Dogville là phim chính kịch với nữ chính do Nicole Kidman thủ vai, bộ phim gây nhiều tranh cãi – wikipedia bảo vậy, nhưng Chí Blog – “website duy nhất đa vũ trụ giải mã phim nghệ thuật” không quan tâm điều đó hen, thật ra thì đây là một chuyện ngụ ngôn “phản cổ tích”, đọc tiêu đề thì các bạn biết đó là câu chuyện cổ tích nào rồi đấy, chỉ cần nhìn ra được điều này thì chúng ta đã có được cấu trúc cơ bản của phim. IMDb 8.0 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Lưu ý: nếu lâu quá mà không thấy bài viết mới thì nghĩa là Chí Blog hỏng được ai tài trợ viết bài nghen, mong nhiều người chung tay tài trợ để mình ra nhiều bài viết hơn.
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Nội dung phim có thể được chia thành 2 phần, phần trước tốt đẹp, phần sau tồi tệ, khán giả sau khi xem hết bộ phim sẽ rất dễ đồng cảm với hành động của trả thù của Grace và bị những lời nói từ người cha của cô ấy thuyết phục, sự thật thì mọi lời mà ông ấy nói ra đều là ngụy biện và là “ánh trăng lừa dối”, thông thường khán giả chỉ phán xét sự việc dựa trên những gì họ thấy, nhưng ít người đặt ra vấn đề là tác nhân gì đã thúc đẩy và tạo nên một hoàn cảnh như vậy, cách suy nghĩ theo quán tính này xẩy ra rất nhiều ở những bộ phim châu Á, trong khi những bộ phim của phương tây thì đào sâu vào những tác nhân này, cho nên có rất nhiều người vội vã kết luận rằng “con người bản ác” hoặc đạo đức giả trong những việc tốt mà họ làm.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Trước tiên chúng ta đi thẳng vào cấu trúc phim, bạn thấy sơ đồ con phố của thị trấn này chứ? Con đường nhìn giống cái gì? Là một khúc xương, vậy những gia đình trên con đường đó biểu tượng gì? Là thịt trên khúc xương. Nếu chia con đường ra làm 2 phần, chúng ta có phần trên là biểu tượng theo xu hướng cộng đồng tính, hoặc nữ tính, mà đường hầm của khu mỏ giống một “cơ quan” của nữ giới; phần dưới là biểu tượng theo xu hướng cá nhân tính, hoặc nam tính, mà núi đá giống một “cơ quan” của nam giới. Chúng ta lại chia thị trấn theo chiều dọc, bên trái thiên về xác thịt, bên phải thiên về tinh thần. Ngôi nhà thờ (tôn giáo) nằm giữa con đường, là điểm kết nối tinh thần của cộng đồng tính với cá nhân tính, nhưng ngôi nhà thờ này phế vì không có mục sư.
Chúng ta thử liệt kê các gia đình ở thị trấn, phía trên, nhà của 2 chị em gái mà trong đó có một người khuyết tật, nhà của 2 người đàn ông mà trong đó có 1 nhà văn nửa mùa và người cha bác sĩ, nhà chung dành cho các cuộc hội họp do một phụ nữ ngớ ngẫn chăm sóc; phía dưới, nhà của một gia đình đông con – vì người chồng quá “xác thịt” nên đông con, nhà của một người thợ “thiếu não” và vài người thân, nhà của lão già mù, nhà của một bà già bán tạp hóa có vườn hoa, và bên hông là nơi đậu xe của một tài xế chở hàng hóa.
Tiếp theo là cốt truyện “phản cổ tích” Nàng Bạch Tuyết, tất nhiên nàng công chúa của chúng ta chính là Grace; 7 chú lùn bao gồm 7 người nam từ trẻ con đến người già đã “cưỡng bức” Grace, đó là đứa bé, người cha, người thợ, lão già mù, gã tài xế, nhà văn, ông bác sĩ; hoàng tử là nhà văn; mụ phù thủy là người cha của Grace – ông trùm; bác thợ săn là những gã cảnh sát.
Bởi vì đây là câu chuyện “phản cổ tích” nên nó sẽ diễn ra theo hướng ngược lại, nàng Bạch Tuyết bị người cha (kiêm dì ghẻ) đuổi bắt, sau đó nàng bị 7 chú lùn “cưỡng bức”, bị bác thợ săn truy nã, bị hoàng tử gài bẫy nên lọt hố, nàng không ngủ mê trong lồng kính mà bị xích lại như chó, và cuối cùng được người cha giải cứu và biến nàng thành kẻ độc ác giống như ông ta.
Giờ thì chúng ta phân tích đến những tác nhân đã tạo nên một hoàn cảnh và cái kết của phim. Câu chuyện được bắt đầu bằng lời giới thiệu về thị trấn Dogville, có một chi tiết cực kỳ quan trọng là mọi người bỏ qua, đó là việc người cha trách mắng đứa con trai khi nó cho con chó khúc xương còn thịt, anh ta nghĩ rằng nếu đối xữ tốt với con chó thì nó sẽ lười biếng trong việc giữ nhà, đây là quan điểm theo chủ nghĩa duy lợi, nghĩa là “tao chỉ tốt với mày khi mày mang lại lợi ích cho tao” – đây là tác nhân thứ nhất, và chúng ta thấy cái thứ chủ nghĩa duy lợi này đi xuyên suốt bộ phim.
Nó tồn tại trong quan điểm của gã nhà văn nửa mùa, gã thường rao giảng về đạo đức, nhưng khi gắn kết một hành động mang tính đạo đức với lợi ích, thứ nó tạo ra sẽ là đạo đức giả, lòng tốt hoặc tình yêu chỉ giữ được giá trị thiên liêng của nó khi được trao đi với tinh thần vô vị lợi. Chúng ta cũng thấy quan điểm này ở người cha của Grace, ông ta không thật sự xem cô ấy là con gái, mà chỉ xem cô ấy như công cụ, như người nối nghiệp cho cái đế chế tội phạm của ông ta, cho nên khi Grace tràn đầy lòng thương người bỏ chạy khỏi sự độc ác của ông ta, người cha này đã hướng về đứa con gái nổ súng.
Thật sự mà nói thì toàn bộ xã hội loài người của chúng ta đang hoạt động dựa trên thứ chủ nghĩa này, nó là phần chìm của thứ mà chúng ta gọi là “đấu tranh sinh tồn” hoặc “sự cạnh tranh sẽ thúc đẩy xã hội phát triển”, quan điểm này có đúng không? Đúng … một nửa! Tại sao? Vì con người không phải thánh để bắt họ phải làm việc tốt hoặc yêu thương người khác với đòi hỏi vô vị lợi, nửa đầu bộ phim đã cho chúng ta thấy những điều tốt đẹp đã được tạo ra ở thị trấn Dogville, đặt biệt khi “cái lợi” này kết hợp với sự nhiệt huyết của Grace và lòng tốt của những người trong thị trấn, hoặc chúng ta có thể nhìn vào thực tế trong sự phát triển xã hội ở các nước phương tây, hoặc sự sụp đổ của Liên Xô khi xóa bỏ thứ lợi ích mang tính cá nhân ở mỗi con người.
Nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó, nếu chủ nghĩa duy lợi vượt qua ranh giới, nó sẽ xóa bỏ hoàn toàn nền tảng đạo đức nơi con người, con người ngày càng trở nên vô cảm và độc ác, lòng tốt không còn, tình yêu biến mất, nhân phẩm bị chà đạp, đó là nửa sau của bộ phim như chúng ta đã thấy, hoặc những vấn nạn thực tế của xã hội phương tây hoặc của Nhật và Hàn mà tôi thường chỉ ra trong các bài review. Đó là sự tan vỡ của gia đình, vợ chồng sống theo ý thích cá nhân và xem nhau như bạn hoặc đồng nghiệp, con cái trưởng thành thì rời bỏ cha mẹ, thế hệ trẻ lạc lối trong “tự do”, tình yêu biến mất thì mỗi người chỉ như những bào tử nấm vô tính.
Những người trong thị trấn có phải là người tốt hay không? Phải! Trong cảnh bỏ phiếu bầu lần đầu tiên, mặc dù khi được Grace giúp việc để được ở lại thị trấn, nhưng bản thân mỗi người đều cảm thương và áy náy khi nhận sự giúp đỡ đó, nên họ đã gửi Grace những món quà để trả công, và mỗi người đều đồng ý cho cô ấy ở lại với sự rủi ro, mỗi người đều tốt dù mỗi người không tin tất cả đều tốt giống mình, sau đó thì Grace được ở lại.
Tại sao ở trên tôi bảo rằng những lời của lão trùm là ngụy biện? Vấn đề trao đổi của 2 cha con ở cuối bộ phim là chuẩn mực đạo đức tự thân, sự trừng phạt và sự tha thứ, người cha nói rằng nếu Grace có chuẩn mực đạo đức tự thân, nghĩa là khi Grace làm sai thì Grace sẽ chấp nhận hình phạt, vậy những người trong thị trấn làm sai thì họ cũng phải bị trừng phạt và không được tha thứ, đúng không? Đúng … một nửa! Vì sao? Vì lão trùm (sò) này láo chứ sao, chính ông ta đã dồn ép cả thị trấn và cô con gái vào đường cùng để cả 2 bên cắn xé nhau, vậy lão có bị trừng phạt không? Không! Cho nên lời lão nói là láo toét và ngụy biện, cái kiểu lập luận như lão này có rất nhiều trong thực tế cuộc sống nha – các bạn tự tìm hiểu vì nó rất nhạy cảm, hoặc nó có trong cái câu nổi tiếng của tác phẩm Trại Súc Vật á.
Cuối cùng thì thông điệp phim là gì? Là chỉ cho chúng ta thấy rằng nếu xã hội này chỉ biết chạy theo chữ “lợi”, thì lòng tốt và tình yêu biến mất, đạo đức không còn, chỉ còn lại thứ đạo đức giả, người với người đối xữ với nhau như chó, giống như cảnh Grace vì quá đói nên giành khúc xương của con chó và bị nó cắn, mà “hệ thống” xã hội – biễu tượng là lão trùm biến thành chó, còn người dân của thị trấn chỉ là miếng thịt trên khúc xương của nó, đó cũng là cảnh cuối cùng trong phim, hình vẽ biến thành con chó thật, vì khi này làm gì còn con người ở đây, vì số ít cá nhân nắm giữ quyền lực của loài người biến thành chó, phần còn lại thì biến thành thịt cho chó ăn rồi còn đâu.
Phim mang tính ngụ ngôn và châm biếm cách mà xã hội loài người đang vận hành, giống như lão già mù lại tỏ ra là không mù – nhưng ai cũng biết là lão bị mù, như gã nhà văn nửa mùa rao giảng đạo đức lại dựa trên chủ nghĩa duy lợi, như lão trùm lý luận cho lắm nhưng chỉ là ngụy biện, rồi cái thứ “giác ngộ” mà Grace tìm thấy ở cuối phim chỉ là “ánh sáng” của “ánh trăng lừa dối” – thứ ánh sáng phản chiếu giả tạo.
Mình nghĩ bài viết đến đây đã đủ, những thông điệp khác các bạn có thể tìm hiểu khi xem phim, mà các bạn có thấy cái “bọn” trí thức phương tây nó “thâm” không? Chửi “hệ thống” là chó, chửi đa số loài người còn thua cả chó, chỉ là thức ăn cho chó.
Bạn thấy bài viết thế nào? Bạn có thể tìm mọi bài viết trong đa vũ trụ, sẽ không có bài nào giống bài này, vì vậy nhớ tích cực tài trợ “cà phê” cho Chí Blog để có nhiều bài viết hơn nhé:
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Những bộ phim tương tự:
Lồng Chim – Bird Box (2018): con người thua cả chim
12 Con Khỉ – 12 Monkeys (1995): Mon(day) – keys giải mã Enddate
Chú Bò Đầu Tiên – First Cow (2019): tham lam ích kỷ vs khôn lỏi – new
Loạn Giới – Dogtooth (2009): bẻ gẫy cái răng chó
I Daniel Blake (2016): đừng biến chúng tôi thành kẻ tìm sự bố thí – Cành Cọ Vàng
Không Ai Biết – Nobody Knows (2004): giá phải trả cho sự phát triển
Đứa Con Của Thời Tiết – Weathering With You (2019): kệ con.. khỉ nó thời tiết