Với tôi đây là một bộ phim hay của Pháp, lấy đề tài tôn giáo nhưng cơ bản không phải là phim tôn giáo mà phim đặt ra cho người xem những vấn đề hết sức nhân văn và khá hóc búa. Nếu bạn để ý, đa số phim Pháp đều là phim tâm lý hoặc tình cảm, hoặc nêu lên một đề tài mang tính xã hội nào đó. Tất nhiên phim không dành để giải trí.
Chuyện kể về một phóng viên chiến trường vừa mất đi một người bạn thân thiết, điều đó khiến ông khó vượt qua. Cũng ngay lúc ấy, ông nhận được liên hệ từ toàn thánh Vatican nhờ ông điều tra về một sự kiện Đức Mẹ hiện ra với một cô gái ở Pháp. Thông điệp của sự hiển linh này là “Đức Mẹ nghe thấy tiếng kêu cầu của nhân loại và khuyên nhủ mọi người phải biết hy sinh để sớt chia cho những ai nghèo khó khốn cùng, yêu cầu dựng nên nơi thờ phượng con trai bà (Chúa Jesus) để mọi người có chỗ cùng nhau cầu nguyện“. Khi ông đến nơi, có vô số người tụ tập để cầu nguyện, có cả những giáo đoàn đến từ nước ngoài, rồi thì những người đang đau khổ, những người tật nguyền; họ đến để xin được phép lành từ cô gái.
Xem đến đây tôi đã tự hỏi, tại sao một thông điệp hết sức đơn giản như vậy nhưng phải cần có sự hiển linh thì con người mới chú ý, tin tưởng và làm theo? Biết bao người tìm kiếm phép lạ trên khắp thế giới; những người bệnh, đau khổ và bất hạnh, họ mong chờ được cứu vớt, an ủi, yêu thương. Tất cả những điều đó, phép lạ đó thì con người có thể mang đến cho họ và cho nhau, nhưng chúng ta không làm hoặc làm chưa đủ.
Trong quá trình điều tra, ông khám phá ra một sự thật khiến ông ngỡ ngàng. Và cũng nhờ chuyến công tác này, vấn đề cá nhân ông đã được giải khai, làm ông phải xét lại toàn bộ cách nhìn của ông về niềm tin và tâm hồn con người.
Sự thật là Anna không chứng kiến Đức Mẹ hiện ra mà là bạn cô ấy là Meriem. Sau khi Meriem chứng kiến Đức Mẹ hiển linh, cô đã thay đổi, tha thứ và làm bạn với tên hung thủ đã sát hại mẹ mình, cô tham gia các phái đoàn từ thiện, nhưng chính cô lại không muốn trở thành người làm chứng cho sự kiện hiển linh đó, vì cô còn một tình yêu, cô muốn lập gia đình. Và giờ Anna – một cô gái có tâm hồn trong sáng và tin vào Chúa đã chấp nhận hy sinh đứng ra thay bạn để làm chứng, vì sự hiển linh này phải được công bố với mọi người để thế giới thay đổi. Lời chứng của Anna là một lời nói dối khi bảo rằng chính cô đã thấy sự hiển linh, nhưng cũng là một lời nói thật vì có sự hiển linh diễn ra, và cô đã hoàn tất lời chứng đó bằng chính sự hy sinh mạng sống của bản thân. Trong cô là sự giằng xé của tinh thần, một nỗi đau đớn khủng khiếp dành cho người có đức tin như cô.
Khi quyết định làm chứng cho bạn, Anna đã kể với vị linh mục đỡ đầu rằng cô chứng kiến sự hiển linh, và vì vị linh mục tin tưởng ở tâm hồn cô nên ông đã tin. Nhưng chỉ như thế là chưa đủ để giáo hội công nhận đó là sự thật, vị linh mục đã cùng một người bạn tạo ra một bằng chứng giả về tấm vải nhuốm máu Chúa Jesus thông qua sự hiển linh lần thứ 2 với Anna, nghĩa là Anna làm chứng rằng cô gặp Đức Mẹ 2 lần, lần đầu là thông điệp (thật ra là bạn cô thấy), lần 2 là Đức Mẹ cầm trong tay tấm vải nhuốm máu (giả dối). Vị linh mục có đức tin, ông tin Anna nhưng ông cũng chấp nhận sự dối trá khi tạo ra sự hiển linh lần 2.
Vậy vấn đề đặt ra là, chúng ta sẽ phán xét thế nào về tất cả chuyện này và về Anna, hoặc với vị linh mục? Cô ấy nói dối, nói dối không phải để được phong thánh, không phải vì chính bản thân cô ấy, mà vì tất cả mọi người bằng cách làm chứng cho sự hiển linh (vốn là sự thật), để mang thông điệp của Đức Mẹ đến cho mọi người.
Các bạn biết đấy, khi sự thật diễn ra, không phải ai cũng được chứng kiến, vậy khi bạn thấy một người mà bạn biết chắc về tâm hồn và nhân cách là vô cùng cao thượng, bạn sẽ tin những gì người đó nói chứ? Nên biết, việc làm chứng ở tòa cũng được xét theo phương thức này. Vị linh mục đã tin Anna nói sự thật, nhưng ông lại làm điều dối trá với một mục đích giống Anna. Vậy khi ông đứng trước mặt Thiên Chúa (nếu có), thì liệu ông có tội hay vô tội? Sẽ bị trừng phạt hay được ban thưởng?
Thật ra câu hỏi mang tính triết học và nhân văn dạng này đã được đặt ra với loài người chúng ta từ lâu rồi, tiêu biểu là trong tác phẩm Faust, Faust đã bán linh hồn mình cho quỷ dữ để dùng quyền năng của nó phục vụ cho tự do và hạnh phúc của nhiều người khác. Hoặc trong bộ phim Constantine do Keanu Reeves thủ vai. Tuy nhiên bạn nên phân biệt cái này với cái mà Thanos đã làm trong phim Cuộc Chiến Vô Cực, Thanos đúng là có hy sinh bản thân ông ta (tình yêu thương) vì một mục đích cao đẹp, nhưng ông ta cũng hy sinh cả những người khác mà không có sự đồng ý của họ để hoàn thành ý chí ông, đây là sự độc đoán và cực đoan, chẳng ai có quyền hy sinh kẻ khác để phục vụ cho mục đích riêng của bản thân, dù mục đích ấy tốt đẹp đến mấy đi nữa.
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Cậu Nhóc Bé Nhỏ – Little Boy (2015): dịch chuyển một ngọn núi
Mẹ – Mother (2017): Chỉ có tình yêu mới tái tạo thiên đường
Suối Nguồn – The Fountain (2006): suối nguồn sự sống
Hạnh Phúc Của Lazzaro – Happy as Lazzaro (2018): hạnh phúc của thánh
Ngôi Lều Huyền Bí – The Shack (2017): tha thứ để được hạnh phúc