Review phim Drive My Car: nhận ra và chuyển giao sự cô độc

1

Drive My Car (2021) là phim tâm lý của Nhật, được nhiều nhà chuyên môn đánh giá là hay nhất năm 2021 (nhiều bài viết nói vậy), và tôi cũng cho là như vậy sau khi xem xong, và tất nhiên phim không thuộc loại giải trí, thời lượng gần 180 phút. Giờ thì Chí Blog – website duy nhất ở VN chuyên giải mã phim nghệ thuật sẽ giúp bạn đọc hiểu tại sao lại như vậy – câu này mang nhiều màu sắc quảng cáo hen, tôi cũng thấy buồn cười, nhưng không quảng cáo thì không được á, các bạn có nghĩ là tôi nên dùng câu đại loại như “Hãy đến với VŨ TRỤ review phim nghệ thuật trong VŨ TRỤ điện ảnh thế giới của Chí Blog”? Vì bây giờ khá nhiều người thích du hành vũ trụ,hãy thông cảm khi tôi hơi châm biếm, vì tôi quá ngán với cái từ đó rồi. IMDb 7.9 , bài viết tiết lộ nội dung phim, bài này phân tích tâm lý rất sâu nhé các bạn.

Ý nghĩa thông điệp truyền tải

Nếu đã xem phim, bạn sẽ rất ấn tượng với sự bắt đầu của nó. Oto – người vợ đang khoả thân ngồi quay lưng về phía ánh sáng (nên chúng ta không thấy được gì đâu, bài viết này cho tôi phóng túng một tí, vì cần thiết), phía trước cô ấy là bóng tối. Sau những lần làm tình với chồng thì cô ấy có thói quen kể những câu chuyện hết sức lạ lùng, về chuyện kiếp trước là loài cá “mút đá”, hoặc về một nữ sinh yêu thầm bạn trong lớp và thường lén đến nhà cậu ta để lấy đi món gì đó hoặc bỏ lại thứ gì đó từ cô ấy, đó có thể là cái quần lót hoặc băng vs mới, hoặc thủ dâm trên giường ngủ của cậu ta.

Khoan hãy phê phán về cái suy nghĩ bệnh hoạn đó, sự thật là cái văn hóa đông Á của chúng ta rất phổ biến cái bệnh này (đặt biệt là nam), chỉ là có người nghĩ nhưng không làm, hoặc họ không dám làm vì sợ xã hội phỉ nhổ. Và tất nhiên là nó sinh ra là có nguyên nhân, “đạo đức” xã hội càng bảo thủ bao nhiêu thì trong “bóng tối” những suy nghĩ bệnh hoạn càng phát triển bấy nhiêu, tôi đang nói về những nhu cầu cơ bản của con người, nhưng quá “tự do” cũng sinh ra những hệ lụy không kém.

Khi một cá nhân đạt đến mức độ nhận thức nào đó, người đó nhìn vào những tác phẩm “nghệ thuật” của một người, một nhóm người, một dân tộc, một nền văn hóa ảnh hưởng đến nhiều dân tộc, thì sẽ nhận ra sự ám ảnh trong đó, có thể là về tính dục, ham muốn, nỗi sợ, sự sống và sự chết …

 Trở lại phim, sau cái chết của đứa con gái, Yusuke gần như đã đóng chặt tâm hồn của anh ấy với người vợ, dù rằng trong đời sống gia đình hay trong công việc thì anh ấy luôn tỏ ra bình thường, nhưng Oto cảm nhận được điều đó, và nó cũng là lời giải cho cả 2 câu chuyện cô ấy kể cùng với việc ngoại tình. Yusuke là tảng đá và Oto là loài cá “mút đá”, để không bị “trôi” đi theo những “cơn sóng” của “biển khơi”, loài cá này phải bám chặt vào tảng đá, nhưng nó cũng cần dinh dưỡng để sống, nên nó sẽ cắn chặt răng vào loài cá khác để hút máu, hoặc như chuyện cô nữ sinh đã lén vào phòng cậu bạn. 2 câu chuyện và việc ngoại tình, khác hình thức nhưng cùng bản chất, việc ngoại tình là sự cố gắng lắp đầy sự trống rỗng trong tâm hồn của Oto, một kiểu “uống thuốc độc để giải khát”.

Sẽ không có chuyện Oto ngoại tình nếu Yusuke mở rộng tâm hồn, đối diện với nỗi đau mất con gái và chia sẻ mọi thứ với vợ, khi đó họ sẽ vượt qua nỗi đau đó. Phim cho chúng ta biết rằng Oto có bệnh hay quên, đó là một cách nói ẩn ý về bản tính của phụ nữ, trong tâm hồn phụ nữ tồn tại sức chịu đựng rất lớn, cùng với sự sống động của sức sống đối với thực tại, khả năng chữa lành nỗi đau, nhưng phụ nữ sẽ không sống nổi khi sống trong một thực tại không có cảm xúc. Giống như câu chuyện về cô nữ sinh, Oto biết rằng ngày nào đó Yusuke bất chợt trở về và phát hiện ra việc cô ấy ngoại tình, đó cũng là lý do gây ra cái chết của cô ấy, ngay khi cô ấy muốn thú nhận tất cả nhưng buổi tối đó Yusuke cố tình về muộn, Oto hiểu ngay rằng anh ấy đã biết tất cả, và nỗi đau đó giết chết cô ấy, vì cô ấy rất yêu chồng.

Giờ thì chúng ta nói về những biểu tượng, vẫn là “bộ 3” nhé các bạn. Vật chất – tinh thần – sự giao hòa của vật chất với tinh thần (bản thể người – nhân tố ở giữa), 3 nhân tố này thể hiện qua 3 biểu tượng là chiếc xe – Oto – vở kịch “chú Vanya” (nghệ thuật); hoặc khi bàn riêng về con người thì đó là Koji – Oto – Yusuke, Koji là người chỉ sống theo bản năng của xác thịt, Yusuke sống bằng tâm hồn, Oto là sự giao hòa xác thịt và tâm hồn.

Hoặc nếu xét theo góc nhìn tổng quát của nhân tố mang ý nghĩa như một phương tiện để từ đó con người có thể chia sẻ với nhau, thì đó là chiếc xe (vật chất), thân xác với nhu cầu tính dục (con người), và nghệ thuật (tinh thần). Chiếc xe đã giúp cho Yusuke và Misaki (cô gái lái xe) chia sẻ nỗi đau của nhau, hoặc Yusuke và Koji hiểu nhau hơn và từ sự trao đổi mà hiểu chính họ; tính dục được thể hiện qua nhân vật Koji, anh ta có thể sữ dụng nó để “gần gũi” với nhiều người (phụ nữ) dù ngôn ngữ bất đồng; còn riêng về nhân tố nghệ thuật, nó là phương tiện mang nhiều người đến với nhau (khán giả), để từ đó hiểu ra bản chất của cuộc sống.

Tất nhiên đây chỉ là xét theo ý nghĩa là phương tiện để bắt đầu mọi chuyện, còn việc con người có thể hiểu chính họ, hoặc hiểu bản chất cuộc sống đến đâu thì tùy thuộc vào quá trình của sự chia sẻ, hoặc giá trị của phương tiện đó, ví dụ như giá trị mang tính kinh điển của vở kịch “chú Vanya”. Cũng đồng thời liên quan đến tính dục của xác thịt, Koji chỉ dùng nó để thỏa mãn dục vọng, nhưng Oto lại có khả năng kéo gần 2 người đàn ông có bản tính trái ngược nhau đến gần với nhau.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Xanh – cá nhân tốt đẹp đã chết. Đỏ – cộng đồng của những cá nhân đang đóng chặt tâm hồn

Điện ảnh (cấp độ nghệ thuật, nhận thức cao) ngày nay luôn chỉ cho chúng ta thấy sự phân ly trong bản thể người, và cũng vì thế mà con người phải sống trong mâu thuẫn –  đau thương – mất mát – cô độc. Đó cũng là lý do trong phim không có đứa trẻ nào cả, tất cả chúng đều chết, vì trẻ nhỏ là hiện thân của kết quả cho sự giao hòa đó. Gia đình thứ nhất – Yusuke gắn bó với chiếc xe và cuộn băng ghi âm lời Oto (tình yêu đã chết, chỉ còn nghệ thuật), gia đình thứ 2 (trung gian) – vị thông dịch viên với người vợ câm và con chó, gia đình thứ 3 – Misaki với chiếc xe của người khác và hành khách (chỉ còn công việc thuần túy). Ngoại trừ gia đình trung gian, từ thứ 1 nhảy sang thứ 3, thế hệ trước và thế hệ sau, thìchúng ta thấy sự xuống cấp của nó.

Sự phân ly ở xã hội Nhật nói riêng và xã hội con người nói chung được thể hiện qua 2 người đàn ông là Yusuke và Koji, một người sống vì nghệ thuật, một người có liên quan nghệ thuật nhưng sống theo như cầu của bản năng, 2 người này là đại diện cho tầng lớp trí thức cũ và mới; hoặc về người mẹ điên của Misaki, lúc thì bà ta đánh đập con gái, lúc thì bà ta hóa thành “bà tiên” an ủi đứa con, trạng thái tinh thần phân liệt, bà ấy đại diện cho tầng lớp bình dân. Những gì xẩy ra trong văn hóa Nhật cũng có thể thấy rõ, họ có những thứ nghệ thuật đỉnh cao như trà đạo, cung đạo, kiếm đạo, tinh thần cống hiến cho xã hội khi làm việc, nhưng mặt khác thì công nghệ tình dục cũng phát triển tương đương và với những thể hiện vô cùng bệnh hoạn; hoặc về điện ảnh thế giới, dòng phim thị trường và dòng phim nghệ thuật phát triển song song với nhau.

Ở nhiều phim nghệ thuật khác thường dùng bản giao hưởng để cho thấy mỗi người chúng ta là một phần trong đó, còn với phim này thì dùng vở kịch “chú Vanya”. Vở kịch này thể hiện xuyên suốt bộ phim, và chúng ta thấy ngay rằng những gì xẩy ra với Yusuke cũng giống như một phần trong vở kịch này, một người chồng có vợ ngoại tình. Có thể chúng ta thuộc về những nền văn hóa khác nhau, dân tộc và ngôn ngữ khác nhau, nhưng chúng ta đều có mặt trong vở kịch cuộc đời, có thể về hình thức khác nhau, nhưng về bản chất nó đều giống nhau như vở kịch kinh điển trong phim, các diễn viên nói nhiều thứ tiếng là hàm ý cho điều tôi vừa nói.

Mỗi chúng ta trong đời sống thực tại sẽ đảm nhận một vai diễn mà cuộc đời trao cho, vai diễn đó thuận theo bản tính của chúng ta, và chúng ta cứ đóng cái vai đó trong sự ngơ ngác với góc nhìn của riêng nó, nhưng nhờ có những vở kịch kinh điển này nói riêng, hoặc nghệ thuật nói chung, chúng ta có được một góc nhìn của “thượng đế” để hiểu rõ tất cả và từ đó có sự cảm thông dành cho nhau, lại gần với nhau.

Hoặc trong góc nhìn ngược lại, dù chúng ta xem qua vở kịch, chúng ta chỉ mới biết về nó chứ chưa hiểu sâu sắc đâu. Giống như anh chàng diễn viên Koji, anh ta biết vở kịch, là một diễn viên và được chọn vào vai Vanya, anh ta có thể diễn vai đó, nhưng anh ta không thể hiểu sâu sắc vai diễn đó – vai diễn người có vợ ngoại tình, chỉ có Yusuke mới thật sự hiểu thấu nỗi đau trong vai diễn này, vì vậy mà anh ấy sợ phải diễn, và nó cũng không phải là diễn nữa rồi, nó là sự đối diện lại với nỗi đau. Bản chất Koji không hề thay đổi, và vì thế, anh ta vô tình giết người và không thể diễn vai đó, ta gọi nó là số phận hoặc nhân quả đều được.

Hoặc cách mà phim chọn nghề cho các nhân vật cũng rất độc đáo, Oto là biên kịch, Yusuke là diễn viên kịch, Koji là diễn viên điện ảnh, biên kịch thì hiểu rõ bản chất cuộc sống nên họ có thể tạo ra những vở kịch sống động, diễn viên thì có thể diễn nhiều vai khác nhau và khác với bản chất của họ, một người thì diễn vai người chồng tử tế, người kia thì diễn vai nhân tình, một người có tâm hồn nhưng đóng chặt, một người thì tâm hồn trống rỗng.

Nhưng bởi vì họ gặp Oto và được tiếp xúc với vở kịch, họ cũng dần nhận ra chính họ; Yusuke nhận ra rằng anh ấy nên sống thật với cảm xúc của anh ấy; Koji cũng nhận ra chính anh ta, các bạn có nhớ đoạn anh ta nói rằng chuyện tiếp theo của cô nữ sinh? Có người về khi cô nữ sinh đang thủ dâm, và đó là tên trộm, cô nữ sinh giết tên trộm. Misaki chỉ ra Koji nói dối về câu chuyện nhưng nói thật về bản thân anh ta, nghĩa là Koji xem bản thân anh ta là cô nữ sinh, và “anh ta” là kẻ giết người, cho nên “cô nữ sinh” đã quay lại và đứng trước camera vào nói “tôi là kẻ giết người”. Koji đau khổ vì hiểu rằng trong cái chết của Oto có một phần lỗi của anh ấy, nên anh ấy đã “quay lại” – chủ động tham gia vở kịch, đến gặp Yusuke để thú nhận tội lỗi của mình.

Với những phân tích đó, chúng ta có thể đảo ngược vai trò của con cá “mút đá”, Oto nói rằng kiếp trước của cô ấy là con cá đó, nhưng sự thật không phải, chính Yusuke và Koji mới là những con cá “mút đá”, họ mới là loài cá ký sinh, và Oto là loài cá bị ký sinh, những chất bổ dưỡng từ tâm hồn và thể xác của cô ấy bị những “con cá” này hút cạn, và cô ấy đã chết.

Ngoài ra thì phim này có những thâm ý hết sức độc đáo trong chi tiết chọn quốc gia cho những người tham gia vở kịch. Yusuke và Koji là người Nhật, thể hiện sự phân ly thành 2 bản tính của một bản thể, cô gái cặp với Koji là người Đài Loan (thật ra phim muốn ám chỉ giới trẻ TQ hơn) thì đóng vai cô vợ ngoại tình, còn cô gái đóng vai “cháu gái” thì là người Hàn và bị câm – nếu hiểu rõ văn hóa Hàn thì sẽ hiểu hiện thực không lý tưởng và lãng mệnh như những gì chúng ta thấy trên phim của họ đâu, vai trò của phụ nữ rất thấp trong xã hội nước này.

Ngoài nghệ thuật có thể giúp con người hiểu rõ bản chất cuộc sống, có một thứ khác cũng làm được việc này nhưng nó mang màu sắc tàn nhẫn hơn, đó là công việc của những con người dưới đáy xa hội, đó là Misaki, cô ấy lạc loài và trở thành tài xế, cô ấy từng lái xe rác (tập thể) – thấy rõ những thứ rác rưởi mà xã hội đã thải ra, cô ấy lái xe cho các nghệ sĩ (cá nhân) – thấy rõ bi kịch của những con người thành công. Cái sự tàn nhẫn đó tương đồng với chuyện cô ấy học được cách lái xe tuyệt vời, vì nếu cô ấy không lái xe tốt thì sẽ bị người mẹ đánh đập rất tàn nhẫn.

Kết phim cho chúng ta thấy một sự chuyển giao, nếu trước đó Yusuke lái chiếc xe mang tính cá nhân (xe riêng và chỉ có cửa trước), thì đoạn kết chúng ta thấy Misaki lái chiếc xe này và bên trong có một con chó; thế hệ phụ nữ nối tiếp này của Nhật không giống như Oto đã chết của thế hệ trước, họ đã nhận ra nhiều điều và không trở thành nạn nhân của những con cá “mút đá” sống ký sinh, họ thích sống độc thân, độc lập tài chính và nuôi thú cưng, tôi không biết điều này đáng vui hay đáng buồn.

Hoặc nếu bạn là người có tinh thần lạc quan thì có thể cho rằng ở nơi nào đó có một căn nhà, và Misaki đang dùng chiếc xe chung của họ để đi mua thức ăn, khi này gia đình có đủ 3 thành viên là, người đàn ông giàu kinh nghiệm sống và đã tìm lại được bản thân, một cô gái trẻ có tinh thần mạnh mẽ, và một con chó trung thành, biết đâu sau đó sẽ có vài đứa trẻ được sinh ra.

Giờ thì bạn thấy kịch bản của phim này thế nào? Có xứng đáng nhận giải kịch bản hay nhất ở LHP Canness và nhiều giải thưởng quốc tế khác? Và phim này cũng rất “nặng ký” cho giải Oscar sắp công bố, sau đó thì bạn thấy bài viết trên Chí Blog thế nào? Có nên ủng hộ và chia sẻ thêm với nhiều người khác? Cảm ơn các bạn đã đọc bài.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Một số phim tương tự:

Thương Nhớ Cố Hương – Nostalghia (1983): khi sự sống phân đôi – Nghệ Thuật

Hồi Ức – Zerkalo – Mirror (1975): lạc mất lối về – Nghệ Thuật

Thiên Nga Đen – Black Swan (2010): con đường của sự hoàn hảo và tự do – Nghệ Thuật

Chiếm Hữu – Possession (1981): cơn vật vã của sự tách biệt – Nghệ Thuật

Tuổi Trẻ – Youth (2015): sức sống của tâm hồn – Nghệ Thuật

Departures: tẩm liệm, cho người chết hay người sống?

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

One thought on “Review phim Drive My Car: nhận ra và chuyển giao sự cô độc

  1. Không nhắc tới là vì nhiều nguyên do, thứ nhất là thói quen khi viết bài về phim, trừ một số nhà văn, đạo diễn hoặc diễn viên mà tôi yêu thích, thường thì tôi chỉ phân tích nội dung ý nghĩa của phim; thứ 2 là những thông tin đó đã quá nhiều người nhắc tới rồi, mà Chí Blog không viết lại những gì mà người khác đã viết; thứ 3 là tuy ông này là nhà văn nổi tiếng của Nhật nhưng tôi chưa từng đọc qua tác phẩm nào của ông ấy cả, vậy nhắc tới có ý nghĩa gì đâu, biết gì đâu mà nhắc, cũng có cuốn Rừng Nauy nhưng chưa đọc, với lại tôi xét trên giá trị của chính những gì tôi xem trong phim, chứ không phải tôi thấy phim hay vì nó được chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn nổi tiếng nào đó mà thậm chí tác phẩm đó tôi cũng chưa đọc qua.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Kịch bản phim 15p: Gia Đình

T3 Th2 8 , 2022
Trên các “nhóm” về biên kịch ở Facebook lâu lâu lại có nhà sản xuất yêu cầu gửi kịch bản phim ngắn, nên tôi cũng tham gia, và tất nhiên là cho vui thôi chứ không mong đợi gì, vì tôi là nghiệp dư mà, huống hồ phần lớn (không […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese