Rose Island (đảo hoa hồng – 2020) là phim hài kịch dựa trên một sự kiện có thật, ý tưởng về một đất nước tự do đã tạo ra hòn đảo nhân tạo, nhưng suy nghĩ của con người quá phức tạp để nó có thể tồn tại. Tuy vậy, cái thiên đường ấy cũng từng hiện hữu để tạo nên lịch sử và thay đổi nhiều thứ, hoặc để cho chúng ta thấy rằng luôn có một khả dĩ nào đó khi chúng ta thật sự muốn tạo ra thiên đường, và nếu … bản chất con người thay đổi, ngày nào đó mỗi chúng ta có thể có một thiên đường như vậy. Dạo này tinh thần thế giới có phần suy sụp nên bộ phim này rất đáng xem. IMDb 7.0 , xem phim nếu muốn biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Vào một ngày nào đó bỗng dưng bạn muốn tạo ra thứ gì đó đặt biệt, ví như cải tạo căn nhà hoặc chiếc xe của bạn, nhưng sau khi hoàn thành nó thì công an mời bạn đến phường để “uống trà”, tiếp theo là một biên bản phạt vì là trái với quy định của nhà nước, chưa bàn tới sự đúng sai trong việc bạn bị phạt, chỉ nói về cảm giác thì bạn sẽ khát khao vô cùng cho việc được sống ở một nơi mà bạn có được tự do làm mọi thứ bạn muốn, đó là điều bình thường của con người.
Giorgio cũng giống như vậy, anh ấy vừa có được bằng kỹ sư về chế tạo, anh ấy chế ra một chiếc xe theo cách của anh ấy và anh ấy bị phạt khi chiếc xe ấy chưa đăng ký giấy phép. Chúng ta thấy gì từ những gì đã xẩy ra với Giorgio? Rằng xã hội ngày nay quá “hoàn hảo”, nó hoàn hảo đến nỗi con người muốn sáng tạo thì phải bước qua vô số những thứ luật lệ và quy định có thể khiến cái ý tưởng của người sáng tạo chết từ trong trứng nước. Hoặc bạn sẽ tạo ra nó trong sự lén lút, hoặc bạn phải bỏ ra rất nhiều công sức và tiền bạc để “hợp pháp hóa” sản phẩm hoặc ý tưởng sáng tạo của bạn.
Điều quan trọng trong câu chuyện của Giorgio là những người thi hành công vụ và những người điều hành chính phủ (nước Ý) chẳng quan tâm gì đến chuyện xem xét thứ sản phẩm sáng tạo mà Giorgio đã tạo ra; họ cứ làm theo những luật lệ có sẵn, họ chẳng cần biết bạn là “gã nào đó”. Đó là số phận của mỗi cá nhân trong một xã hội rộng lớn, điều mà cá nhân đối mặt là những con người đang hoạt động theo quy luật của một cái máy hoàn toàn vô cảm; và trong sự tương tác qua lại, bộ máy ấy ngày càng khiến cho con người trở thành vô cảm. Điều tôi đang nói không hề hiếm lạ tí nào, có vô số người trong quá khứ đã nhận ra “nó” và nói về “nó” qua nhiều tác phẩm văn học hoặc các bộ phim.
Những người thân của Giorgio luôn trách rằng tại sao anh ấy không thể giống như một người bình thường? Tại sao Giorgio luôn tạo ra rắc rối cho chính anh ấy hoặc cho họ, và đó cũng là lý do Gabriella chia tay với Giorgio để chọn người đàn ông khác.
Nếu luật lệ là thứ cản trở Giorgio thực hiện ý tưởng của anh ấy thì điều cần làm là “lách luật”. Một ngày đẹp trời, Giorgio nhìn thấy một biển quảng cáo về dàn khoan và anh ấy cùng bạn lên ý tưởng tạo ra một hòn đảo nhân tạo cách hải phận nước Ý 500m. Hòn đảo đã được tạo ra và mang tên Rose. Vào thời điểm này thì luật pháp quốc tế hoàn toàn chưa có những quy định cụ thể về một trường hợp như vậy, nên Giorgio và những người bạn của anh đã gần như tạo ra được một “quốc gia” không chính thức, hòn đảo trở thành địa điểm du lịch của nhiều người, họ tổ chức vũ hội, và đôi khi là những trò cá cược như một casino trên biển.
Nhưng như chúng ta đã biết, mọi chuyện không đơn giản như vậy, việc của Giorgio như một trò đùa dai nhưng khi liên quan đến chính trị thì hành động đó trở thành nghiêm túc. Nếu hành động của Giorgio được chấp nhận thì nó sẽ tạo ra một tiền lệ tạo ra nhiều rủi ro đối với an ninh quốc gia hoặc về luân lý xã hội, hoặc bất cứ thứ gì tồi tệ mà con người có thể nghĩ tới. Tất nhiên phim không thể hiện điều đó theo lối hiện thực, mà thể hiện theo lối nửa hài hước nửa châm biếm, và bộ phim trở nên khá nhẹ nhàng với người xem.

Tuy vậy, phim cũng cho chúng ta thấy phần nào đó hiện thực về cách mà con người có thể triệt hạ tự do; họ dùng tiền để mua chuộc các thành viên tạo nên cái thiên đường tự do đó, họ dùng bạo lực để đe dọa, họ dùng nhiều cách để tạo ra khó khăn cho những người thân của Giorgio, ví như chuyện người cha của Giorgio bị mất việc sau 30 năm chăm chỉ làm việc. Đó là cách mà con người của hệ thống xã hội đối xữ với thành viên của nó khi nó nghĩ rằng cá nhân đó gây bất lợi cho nó.
Thật ra, xét cho cùng thì hòn đảo thiên đường đó khó mà tồn tại được trong xã hội loài người của chúng ta, trừ phi mỗi con người trở nên vô tư hoặc “hồn nhiên” như Giorgio. Nếu “quốc gia” của Giorgio được thông qua, sẽ có nhiều kẻ lợi dụng điều đó để biến thế giới thành nơi tồi tệ hơn, khi họ muốn thoát khỏi những ràng buộc về đạo đức hoặc những cấm đoán hợp lý của luật pháp. Dù hòn đảo bị triệt hạ, nó cũng cho chúng ta thấy được một khả dĩ nào đó khi chúng ta dám nỗ lực để thực hiện ý tưởng của chính mình, hoặc nhờ đó mà những người từng chúng ta thương yêu sẽ hiểu rõ chúng ta hơn, cảm thông và chia sẻ với chúng ta những gì là quý giá trong cuộc sống. Ví như Giorgio tìm được tình yêu mà anh ấy mong ước, và người cha đã ủng hộ trong sự tranh đấu của anh ấy.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Ở mặt trái, qua sự kiện này, luật pháp quốc tế càng trở nên “hoàn hảo” hơn, con đường bước đến sự tự do mang tính vô tư thì lại có thêm một rào cản mới cho những ai muốn tìm kiếm nó. Cuối cùng thì loài người chúng ta sẽ đi về đâu nhỉ? Khi mỗi bước chúng ta đi đến tự do có tầng tầng lớp lớp những quy định và luật lệ. Đâu là ranh giới để chúng ta phân biệt tự do chính đáng và tự do không chính đáng? Quản lý con người theo lối máy móc và vô cảm thì dễ vô cùng, nhưng nó cũng sẽ biến con người thành máy móc và vô cảm.
Tôi đang tự hỏi là tương lai chúng ta sẽ biến thành thứ gì? Một xã hội giống như tổ mối hay tổ kiến? Có sự phi lý và hợp lý trong cách con người trở nên văn minh hơn trong việc tự biến hình thái xã hội của chính họ giống như thứ động vật cấp thấp. Tôi vẫn thường có ý nghĩ đùa cợt rằng, nếu loài người chúng ta thoát ra được bế tắt này thì sẽ nhảy lên một cấp độ cao hơn, nhảy ra khỏi sự chật hẹp của thái dương hệ để tiến xa hơn vào vũ trụ, vì khi đó mọi nỗ lực của chúng ta đều tập trung vào những điều tốt đẹp chứ không phải dành tâm trí cho việc triệt hạ lẫn nhau hoặc đề phòng lẫn nhau. Bạn có cảm nhận rõ điều tôi đang nói? Thật là khốn khổ khi cả cuộc đời phải sống trong sự lo âu rằng lúc nào đó bị chính đồng loại của mình cướp đi những gì đang có, hoặc suy tính làm sao để cướp đoạt thứ mà người khác đang có.
Rose Island là một bộ phim nhẹ nhàng, và tôi chỉ thêm vào đó vài suy nghĩ tích cực, nó sẽ cần thiết để chúng ta vượt qua giai đoạn khó khăn này, cuộc sống rất ngắn ngủi vì vậy hãy cố gắng tạo nên thiên đường cho chính mình, dù thiên đường đó có thể cũng rất ngắn ngủi. Chúc các bạn xem phim vui vẻ.
Hãy ủng hộ tài chính để Chí Blog mang đến nhiều hy vọng cho các bạn và cho mọi người.
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:

…………………….
Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Những phim cùng chủ đề:
Kiếp Ảo – Upload (Series 2020): khi thiên đường mua bằng tiền – new
Người Truyền Ký Ức – The Giver (2014) : một xã hội lý tưởng
Equilibrium (2002): vô cảm là cái giá để được hạnh phúc?
Thành Phố Bóng Đêm – Dark City (1998): khi quá khứ là mộng ảo
Nhãn Lực Siêu Nhiên – Midnight Special (2016): cuộc thương khó của đứa trẻ nhân loại
Người 200 Tuổi – Bicentennial Man (1999): giá trị của một con người
Lucy Siêu Phàm – Lucy (2014): khi nghệ thuật đá đểu khoa học (cười)
Nửa Đêm Ở Paris – Midnight In Paris (2011): cảm xúc thật vs vẻ bề ngoài
Lạc Bước Đảo Hoang – The Red Turtle (2016): bí mật của sự sống