Review phim The Whale: gánh nặng của cuộc đời mất tình yêu

The Whale (2022) là phim tâm lý giành giải Oscar nam chính, phim đậm chất hiện sinh / hiện thực đau khổ mà chúng ta thường thấy từ các triết gia hiện sinh vô thần, bạn có tự hỏi tại sao quan niệm vô thần ngày càng trở nên phổ biến? Tuy vậy, phim cũng cho chúng ta thấy giải pháp của những triết gia này không phải là không có mặt tích cực và chữa lành nhất định, khi mà vai trò tôn giáo ngày nay chưa gánh vác trọn vẹn hoặc đang bỏ rơi hoặc trở thành rào cản cho nhiệm vụ lớn lao này. Thông điệp phim mang tính phổ quát rất cao và sâu nhé các bạn, Chí Blog – “website duy .. gì đó .. nghệ thuật” sẽ cố gắng phân tích trọn vẹn nhất có thể, IMDb 7.8 , bài viết tiết lộ nội dung phim.

Bài review được tài trợ bởi một bạn vừa “cứu tế” Chí Blog sáng nay, nếu lâu quá các bạn không thấy có bài viết mới thì nghĩa là không được ai tài trợ, nói thật là mình không mong muốn một số ít bạn cứ tài trợ hoài, vì nếu làm vậy thì dần dần bạn cảm thấy ghét Chí Blog, mình cũng cảm thấy có lỗi với số ít bạn này, và nếu quá ít người đánh giá cao bài viết thì cũng không thể khiến website tồn tại lâu dài được, nó phải đến từ “hành động thực tế” của nhiều người. Bản thân mình khi viết bài cũng bị áp lực từ kinh tế, gia đình và bạn bè, dạng như “Tao thấy mày viết mấy cái bài đó chẳng ích gì, phí thời gian, sao không bỏ thời gian ra để làm việc khác có ích hơn?”. Vì vậy nếu các bạn thấy bài viết có ích về mặt cuộc sống hoặc công việc thì nhớ tích cực “cứu tế” mình, hiện tại kinh nghiệm của mình đang bước vào giai đoạn sâu hơn là phân tích cấu trúc phim nghệ thuật.

Nhắc lại: các bài viết trên Chí Blog cực kỳ có ích cho những bạn làm việc liên quan nghệ thuật hoặc điện ảnh, đặt biệt ở 2 phần quan trọng nhất: thông điệp và ngôn ngữ điện ảnh, các bạn sẽ thấy chúng được diễn giải theo lối trực quan nhất – đơn giản nhất – dễ hiểu nhất để có thể vận dụng vào công việc của các bạn.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Bộ phim được bắt đầu bằng cảnh một thanh niên bước xuống chiếc xe bus chạy ra từ hướng rừng cây, nơi cậu ấy đến thì nó thế nào? Một nơi cực kỳ trống trải, bên “trái” là hàng cột điện, khoản đất trống bên “phải” có một cây khô sắp chết, “ngôn ngữ điện ảnh” này có hàm ý gì? Xe bus hoặc rừng cây là biểu tượng của xã hội và cộng đồng tính, chàng trai vì lý do gì đó đã rời khỏi nó, hàng cột điện bên “trái” là biểu tượng cho hệ thống mà xã hội đang vận hành, nó mang tính rập khuôn và vô cảm, cây khô đang chết bên “phải” là biểu tượng cho cá nhân tính trong giai đoạn hấp hối.

Cảnh tiếp theo là buổi học online của một giảng viên / thầy hướng dẫn cho những sinh viên làm bài luận, yêu cầu của vị này là bài viết của họ phải rõ ràng và mang tính thuyết phục cao. Chúng ta không thấy mặt vị thầy trên màn hình, nơi đó hiện lên một mảng đen – “bóng tối” đang bao phủ lấy anh ấy; tiếp theo, chúng ta thấy được bộ mặt thật của anh ấy, đó là một gã trung niên béo phị đang xem phim khiêu dâm, nó hoàn toàn trái ngược với những gì có thể tưởng tượng nếu gắn với từ “thầy”, nói cách khác thì qua những diễn biến, phim muốn bóc trần cái hiện thực tàn khốc đang diễn ra trong đời sống chúng ta, chỉ cho chúng ta thấy những thứ khiến con người trở nên như vậy.

Khi chúng ta thấy một người béo phị, hoặc ai đó không có đức tin tôn giáo, hoặc người đó đang sống một cuộc đời tự hủy hoại, chúng ta thường nghĩ rằng họ không ý thức được những gì họ đang làm, nên chúng ta cố gắng thuyết phục họ ngừng việc tự hủy hoại bản thân, điều đó có thể đúng, nhưng trong vài trường hợp thì không, họ ý thức được việc đang làm, và họ vẫn làm vì họ đã đánh mất hoặc bị tước đoạt những thứ khiến đời sống họ trở nên có ý nghĩa.

Nó đúng với trường hợp của Charlie, anh ấy từng có một gia đình hoàn hảo với vợ và con gái, nhưng trong giai đoạn nào đó thì anh ấy chợt biết bản thân là người đồng tính, anh ấy đặt tất cả tình yêu vào người đàn ông nọ, rủi thay, người anh ấy yêu lại chịu quá nhiều sự chi phối từ tôn giáo – mà phần lớn tôn giáo xem tình yêu đồng tính là tội lỗi; mặc dù tôi rất không muốn đứng về phía đối lập với tôn giáo, nhưng không thể phủ nhận rằng có rất nhiều quan điểm vô cùng phi lý, nó hoàn toàn trái với tự nhiên, cái tự nhiên xuất phát từ nhu cầu của thân xác chứ không phải dựa trên số đông hoặc sinh ra từ tư tưởng con người, phần đông con người có tình yêu dị tính thì không có nghĩa rằng số ít người còn lại có tình yêu đồng tính là “bệnh hoạn”, khoa học ngày nay đã chứng minh đồng tính không phải là căn bệnh.

Hoặc khi bạn tìm hiểu về khởi nguồn của Kito giáo, cái yêu thương – bao dung – sự thật – sự sống mới là trọng tâm, như câu nói của Đức Jesus “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống …”, nhưng ngày nay, tôn giáo lại khiến con người bị ám ảnh bởi tội lỗi, sự trừng phạt và sự chết, giống như cái giáo phái (một nhánh nào đó của Tin Lành) trong phim, quan niệm của giáo phái này đặt trọng tâm vào “thiên đường” phía sau sự sống đời này, còn khi nói về đời này thì họ bị ám ảnh bởi sự chết và tận thế, sự phán xét dành cho tội lỗi – thứ tội lỗi phi lý do con người tự nghĩ ra chứ không phải xuất phát từ Thiên Chúa thật.

Cách hiểu kinh thánh theo lối rập khuôn và bảo thủ được sinh ra từ tôn giáo bị thế tục hóa đã giết chết đức tin lẫn sự sống của con người chứ không hề cứu rỗi và mang lại sự sống cho những người theo nó, điển hình là nhân vật “người yêu” đã tự sát của Charlie, anh ta đã không vượt qua được nỗi đau khi phải lựa chọn giữa một bên là tư tưởng bảo thủ của tôn giáo (cũng là của người cha mục sư) còn bên kia là tình yêu dành cho Charlie, vì thế nên anh ấy không thể ăn, anh ấy ngày càng ốm o gầy mòn và cuối cùng dẫn đến việc tự sát. Nếu tôn giáo này bao dung hơn, nó không chỉ có thể cứu rỗi anh ta, mà còn khiến cho Charlie có đức tin, và không làm cho Liz mất đức tin, vì cô ấy là em nuôi của người đàn ông tự sát, cô ấy thấu hiểu nỗi đau của người anh.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Đây là thứ “quái vật” chúng ta tự tạo ra cho nhau rồi sau đó tự lao vào chiến đấu với nó

Bàn rộng hơn, nếu các bạn hiểu nỗi đau của Charlie hoặc của Liz đã trải qua, thì các bạn sẽ hiểu tại sao có rất nhiều triết gia vô thần căm ghét và chống đối tôn giáo đến như vậy. Điều này khiến tôi nhớ đến nhân vật vị giám mục trong tác phẩm Nhà Thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo, ông ấy bị giằng xé giữa tình yêu trần thế và tình yêu dành cho Thiên Chúa, con người không thể sống mà thiếu tình yêu của xác thịt , vì thứ làm nên chúng ta là vật chất và tinh thần, thiếu cái nào cũng không được.

Từ đó cho thấy, Charlie và “người yêu” đã chết của anh ấy mang tính biểu tượng cho một thực thể thống nhất bị tách làm 2, “người yêu” muốn giữ lấy cái tinh thần là tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho Charlie nên anh ta ốm o và tự sát – chết về mặt thân xác, Charlie mất đi người mình yêu thương lẫn niềm tin tôn giáo nên anh ấy béo phì và trong quá trình tự hủy hoại; hoặc nói cách khác, “người yêu” là đại diện cho những người có đức tin thật và tình yêu thật đã không còn hiện diện trong thế giới ngày nay, còn Charlie là đại diện cho loài người đang tồn tại không có đức tin và đã mất đi tình yêu, sự tồn tại của anh ấy chỉ còn ở những thứ như công việc và ăn uống, nếu có điều gì đó còn khiến anh ấy cần kéo dài sự tồn tại đó thì nó là tình yêu dành cho đứa con gái, hoặc trách nhiệm với bạn bè và công việc.

Từ điểm này, chúng ta tiến tới việc liên hệ với quan điểm của những triết gia hiện sinh vô thần, khi mà Thượng Đế “đã chết” và tình yêu không còn tồn tại, thì đời sống là một khổ hình, giống như câu chuyện về Sisyphus phải đẩy tảng đá lên núi rồi nó lại lăn trở xuống, con người phải tự trao cho cái khổ hình đó một ý nghĩa cao quý tự thân, nó được thể hiện qua bài luận của đứa con gái của Charlie khi viết về tác phẩm Moby Dick, như lời của cô bé, cái việc săn cá voi vô cùng nhàm chán nên tác giả đã tạo ra một câu chuyện mang tính phiêu lưu qua cuộc chiến với con Moby Dick là chúa tể biển cả, điều đó khiến cô bé cảm thấy vui vẻ chút đỉnh; đó cũng là lý do mỗi khi sắp lên cơn đau tim thì Charlie phải đọc lại lời đó để có lý do khiến anh ấy muốn tiếp tục sống.

Cái tôi vừa nói hơn siêu hình một tí, nói huỵch tẹt là dạng như chúng ta hiểu cái đời sống này rất khốn nạn, nếu chúng ta cứ nghĩ nó khốn nạn thì chúng ta dễ dẫn đến việc tự sát, mà chúng ta thì không muốn chết, nên chúng ta phải tự lừa dối rằng những việc mình đang làm thì rất là cao quý và có ý nghĩa với mình, đó là kiểu hiện thực chồng lên hiện thực để tiếp tục tồn tại. Tất nhiên quan điểm này quá bi quan, nó thường chỉ diễn ra với những nhân vật chịu nhiều khổ đau như Charlie, còn với chúng ta, nếu cha mẹ bạn yêu thương bạn, bạn biết sự yêu thương đó là có thật, nếu bạn có một người yêu luôn quan tâm bạn, bạn biết tình yêu đó là thật, nếu bạn có một gia đình hạnh phúc, bạn biết hạnh phúc đó là thật, nếu bạn có một đức tin vượt qua những ràng buộc của tôn giáo thế tục, bạn biết Thiên Chúa hoặc Phật hoặc Đấng Sáng Tạo là thật.

Những gì diễn ra với cậu thanh niên rao truyền niềm tin giáo phái cũng vậy, ban đầu chúng ta cứ ngỡ rằng cậu ấy là một người vô cùng sùng kính với đức tin tôn giáo, nhưng đó không phải là sự thật, hoặc nó chỉ là một nửa sự thật, bản thân cậu ấy vướng vào một rắc rối cũng sinh ra từ mâu thuẫn gia đình, rồi việc ăn cắp tiền và bỏ trốn, sau đó vì sợ hãi việc đối diện với hiện thực, sợ bị gia đình và bạn bè ruồng bỏ nên không dám trở về, thế là cậu ấy tự lấy “đức tin” như nhiệm vụ “cao cả” hoặc một cứu cánh để có thể tiếp tục “tiến lên”, cuối cùng thì “nhờ” vào việc “vạch mặt” của con gái Charlie nên cậu ấy được trở về nhà, vì đối với những người thân của cậu ấy thì cái “lỗi lầm” đó không lớn, nó chỉ là vấn đề “tiền”; ngay chính tại điểm này, bộ phim cũng vạch mặt cái mà chúng ta bị ám ảnh thứ bị gọi là “tội lỗi”, đôi khi nó chả quan trọng khỉ gì cả, nhưng vì chúng ta quá “coi trọng” nó, chúng ta sợ hãi cùng cực, và thế là chúng ta lạc lối đến nỗi không đường về.

Hoặc chuyện con gái Charlie vạch mặt cậu thanh niên, phải chăng cô bé làm thế là có ý tốt muốn giúp cậu ta? Hoặc chuyện vợ của Charlie đã mắng “người yêu” của Charlie khi anh ta đứng bên cầu trước khi tự sát với mục đích là khiến anh ta bỏ ý định tự sát và trở về nhà? Không hẳn! Dù có thể nó chỉ là 1 phần rất nhỏ trong đó, sự thật là đứa con gái chỉ muốn vạch mặt cái dối trá của tất cả mọi người mà cô bé biết, nhưng không ngờ rằng điều cô bé làm lại mang đến kết quả tốt đẹp; còn về chuyện người vợ, cô ấy mắng “người yêu” của Charlie vì ghen tuông, tất nhiên là phần nào đó trong vô thức thì cô ấy cũng nhận ra anh ta đang muốn tự sát nên khiến anh ấy có ý nghĩ về nhà.

Cái sự diễn giải của Charlie về điều họ làm cũng là cách mà những triết gia vô thần đã làm – cho nên tôi mới nói là nó cũng có mặt tích cực và tính chữa lành; ngoài ra thì với những gì chúng ta đã thấy trong phim, không ai thật sự là người xấu, người vợ mặc dù “hận” Charlie vì đã bỏ rơi cô ấy, nhưng cô ấy vẫn quan tâm và yêu Charlie, đứa con gái cũng vậy, ban đầu chúng ta nghĩ là họ chỉ quan tâm đến tiền tích góp của anh ấy, nhưng đến cuối phim thì đâu phải vậy, tất cả những bi kịch đó sinh ra chỉ vì con người không dám đối mặt với sự thật, sợ phải đối mặt với “tội lỗi” bị cái tư tưởng xã hội bảo thủ và vô cảm nâng cấp, sự thật là nếu con người chỉ cần tồn tại chút tình yêu thôi thì “lỗi lầm” đó không là gì cả.

Cái thứ bi kịch mang nguồn gốc xàm xí thế này chúng ta thấy nhiều lắm trong cuộc sống, sự tẩy chay của cộng đồng khiến cho một người mẫu ở Hàn phải tự sát, một sự phản đối về chuyện tình cảm từ gia đình khiến con cái tự sát, sự bất đồng tư tưởng khiến cả thế giới chia thành 2 phe lao vào giết nhau, vài sự lý giải sai lầm trong tôn giáo khiến cho thế giới sống trong dốt nát hơn chục thế kỷ, chỉ với sự thỏa mãn nhất thời của xác thịt mà khoa học mang lại thì loài người đã tôn vinh khoa học như thần và nhanh loại bỏ những nền tảng tạo nên bản chất con người, hãy nhìn thân hình béo phị và phương thức tự hủy hoại của Charlie khi anh ấy không còn tình yêu.

Những gì tôi viết trong bài review này rất dễ bị hiểu là cảm nhận cá nhân, sự thật thì nó là “ngôn ngữ điện ảnh”, từ hình thể của Charlie, từ những lời thoại của các nhân vật, từ câu chuyện của họ, tất cả liên kết chặt chẻ với nhau để truyền tải thông điệp về hiện thực xã hội và tính hiện sinh của nó; hoặc về hình thể của nhân vật Liz, cô ấy nhỏ bé nhưng tinh thần của cô ấy mạnh mẽ nhất trong phim, trong khi Charlie “to lớn” nhưng tâm hồn vô cùng “yếu đuối” – nhạy cảm – nữ tính, đó cũng là lý do anh ấy được gán cho hoàn cảnh là người đồng tính, cái “đồng tính” cũng không hẳn thật sự phản ánh một cá nhân đồng tính, mà là cái cảm xúc thuộc về cá nhân tính nằm bên trong mỗi người chúng ta, nó mang tính ẩn dụ và trừu tượng.

Hoặc nhìn căn nhà của Charlie, nó đầy ắp thức ăn, nhưng cái thứ mà anh ấy tích trữ lại là nguyên nhân giết anh ấy, thức ăn dành cho kẻ hấp hối, trong khi cậu thanh niên đầy nhiệt huyết muốn làm điều tốt cho xã hội thì không được gia đình ủng hộ và không một xu dính túi, phải ăn cắp tiền của người khác, còn cô con gái của Charlie luôn phá phách và không có lý tưởng gì lại được người cha để lại một khoản tiết kiệm lớn, bạn có thấy sự phi lý của đời sống? Mong rằng những ý nghĩ tốt đẹp mà Charlie dành cho cô bé khiến cô ấy sống tốt hơn và “tin” rằng bản thân không phải người xấu hay kẻ ăn tàn phá hại.

Tựa phim là The Whale (cá voi), loài người tự biến thân xác họ thành những con “cá voi” – một thứ cá voi trên bờ, ăn vô tội vạ; hoặc đó chính là biểu tượng con Moby Dick mà vị thuyền trưởng phải chiến đấu để thấy cuộc đời của ông ta có ý nghĩa nào đó; hoặc đó là giống loài thân xác to lớn nhưng tính tình hiền hòa, những thổn thức và “tiếng nói” của nó như điệu nhạc siêu âm không thể nghe thấy bằng đôi tai trần tục – liên kết với cảnh cuối khi Charlie thấy bản thân đứng trước bờ biển và bay lên, đó là sự tự do thoát khỏi những trói buộc và gánh nặng của cuộc đời, thứ gánh nặng chúng ta tự tạo ra cho nhau.

Tôi nghĩ phân tích đến đây là đã đủ, xét cho cùng thì phim này thuần tâm lý hơn nghệ thuật, nếu là một phim thuần nghệ thuật, tôi sẽ cho các bạn thấy một cách trực quan hơn, chúng vô cùng thú vị trong cách mà đạo diễn sắp đặt bối cảnh phim.

Để có thêm bài viết chuyên sâu:

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Một số phim cùng chủ đề:

Đứa Con Của Rosemary – Rosemary’s Baby (1968): thế giới không đức tin

Review phim Burning (2018): một xã hội té giếng

Review phim Aftersun (2022): tự do không nơi chốn

Review phim White noise (2022): tạp âm của nỗi sợ – chết

Review phim Belle (2021): khi linh hồn cất tiếng ca

Review phim Crimes Of The Future: chúng ta sẽ tiến hóa thành cây

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Chị Chị Em Em 2: Sống lâu lên tú bà

T2 Th3 27 , 2023
Chê ít: Phim có nội dung đơn giản, thuần giải trí, hình thức chưa đột phá, vẫn còn ở ngưỡng “kịch”, chưa thật sự bước qua “chất” điện ảnh nên sẽ khó đi xa để bước vào thị trường quốc tế. Phim vẫn còn tồn tại một số câu thoại […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese