The Nun 2 là phim kinh dị – tôn giáo thuộc tầm trung, thua xa The Empty Man hoặc The Unholy nhưng cũng khá thú vị về thông điệp, nên Chí Blog – “website duy nhất VN giải mã phim kinh dị” sẽ phân tích bộ phim này, và tất nhiên, như mọi khi, tôi phân tích ý nghĩa và cấu trúc của nó, khác hoàn toàn với những review đang có đầy trên mạng. IMDb 6.0 ,bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Nếu bạn muốn tìm hiểu về con quỷ Valak thì nên đọc các bài của người khác, còn trong bài này thì tôi chỉ ra con quỷ có hình ảnh nữ tu mang ý nghĩa gì và vai trò gì trong phim, vì vậy trước tiên sẽ đánh một vòng lớn liên quan đến tôn giáo – Kito giáo. Theo các bạn thì phải chăng Đức Jesus chỉ có 12 tông đồ và tất cả đều là nam giới? Không phải đâu, sự thật thì đi theo Ngài còn có phụ nữ nữa, chỉ là phần lớn văn minh mà chúng ta biết và được ghi lại thì thuộc về nam giới. Nếu tôi nhớ không lầm, sau khi Đức Jesus sống lại thì người nhận được tin đầu tiên (từ thiên thần) là phụ nữ chứ không phải các nam đồ đệ, còn về đức tin thì phụ nữ vượt xa nam giới.
Ban đầu hội thánh còn chưa có chuyện các linh mục thì không có vợ, có rất nhiều “mục vụ” đi khắp nơi truyền bá “tin mừng”, sau khi được “bề trên” giao phó có thể làm “bí tích thánh thể” phần lớn là người bình thường, lúc này mới nẩy sinh một số vấn đề, nếu các “mục vụ” có gia đình thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ công và tư, vì vậy sau này mới có chuyện nếu muốn trở thành “mục vụ” thì phải dâng hiến cả cuộc đời cho Thiên Chúa và không lấy vợ, việc này cũng ứng với câu Đức Jesus từng nói “Ai muốn theo thầy, phải từ bỏ chính mình (mọi thứ), vác thập giá mình hằng ngày mà theo” – nên hiểu câu này theo ý chứ không phải lời, từ bỏ chính mình / mọi thứ là từ bỏ những ham muốn ích kỷ, vì khi có gia đình thì sẽ có ràng buộc và xiềng xích, nó sẽ trở thành lực cản trên con đường phục vụ cộng đồng, nghĩa là nếu những mối quan hệ khác không phải là cản trở thì cũng không sao, giống như nhiều linh mục thuộc về Tin Lành, họ vẫn có một gia đình đạo đức vừa làm “mục vụ” tốt.
Trong giáo hội Công Giáo La Mã, nếu có nam giới chịu khấn trọn đời (không lấy vợ) để làm linh mục thì cũng có nữ giới tự nguyện trở thành nữ tu, nếu nam giới là biểu tượng cho các môn đệ hoặc Đức Jesus thì nữ giới cũng là biểu tượng cho các “môn đệ” là nữ giới từng đi theo Ngài hoặc của Mẹ Maria, dù là linh mục hoặc nữ tu thì điều cốt lõi nhất vẫn là phục vụ – tình yêu – đức tin. Sau khi Công Giáo phát triển lớn mạnh thì một vấn đề mới nẩy sinh, đó là quyền lực của tôn giáo có thể tác động lên thế tục, thiết nghĩ nếu tôn giáo với những quan niệm tốt có thể tác động lên thế tục thì nó sẽ tạo ra một xã hội tốt, tuy nhiên đó cũng chỉ là ý nghĩ mang tính lý tưởng, thực tế thì nó mang tính 2 chiều, tôn giáo khiến cho xã hội tốt hơn nhưng xã hội cũng khiến cho tôn giáo bị biến chất. Điều này Đức Jesus cũng từng cảnh báo qua câu nói “của Caesar, trả về Caesar, của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” với các tư tế của đạo Do Thái. Sau khi tham gia quyền lực thế tục, giáo hội Công Giáo có mặt tốt lẫn mặt xấu, một trong những mặt xấu đó là trở nên bảo thủ và giáo điều, dùng “tội lỗi” và sự “trừng phạt” để khiến cho giáo dân phải kinh sợ mà nghe theo, tình yêu héo tàn, quyền cao chức trọng dễ khiến con người sa ngã dẫn đến mất đức tin.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Vậy nếu một nữ tu bảo thủ – giáo điều – cay nghiệt – không tình yêu – không đức tin thì liệu có còn là một nữ tu? Có còn là biểu tượng của nữ môn đệ Đức Jesus hoặc Mẹ Maria? Tất nhiên là không, họ trở thành biểu tượng của một con quỷ mặc áo nữ tu. Các bạn có thể tìm thấy mặt xấu này trong khá nhiều tác phẩm văn học châu Âu thời phục hưng hoặc sau đó, đặt biệt là văn học Anh, và nước Anh cũng là nơi đầu tiên nổ ra sự ly khai khỏi Công Giáo và hình thành các nhánh thuộc về Tin Lành. Bởi vì tôn giáo lấy sự trừng phạt đối với tội lỗi làm trọng tâm, nên mới nẩy sinh vấn đề tiếp theo, đó là trường bán / nội trú cho học sinh cũng bị phân đôi, là trường nam và trường nữ, trước 1975 thì miền nam có khá nhiều loại trường này, phần lớn là trường do giáo hội Công Giáo mở ra. Nên hiểu rằng không phải nữ tu nào cũng bảo thủ và cay nghiệt, các giáo viên của trường nam và trường nữ cũng thế, chỉ là có mặt xấu tồn tại nên sẽ bị phê phán.
Như vậy con quỷ đội lốp nữ tu là biểu tượng cho những tác động xấu lên các dòng tu nữ hoặc các trường nữ như trong phim – một trường nữ đã đánh mất cái nền tảng tôn giáo là đức tin và tình yêu, nó được thể hiện qua bối cảnh căn phòng bị khóa mà phía trong căn phòng đó là các tượng của Mẹ Maria và các biểu tượng khác của Công Giáo bị xem như rác rưởi, hoặc giữa sân trường còn sót lại bức tượng Mẹ Maria bồng Đức Jesus hài đồng bị tàn phá mà không ai tu bổ, một trường nữ đã đánh mất nữ tính, cho nên mới có chuyện các nữ sinh khác hùa nhau bắt nạt cô bé Sophie, ganh ghét khi cô bé được Maurice quan tâm như con của anh ấy, tôi dùng từ “như con” để bạn đọc đừng có những ý nghĩ “vặn vẹo” nhé, vì sự quan tâm của Maurice là cực kỳ trong sáng.
Sau 2 bộ phim The Empty Man và The Unholy, giờ đến bộ phim này, sao khán giả dễ bị đạo diễn lừa và dễ tin đến vậy, không phải Maurice có dấu thập giá trên cổ nghĩa là anh ấy bị con quỷ nhập và trở thành nhân vật tà ác, nó chỉ thể hiện anh ấy là mục tiêu mà con quỷ muốn hủy hoại thôi, đừng nhìn vào những thông tin mà bộ phim cho chúng ta biết, mà hãy nhìn vào những việc anh ấy đã làm, thế anh ấy đã làm gì? Maurice trồng cây cho khu vườn của trường học, anh ấy quan tâm Sophie như con gái, bảo vệ cô bé khi bị bạn bè bắt nạn, trò chuyện với cô bé như một người bạn, giúp cô bé cảm nhận như có được một gia đình có đủ cha và mẹ, cho nên Maurice không phải bị “quỷ ám” mà là bị “thiên thần ám” (haha). Thế anh ấy bị “quỷ ám” lúc nào nhỉ? Chính ngay lúc nữ tu Irene chỉ vào anh ấy và bảo 2 mẹ con Sophie tránh xa anh ấy vì anh ấy bị quỷ ám, và anh ấy cũng tin là bản thân bị quỷ ám.
Đến đây thì chúng ta cũng nên đặt câu hỏi là ai mới thật sự bị quỷ ám, là Irene hay Maurice? Ồ tất nhiên là các bạn không nghĩ rằng đó là Irene rồi, vì cô ấy là nữ tu, xinh đẹp và trong trắng. Trong khi Maurice có những biểu hiện vô cùng kỳ quặc, ví như anh ấy mộng du đi vào trường nội trú ban đêm – thật ra thì vô thức của anh ta muốn cứu Sophie khỏi ngôi trường hắc ám đó. Còn về những cái chết, cô gái giao hàng – nữ tính cô ấy đã bị giết chết khi cô ấy ăn mặc như đàn ông, bà hiệu trưởng – bà ấy trở thành một người khắc nghiệt, những nữ sinh khác bị con quỷ đuổi theo – họ đã bắt nạt Sophie, vị linh mục – ông ta đã mất đức tin, vì nếu còn đức tin thì không con quỷ nào có quyền lực đủ mạnh để giết chết một linh mục.
Điều làm tôi buồn cười khi xem phim này là đoạn các nữ sinh và nữ tu chơi trò trốn tìm với “con quỷ”, bạn có thể trốn khỏi con quỷ khi nó tìm đến bạn? Trong phần 1, bà nữ tu đầu tiên bị giết khi cầm xâu chuỗi, tiếp theo là bà nữ tu thắt cổ – bảo rằng thắt cổ thể hiện sự “hy sinh” là tầm bậy nhé, đặt biệt đối với Kito giáo, tự sát để con quỷ nhập vào mình không thể thoát ra ngoài? Nội cái chuyện để bản thân bị quỷ ám đã thể hiện người đó tin quỷ nhiều hơn tin vào Thiên Chúa rồi, và cũng vì tin quỷ nên mới thắt cổ tự sát, chi tiết kiểu này cũng có trong The Unholy đấy – khi vị linh mục tự sát, ông ta mất đức tin và bị quỷ ám. Irene đã giữ cái xâu chuỗi đó, à! Vị linh mục bị thiêu cháy cũng giữ xâu chuỗi đó, vậy tại sao Irene không bị thiêu cháy? Vì cô ấy từng có mẹ, và cô ấy tin vào người mẹ, đơn giản vậy thôi.
Thêm một chi tiết mà biên kịch chơi khâm khán giả nữa là việc hóa rượu thành máu Đức Jesus để thiêu chết con quỷ, ặc! Những bức tượng thánh bị xem như rác là quá lắm rồi, sau “bí tích” của Irene và người bạn nữ tu không có đức tin hoặc chỉ có “đức tin” khi thấy quỷ, rượu đã hóa thành “máu Đức Jesus” và thiêu rụi cả căn phòng cùng với các bức tượng, vậy là xong, chẳng còn lại gì thuộc về tôn giáo, máu của Đức Jesus đâu có đốt được, chỉ có rượu mới bốc cháy thôi, và cái con mắt mà cô ấy tìm được là do bức tượng “con dê” chỉ ra, mà “con dê” là biểu tượng của quỷ Satang á! Quỷ sống trong hỏa ngục thì lửa nào đốt chết nó?! bạn có biết diệt quỷ bằng cách nào không? Hãy nghĩ về tình yêu thương, khi tình yêu đầy trong tim và tâm trí bạn thì hãy hôn nó, bảo đảm trước khi bị bạn hôn thì nó kinh hoàng vắt chân lên cổ chạy thẳng về hỏa ngục để trốn. Tóm lại là muốn diệt quỷ không phải dùng súng bắn nó hay lửa thiêu nó, mà là mang tình yêu và sự sống ra để đuổi nó đi.
Có lẽ bài viết đến đây là đủ hen, bạn có thể nghĩ tôi nói nhảm và không tin, tùy bạn thôi. Cảm ơn bạn đã đọc bài và nhớ mời “cà phê” cho Chí Blog để có thêm nhiều bài review thú vị khác nữa nhé. Có dẫn link 2 bộ phim kinh dị trong bài và vài phim kinh dị khác ở phía dưới, nhớ đọc để hiểu thêm.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức
Review phim The Empty Man: thêm lần nữa, khán giả bị lừa
Review phim The Dark And The Wicked: tình yêu và sự chết
Review Phim Cure (1997): Khi con người bị cột chéo tay chân
Review phim Decision To Leave: khi xã hội muốn tự sát
Review phim GAIA: “Abraham” của thời đại mới – sự thối rữa
Review ý nghĩa phim Midsommar: bóng tối giữa bông hoa
Review phân tích sâu phim 1408: nỗi đau – oán hận – địa ngục
Review phim The Unholy: phép màu trong thế giới không đức tin