Review phim The Professor And The Madman: nếu yêu … thì sao?

The Professor And The Madman (Giáo Sư Và Kẻ Điên – 2019) là một trong những phim tiểu sử xuất sắc nhất mà tôi từng xem, tôi khá khó tính với thể loại này, nhưng đây là bộ phim chỉ mượn ‘tiểu sử’ để tả về bản chất con người nói chung. Đôi khi phải viết quá nhiều từ ‘bản chất’ trong những bài review đến nỗi tôi cảm thấy nhàm, nhưng mọi thứ chỉ thật sự có giá trị khi gắn kết với 2 từ đó, biết làm cách nào bây giờ?! Để có thể hiểu hết và viết ra hết những ý nghĩa của phim này thì tương đối khó khăn, vì những gì được đề cập là rất cao thâm, tôi chỉ có thể tả để bạn đọc hình dung đại khái, còn phân tích kỹ hơn thì ngoài khả năng. IMDb 7.3

Phim kể về một giáo sư tên James Murray và một người điên tên William Chester Minor, tuy rằng James không có học vị nhưng kiến thức của ông ‘rất khủng’, chính vì vậy James được các giáo sư của đại học Oxford chọn là người chủ trì để xây dựng bộ tự điển tiếng Anh; còn William là một bác sĩ người Mỹ bị tâm thần và đã giết người. Xem phim nếu bạn muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.

Ý nghĩa phim

Để thật sự hiểu ý nghĩa phim thì chúng ta cần hiểu đại khái về việc sản xuất ra được một quyển tự điển là một công trình lớn lao và khó khăn đến mức nào, đó không phải chuyện vài ba vị giáo sư tập hợp lại rồi soạn thảo là xong – chuyện này có thể xẩy ra ở ‘nước nào đó’ chứ đối với nước Anh thì khác. Công trình này sẽ giống với lời của James khi nói trước hội đồng các giáo sư, tức nó có phần tương đồng với một vị giáo sư cần 100 kiếp để hoàn thành, hoặc 100 vị giáo sư tập hợp lại để hoàn thành nó trong 5-7 năm, và giáo sư ở đây là giáo sư tầm cỡ đại học danh tiếng (như Oxford – nói thêm cái này để mọi người có cái nhìn chính xác hen, vì chúng ta rất dễ ‘đánh đồng’). Thực chất có bao nhiêu giáo sư tham gia trong công trình này thì chúng ta không biết, và chi tiết đó cũng không quan trọng.

Điều cốt lõi nhất cần hiểu là tự điển sẽ là nơi chuẩn mực nhất giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của một từ trong tất cả các hình thái mà nó được dùng, mỗi hình thái sẽ được trích dẫn từ một câu nào đó trong một quyển sách nổi tiếng hoặc của tác giả nổi tiếng. Nước Anh khi đó là một quốc gia có thuộc địa chiếm 1/4 thế giới, sẽ tồn tại bao nhiêu từ cũ ở những thế kỷ trước, và có bao nhiêu từ mới với nghĩa mới đang phát sinh? Bao nhiêu đó đủ thấy tính đồ sộ và giá trị của công trình này, và vì thế James cần sự giúp đỡ của vô số người trên khắp thế giới chứ không riêng gì ở nước Anh. Nếu các bạn muốn biết sự cách biệt về tri thức và nhận thức của chúng ta đối với phương Tây xa cỡ nào, thì chú ý kỹ đoạn James giới thiệu về kiến thức của ông ấy, tôi nghĩ mỗi trường đại học của ‘người ta’ có vài vị thuộc tầm đó, và cũng có những người có kiến thức như vậy (do tự học) nhưng không có học vị hoặc học hàm.

Trở lại phim, không khó để nhận ra William bị điên có thể do sự chấn thương tâm lý từ cuộc chiến trong quá khứ, kẻ mà ông ấy đang bị ám ảnh là một người lính đào ngũ, William đã đóng con dấu nung đỏ vào mặt người lính đó, và vì sự ám ảnh mà ông ấy đã giết nhầm người, gây ra khổ đau cho một gia đình vô tội. Xét theo lẽ thông thường chuyện đào ngũ là ‘có tội’ đối với luật nhà binh và trong chiến tranh, nhưng xét trên phương diện con người, mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn lý tưởng của họ, cái thứ luật lệ hoặc cái gọi là ‘tội lỗi’ đó chỉ là sự áp đặt của xã hội – để duy trì sự tồn tại của nó, có lẽ đối với nhiều người thì việc làm của William là điều hiển nhiên và dễ thông cảm, nhưng nếu lấy lương tâm (và sự hiểu biết) mà xét thì việc làm đó là khó có thể tha thứ, vì nạn nhân (người lính) sẽ phải sống trọn đời với sự ô nhục trên mặt – điều lẽ ra không nên có. Sự hối hận vì việc đã làm khiến William trở nên điên loạn, và để thoát khỏi nó, ông ấy tiếp tục phạm vào một tội ác khác.

Có thể xem sự điên loạn của William là biểu tượng cho sự điên loạn trong bản chất con người. Vậy làm cách nào để chữa khỏi thứ điên loạn này? Bộ phim đã cho chúng ta thấy, sự trốn tránh hoặc tìm cách tiêu diệt nó đều là vô nghĩa, chỉ có một cách duy nhất, đó là chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra. Nói theo cách khác, trốn khỏi bóng tối không phải là càng chui sâu vào nó, mà là tìm thấy ánh sáng để bóng tối bị xua tan, William chỉ thoát khỏi điên loạn từ khi tham gia vào công trình soạn thảo tự điển, khi ông ấy đọc sách.

Loài người chúng ta gồm 2 nửa, tỉnh và điên, chỉ có ánh sáng (sách trên tay) mới xích (dưới chân) lại sự điên loạn đó

Sách là nơi mang lại nguồn sáng cho tâm hồn, khi William là một người lính, ông ấy có thể được xem là ‘bình thường’, nhưng theo nghĩa nào đó thì ông ấy đang sống trong sự điên loạn của loài người, trong việc giết nhầm thì ông ấy sống trong sự điên loạn mang tính cá nhân, chỉ từ khi soạn tự điển thì ông ấy mới thoát khỏi 2 sự điên loạn đó, chính vì vậy mà ông ấy mang lại ấm no cho một gia đình bằng sự chuộc tội, biến một người phụ nữ dốt nát thành có học thức, và cuối cùng thì cô ấy đã yêu và tha thứ cho ông ấy.

Giờ chúng ta hãy nhìn về phía James, ông ấy là biểu tượng cho khả năng của con người, James có một cuộc sống gia đình trọn vẹn và hạnh phúc, tuy nghỉ học từ năm 14 tuổi nhưng nhờ vào tự học mà kiến thức của ông ấy khiến các vị giáo sư khác phải kính nể. Sau đó hãy nhìn vào William để hiểu khi một con người thoát khỏi sự điên loạn thì mang đến bao nhiêu lợi ích cho cuộc sống, và cả khả năng nữa. Nhưng để William nói riêng và con người nói chung, thoát khỏi sự điên loạn thì rất cần những con người như James, như vị giáo sư ủng hộ James, như vị quản nhà tù tâm thần, những lính gác, hoặc nền tư pháp khá hoàn hảo của nước Anh (phải kể đến cái này nhé các bạn), hoặc những công trình mang lại ánh sáng như quyển tự điển.Trong một góc nhìn khác, quyển tự điển là biểu tượng cho văn minh nhân loại, nó chỉ được hoàn thành nhờ vào 2 thành phần, thứ nhất là James – mặt tốt của con người, ông ấy xúc tiến những điều tiến bộ; thứ hai là William – một con người điên muốn thoát khỏi sự điên loạn đó, vì chỉ những ai sống trong bóng tối mới hiểu sự quý giá của ánh sáng.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Lương tâm William chỉ được thanh thản khi ông ấy đang trong quá trình chuộc tội, nhưng nếu tội lỗi đó được tha thứ và được xem như việc chuộc tội đã hoàn tất thì sao? Đó là vấn đề cho những hành động của William ở những đoạn cuối của phim, ông ấy nghĩ rằng ông ấy chưa hoàn thành sự chuộc tội đó, những việc ông ấy làm còn quá ít so với tội lỗi gây ra, nếu sự chuộc tội được xem là hoàn thành thì ông ấy sẽ đánh mất cơ hội để tiếp tục; đó là điều William đã chia sẻ với James, William muốn tiếp tục chuộc tội nên phải giả điên, để trở thành không có bằng hữu, không được yêu thương và không được tha thứ, vì điều đó chưa xứng đáng, William cảm thấy bản thân không xứng đáng với hạnh phúc đó. Một việc khác nữa, khi William khiến người vợ góa của nạn nhân yêu mình, ông nghĩ rằng bản thân đã đoạt mất ‘vợ’ của một người chết, và xem đó là một tội lỗi. “Nếu yêu … thì sao?” là câu hỏi mà người vợ góa đã đặt ra cho William.

Những suy nghĩ của William ở trên mà tôi đề cập, tức nếu yêu … thì mất cơ hội để tiếp tục chuộc tội, đó là suy nghĩ thông thường của con người, chính xác hơn là của lý trí (đàn ông), nghĩa là “nợ một Pound thì phải trả cho đúng một Pound” mới được gọi là công bằng, trong bài khác tôi có nói, giờ nói lại, sự công bằng theo cách đó xuất phát từ kinh thánh trong đạo Do Thái, và nó trở nên nổi tiếng nhờ một câu nói khác trong vở hài kịch của Shakespeare, nghĩa là hiểu sự công bằng theo kiểu máy móc rập khuôn; nhưng ở cuối phim câu trả lời của người vợ góa lại khác, đó là “Nếu yêu … thì yêu (lại)“, vì chỉ có sự đáp lại tình yêu mới xứng đáng với tình yêu và sự tha thứ mà ‘ai đó’ đã dành cho chúng ta, đó là quan điểm của cảm xúc (phụ nữ). Bàn sâu hơn, điều này cũng phản ảnh sự khác biệt trong cách nhìn Thiên Chúa của đạo Do Thái (cựu ước) và của Kito giáo (tân ước), điều trước có phần cứng nhắc, điều sau mang tính vị tha. Nhờ câu trả lời của người vợ góa mà William thoát khỏi bóng tối lần thứ 2.

Một số vấn đề khác

Việc William rơi vào bóng tối lần thứ 2 bắt nguồn từ hành động của đứa con gái lớn của người vợ góa, trong khi những đứa bé khác ít tuổi hơn thì không như vậy, điều này cho thấy rằng, khi con người càng nhiều tuổi thì càng khó học được sự tha thứ và trong tâm hồn tích lũy càng nhiều thù hận, và càng như thế thì thế giới này càng tối tăm hơn mà thôi; nhưng khi con người hiểu ra sự hối hận là chân thật, nỗi đau cũng chân thật, thì họ sẽ học được cách tha thứ, trọng tâm vẫn là ‘hiểu’.

Việc William rơi vào bóng tối lần 2 cũng tương đồng với những cản trở mà những kẻ hám lợi trong trường đại học đã tạo ra đối với việc hoàn thành cuốn tự điển, điều này cho chúng ta hiểu rằng bóng tối luôn ở khắp nơi và nó luôn luôn có thể quay trở lại lần nữa nếu con người không sáng suốt hoặc không mạnh mẽ đấu tranh. Tuy nhiên, như vị giáo sư ủng hộ James đã nói, nếu cái hệ thống xã hội (ví như nước Anh) không tôn trọng những luật lệ do nó đặt ra thì nó sẽ sụp đổ; một mặt, những kẻ hám lợi lợi dụng luật lệ để tư lợi, mặt khác, có những luật lệ dùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người, đó là vì hệ thống xã hội của loài người chưa thật sự hoàn hảo, nó có mặt tối, nhưng quan trọng hơn, nó phải tồn tại mặt sáng thì mới tồn tại được.

Về mặt nhận thức hoặc tầm tri thức, nhiều người sẽ khó hiểu khi James và William chơi trò nói ‘từ’, cái trò chơi đó sẽ không đơn giản chỉ là xem ai biết được nhiều ‘từ’, mà nó liên quan đến tri thức, ví như ‘từ’ mà James nói ra là ‘từ’ nằm phía sau ‘từ’ mà William nói, nghĩa là James đã bỏ sót ‘từ’ đó, giống như sau số ‘2’ là số ‘3’ nhưng James lại nói số ‘4’, James bỏ sót số ‘3’ nên ông ấy thua, cái ‘từ’ mà William nói nó nằm trong một cuốn sách xuất phát từ Ấn Độ. Hoặc trước đó khi gặp lần đầu, những ‘từ’ mà họ nói với nhau nó bao hàm toàn bộ ý nghĩa nằm trong đó, tức có liên quan biết bao hình thái và biết bao câu nói hoặc cuốn sách; hoặc giống như từ ‘Art’, nghĩa đơn thuần mà chúng ta hiểu là ‘nghệ thuật’, nhưng nghệ thuật thì vô cùng trừu tượng và biến ảo, vì thế từ này đã gây khó khăn cho nhóm của James trong một thời gian dài.

Bạn có nhớ đoạn khi William mới đến nhà tù và điên loạn tự cào cấu mặt và đầu, sau đó vị quản ngục kiểm tra vết thương và phụ tá ghi lại các con số? Vị quản ngục đó là một bác sĩ chuyên về tâm thần, những việc ông ta làm là tiên phong cho y khoa hiện đại về thần kinh đấy, nghĩa là khi con người gặp ảo giác thì sẽ cào cấu vào vị trí nào, nỗi nơi trong não sẽ có một chức năng chuyên biệt. Những điều mà con người có thể nghiêng cứu và học hỏi thì luôn có ở khắp nơi, kể cả từ những kẻ điên loạn.

Một công trình có thể bị cản trở và ngừng lại, nhưng đó cũng không phải là chuyện mà ‘ai đó’ có thể tự hoàn thành, chúng ta chỉ cần cố hết sức trong khả năng là được, vì tựu chung dòng lịch sử vẫn còn tiếp diễn và phát triển.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

………………………..

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Nhà Tù Shawshank – The Shawshank Redemption: Sự cứu rỗi nằm ở đâu?

Kim Cương Trong Đá – Uncut Gems (2019): cuộc sống là hỗn độn

Một Thời Ở Anatolia – Once Upon a Time in Anatolia (2011): ánh sáng thiên thần trong đêm

Cô Gái Gián Đoạn – Girl Interrupted (1999): chúng ta điên hay tỉnh?

Một Tâm Hồn Đẹp – A Beautiful Mind (2001): vượt lên số phận 

Cuộc Đời Của Andrey Rublyov – Andrei Rublev (1966): một trong những phim hay nhất mọi thời đại

Vẻ Đẹp Mỹ – American Beauty: vũ điệu cơn gió xoáy

Người Soát Vé – Kontroll (2003): đợi chờ nàng Thỏ thiên thần

Cây Đời – The Tree of Life (2011): biết ơn và oán trách

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review ý nghĩa phim Misery: khi con người yêu hạnh phúc 3 xu

T6 Th8 21 , 2020
Misery (Nữ Anh Hùng Misery – 1990) là phim kinh dị tâm lý được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Stephen King, tính ra thì Chí Blog đã viết review cho 7 phim của nhà văn này, và đây là bài thứ 8. Nếu bạn muốn biết nội […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese