Oppenheimer là phim được rất nhiều người khen và viết review phân tích, Chí Blog – “website duy nhất gì đó giải mã phim nghệ thuật” đã xem phim này trước khi nó được ra rạp ở VN, và nó khiến tôi khá mệt vì tốc độ đọc phụ đề của tôi rất chậm, với lại tôi không hảo lắm với dòng phim tiểu sử và nặng tính chính trị, tôi viết vì một bạn thân quen của Chí Blog đã đề nghị và muốn biết quan điểm của tôi về nó. Nội dung cơ bản của phim thì các bài viết khác đã nói rất đầy đủ, nên Chí Blog chỉ nói về vài quan điểm “vụn vặt” liên quan đến bộ phim này. IMDb 8.6 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Việc nhiều người ca ngợi bộ phim mát trời mây chỉ bởi vì vài thứ từ môi trường tác động vào chứ không phải từ chính bộ phim, khi bạn quá bị thần tượng điều gì đó, nó tạo ra một ảo giác về sự tuyệt vời mang tính giả tạo, vậy mấy thứ đó là gì? Đó là những đánh giá từ những trang bình luận nước ngoài, phương tây hoặc những nước phát triển có một hệ thống PR cực kỳ chuyên nghiệp, ví như món mì Ý hoặc Sushi Nhật Bản, sau khi có cơ hội ăn chúng, tôi nhận ra rằng kém xa ngàn dặm khi so với món Việt; điều thứ 2 là cái tên Christopher Nolan vốn là thần tượng của vô số khán giả điện ảnh trên khắp thế giới, trước khi xem thì họ đã định kiến “phim của Nolan là phải hay”, tất nhiên nó cũng phần nào hợp lý khi nhiều phim của ông rất hay; thứ 3 là tiền, doanh thu phim khá cao đối với dòng phim loại này, hôm nay người ta thống kê phim thu được bao nhiêu, ngày mai nó tăng đến bao nhiêu; thứ 4 là bomb nguyên tử, người ta thích xem trái bomb này phát nổ, giống những đứa trẻ thích trò chơi chiến tranh.
4 điều ở trên là tôi nói về tâm lý người Việt, nói thật là phim này với đa số người Việt thì xem rất mệt, nhưng ngược lại với phương tây là phim rất hay, tại sao? Vì quá khứ của họ từng là chiến trường của 2 cuộc thế chiến, sau đó họ sống trong sự nơm nớp lo sợ ngày tận thế đến khi bomb nguyên từ và khinh khí được sản xuất hàng loạt ở Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ “chiến tranh lạnh”, và kể cả trong chính hiện tại khi tổng thống Nga đe dọa sẽ sữ dụng đến vũ khí này nếu phương tây nhảy vào Ukraine, nói cách khác, với phương tây, trái bomb trong phim gần với hiện thực mà họ đang sống, với người Việt thì nó chỉ là trò giải trí trong một bộ phim của một đạo diễn thần tượng và nó đang hốt bạc. Bộ phim thật sự ra rất đúng thời điểm thiên thời – địa lợi – nhân hòa.
Trở lại phim, để hiểu sâu nhất thông điệp thì bạn nên chú ý đến một số “ngôn ngữ điện ảnh” sau: quả bomb, hình ảnh cấu tạo quả bomb được vẽ bằng phấn trên bảng, những viên bi trong chậu cá, hình khu nghiêng cứu bomb, các nhân vật như Oppenheimer – Jean (người tình) – Kitty (vợ) – Teller – Lewis (phản diện) – David (vị tiến sĩ vạch trần sự thật) – Einstein – Gen (vị tướng), và nhiều chi tiết khác nữa vì bộ phim dài đến 3 tiếng.
Đọc tiêu đề của tôi thì bạn cũng đã hiểu vấn đề, quả bomb nguyên tử giống thứ gì? Đó là một quả trứng, trên tấm bảng vẽ một cái lõi được đưa vào tâm “quả trứng”, nó giống như “tinh trùng” xâm nhậm vào “trứng”, với quả trứng của các loài sinh vật sống thì nó sinh ra sự sống, với “quả trứng” được kết hợp của từ 3 nhân vật quan trọng nhất của dự án là nhà khoa học (Oppenheimer) – chính trị gia (Lewis) – tướng quân đội (Gen) thì thứ nó tạo ra là một cột lửa hình nấm có thể hủy diệt một thành phố và giết chết hàng trăm nghìn người (tính cả những người sẽ chết sau vụ nổ).
Cả 3 nhân vật này đều lợi dụng lẫn nhau, nhà khoa học muốn có kinh phí để nghiên cứu khoa học và phục vụ lý tưởng, chính trị gia muốn có một dự án lớn để thành công trên đường sự nghiệp, bên phía quân đội muốn có một thứ vũ khí mạnh mẽ để chiến thắng kẻ thù, còn những vấn đề xẩy ra sau đó thì “kệ mọe chúng mày” – đây là sự thật các bạn cần hiểu để đừng bị mấy thứ lý tưởng hoa mỹ làm mờ mắt, đó là lý do tôi nhắc đến hình ảnh những viên bi được bỏ vào hồ cá sau khi họ sản xuất thứ vật liệu làm nên quả bomb, với họ thì đó chỉ là trò chơi trẻ con.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Một quả trứng “sống” được tạo ra bởi tình yêu thương, một quả trứng “chết” được tạo ra từ sự thù hận, quả trứng “sống” là quá trình hợp nhất và hấp thu năng lượng, quả trứng “chết” là quá trình tan rã và giải phóng năng lượng. Cái lõi quả bomb giống “tinh trùng” của con “trống” – chủ nghĩa phát xít, cái “trứng” của quả bomb của con “mái” – chủ nghĩa tư bản hoặc chủ nghĩa gì đó ở Liên Xô, quả bomb kích nổ bằng cách cho nổ cái lõi, sau đó nó tạo phản ứng dây chuyền ra cả “quả trứng”, quả bomb được thả xuống Nhật và người chết hầu hết là những dân thường Nhật Bản, rất ít trong số họ thuộc về quân đội. Bạn có nhớ khi Oppenheimer vẽ vị trí khu nghiên cứu? Nó là trung tâm của 4 khu vực cơ bản của xã hội con người, và nó tạo thành chữ X – nghĩa là xóa sổ.
Bạn có biết tại sao bộ phim nhắc nhiều đến nhân vật người tình của Oppenheimer? Vì Nolan muốn chỉ cho chúng ta thấy cái sự chết mà quả bomb này mang lại, trong tất cả các nhân vật trong phim thì đây là nhân vật “đẹp” nhất, cô ấy là một người có tình yêu, một người mang lý tưởng đẹp nhất về bản chất Cộng Sản, nhưng cô ấy là người chết đầu tiên trong câu chuyện này, khi mà quả bomb đang trong giai đoạn hình thành, người ta không biết cô ấy bị giết hay tự sát, về phần tôi thì nghiêng về bị giết, vì dự án tạo bomb này quá quan trọng với nước Mỹ, còn những nhân vật khác liên quan đến đảng cs thì họ chỉ chạy theo trào lưu lúc ấy. Quả bomb đã mang đến “sự chết” cho chính những người tạo ra nó, cái “chết” không hẳn là chết về thân xác, nó hủy hoại cuộc sống của Oppenheimer, xóa bỏ sự nghiệp của gã chính trị gia và nhiều người khác.
Còn lại 3 nhân vật khác là David – Kitty – Einstein thì mang tính trung dung, họ đóng vai người ngoài cuộc, nhìn thấy được sự thật, họ mang lại sự cân bằng cho cuộc sống, cũng đại diện cho sự bền vững về 3 phương diện là hệ thống – gia đình – khoa học. Hoặc khi chỉ xét về khoa học, chúng ta có 3 cái tên Einstein – Oppenheimer – Teller thể hiện theo 3 cấp độ khác nhau từ ôn hòa cho đến cực đoan, cho nên Teller được mô tả như một con người vô cảm, đặt biệt khi anh ta nói về một quả bomb khinh khí có mức tàn phá gấp ngàn lần bomb nguyên tử.
Phim này làm tôi nhớ đến bộ phim Memento cũng của Nolan, cũng nói về sự chết, nhưng khán giả không nhìn thấy nó khi xem phim, họ thích lối kể chuyện của đạo diễn, giống như những kẻ tạo ra quả bomb đã dậm chân ăn mừng sau khi quả bomb được kích nổ thành công, cả nước Mỹ lẫn thế giới phương tây ăn mừng sau khi trong tay có được thứ vũ khí mạnh mẽ như vậy, nó chỉ diễn ra trong phút chốc, nhưng sau đó thì sao? Họ phải sống trong vô vàn sự lo âu về ngày tận thế suốt 45 năm liên tục cho đến khi Liên Xô tan rã, sau đó thì nỗi lo này sẽ chấm dứt? Làm gì có chuyện đó, không biết các bạn có thường xem tin tức không, khi Nga vừa đổ quân vào Ukraine, hầu hết các nước phương tây đều rất hăng máu, nhưng khi tổng thống Nga dọa sẽ dùng đến bả bomb này thì phản ứng sau đó là sự “câm lặng”, hoặc “to mồm” nhưng hành động thì rất dè dặt, nói vậy không phải để châm biếm phương tây, mà cho thấy nỗi sợ khi trái bomb này được đề cập đến khi chiến tranh diễn ra thật sự.
Hãy nhớ đến câu nói cuối cùng trong phim của Oppenheimer, quá trình phân hạch đó vẫn đang diễn ra và nó đang phá hủy thế giới. Về chuyện Oppenheimer trở thành người ủng hộ cho chính sách hạn chế vũ khí nguyên tử vì ông ấy chỉ nhận ra hậu quả của nó sau khi trở thành nạn nhân của nó, đó là những cảnh mà chúng ta thấy khi Oppenheimer gặp ảo giác, xác người cháy thành tro, người tình bị sát hại, những con số thống kê về nạn nhân của 2 quả bomb. Hoặc trong phim có nhắc đến “hố đen”, thứ này được tạo ra sau khi một ngôi sao tàn lụi và dập tắt, nó sẽ hút hết mọi thứ vào tâm, dồn nén mọi thứ vật chất hoặc năng lượng quanh nó với áp suất vô hạn, à thế giới của chúng ta giống như vậy sau CTTG 2.
Nói chung thì đó là vài điểm mà tôi thấy từ bộ phim, chắc sẽ có nhiều người cảm thông cho Oppenheimer, nhưng tôi thì không thích các khoa học gia cho lắm, bởi đa phần họ đều có chiều hướng vô cảm, họ nhìn con người không phải con người, với họ thì con người chỉ là những bộ máy được cấu tạo từ những nguyên tố, hoặc các chính trị gia thì việc chọn lựa thả bomb ở thành phố nào lại phụ thuộc ở việc họ từng du lịch ở nơi đó hay chưa. Loài người luôn tung hô sự “vĩ đại”, cho đến khi họ trở thành nạn nhân của nó, lúc này họ muốn tìm kiếm một kẻ để họ trút cơn giận, một con dê thế mạng, vài kẻ từng nịnh hót và tung hô Oppenheimer lại biến thành kẻ đâm sau lưng ông ấy, rất may là ông ấy sớm nhận ra hậu quả thảm khốc từ quả bomb nên quay đầu sớm và tạo được uy tín từ những người có ảnh hưởng lớn ví như Einstein hoặc vị tướng quân đội, hôm qua là “thần tượng”, hôm nay là kẻ tội đồ, ngày mai biến thành “anh hùng” là chuyện hết sức bình thường trong cuộc sống.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ tích cực mời “cà phê” mình nhé, để mình có thêm năng lượng viết bài á:
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
phim cùng đạo diễn:
Kẻ Đánh Cắp Giấc Mơ – Inception (2010): giải mã lại, from the beginning
Hố Đen Tử Thần – Interstellar (2014): nơi nào có tình yêu thì có sự sống
TENET (2020): thế chiến 3 sẽ thế nào nếu có? – new
Kẻ Mất Trí Nhớ – Memento (2000): vật lưu niệm của tử thần