Fatma (series – 2021) là phim tâm lý – giật gân, dạo này tôi thích xem các phim của Thổ vì tình tiết rất độc đáo dù phim của nước này chỉ xoay quanh vài đề tài chính như quyền phụ nữ và nạn ấu dâm, tuy vậy thông điệp không dừng lại ở đó, nó còn mang tính bao quát toàn xã hội. Tại sao chúng ta phải chơi cờ theo luật khi chúng ta không hiểu về luật chơi cờ còn đối phương thì quá rành luật và dồn chúng ta vào chỗ chết? IMDb IMDb 7.5 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Phim kể về người phụ nữ làm nghề lao công tên là Fatma, cuộc sống của cô ấy gặp quá nhiều khốn đốn sau khi người chồng vào tù rồi mất tích khi ra tù, còn đứa con tự kỷ thì chết do tai nạn giao thông. Đến cuối phim, chúng ta khám phá ra rằng người chồng là một kẻ xấu, điều này tương phản sâu sắc với kỳ vọng mà Fatma đặt vào anh ta. Nếu nhìn kỹ hơn, mọi điều trong phim này đều sai, trong tính cách của Fatma, về đứa bé tự kỷ, về cách mà con người đối xữ với nhau, về sự vận hành của xã hội; chỉ là cái sai này có căn nguyên của nó.
Có lẽ điều nhức nhối nhất ở những nước Hồi giáo là vai trò và thân phận phụ nữ, truyền thống hôn nhân với những cô bé vị thành niên, rồi nạn cưỡng hiếp và ấu dâm; nhưng Thổ được tôi đánh giá là một đất nước rất văn minh, điều đó được thể hiện qua nền văn học và điện ảnh của họ, giới trí thức nước này đang ra sức nâng cao dân trí, đó cũng là lý do Thổ đang bắt đầu nổi lên như một cường quốc về mọi mặt.
Diễn viên đóng vai Fatma không phải là một phụ nữ già mua xấu xí, nhưng ngay từ đầu phim, chúng ta như cảm giác rằng Fatma đang mang thứ gì đó nặng nề khủng khiếp, nó khiến lưng cô ấy còng xuống như người già, nét mặt thì luôn sợ sệt khi đối diện với người khác, cứ như con người là loài thú hung tợn, và đáng tiếc là quả thật con người ngày nay quá hung tợn khi đối xữ với nhau – ít ra thì trong phim đúng như vậy, còn thực tế thì có nhiều mặt và tùy dân tộc.
Cái “sai” trọng yếu nhất ở Fatma là cô ấy hầu như không biết bất cứ điều gì về cái thế giới mà cô ấy đang sống, đặt biệt là về người chồng, về sự đểu cáng của anh ta, nhưng hầu như mọi người xung quanh đều biết, vấn đề là không một kẻ nào trong đám đông đó nói cho Fatma biết, dù rằng Fatma sống trong cùng cực khổ đau và tha thiết tìm chồng vì nghĩ anh ta bị mất tích sau khi ra tù. Nếu có sự so sánh, thì tâm trí của Fatma giống như đứa con tự kỷ của cô ấy, tất nhiên Fatma không mắc chứng tự kỷ, đó là một dạng tổn thương do san chấn tâm lý từ một sự kiện trong quá khứ, từ đó tinh thần của Fatma chỉ vây quanh có 2 người, chồng và con.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Cái sự phi lý nhất trong những xã hội bảo thủ là kẻ gây ra tội ác không bị lên án, nhưng nạn nhân của tội ác đó lại bị kỳ thị như một thứ dịch bệnh. Sự kiện trong quá khứ, Fatma từ bị ấu dâm, cả ngôi làng đều biết nhưng chẳng ai lên tiếng, chẳng có sự trắc ẩn nào, ngược lại thì cái cộng đồng đó đẩy Fatma ra khỏi họ, xem cô ấy như sự ô nhục, điều đó cũng tương đồng với cách họ đối xữ với Fatma trong hiện tại; đó là cái nhân tạo ra cái quả là khi bị ép đến con đường cùng thì Fatma “lật bàn” – đếch chơi theo luật của cái xã hội vô nhân đó nữa, phải nói là kịch bản phim khá táo bạo khi tạo ra một nhân vật chính đi theo hướng “phản xã hội”, nhưng điều này lại rất logic, khi sự áp bức quá nặng nề thì con người sẽ phản kháng.
Phát súng đầu tiên của Fatma trong phim không phải là “tội ác” đầu tiên mà cô ấy làm, cô ấy từng giết người khi còn bé, “nạn nhân” đầu tiên của cô ấy chính là kẻ ấu dâm – đốt nhà kho thiêu chết hung thủ, nạn nhân thứ 2 là khiến em gái bị thương, Fatma xô em gái từ trên cao xuống để em gái không bị cha mẹ gả cho người khác, đây là một hành động quá đau đớn khi phải làm vậy, gây tổn thương cho em gái để cứu em gái, đó là lựa chọn duy nhất mà Fatma có thể làm được trong vai trò là một đứa trẻ.
Điều buồn cười ở chỗ Fatma giết chết từng kẻ đáng chết nhưng ít kẻ nào nghĩ rằng cô ấy là hung thủ, đến việc Fatma tưởng họ phát hiện và nhận tội nhưng họ vẫn nghe mà như không nghe, thấy mà như không, nếu có thì họ cũng nghĩ rằng cô ấy bị “hung thủ thật sự” cưỡng ép hoặc cô ấy bị bức phải chịu tội thay. Thật ra thì cách mà họ nghĩ cũng đúng, chỉ có điều “kẻ” cưỡng bức Fatma chính là những “nạn nhân” bị cô ấy giết chết, hoặc là toàn bộ cái xã hội vô nhân đó.
Cái sự vô nhân nhất mà xã hội chúng ta đang vận hành thể hiện qua vụ kiện người con bị tai nạn, gia đình người lái xe thuyết phục phía Fatma nhận rằng vụ tai nạn là lỗi của đứa trẻ, người chồng khốn nạn đã nhận tiền với thỏa thuận đó, sau đó thì phía bảo hiểm xe lại gửi cho Fatma phiếu đòi tiền về việc chiếc xe bị hỏng khi đâm chết con của cô ấy, theo luật thì họ làm đúng, nhưng cái luật đó thể hiện tính vô nhân của nó, và đó là một lổ hổng rất lớn của ngành tư pháp. Cái thứ tư pháp bất nhân này cho phép người ta dùng tiền để bẻ cong công lý, sau đó nó lại nhân danh công lý để hút máu nạn nhân. Đó cũng là lý do Fatma đã không bị khởi tố khi đốt văn phòng luật, họ không muốn vạch trần sự bất nhân đó ra trước công chúng.
Bộ phim cũng cho chúng ta thấy sự biến đổi tâm lý ở người chồng, khi Fatma bị kỳ thị thuở còn bé, người chồng (cũng là đứa trẻ lúc đó) đã trở thành một người bạn tốt của Fatma, nhưng khi anh ta trưởng thành và lấy Fatma, anh ta đã thay đổi, anh ta giống như bao người đàn ông khác trong xã hội, anh ta nghĩ rằng có một người vợ từng bị ấu dâm là sự ô nhục, có một đứa con tự kỷ là gánh nặng, trong khi Fatma chỉ là một nạn nhân, và chúng ta cũng có thể suy ra rằng đứa bé bị tự kỷ cũng là hậu quả từ san chấn tâm lý của Fatma tạo nên, hoặc nói cách khác thì chính xã hội đó khiến đứa trẻ bị bệnh một cách gián tiếp qua người mẹ.
Phim cũng đưa ra một hàm ý khác qua hình tượng đứa trẻ tự kỷ, đừng hiểu lầm là phim châm biếm bệnh tự kỷ nhé, kịch bản dùng bệnh tự kỷ để châm biếm bản chất con người trong xã hội, đó 2 vấn đề khác nhau. Chúng ta thấy đứa trẻ dùng các đồ vật xếp chồng lên thật cao, nhưng những “cái tháp” đồ chơi đó sẽ sụp đổ khi bị chạm nhẹ vào, lối sống chúng ta đang theo đuổi cũng giống như vậy, mọi nhân vật trong phim đều bao quanh một chữ tiền, kể cả cặp vợ chồng cho Fatma thuê nhà cũng vậy, họ đã nhận một số tiền từ người chồng của Fatma nhưng họ vẫn đòi tiền Fatma, đất là của họ, nhà Fatma ở là do cô ấy xây, nhưng khi họ muốn bán đất, họ chiếm đoạt luôn căn nhà đó.
Cái tựa phim Fatma cũng có một hàm ý khác giống đứa trẻ tự kỷ, nghĩa là cách mà xã hội loài người đang vận hành cũng giống như tình yêu mù quáng của Fatma dành cho đứa con bị bệnh tự kỷ, rõ ràng là đứa trẻ đó bị bệnh nhưng cô ấy không xem nó là bị bệnh, ở đây tôi không phê phán tình mẫu tử, tôi nói về bản chất.
Tất cả chúng ta đều thấy được cách sống của con người trong xã hội rất bệnh hoạn, nhưng chúng ta cứ xem điều đó là bình thường, lẽ ra đứa trẻ nên được điều trị đúng cách thì nó sẽ không tự đâm đầu vào chỗ chết. Trong phim chúng ta thấy Fatma hất tay ra, nhưng trước đó cô ấy đã níu giữ nó rất lâu, bảo vệ nó rất nhiều, nếu cô ấy không giữ tay nó, nó cũng đã sớm chết rồi, giống những kẻ tự tìm đường chết trong phim, nhắc lại: tôi không nói về đứa trẻ tự kỷ, tôi nói về những kẻ ích kỷ mà đứa trẻ đó là biểu tượng.
Phim còn khá nhiều những kiểu áp bức và tham lam như thế, và sự quay lưng nữa, nên việc Fatma lật bàn và không làm theo những “chuẩn mực” thông thường là có thể hiểu, bởi Fatma không chơi theo luật do họ tạo ra, nên hóa ra mọi chứng cứ giết người đều chỉ về phía những kẻ muốn lợi dụng Fatma, ngoài ra thì một phần là họ xem thường Fatma, họ không hiểu rằng khi Fatma “tỉnh giấc” thì cô ấy không ngu muội và yếu đuối như họ tưởng, mà Fatma bị cướp đoạt hết rồi, có còn gì đâu mà phải sợ.
Phải nói rằng tình tiết phim là sự kết hợp của tính phi lý và tính logic vô cùng chặt chẽ, để tạo ra một kịch bản thế này là cực khó và cần một biên kịch cực giỏi, dù bài viết này tiết lộ khá nhiều nội dung, nhưng tôi nghĩ vẫn không ảnh hưởng mấy đến việc thưởng thức bộ phim này, khi xem phim thì bạn sẽ hiểu điều đó. Dù bộ phim này khá u tối và ám ảnh, tôi vẫn mong đợi có phần 2, hãy thử trải nghiệm những series-TV của Thổ, nền điện ảnh này sẽ không làm bạn thất vọng.
Nhớ ủng hộ thực tế cho Chí Blog qua việc “mời cà phê” bằng Sacombank hoặc momo nhé, vì Chí đang khổ.
Một số phim đáng xem khác:
Top 250 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Kiếp Ảo – Upload (Series 2020): khi thiên đường mua bằng tiền – new
Nhà Điều Tra Siêu Linh – Paranormal (2020): TV series hay nhất 2020 – new
Ấn Quỷ – The Unholy (2021): phép màu trong thế giới không đức tin
Joker (2019): nụ cười của nỗi đau – Nghệ Thuật – Sư Tử Vàng
Hạnh Phúc Của Lazzaro – Happy as Lazzaro (2018): hạnh phúc của thánh
Nỗi Đau – Calvary: nơi phúc lành ra đi