. Và Alexia đã không chọn sai, người cha thứ 2 đã không rời bỏ cô ấy khi biết cô ấy không phải là đứa con mất tích, không rời bỏ khi thấy sự quái dị về cái bào thai. Lưu ý là xem dạng phim siêu thực thì đừng có quan trọng hóa đó là thật hay tưởng tượng.

Giờ chúng ta nói đến hình tượng người phụ nữ, ở đoạn đầu, Alexia không có mẹ ngồi bên cạnh để bảo vệ, ở cảnh hô hấp nhân tạo, chúng ta thấy hình ảnh một bà mẹ có thân thể còi cọc và tinh thần yếu đuối, ở đoạn gần cuối phim, người mẹ thứ 2 ăn mặc như đàn ông nhưng tinh thần thì yếu đuối, bà ấy đã bỏ chồng sau khi đứa con mất tích, hoặc ở những cô gái khác cũng thể hiện sự yếu đuối của tinh thần và thể xác, do đó đều bị Alexia giết chết.

Chúng ta cũng thấy sự tương phản của 2 bài hát, bài nhạc đồng quê như ru ngủ trong hiện thực đầy rủi ro, còn bài nhạc dance là Macarena sôi động lại giúp Alexia lấy lại bình tỉnh khi cứu người, đó là bản nhạc khiêu vũ trong ranh giới sinh và tử. Trong phim này chỉ có Alexia và người cha thứ 2 nhận ra sự hiểm nguy của thời đại mới, Alexia chống lại nó bằng giết chóc, còn người cha sau thì chống lại nó bằng sức mạnh thể chất và tinh thần, ông ấy đã dạy điều đó cho Alexia, thậm chí ông ấy còn cố ý tạo ra tai nạn chết người để bảo vệ “đứa con”, đoạn chàng trai lính cứu hỏa ôm bình gas đi vào đám cháy.

Những gì tôi vừa phân tích có mới mẻ trong nền văn minh của chúng ta không? Không hề! Ví như câu chuyện Người Đẹp Và Quái Vật, hoặc bạn có thể liên tưởng đến tác phẩm Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã, khi vị “thần” thiện hoặc tình yêu thương hoặc hình tượng người mẹ biến mất, con sói được sống trong văn minh sẽ trở thành con sói đầu đàn của vùng hoang dã.

Phim Titane có gì hơn những bộ phim khác trong hiện tại? Rất nhiều phim trong nền điện ảnh thế giới suốt mấy mươi năm qua đã chỉ ra tính hiện thực sa đọa của thời đại, nhưng phần lớn đều mang trong nó sự thất vọng hoặc tuyệt vọng, những góc nhìn tiêu cực và yếu đuối. Duy chỉ có phim này là thể hiện một sức mạnh vô cùng lớn lao và sự cương quyết không khoan nhượng, một thứ tinh thần thép có độ cứng như Titan, một sức sống vô cùng mãnh liệt.

Điều đó giống như cái bào thai trong bụng Alexia, rất nhiều lần cô ấy tìm cách phá hủy nó, việc cô ấy quấn vải quanh người để giả làm nam giới cũng không thể giết chết nó, vì nó được bảo vệ trong một lớp vỏ Titan, vì thân xác nó là sự kết hợp giữa Titan và xác thịt, sự bền chắc về bản chất mang sự sống chứ không phải một sự thay thế bởi máy móc.  

Phim này chúng ta thấy nhiều về lửa, nó khiến con người chết cháy; nhưng khi cần rửa sạch dơ bẩn và cứu người thì chúng ta thấy nước, nó xuất hiện khi tắm và nó có trong bình cứu hỏa và xe cứu hỏa.

Mặc dù phim hạ thấp hình ảnh nữ giới và đề cao sức mạnh nam giới, nhưng hãy nhớ rằng đạo diễn của phim này là nữ – Julia Ducournau. Nghĩa là nữ giới muốn bình đẳng với nam giới thì nên học lấy ưu điểm của họ chứ không phải là khuyết điểm và vẻ ngoài mang tính bản năng của họ – giống như cảnh Alexia tự đập gãy mũi của chính cô ấy hoặc dùng vải quấn quanh thân; đó mới là sức mạnh thật sự , sức mạnh của trí tuệ, cảm xúc và tinh thần như “Titan”.

Top 250 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Departures: tẩm liệm, cho người chết hay người sống?

CN Th12 12 , 2021
Departures (Người Tiễn Đưa – 2008) là phim chính kịch của Nhật, Chí Blog không thích nói về sự chết, viết bài này vì có quá nhiều thứ đang tồn tại trong sự sống của con người. Sinh tử là chủ đề lớn nhất đối với mỗi chúng ta, chúng […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese