Review phim Come True: không biết đâu là thật đâu là mơ

Come True (Giấc Mơ Trở Thành Sự Thật – 2020) là phim tâm lý – kinh dị – trừu tượng – hack não, Chí Blog có thể giải thích theo nhiều cách, nhưng để hiểu chính xác thì đành bó tay, đó có lẽ là mục đích của pha bất ngờ ở cuối phim.  IMDb 6.0 , số điểm nếu xét về tính giải trí, vì tình tiết trôi qua khá chậm, nhưng nếu lấy thang điểm cho yếu tố tâm lý và đa thông điệp thì tôi sẽ chấm là 7.5 , xem phim để biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.

Giải Thích và phân tích ý nghĩa truyền tải

Phim kể về một thiếu nữ tên Sarah sống cùng với mẹ, Sarah thường bỏ nhà để ra ngủ ở công viên và cứ mơ đi mơ lại một giấc mơ duy nhất, chính điều này khiến Sarah bất an và tham gia một thí nghiệm khoa học về ý nghĩa của những giấc mơ để tìm ra ý nghĩa của nó. Sau khi bạn xem hết cả bộ phim, bạn có thể kết luận rằng tất cả những gì được kể trong phim thì chỉ là giấc mơ của một người đang hôn mê, nhưng tôi không chắc về điều đó. Không quanh co nữa, chúng ta cùng giải mã ý nghĩa bộ phim này.

Giấc mơ của Sarah thế nào? Cô ấy đang đi trong bóng tối, những căn phòng tối tăm với vài bóng đen hình người đang cắm đầu vào các bức tường, một hành lang cũng với vô số bóng đen không đầu mà tay chân dính chặt vào trần và bị treo lơ lững giữa không trung, cứ qua mỗi khu vực là có một cánh cửa mở ra, đoạn gần cuối là một đường hầm dài, cánh cửa cuối cùng mở ra một không gian rộng lớn tối tăm, ở giữa khu vườn ấy đang đứng một bóng đen với cặp mắt tỏa sáng, khi Sarah mơ đến đây thì cô ấy cực kỳ sợ hãi và giật mình thức giấc.

Giấc mơ này có ý nghĩa gì? Trung tâm nghiên cứu giấc mơ cũng phát hiện điều tương tự, sự khởi đầu có thể sẽ khác nhưng ở điểm cuối cùng luôn là bóng đen với cặp mắt phát sáng. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa Sarah và những người khác, đó là cô ấy đến với bóng đen đó rất nhanh. Nếu bạn hiểu chút ít về vô thức và các giấc mơ, bạn sẽ biết rằng vô thức nhận định cuộc sống trong đời thực theo cách chính xác nhất và ít bị những thứ bề ngoài làm cho méo mó, chỉ có điều cái sự thật mà vô thức cảm nhận được là thuộc về bản chất chứ không phải là một thực thể được định hình rõ ràng, đó là một bản chất mang tính trừu tượng, cho nên các giấc mơ thường trừu tượng và đa nghĩa.

Cũng chính vì điều này mà nhiều nghệ sĩ khao khát được mơ, vì họ có thể mang cái trừu tượng đó ra bên ngoài nhờ vào nghệ thuật. Với người thường, giấc mơ chỉ là mơ, với nghệ sĩ, mơ là tài liệu của tác phẩm nghệ thuật, đó cũng là lý do phần lớn họ đều dùng chất kích thích như ma túy.

Tại sao Sarah luôn mơ thấy bóng đen ở điểm cuối? Bởi vì … Sarah có một tâm hồn khác biệt nhiều người và cô ấy thích ngủ ở công viên. Bóng đen đó là gì? Là linh hồn / tâm hồn của mỗi con người, cái linh hồn đó đang ở đâu? Ở nơi sâu nhất trong vô thức. Linh hồn đó khát khao điều gì? Tự do và được hòa một thể với thiên nhiên, đó cũng là ý nghĩa của phần gần cuối phim, khi Sarah mộng du rời khỏi thành phố để đi vào rừng, tại điểm cuối cuộc hành trình, Sarah tìm thấy bóng đen với cặp mắt sáng của cô ấy.

Như vậy chúng ta có thể giải thích giấc của Sarah, những bóng đen với cái đầu cắm vào tường hoặc bị treo lơ lững, chúng tượng trưng cho những kẻ sống trong đời thực và tâm hồn của họ đã bị đời thực hủy hoại. Cuộc thí nghiệm của trung tâm nghiên cứu đã tạo ra một quá trình ngược, họ đã triệu hồi linh hồn của những người làm thí nghiệm, và hậu quả là những người đó sẽ mãi mãi chìm vào giấc mộng đó mà không thể thoát ra được. Cái này hơi trừu tượng và khó hiểu một chút, tôi sẽ nói rõ hơn.

Khi chúng ta thức, chúng ta có ý thức, khi chúng ta ngủ, chúng ta chìm vào vô thức, mà vô thức thì nhận ra sự thật của đời sống theo tính trừu tượng. Quá trình sống của chúng ta diễn ra theo chiều thuận, từ sự ý thức, qua quá trình học hỏi từ kinh nghiệm sống, chúng ta nhận ra sự thật của đời sống bằng ý thức, đó chính là lúc chúng ta tìm thấy tâm hồn mình bằng ý thức trong sự thức tỉnh hoàn toàn, vì lúc này ý thức con người cực kỳ vững mạnh, nó không còn bị vô thức chi phối nữa.

Nhưng cuộc thí nghiệm là một quá trình ngược, nó triệu hồi tâm hồn – vô thức ra ngoài, lúc này thì ý thức của con người cực kỳ yếu đuối, chính vì vậy những người làm thí nghiệm sẽ bị vô thức chiếm lĩnh hoàn toàn thân xác, họ không còn phân biệt được đâu là thực và đâu là mơ, họ sẽ không bao giờ thức giấc.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Ma cà rồng là biểu tượng của sự khát khao chiếm hữu – sau khi nếm “quả ngọt” của tình yêu

Như vậy thông điệp đầu tiên của phim là phản ánh mặt trái của thế giới ngày nay, con người đào sâu vào vô thức con người và dùng nó để tư lợi, việc này cực kỳ nguy hiểm, ví như họ dùng tâm lý học hoặc phân tâm học để khơi dậy nhiều thứ bản năng tối tăm như giết chóc, ham muốn, sự tham lam, hậu quả là con người chỉ sống bằng bản năng như loài thú.

Thông điệp thứ 2 như tôi có nói ở trên, nó mang tính tích cực, nhờ nghiên cứu về vô thức mà chúng ta hiểu tâm hồn mình cần gì và muốn gì, muốn tự do, sự hòa mình vào thiên nhiên, tình yêu – như giấc mơ của người đàn ông trong phim, và những thứ đang giết chết tâm hồn con người như trong giấc mơ của Sarah.

Từ những gì đã phân tích, chúng ta có thể hiểu câu chuyện phim theo nhiều cách, thứ nhất là những gì diễn ra từ đầu đến đoạn gần cuối đều là thật, và cái phần cuối khi Sarah thấy cô ấy giết chết người yêu và biến thành ma cà rồng thì chỉ là mơ, nhưng cũng nhờ việc tìm thấy tâm hồn mình nên cô ấy biết đó là mơ qua tin nhắn trong điện thoại.

Thứ 2 là như tôi nói ở phần trên, tất cả chỉ là mơ, nghĩa là từng có một Sarah tỉnh thức nhưng đã hôn mê 20 năm. Nếu hiểu theo cách này thì giấc mơ của Sarah (những gì chúng ta thấy trong phim) là sự hòa trộn giữa những gì từng diễn ra khi cô ấy còn tỉnh và những gì cô ấy cảm nhận được khi đang bị hôn mê. Nhiều nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng những người đang hôn mê vẫn có thể nhận thức được mọi thứ xung quanh họ nhưng họ không thể tỉnh lại được.

Trong phim chúng ta thấy 2 người đàn ông trong viện nghiên cứu, người yêu của Sarah và viện trưởng, 2 người này đều mang kính, có thể hiểu viện trưởng chính là người yêu của Sarah sau 20 năm, và nhờ quá trình nghiên cứu 20 năm nên anh ấy đã tìm được phương pháp gửi thông điệp cho cô ấy vào chiếc điện thoại trong mơ.

Thông điệp thứ 3, dù hiểu theo cách nào đi nữa thì thứ có thể giúp con người thoát khỏi cơn ác mộng của ý thức hoặc vô thức đều là tình yêu, nếu không có tình yêu, con người sẽ không tìm thấy hạnh phúc, không thoát khỏi sự cô đơn, không tìm thấy tâm hồn chính mình.

Vài hình ảnh mang tính biểu tượng, việc Sarah bị thương mắt trái, nghĩa là ý thức cá nhân và vô thức tập thể đang đồng thời làm chủ cơ thể, khi cả 2 mắt bị thương hoặc trong con mộng du là vô thức cá nhân và tập thể đều đang làm chủ cơ thể. Cho nên khi Sarah lên tới “đỉnh” khi làm tình thì đó chính là lúc vô thức cá nhân và tập thể đang làm chủ cơ thể, tai nạn khiến Sarah hôn mê có thể là từ lúc này, nó cũng tương ứng với giấc mơ ở đoạn cuối, khi Sarah móc mắt người yêu.

Và như vậy có thể cho ra một cách hiểu phim thứ 3, đó là bộ phim dừng ở đoạn 2 người đang làm tình, khi Sarah lên tới “đỉnh” thì bắt đầu hòa vào vô thức toàn diện và những gì sau đó chỉ là mơ, và giấc mơ đó kết thúc khi anh chàng người yêu lên tới “đỉnh” và được diễn tả bằng cảnh Sarah móc mắt anh ấy, nói cách khác thì những gì chúng ta thấy trong phim từ đoạn Sarah bất tỉnh cho đến đoạn cuối là không có thật, nó chỉ là ảo giác trong khoản thời gian làm tình giữa họ, và chẳng có tai nạn nào diễn ra với Sarah. Còn máu ở đâu ra? Cái này thì bạn tự hiểu nhé, đó không phải là máu do móc mắt đâu á.

Nếu bạn đọc một lần mà vẫn không hiểu những gì tôi giải thích thì có thể đọc lại lần nữa, khi đó bạn sẽ hiểu rõ hơn 3 thông điệp và 3 cách hiểu phim mà tôi phân tích. Càng ngày tôi càng khâm phục trình độ biên kịch của phương tây. Cảm ơn bạn đã đọc bài.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Little Fish: nhớ hạnh phúc – quên khổ đau

T7 Th6 19 , 2021
Little Fish (Cá Nhỏ – 2021) là phim tâm lý – giả tưởng với chủ đề mất trí nhớ từng có trên nhiều phim khác, tuy nhiên không vì thế mà trở nên kém ý nghĩa. Nếu các bạn quan tâm đến điện ảnh thế giới thì sẽ thấy Little […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese