Tôi ít xem phim Hàn nhưng The Glory đã làm tôi phẫn nộ và khóc, điều này rất khó xẩy ra với Chí Blog – “website duy nhất siêu vũ trụ lượng tử giải mã phim nghệ thuật” sau khi xem qua hàng ngàn phim và viết review cho hơn 300 phim mà phần lớn là nghệ thuật, bao nhiêu lần tôi đã khóc? Chắc không quá 5 lần, điều đó cho thấy biên kịch của phim này là một cao thủ về tâm lý con người, phim có phải là một cuộc trả thù đơn thuần của một nạn nhân? Không đâu, nó không hẳn là trả thù, nó còn hơn thế nhiều, nó là một cuộc chiến trong quy tắc – một thứ quy tắc xảo quyệt và phi lý mà loài người tạo ra, một thế giới vô nghĩa và tuyệt vọng mà các triết gia hiện sinh vô thần thường nhắc tới. IMDb 8.0 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Để dễ viết bài, tôi sẽ liệt kê tên các nhân vật:
Moon Dong-eun – M: nữ chính, nạn nhân. Joo Yeo-jeong – J: nam chính, bác sĩ. Kang Hyeon-nam – K: nữ điệp viên của M.
Park Yeon-jin – P: nữ chính, hung thủ. Jeon Jae-joon – JJ: hung thủ, mù màu. Choi Hye-jeong – C: hung thủ, tiếp viên hàng không. Lee Sa-ra – L: hung thủ, họa sĩ có cha là mục sư. Son Myeong-oh – S: hung thủ, đàn em JJ.
Ha Ye-sol – bé H: con của P, mù màu. Ha Do-yeong – H: chồng P, thích cờ vây.
Để hiểu sâu phim này, tôi sẽ bàn về vài vấn đề. Thông thường, khi xem phim về việc nạn nhân trả thù hung thủ, thường dẫn đến 3 trường hợp; cách 1: giết hung thủ trực tiếp; cách 2: dùng mưu mô quỷ kế để hãm hại khiến cho hung thủ cũng đau đớn như mình, đây là cách mà chúng ta thường thấy nhất trong các bộ phim của châu Á mà đặt biệt là đông Á như TQ – Đài Loan – Hongkong – Hàn – Thái Lan – Việt Nam; cách 3: tạo ra những cái bẫy và “hố” khiến cho hung thủ tự nhảy vào, đây là cách khó nhất và nạn nhân phải có trí tuệ siêu việt, trong The Glory thì M sữ dụng cách này, nhưng nó không chỉ đơn giản chỉ có bao nhiêu đó.
M đã chọn cách khó hơn thế gấp nhiều lần, nghĩa là cô ấy bước hẳn ra ngoài sáng để đối đầu trực diện với hung thủ, và như nói với họ rằng “tôi đã trở lại và tôi muốn báo thù, các bạn hãy đón nhận nó”, điều cốt lõi ở đây là M không dùng bất cứ phương thức tồi tệ nào để trả thù hung thủ, ngược lại, cô ấy dùng sự thật, dùng chân lý thật để “tiêu diệt” hung thủ. Có nhiều khán giả thường bị lầm lẫn khi đồng hóa chữ “báo thù” theo hướng tồi tệ và xem đó là một việc làm sai trái hoặc chỉ mang thêm đau khổ cho người trả thù, nhưng vấn đề ở đây là cái thế giới mà chúng ta đang sống là một thế giới giả trá, cái hệ thống xã hội này bảo vệ những kẻ giàu có và quyền thế, thực tế nó là như vậy.
Khi bạn đọc đến đây, có vài người nghĩ tôi ủng hộ chủ nghĩa “phản xã hội”, xin đừng nhầm lẫn, hiểu cách mà xã hội vận hành và phản xã hội là 2 vấn đề khác nhau, bản chất xã hội phụ thuộc vào bản chất con người. M không phải là thành phần phản xã hội, ngược lại, cô ấy muốn phơi bày sự thật của chân lý thật, và trong nguyên tắc của xã hội – một thứ nguyên tắc mà những kẻ giàu có và quyền thế luôn chiếm ưu thế, tất nhiên thì nguyên tắc xã hội này vẫn tồn tại một nửa chân lý thật, nhưng nếu bạn tin nó 100% thì bạn chết không chỗ chôn. Tôi ví dụ cho bạn hiểu, một hung thủ làm tổn hại bạn, nếu có chân lý thật, họ sẽ trả giá ngay, nhưng trong hệ thống xã hội, nếu bạn nghèo, bạn lấy tiền đâu thuê luật sư để kiện họ? Luật pháp con người có trăm ngàn lỗ thủng để kéo dài cuộc kiện cáo, bạn có thể chờ 5 năm hoặc 10 năm? Bạn thua chắc, và không có chân lý nào dành cho bạn.
Nếu bạn hiểu những gì tôi vừa nói thì nó giống như trò chơi cờ vây – đó là biểu tượng cho hành trình đòi lại công lý thật của M mà nhìn bề ngoài thì khán khả dễ nhầm lẫn với cách “báo thù” thông thường. Và bởi vì M đơn độc và tay trắng, nên cô ấy phải dành một khoản thời gian là 18 năm chuẩn bị thì mới có thể trang bị cho bản thân và lấy lại thế cân bằng với những tên hung thủ giàu có, điều này khiến tôi vô cùng xót xa, nhìn đơn thuần, đây là cuộc chiến cá nhân, nhìn tổng thể, đây là cuộc chiến đòi công lý cho và của thành phần yếu thế bị xã hội chà đạp, nên vây quanh cô ấy dần tụ hợp những “con cờ” từng là nạn nhân, đó là bà quản gia K – một người vợ bị chồng bạo hành, cô y tá trường học bị đuổi việc, người bạn làm chung xưởng dệt, J là con của một bác sĩ tốt nhưng bị bệnh nhân tâm thần giết chết, trong khi chính ông ấy là người điều trị cho hắn ta.
Vũ khí của M là gì? Là số tiền được tích lũy từ những công việc chính đáng suốt 18 năm, là những bằng chứng phạm tội và sai trái của hung thủ, là chân lý thật – đối lập với loại “chân lý” giả dối mà xã hội tin tưởng. Khi kết hợp những thứ này cùng với sự hiểu thấu bản chất con người và nguyên lý vận hành của xã hội thì những hung thủ sẽ phải bị trừng phạt đúng với tội ác mà họ đã tạo ra, M không dùng bất cứ điều gì sai trái để hại họ.
Như cái chết của vị chủ nhiệm lớp năm xưa, ông ta là một giáo viên vô cùng tồi tệ, nhưng sau 18 năm, ông ấy lại được xã hội tôn vinh là nhà giáo gương mẫu, M đã cho ông ta và con trai ông ta chọn lựa, hoặc công khai sự thật, hoặc một kết quả khác, cuối cùng thì ông ta bị giết bởi người con trai, đó là nhân quả, “cây nào thì sinh quả đó”, nếu con ông ấy là người tốt thì anh ta không giết cha để giữ chức vị thanh tra giáo dục sắp đến. Ở đây thể hiện sự trí tuệ của M, đặt “con cờ” sự thật đúng thời điểm và đúng nơi, mà để làm được việc này thì cô ấy phải kết thân với vị sư huynh kia trong thời gian dài ở trường ĐH sư phạm.
Hoặc như những gì diễn ra với S – tên hung thủ vô lại đã cướp đi nụ hôn đầu tiên của M, việc anh ta làm đã tạo ra nỗi đau cực kỳ lớn trong tâm hồn của cô ấy, liệu cô ấy có thể yêu ai đó và khi hôn người yêu mà có thể quên đi sự kinh tởm đến từ S? M “trả thù” hắn bằng cách cho hắn biết sự thật về tội lỗi của kẻ khác, thế là hắn tự đâm đầu vào chỗ chết, vì bản chất hắn là vậy, tham lam, ngu ngốc, bạo lực và phản bội. Trong nguyên tắc “trò chơi”, M đã hô biến cờ “trắng” của đối thủ thành cờ “đen” của cô ấy, và con cờ “đen” này đã “hy sinh” vì chính nghĩa.
Hay như việc tống tiền L, đó có phải là một việc làm sai trái? L dùng ảnh hưởng của người cha linh mục để bán những bức tranh không do cô ta vẽ, cô ta lấy tiền từ những người giàu có trên danh nghĩa làm “từ thiện”, nhưng cô ta có bao giờ làm từ thiện, M “tống tiền” và dùng số tiền đó vào mục đích xứng đáng, là tài trợ một đứa con gái bị cha bạo hành từ nhỏ, để cô thiếu nữ này thoát khỏi người cha và ra nước ngoài du học, để người mẹ an tâm trong việc chiến đấu cho chân lý thật – việc này rất nguy hiểm.
Hoặc như việc M tiếp cận bé H, muốn “cướp” cô bé khỏi mẹ ruột, các bạn hãy nghĩ kỹ về điều này, là cướp hay là cứu cô bé khỏi một người mẹ bề ngoài nhân từ nhưng bản chất thì độc ác?! Nếu Bé H vẫn là con của P hoặc rơi vào tay người cha ruột là JJ thì tâm hồn cô bé không sớm thì muộn sẽ bị họ hủy hoại, trong lớp học, bằng sự nghiêm khắc, M đang cố gắng bảo vệ tâm hồn của bọn trẻ khỏi thói hư của những bậc phụ huynh giàu có, bảo vệ tâm hồn trong sáng của bé H khỏi sự kỳ thị của các bạn học khi cô bé bị mù màu, nhưng P sẽ không bao giờ hiểu điều đó, vì bản chất của cô ta là độc ác, nên cô ta nghĩ M muốn hại con mình, trong khi chính cô ta mới là mầm hại của bé H, giống như mấy bà mẹ của M và P, họ luôn hại con họ, một bà mẹ hại con vì tiền, một bà mẹ hại con vì bao che.
Hoặc như việc M dùng bản di chúc sai trái của vị chủ tịch tập đoàn để đạt được vị trí giáo viên, nó có sai trái không khi mà cô ấy là một giáo viên tốt?! Điều đáng buồn là trong xã hội ngày nay thì làm giáo viên xấu dễ hơn làm giáo viên tốt rất nhiều, làm người xấu và biết câm họng thì được tôn vinh, còn làm giáo viên tốt như vị y tá năm xưa thì bị đuổi việc. Như vậy M dùng chính nguyên tắc của “trò chơi” xã hội để duy trì chân lý thật.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Bạn có biết tôi đã khóc trong cảnh nào? Không phải khi bọn khốn nạn kia hành hạ M, đoạn đó chỉ khiến máu nóng của tôi bốc lên, không phải đoạn M nằm cô đơn trên tuyết, mà là đoạn cô ấy cho J xem những vết sẹo trên khắp cơ thể, những vết thương đó không chỉ trên cơ thể, chúng còn là vết thương không bao giờ lành của tâm hồn bị hủy hoại, làm sao có thể quên? Làm sao dám yêu? Làm gì còn tương lai? Làm sao dám vui vẻ, vì niềm vui dễ khiến ta quên việc đòi lại công lý thật. Cho nên câu nói “sau khi trả thù thì liệu ta có thật sự vui vẻ?!” là một trò cười lớn đối với M, những thứ tôi vừa liệt kê nó kéo dài suốt 18 năm, bạn là khán giả, bạn xem phim, nó diễn ra rất nhanh với bạn, nhưng với tôi thì nó là thật, nó không phải là phim. Tôi không chỉ đặt mình vào vị trí của M, tôi còn đặt mình vào vị trí của J, nhìn vào sự tàn phá trên cơ thể và tâm hồn người mình yêu thương, nỗi đau đó vô cùng khủng khiếp, thà rằng mình lãnh nhận nó còn hơn. Đó cũng là lý do đoạn đó khiến tôi khóc, cũng là lý do J quyết định trở thành đao phủ của M.
The Glory không chỉ kể về cuộc “báo thù”, nó còn vạch ra mặt tối của xã hội nói chung và xã hội Hàn nói riêng, kể cả sự biến đổi của nó trong 18 năm. Ngày xưa, văn hóa Hàn chịu sự tác động của văn hóa TQ, là đàn ông nắm quyền, ngày nay, với sự vươn lên của nữ quyền và cộng đồng, nó đến từ văn hóa phương tây. Ngày xưa quyền thế có thể “giết người”, ngày nay sự phỉ nhổ từ đám đông hoặc truyền thông có thể khiến người ta thân bại danh liệt, xưa hay nay thì đều “giết người” không thấy máu. Sự biến đổi đó thể hiện ở vị cảnh sát biến chất, năm xưa ông ta bỏ qua tội ác của hung thủ bởi quyền lực, ngày nay ông ta sữ dụng xã hội đen để bịt miệng nạn nhân.
Về vấn đề tâm linh – tôn giáo, nếu phương tây chỉ ra việc tôn giáo thế tục dùng sự sợ hãi đối với Thiên Chúa để xiềng xích con người, thì The Glory chỉ ra tôn giáo ở Hàn biến Thiên Chúa thành một người cha nhân từ đến mù quáng, rằng dù con người có phạm tội đến đâu đi nữa thì vẫn được tha thứ. Rằng Đức Jesus dạy “đừng trả thù”, hoặc “ai vả má phải thì chìa má trái ra cho họ”, vậy thì Đức Jesus đã sai rồi? Không phải! Ngài dạy về tình yêu thương và sự tha thứ để hung thủ có cơ hội quay đầu, để lương tâm hung thủ một ngày nào đó nhận ra tội ác của chính họ, vấn đề là cái xã hội ngày nay “tiêm” vào đầu con người những loại tư tưởng cực kỳ bệnh hoạn và biến họ thành những kẻ tâm thần như kẻ đã giết vị bác sĩ tốt, với những kẻ này, càng tha thứ cho họ thì họ càng khinh bỉ và xem nạn nhân như người ngu và như chủng loài thấp kém.
Cho nên tôn giáo (một nhánh thuộc về Tin Lành / Kito giáo) ở Hàn ngày nay đang biến Thiên Chúa thành một người cha “nhân từ” phiếm diện, một thứ thuốc giảm đau rẻ tiền dành cho tâm hồn, khi họ phạm tội, họ làm từ thiện một tí – dùng tiền mua sự thanh thản cho lương tâm nhỏ nhoi của họ, họ đi lễ chăm chỉ và tỏ ra ngoan đạo, nhưng họ không hề hối cải, không hề quay đầu, chính vì thế những người trẻ không hề có đức tin đối với Thiên Chúa, vì “ông ấy” không công bằng, mà Thiên Chúa thật thì phải vừa là người cha nhân từ – công bình – sự thật. Cho nên M mới nhắc đến luật trong tôn giáo của người Do Thái, nợ bao nhiêu thì phải trả bấy nhiêu và không hơn không kém.
Tôn giáo biến thành thuốc giảm đau rẻ tiền cho tâm hồn, trong khi để đạt được những ham muốn tối tăm thì họ nhờ vào những bà đồng / pháp sư, họ lại dùng nhiều tiền hơn. Vậy thì M tin vào điều gì? Cô ấy tin vào thuyết nhân quả của Phật giáo, và sự công bằng của Thiên Chúa trong Do Thái giáo, thứ đã biến mất bởi những “luật chơi” của xã hội ngày nay, ừ thì M sẽ dùng thứ luật đó để “chơi” với kẻ thù.
Trong mối thù này thì M có biến thành vô cảm? Không hề, ngược lại, xã hội càng nhấn chìm cô ấy thì cô ấy càng tỏa sáng và rực rỡ, nhìn vào cách mà cô ấy đối xữ với những “con cờ” đen của cô ấy thì sẽ rõ, đặt biệt là trong cách bảo vệ tâm hồn bé H, hoặc với đứa con gái của K, M là một con người lạnh bên ngoài nhưng nóng bên trong, những ai tốt với cô ấy thì cô ấy đều thấy và thấy rất rõ.
Trò cờ vây là một biểu tượng – ngôn ngữ điện ảnh, chứng bệnh mù màu cũng vậy, có sự “khác biệt” trong lối ẩn dụ về mù màu của JJ và bé H. Với JJ thì màu xanh và màu đỏ đều cùng một màu là màu “xám”, xanh là gì và đỏ là gì? Là cá nhân tính và cộng đồng tính, JJ vừa ích kỷ vừa độc ác với bạn bè lẫn xã hội; trong khi với bé H thì xanh với đỏ không hề khác biệt nhau và nó giống như màu “trắng”, hiểu lời tôi theo lối ẩn dụ nhé các bạn, đó chính là lý do cô bé vẽ những hoa anh đào thành màu trắng, màu trắng này tương đồng với màu trắng của hoa với biệt hiệu “loài hoa của quỷ” – biểu tượng cho tâm hồn của M, thật lạ khi một loài hoa luôn hướng về phía mặt trời lại bị xem là sự xúc phạm, cái tên đó thể hiện lối tư duy ngược đời và bệnh hoạn của con người trong xã hội.
Xã hội này giống bàn cờ vây, nhưng không phải ai cũng có thể trở thành cờ thủ hoặc đủ tư cách để trở thành con cờ trên bàn cờ. M mất 18 năm để trở thành cờ thủ, K phải học hỏi rất nhiều để trở thành một gián điệp chuyên nghiệp, những người khác cũng vậy. Ở đây chúng ta cũng cần phân biệt 2 loại “con cờ”, một loại biết họ là “con cờ” và một loại thì không, những “con cờ” đen của M đều biết họ là “con cờ” của cô ấy, vì họ nhận ra hiện thực xã hội và tự nguyện chiến đấu vì cô ấy và vì chính họ, M không hề ép buộc ai và lừa dối ai trong chuyện này, kể cả với kẻ thù của cô ấy, bởi vì M muốn đòi lại chân lý thật trong ánh sáng và trong sự “công bằng” mà nguyên tắc “trò chơi” xã hội do con người tạo ra. Vậy thì vị Thiên Chúa thật sẽ đứng về phía ai?
Một điều cuối, bất kể là nạn nhân hay hung thủ thì đều là sản phẩm của cái mô hình xã hội bệnh hoạn mà chúng ta đã tạo ra, vì vậy chúng ta phải nỗ lực để cải thiện nó bằng cách nâng cao nhận thức, hiểu bản chất con người và xã hội này. Về phần những ý nghĩa khác và thông điệp khác thì các bạn tự tìm nhé, vì đây là một series phim, rất khó để liệt kê hết những thông điệp bên trong.
Sau khi đọc bài này thì bạn đoán phần 2 sẽ diễn ra thế nào? Nếu bạn giữ lối tư duy theo lối “báo thù” thông thường thì sẽ đoán sai bét nhè hết, riêng tôi thì tôi lười đoán vì rất mệt óc, biên kịch Kim Eun-sook được trả tiền rất cao nên cứ để cô ấy viết ra những kịch bản xuất sắc để chúng ta thưởng thức, và phải kể đến diễn xuất của Song Hye-kyo nữa, tôi sẽ “nhấp nháp” từng diễn biến của bộ phim chứ không phải kết quả cuối cùng, sao người ta cứ thích nói về chuyện dễ đoán hay không dễ đoán nhỉ? Trong khi việc xem để hiểu phim đang nói về “cái gì” và có ý nghĩa gì thì lại không quan tâm. Người đời thật quá lạ lùng!
Chúc các bạn xem phim vui vẻ, nhớ chia sẻ bài viết và giới thiệu Chí Blog với nhiều người, và “cứu tế” mình để có thêm nhiều bài viết chất lượng qua: OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Mã Lệnh Chết Người – DEVS (2020): tự do hay tất định ? – new
Review phim The Essex Serpent (series): Thế kỷ tự do – bóng tối
Review phim Hot Skull (series): xác sống thời hiện đại
Review phim American Psycho: lột mặt nạ đạo đức xã hội
Review phim White noise (2022): tạp âm của nỗi sợ – chết
Review phim Tár (2022): khách hàng – cánh tả – thượng đế – robot
Anh chí nghĩ bao giờ thì bạo lực học đường chấm dứt !!!
Rất khó em à, vì nó phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố, như là phân cách giàu nghèo, trình độ của các phụ huynh tác động đến con cái họ, môi trường của học sinh đang sống, ngôi trường và lớp học đó có tốt không. Thay vì hỏi như vậy thì em có thể hỏi làm cách nào để giúp đứa trẻ tránh được việc bị bắt nạt, đó là đặt nó vào một môi trường tốt, tốt ở đây khg có nghĩa là đắt tiền hay vật chất đầy đủ, mà là nơi có nhiều giáo viên đạo đức, và môi trường đó phù hợp với nó, nghĩa là nhiều học sinh có cùng hoàn cảnh với nó, khi đó nó dễ hòa đồng và có nhiều bạn bè hơn, thường thì những đứa trẻ trở thành nạn nhân là vì nó quá khác biệt với đám đông, người lớn khác biệt với đám đông thì có khả năng tự vệ, còn đứa trẻ khác biệt thì nó lại rất dễ bị tổn thương bởi những nhóm học sinh cũng ít hiểu biết như nó, tóm lại là chọn môi trường phù hợp với đứa trẻ là tốt nhất.
Mấy vấn đề như này có vẻ vĩ mô ảnh nhỉ?
Ừ, thật ra thì từ “vĩ mô” chỉ dùng khi nó ở cấp quốc gia, nó sẽ có tác dụng giảm thiểu nếu làm tốt, còn cái anh nói là cấp nhân loại, ví như không còn cách biệt giàu nghèo, ví như ai ai cũng là người tốt, khi đó mới hết bạo lực học đường, mà điều đó làm sao có thể xẩy ra được? cho nên chúng ta chỉ có thể giảm thiểu càng nhiều thì càng tốt 🙂
Có 1 chi tiết em thắc mắc mà tìm kiếm không thấy page nào giải thích, đó là ở tập 1 hay 2 gì đó, có phân đoạn Myung O tới giao ma túy cho Sa Ra ở xưởng vẽ, khi anh ta ngó vào thì thấy các họa sĩ trong đó đều vừa được truyền nước vừa vẽ (giống mình khi bị ốm thì truyền nước ấy ạ), Sa Ra thì nói đấy là công cụ giúp họ nghe lời hơn. Chẳng lẽ ngoài chính bản thân dùng ma túy cô ta còn cho cả người khác dùng rồi lấy tranh họ để mở triển lãm? Nhưng suy đoán này em lại thấy vô lý vì phim xây dựng nhân vật Sa Ra cũng có tài năng hội họa
Những gì bạn thấy trong phim và nêu trong bình luận của bạn đều đúng cả, bản thân Sara là thật sự có tài, cô ấy có vẽ, không chỉ cô ấy vẽ mà còn lợi dụng ma túy để khống chế những họa sĩ khác vẽ, sau đó dùng tranh của họ bán với danh nghĩa là tác phẩm của cô ấy, lại dùng danh nghĩa của tôn giáo là bán tranh từ thiện để bỏ túi riêng và mua ma túy. Bản thân một họa sĩ dù tài năng đến cỡ nào thì cũng không thể vẽ ra tranh nghệ thuật hàng loạt được, cũng giống như đạo diễn tài năng cỡ nào đi nữa thì cũng không thể xuất ra hàng loạt phim chất lượng cao, cho nên phòng tranh của Sara không phải chỉ toàn tranh cô ta vẽ, mà lấy từ những họa sĩ bị nghiện ma túy. Về phần ma túy, nó khiến cho bộ não rơi vào trạng thái nửa thật nửa ảo, nên có rất nhiều nghệ sĩ nghiện ma túy là vậy, nó giúp nghệ sĩ dễ nắm bắt những ý tưởng mới lạ, nhưng đây cũng là một biện pháp “uống thuốc độc để giải khát”, không phải là con đường thuần chính.