Review phim Suzume (2023): đè con “trùng” xuống, kẻo nó chui ra

Suzume là phim hoạt hình Nhật rất hay – đẹp – siêu hình, nên đi coi, Chí Blog – “website duy nhất đa vũ trụ lượng tử giải mã phim nghệ thuật” dù đang dưỡng bệnh nhưng vẫn cố lết cái thân “già” với tâm hồn “trẻ” lên SG đến rạp coi phim này. Xem buổi trưa nên chỉ có một gã trung niên (tôi) và một cô gái tầm 18 trong rạp, tôi ngồi dãy trước, cô gái ngồi dãy sau, một hồi sau cô gái dời ra ngồi cách tôi một khoản khá xa, tôi rất muốn nói “Ê này cô bé! Đừng kỳ thị người già thích xem phim hoạt hình chứ! Tôi không biến thái á! Đây là phim hoạt hình nghệ thuật hiểu không?! Là phim vào đề cử Gấu Vàng – LHF Berlin trong một đất nước của những triết gia! Thật ra thì tâm hồn tôi trẻ hơn cô đấy cô bé!”, hình hài của thân xác tác động nhiều đến cách nhìn của mọi người hen, khi tôi còn trẻ (lớp 7) thích nhạc Trịnh thì họ hỏi sao tôi mê nghe nhạc của người già, khi tôi “già” thích phim hoạt hình thì nghĩ là tôi có vấn đề (haha). IMDb 7.9 , bài viết tiết lộ nội dung phim.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Nếu các bạn là đọc giả thân quen của Chí Blog thì hẳn biết tôi viết review phim không như cách mà người khác thường viết, tôi chỉ viết khi phim có một ý nghĩa sâu sắc hơn, rộng lớn hơn, và mang tính bao quát hơn. Mọi người nói gì về phim này? Họ nói nó có tác dụng “chữa lành” những vết thương mà người Nhật phải chịu vì thiên tai như động đất và sóng thần – đúng nhưng chưa đủ, thông điệp còn nhiều hơn thế.

Để hiểu sâu hơn, như những gì tôi đã làm với các phim khác trong những review, là chúng ta phải tìm hiểu xem mỗi hình tượng trong phim mang ý nghĩa gì. Từ đây có thể “đá” qua đặc trưng của 4 LHF hàng đầu thế giới, tôi xếp loại từ cao đến thấp: 1/ Cannes: của một nước Pháp tôn vinh tự do – bình đẳng – bác ái, 2/ Venice: của một nước Ý tôn vinh nghệ thuật và nền tảng nhân loại, 3/ Berlin: của một nước Đức triết học và siêu hình, 4/ Oscar: của một nước Mỹ kinh đô điện ảnh của đa số công chúng mọi tần lớp từ bình dân cho đến trí thức, từ trẻ em cho đến người già. Cho nên một bộ phim mang tính nghệ thuật sau khi sản xuất sẽ nhắm đến việc tham gia giải nào cho phù hợp. Suzume lọt vào đề cử của Berlin là có nguyên nhân của nó.

Về vấn đề phân tích phim nghệ thuật, phương tây thường dùng động/thực vật làm biểu tượng, hoặc thần thoại, và một thứ nữa mà trong nhiều bài review tôi vẫn thường né tránh, đó là tính dục, né nó để bài viết “trong sáng” hơn, chứ mang vào bài viết thì rất dễ khiến người đọc nghĩ “bậy”, tuy nhiên để “chuyên sâu” hơn thì đôi lúc cũng phải nhắc về nó một tí – đặt biệt là với những phim của Á đông vốn bị cái tính dục này ám ảnh vô cùng trầm trọng, nó sinh ra do nền văn hóa kiềm nén cảm xúc từ tinh thần đến thể xác con người. Vậy thì tính siêu hình của những biểu tượng như chiếc ghế, 2 con mèo, con trùng đất, cánh cửa … thể hiện cho điều gì?

Chúng ta bắt đầu nào! Khác với phần lớn các phim của Nhật thường diễn ra trong sự tiếc nuối dạng như chàng và nàng đi lướt qua nhau, họ “nhìn thấy” nhau nhưng không dừng lại, sau đó cả đời họ cắn răng cắn lợi và tự hỏi sao lại để cuộc sống trôi qua như thế. Với đạo diễn Shinkai Makoto thì khác, trong Your Name thì chàng và nàng tìm kiếm nhau, sau đó gặp nhau; trong Weathering With You thì chàng và nàng kệ con .. khỉ nó thời tiết , chàng dùng mọi cách để cứu nàng; trong Suzume thì chàng và nàng dừng lại ngay từ buổi đầu gặp mặt, họ trò chuyện, họ cùng phiêu lưu, và nàng giải cứu chàng. Bạn có nhận ra quá trình “giác ngộ” của vị đạo diễn này qua thời gian, từ bị động chuyển sang chủ động, từ chủ động yếu ớt chuyển sang chủ động mạnh mẽ.

Như chúng ta biết từ phim, Sota và Suzume phải đóng lại những “cánh cửa” ở nơi bỏ hoang để con “trùng” không chui ra và tạo nên những trận “động đất”. Cánh cửa đó là gì? Là nơi kết nối với “tàn tích” của quá khứ, vậy trong cái “tàn tích” đó có gì? Có hạnh phúc từng tồn tại, có nỗi đau chết chóc, có tác nhân khiến nó sụp đổ; rất nhiều bài viết của tôi chỉ ra rằng chúng ta phải học cách quên khổ đau và nhớ hạnh phúc thì mới đạt được hạnh phúc trong thực tại, phim này cũng vậy, câu thần chú mà Sota dạy cho Suzume là hãy nhớ lại những điều tốt đẹp đã từng diễn ra tại nơi này, nếu không thì rất dễ bị nỗi đau đớn hoặc sự phẫn nộ nhấn chìm và cuốn ta vào địa ngục.

Phim này độc đáo ở chỗ những hạnh phúc trong quá khứ thì thể hiện trực quan cho khán giả thấy, nhưng nỗi đau, sự phẫn nộ hoặc tai nạn – “địa ngục trần gian” thì dùng biểu tượng mang tính siêu hình ví như con “trùng” hoặc hiện tượng động đất, nó khiến cho bộ phim cực kỳ trong sáng. Từ đó, để hiểu thêm thì bạn có thể tìm hiểu xem chuyện gì từng diễn ra ở “tàn tích”; sau khi tra thông tin trên google, tôi nghĩ chúng  ám chỉ tai nạn ở khu nghỉ dưỡng và khu vui chơi, khủng bố khí độc trong tàu điện ngầm ở Tokyo và đợt sóng thần khủng khiếp năm xưa.

Như vậy tai nạn không chỉ là “thiên tai” mà còn là “nhân tai”, khi này con “trùng” không còn ám chỉ nỗi đau, nó còn ám chỉ cái tác nhân tạo ra vụ tai nạn đó, đó có thể là tính cá nhân (hoặc nam tính) độc hại, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, nên nó giống con “trùng” hoặc giống những dòng “dung nham” phun ra từ “ngọn núi lửa”. Trước đó thì thứ gì đã phong ấn cánh cửa này? Là 2 con mèo, tiếp tục tra google xem văn hóa Nhật có gì liên quan đến mèo, có đấy, đó là 2 con “tinh quái” Bakeneko (trắng) và Nekomata (đen), chúng thể hiện sự độc ác của phụ nữ, chúng ăn thịt chủ nhân nên biết nói tiếng người – ở đây chúng ta nên hiểu “phụ nữ” ám chỉ cộng đồng tính, đó cũng là những gì đang diễn ra trong hiện thực, cái cộng đồng tính đang kiềm hãm cái cá nhân tính của người Nhật; nếu để cái cá nhân tính độc hại thoát ra, nó sẽ tạo ra tai họa cho nước Nhật.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Sota và Suzume là 2 biểu tượng cần có để dẫn dắt nước Nhật trong tương lai

Nhân vật Sota là biểu tượng cho những trí thức người Nhật, họ canh giữ “cánh cửa” bị phong ấn này, họ hiểu điều họ làm mang đến lợi ích gì và thiệt hại gì cho người Nhật, con mèo trắng còn mang một ý nghĩa khác đó là “tài thần”, nước Nhật phát triển kinh tế rất nhanh, nhưng đổi lại thì nam giới bị kiềm nén cảm xúc vô cùng trầm trọng, cho nên mới có chuyện Sota giống như bị lời nguyền rủa từ con mèo trắng, anh ấy biến thành chiếc ghế và tâm hồn anh ấy dần dần bị đóng băng – vô cảm xúc (không phải vô cảm). Nếu cái độc hại của cá nhân tính bị phong ấn, thì cái tốt đẹp mà Sota tượng trưng cũng sẽ bị phong ấn theo, cho nên chỉ có cái tốt đẹp của nữ tính là Suzume mới có thể cứu được Sota.

Nhưng trong xã hội Nhật có được bao nhiêu người như Sota hoặc Suzume? Cực ít, và may mắn cho Sota là anh ấy gặp được Suzume, vì cô ấy không giống như phần lớn những cô gái khác bị cái “độc hại” của cộng đồng tính đầu độc, Suzume giống với cô gái trong phim Weathering With You, vẫn giữ được cái cảm xúc trong sáng và hồn nhiên thuở ban đầu, nên cô ấy đã không lướt qua Sota, cô ấy biết bản thân thích gì, cô ấy trở lại tìm Sota, và vô tình mở phong ấn – chỗ này hơn trừu tượng một chút, cái cảm xúc hồn nhiên có thể giải thoát tính cá nhân bị phong ấn, nhưng nó cũng vô tình giải thoát cả tính độc hại trong đó, nên Suzume cần được Sota dẫn dắt cách làm sao để con “trùng” không thoát ra được “cánh cửa”, khi này “cánh cửa” cũng có thể hiểu là con đường dẫn vào vô thức của con người.

Còn câu chuyện trong quá khứ của Suzume có ý nghĩa gì? Đó là chúng ta nên học cách sống như trẻ nhỏ, điều tôi đã nói rất nhiều lần, chúng chỉ nhớ những điều vui vẻ và hạnh phúc, Suzume nhớ mẹ, nhớ cái ghế là do người mẹ làm quà sinh nhật tặng cô bé, nhưng hoàn toàn không nhớ gì về con sóng thần khủng khiếp đã mang đi tất cả mọi thứ, giống như quyển nhật ký của Suzume ghi lại khi còn nhỏ, mọi chuyện buồn đều bị bôi đen, chỉ ghi lại những điều tốt đẹp.

Việc Suzume gặp được Sota cũng là may mắn cho cô ấy, vì sao? Vì một tâm hồn giàu cảm xúc như vậy rất dễ bị hủy hoại, tức là cô ấy có thể nhìn thấy những thứ mà những người bình thường không thể nhìn thấy, đó có thể là sự độc ác của con người, nỗi đau của “thiên tai” và “nhân tai” tạo ra mà biểu tượng là con “trùng” – người bình thường không thấy con “trùng”, Suzume sẽ bị cuốn vào nó và bị nó nhấn chìm, như đoạn nguy hiểm ở cánh cửa vòng đu quay và ở Tokyo, nhờ Sota nhắc nhở về câu “thần chú” khơi lên những điều tốt đẹp từng tồn tại thì mới có thể tỉnh lại. Bản tính của Suzume không chỉ giúp bản thân thoát khỏi thực tại trơ ỳ của đời sống, cô ấy còn giúp những người như người dì, những ai mà cô ấy gặp trong cuộc phiêu lưu đó, và cả chúng ta (khán giả) nữa.

Chuyện Suzume có thể gặp được chính mình trong tương lai, và Suzume có thể gặp mình trong quá khứ thì nó thể hiện tính siêu thực, bản chất “trẻ thơ” của chúng ta đã mang sẵn điều đó, trong tâm hồn trẻ thơ không có cái gì gọi là sự tuyệt vọng, sự tuyệt vọng chỉ có trong quan niệm của người lớn, trong một hoàn cảnh mang tính tuyệt vọng thì đứa bé luôn tìm cách để sống sót, còn người lớn có thể tự sát vì tuyệt vọng. Thực tế nào đang diễn ra khi Suzume còn nhỏ sau đợt sóng thần? Chúng ta có thể tưởng tượng, nó vô cùng khủng khiếp, nhưng Suzume vẫn đi tìm người mẹ mất tích, và khi cô bé mệt mỏi nằm ngủ, cô bé thấy được một nơi đầy cỏ cây xanh tốt, đó là giấc mơ, đó cũng là một tia nhìn xuyên qua thực tại và thẳng đến tương lai, nơi hoang vu bị tàn phá đó rồi cũng có ngày trở nên tươi tốt – “có ngày biển cả hóa nương dâu”, hoặc Suzume thấy bản thân trong quá khứ, vì Suzume chưa bao giờ đánh mất sự hồn nhiên đó, cái tâm hồn trẻ thơ vẫn còn.  

Một “ngôn ngữ điện ảnh” khác: chiếc oto hiện đại có khi chẳng bằng chiếc xe đạp cũ bị vứt ven đường, khi chiếc oto bị hư, con người không thể tiến lên, nhưng chiếc xe đạp cũ thì vẫn còn xài tốt.

Tôi nghĩ bài viết đến đây có lẽ đủ, những điều khác thì các bạn có thể tự “bổ não”. À có một vài điều mà tôi vẫn không giải mã được, đó là tại sao đạo diễn của chúng ta lại muốn Sota hóa thành chiếc ghế nhỉ (dù chiếc ghế là có sẵn trước đó), và tại sao chiếc ghế này lại có 3 chân? Như Suzume tự hỏi, lưng ghế có 2 con mắt, vậy thì miệng ở đâu (haha), bạn nhớ lần Sota bị đóng băng chợt tỉnh lại? Tôi chắc chắn Suzume đã lén hôn nơi mà cô ấy nghĩ là miệng – dù phim không thể hiện điều đó; một điều nữa, là tại sao khi Sota thức thì chiếc ghế có thể đứng vững trên 3 chân, nhưng khi anh ấy ngủ thì nó lại ngã về phía trước? Cái này vượt qua khả năng suy luận của tôi, các bạn tự giải mã nó nhé!

Tóm lại thì phim này đẹp, ý nghĩa, tươi vui, hài hước, giàu cảm xúc và rất nên ra rạp để xem; về 2 phim là Your Name và Weathering With You tôi có review và dẫn link phía dưới. Chúc bạn xem phim vui vẻ!

Để có thêm bài viết chuyên sâu:

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Tên Cậu Là Gì – Your Name (2016): ta thấy em trong tiền kiếp

Đứa Con Của Thời Tiết – Weathering With You (2019): kệ con.. khỉ nó thời tiết

Review phim Belle (2021): khi linh hồn cất tiếng ca

Hương Vị Của Trà – The Taste of Tea: vẻ đẹp của văn hóa Nhật – Nghệ Thuật

Gia Đình Đạo Tặc – Shoplifters (2018): bản chất của gia đình là gì? – Cành Cọ Vàng

Không Ai Biết – Nobody Knows (2004): giá phải trả cho sự phát triển

Câu Chuyện Tokyo – Tokyo Story (1953): chuyện về thời đại mới

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim The Whale: gánh nặng của cuộc đời mất tình yêu

T6 Th3 24 , 2023
The Whale (2022) là phim tâm lý giành giải Oscar nam chính, phim đậm chất hiện sinh / hiện thực đau khổ mà chúng ta thường thấy từ các triết gia hiện sinh vô thần, bạn có tự hỏi tại sao quan niệm vô thần ngày càng trở nên phổ […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese