Review phim Enemy – Kẻ Thù: phụ nữ hay đàn ông, kiểm soát thế giới?

Enemy (2014) có IMDb 6.9 , là phim tâm lý – giả tưởng loại hack não, tuy nội dung đơn giản nhưng để hiểu cho chính xác thì rất khó. Phim này khiến tôi rất “đau đầu” vì chẳng thể đưa ra một câu trả lời đúng nhất, vì có vẻ những lập luận mà người khác đưa ra cũng có thể chấp nhận. Chuyện kể về một giáo sư đại học (Adam) chợt phát hiện ra một người đàn ông giống mình như 2 giọt nước, và từ đó phát sinh nhiều vấn đề…

Trong các bình luận được đưa ra thì có 2 giả thuyết có thể đúng:

1/ Adam là quá khứ của Anthony (nghệ danh) . Mary là vợ cũ, vì phát hiện Adam ngoại tình nên cả 2 đã cãi nhau và dẫn đến tai nạn chết người. Sau đó Adam bỏ nghề dạy, lấy vợ mới là Helen. Sự gặp gỡ giữa Anthony và Adam chỉ là ảo giác, với Adam thì “con người mới của anh phù hợp với vợ cũ, còn con người cũ của anh thì phù hợp vợ mới”.

2/ Anthony là quá khứ của Adam. Helen là vợ cũ còn Mary là tình nhân, vì Adam ngoại tình mà Helen chết do tai nạn. Adam bỏ nghề diễn viên và làm giảng viên, bởi hối hận nên anh sinh ra ảo giác, anh muốn người chết trong tai nạn là tình nhân chứ không phải vợ.

Với những tình tiết hạn chế của phim, cả hai cách hiểu đều có thể đúng. Cả 2 người đưa ra bình luận đều có chung lập luận rằng 2 nhân vật là một người duy nhất, rất nhiều người đồng tình với họ. Ý tôi muốn nói là họ tin vào thế giới thực, tin vào những phát hiện của y học về triệu chứng tinh thần phân liệt hơn là sự phi lý có thể diễn ra. Còn về 2 bình luận, tuy hợp lý nhưng có vài điểm khiến tôi khó lòng chấp nhận. Thứ nhất là một giảng viên đại học, có thể là một giáo sư, thì không có chuyện bỏ nghề giáo sư đi làm một diễn viên hạng 2 với tính cách sáo rỗng. Sự nhận thức luôn đi lên chứ không thể đi xuống. Thứ hai là mong một người khác chết thay cho một người thì quả là bất nhẫn, và một vị giáo sư thì khó lòng nghĩ theo chiều hướng này, trong khi lỗi là ở anh ta (theo lý giải thứ 2) chứ không phải ở người chết, suy nghĩ theo hướng này là suy nghĩ của người ích kỷ, một bộ phim mang nhiều ẩn ý sâu sắc thì khó rơi vào tình huống này.

Diễn giải của tôi:

Tôi nghĩ đôi khi ta phải chấp nhận vài sự phi lý nào đó để có thể hiểu ra những điều quan trọng hơn. Điều gì là quan trọng với con người? Là diễn biến của sự việc hay ý nghĩa của đời sống? Mọi bài review phim trong Chí Blog đều chú trọng điều thứ hai. Do đó tôi chấp nhận cả 2 nhân vật cùng tồn tại, giống nhau về hình thể nhưng đối lập về bản chất, và xét xem điều gì sẽ đến với họ.

Bộ phim bắt đầu bằng cuộc gọi của người mẹ và hình ảnh cô gái đang mang thai. Sau đó một dòng chữ hiện lên “Hỗn loạn là thứ trật tự chưa được giải mã”, hiểu rõ hơn nghĩa của câu này là: ta cảm thấy một sự việc nào đó có vẻ hỗn loạn bởi vì ta chưa tìm ra thứ nguyên tắc đang chi phối nó. Cảnh tiếp theo trong phim là Adam dùng chìa khóa để mở cửa đi vào câu lạc bộ bí ẩn, nhiều người đàn ông đang xem cảnh cô gái khỏa thân đạp chết con nhện, đây có lẽ là cảnh tiếp nối cho đoạn cuối cùng của phim. Tất cả những cảnh này là chìa khóa cho ý nghĩa mà bộ phim muốn nói.

Hãy chú ý bài giảng của Adam “Kiểm soát, tất cả là sự kiểm soát, chế độ độc tài nào cũng có một nỗi ám ảnh, đó chính là kiểm soát. Vì vậy, vào thời La Mã cổ đại, họ cho người dân bánh mì và đấu trường. Họ giữ cho dân chúng bận rộn với các trò giải trí. Nhưng những nền độc tài khác thì dùng những chiến lược khác, để kiểm soát tư tưởng, kiểm soát tri thức. Họ làm như thế nào? Họ hạn chế giáo dục, họ giới hạn văn hóa, kiểm duyệt thông tin, họ kiểm duyệt bằng mọi phương tiện biểu lộ cá nhân. Mô hình đó đã lặp đi lặp lại xuyên suốt lịch sử.”

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Bài giảng đó không lạ gì đối với chúng ta ngày nay – thời đại của internet, nhưng nó thật sự chỉ đơn giản như thế? Và nếu ta hiểu được sự kiểm soát thì ta có thể tránh được nó? Hãy nhìn vào cuộc sống của Adam, anh đi về bằng xe công cộng chạy bằng mạng lưới điện, muốn tìm thông tin thì anh phải kết nối với mạng internet, luôn có một thứ gì đó giống như mạng nhện phủ lên toàn bộ đời sống con người, nó kiểm soát mọi thứ, nó khiến cho đời sống cứ lặp đi lặp lại một cách vô tận. Adam cứ đi làm, về nhà, làm tình, rồi đi làm, về nhà, làm tình; cuộc sống như thế đang giết chết anh, khiến anh ủ rũ. Rồi một hôm anh tìm được một người giống anh, đang sống trong một cuộc đời hoàn toàn trái ngược, đó là một diễn viên điện ảnh – ước mơ của anh khi còn trẻ. Và không thể phủ nhận rằng anh rất khát khao để được như thế, vì nó có vẻ thú vị và tự do, một đời sống khác.

Adam thường bị ám ảnh bởi những giấc mơ về nhện, một con nhện khổng lồ kiểm soát thành phố, một cô gái khỏa thân có khuôn mặt nhện. Nhờ sự gặp gỡ với Anthony, họ đánh tráo thân phận với nhau, phải chăng lúc này sự việc sẽ khác? Liệu Adam có được một cuộc sống tự do hơn? Hãy nhìn vào tính cách Anthony, một con người sáo rỗng, háo sắc; việc gặp gỡ với Adam là một cơ hội trời cho để anh thoát khỏi sự kiểm soát của cô vợ đang mang thai, nhưng tiếc rằng anh đã nhận được một kết cục vô cùng bi thảm. Bạn có thấy tấm kính vỡ có hình mạng nhện? Nó đang kiểm soát tất cả.

Nếu bài giảng của Adam là nói về sự kiểm soát mang tính chính trị, thì những gì đang diễn ra với đời sống cá nhân họ lại thuộc về giới tính. Đó là điều hết sức lạ lùng và đáng kinh ngạc! Bọn đàn ông chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta đang kiểm soát thế giới, bằng lý tính thì chúng ta có thể tự do, vì chúng ta hiểu cách mà thế giới đang vận hành. Nhưng vẫn có một thế lực rất mềm mại và quyến rũ vẫn đang kiểm soát chúng ta, khi còn nhỏ thì là người mẹ, khi trưởng thành thì là người vợ. Người ta có thể chống lại sự kiểm soát của chính trị bằng bạo lực hoặc bằng trí tuệ, nhưng chúng ta chống lại sự kiểm soát của những người phụ nữ bằng gì? Ý tôi muốn nói là vừa tự do lại vừa hạnh phúc, còn những trường hợp như Anthony hoặc những kẻ vũ phu thì hoàn toàn khác, đời sống của họ không hạnh phúc, và trước sau họ cũng nhận lấy kết quả bi thảm.

Trong cảnh khi Adam làm tình với Mary, tuy sự chủ động thuộc về Adam, nhưng sự kiểm soát luôn thuộc về Mary trong mối quan hệ giữa họ. Hoặc khi Anthony thay thế Adam, ngay lập tức bị Mary nhận ra. Còn với Helen thì sao? Cô đã rất chán ngán với một người như Anthony. Kết quả thực tế cho thấy, một người đàn ông muốn thoát khỏi sự kiểm soát như Anthony đã bị cả 2 cô gái loại bỏ, dù tính cách của Helen và Mary hoàn toàn trái ngược nhau. Trong bài giảng của Adam có nói “Hegel là người đã nói tất cả những biến cố lớn nhất trên thế giới đều xẩy ra hai lần, và rồi Karl Marx thêm vào: lần đầu tiên là bi kịch; lần thứ hai là hài kịch”, điều này đã diễn ra chính xác với Adam. Adam muốn thay đổi cuộc sống để được tự do hơn, nhưng rốt cuộc thì ngoài bà mẹ, giờ anh có thêm một tầng kiểm soát mới, đó là cô vợ của Anthony.

Khi nói đến sự kiểm soát, chúng ta không chỉ nhìn nó như một thứ gì đó mang tính tiêu cực. Mặt tích cực của nó là mang lại sự ổn định và an toàn, Helen có thể lấy một người như Anthony, nhưng khi cô mang thai, mang trong mình thế hệ tương lai, thì cô sẵng sàng từ bỏ Anthony để chọn một người như Adam. Dù Adam là một giáo sư, dù anh hiểu rất rõ về sự kiểm soát, nhưng anh không có cách nào chống lại sự kiểm soát mang tính quyến rũ này. Vậy cuối cùng thì thế giới này do ai kiểm soát? Là đàn ông hay phụ nữ? Cảnh trong câu lạc bộ ở đầu phim, “con nhện” chỉ có thể bị giẫm chết bởi một người phụ nữ quyến rũ, và cô gái đó sẽ trở thành kẻ kiểm soát mới, đó chính là thứ trật tự chưa được giải mã, cái trật tự này kiểm soát mọi đàn ông mà không cần hạn chế trí tuệ hay kiểm duyệt gì cả, họ chỉ cần dùng tình yêu là đủ, rất khủng khiếp!

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

………………

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Note: nhớ share, like Fanpage Chí Blog (FB) và giới thiệu cho nhiều người về chi-blog.com để có thêm nhiều bài phân tích phim – sách hay.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Exam (2009): sinh tồn đa chủng tộc - đa văn hóa

T6 Th11 22 , 2019
Trong thời đại mới, chúng ta cần đặt lại câu hỏi về bản chất của sự đấu tranh sinh tồn. Bạo lực có thật sự giải quyết được vấn đề? Hay là thứ khác? Exam (2009) có IMDb 6.8, là một phim rất thú vị với nhiều yếu tố, gồm […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese