Broker (Người Môi Giới – 2022) là phim Hàn, khá “nhạt” và thiếu kịch tính nhưng nhận nhiều lời khen ở Canness, tại sao? Chí Blog biết “bí mật” đó, vì Chí Blog là website duy nhất VN giải mã phim nghệ thuật có giá trị dưới TỈ ĐÔ (trend mới, sao người Việt nhìn đâu cũng thấy tiền nhỉ?). Thật ra thì cái chuyện diễn biến trong những phim nghệ thuật diễn ra chậm rãi không có gì lạ với những bạn đọc thân quen của Chí Blog, và như tôi từng nói nhiều lần, đối với những đạo diễn nổi tiếng thì gần như bất cứ điều gì đó có vẻ “bất thường” đều là sự cố ý mang tính mục đích, vậy điều chúng ta cần làm là tự “bổ não” về thứ mà chúng ta nhận ra. IMDb 7.5 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Một số bộ phim “chậm” và “nhạt” giống Broker: Nobody Knows ,Drive My Car, Elephant, Paterson, Ida, Never Rarely Sometimes Always, Winter Sleep …
Ý nghĩa thông điệp truyền tải
Dạo này tôi rất lười viết, vì khi nhìn thấy người đọc quá thụ động sau khi đọc các bài viết của mình, rất ít người chịu chia sẻ dù cảm thấy nó hay, và vì lười, nên tôi sẽ vào thẳng vấn đề luôn. Nếu bạn đã đọc những bài khác trên mạng, nhiều người cho rằng phim này đề cập đến vấn đề gia đình, sự thật thì trọng tâm không ở đó, mà nó chỉ ra cái thân phận mang tính “hàng hóa” và “mồ côi” của con người thời hiện đại, chuyện đó bình thường đến nỗi những vấn đề được đề cập đến trong phim dù là chuyện mang tính giật gân như giết người, buôn bán trẻ em, cho vay nặng lãi, cảnh sát điều tra, nhưng khi xem phim thì chúng ta cảm thấy như đang nghe một câu chuyện kể về đời sống tẻ nhạt của một cô bồi bàn nào đó, cái “nhạt” của phim nhằm mục đích này.
Từ đó bạn đã hiểu tại sao bộ phim này có tựa là Broker, khi nào thì bạn sẽ cần đến người môi giới? Đó là khi bạn muốn món hàng của bạn bán được với giá cao, hoặc bạn có thể muốn mua được hàng hóa tốt, và những điều bạn muốn đó lại trở nên quá khó khăn, nhưng mĩa mai ở đây, đó không phải hàng hóa, mà là con người. Khi nói đến vấn đề này thì cần đề cập đến “hộp em bé”, đây là một sự “sáng tạo” mang tính nhân văn và lòng nhân ái, nhờ nó mà rất nhiều đứa trẻ đã không bị chết cóng khi bị bỏ rơi, nhưng nó cũng chỉ ra điều tôi vừa nói, con người đã trở thành hàng hóa.
Rất khó giải thích về cảm giác của tôi khi nói về vấn đề này, giả như một “sáng tạo” mang tính tiêu cực muốn biến con người thành hàng hóa thì lại là chuyện khác, nhưng đây lại là sự sáng tạo của lòng nhân ái chân thật, thì đạo đức của con người đã dần bước xuống đáy vực sâu rồi vậy; nó giống như một người mắng một người “mày là hư vô”, về bản chất thì hư vô là thứ tồi tệ nhất, cho nên khi bị mắng “mày là thú dữ” thì câu mắng đó lại trở thành một lời khen, vì dù sao thì bị xem là “thú” còn đỡ hơn là “hư vô”, ví dụ thế.
Nghề nghiệp của Sang-hyeon là giặt ủi kiêm thợ sửa chữa quần áo cũng mang hàm ý và tương đồng với người môi giới, đó là ngôn ngữ điện ảnh, tương đồng chỗ nào? Nếu chúng ta hình dung gia đình như một bộ trang phục, thì để có một trang phục sạch sẻ tươm tất và không rách nát, chúng ta cần tìm đến những người như Sang-hyeon, nghĩa là vai trò gia đình trong thời hiện đại đã xuống cấp đếm mức chỉ xem như trang phục mà thôi, hôm nay con người mặc vào “trang phục” này, ngày mai họ thay vào “trang phục” khác. Cái chuyện con cái thay cha mẹ như thay áo có còn lạ trong thế giới ngày nay không? Không hề, có rất nhiều đứa trẻ trải qua vô số cha dượng hoặc mẹ kế trong đời nó.
Trở lại phim, một cô gái trẻ bỏ đứa trẻ trước thềm nhà thờ có “hộp em bé” trong sự chứng kiến của 2 cảnh sát, nhưng nữ cảnh sát không tiến đến để ngăn cản hay giúp đỡ, cái giúp mà tôi nói là chuyển đứa trẻ đến với những người có trách nhiệm tiếp thu trẻ bị bỏ rơi, mà cô ấy “giúp” bằng cách bỏ đứa trẻ vào “hộp” với mục đích để “kẻ cắp” mang đứa trẻ đi bán và từ có có bằng chứng để kết tội. Các bạn có thấy cái sai trong hành động đó? Nữ cảnh sát không hề quan tâm đến đứa bé ấy, cô ta sữ dụng nó như một công cụ phục vụ công việc. Còn cái nhà thờ ấy, một nơi tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi, nhưng thuê đúng kẻ “buôn người” mà vẫn không biết.
Hay khi đứa bé bị bệnh, 2 cái kẻ “buôn người” đó mang nó đến bệnh viện, họ chỉ hỏi qua loa rồi thôi, 3 nhân tố trọng yếu nhất đại diện cho bộ mặt xã hội mà còn thế thì bảo sao bản thân mỗi con người không trở thành “trẻ mồ côi” hoặc “hàng hóa”. Trẻ con ngày nay được sinh ra không từ những nền tảng tốt đẹp như tình yêu và gia đình, đứa trẻ có mẹ là hung thủ giết cha, người cha là một tên khốn nạn và anh ta là con nuôi của một bà trùm xã hội đen. Đứa trẻ bị người cha chối bỏ, bị người mẹ “bỏ rơi”, và lạ lùng thay, tương lai của nó không được quyết định bởi tôn giáo – ngành hành pháp – bệnh viện, mà phụ thuộc vào lòng tốt của “kẻ buôn người”, và bởi vì “kẻ buôn người” không thật là kẻ buôn người nên được xem là người môi giới.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Tại sao chuyện giật gân như giết người, buôn bán trẻ em, cảnh sát điều tra lại không kịch tính? Vì kẻ bị giết quả thật đáng chết, vì kẻ buôn người không phải chỉ vì tiền, vì vấn đề đang điều tra không phải là một hành vi của tội ác thật sự. Tại sao dù đứa trẻ bị mang đi “bán” nhưng không ai nhận ra sự bất thường? Vì người muốn “bán” là mẹ của đứa trẻ, vì mặc dù trong nhóm người có một đứa trẻ mồ côi nhưng nó quá đỗi hồn nhiên, nó vui tươi chơi với trái bóng như những đứa trẻ có đủ cha mẹ, vì sao nó vẫn hồn nhiên mà không phải là tự ti mặc cảm? Vì quanh nó thì ai ai cũng đều mồ côi giống nó, đây là vấn đề tâm lý, khi cả thế giới đều giống như ta thì ta sẽ không thấy bị lạc lõng và khác biệt. Cũng giống như giải thích ở trên, từ “bán” này giống như “hộp em bé”, người mẹ “bán” con để nó có một cuộc sống tốt đẹp hơn, điều đó có giống “bọn buôn người” đưa những kẻ nhập cư bất hợp pháp sang các nước phương tây? Kẻ bị bán trả tiền cho người bán, và tự nguyện bị bán để có tương lai, thế giới này lạ quá.
Khi Sang-hyeon nói với đứa con gái là anh ấy muốn vẫn là cha của nó, bé gái hỏi lại “thật không?”, vì nó cảm thấy không có hy vọng dù nó rất muốn thế, và điều nghi ngờ của nó đã thành sự thật, Sang-hyeon không làm được điều đó, vì anh ấy đã giết người, giết người không phải vì 40 triệu, mà vì cái gã thanh niên có cha mẹ đó có lẽ không thật sự muốn bỏ qua chuyện đứa trẻ, và giả như gã đó có cha mẹ nhưng vẫn gia nhập xã hội đen thì trên thực tế cũng giống trẻ mồ côi thôi.
Ngoài ra thì còn những chi tiết đã thể hiện trong phim, đứa trẻ bị trả giá khi được “mua”, trẻ mồ côi ở trại trẻ trở thành công cụ để hưởng trợ cấp, nhưng chuyện đó cũng giống như “hộp em bé”, sự lợi dụng của họ không hoàn toàn vì tiền (những đứa trẻ luôn có tự do để bỏ trốn). Sự không vội vã của các nhân vật diễn ra vì họ biết họ đang làm gì, dù có vẻ về mặt pháp luật thì nó là điều “tội lỗi”, và họ hoàn toàn nhận thức được rằng ngày nào đó họ sẽ bị bắt, nhưng đó là cuộc sống, sống trong cái “tội lỗi” có thể giúp những đứa trẻ mồ côi tìm được gia đình thích hợp, cho nên họ không sợ bị bắt, trái lại, họ chấp nhận bị bắt để người mẹ ruột có thể được giảm án, thế giới ngày nay lạ quá.
Cái kết phim với cảnh vài năm sau, nó có ý nghĩa gì? Nó cho chúng ta biết rằng, “cha mẹ” hoặc gia đình thật sự tốt cho đứa trẻ chỉ khi được chứng minh qua thời gian, cái gia đình muốn “mua” đứa trẻ vẫn yêu thương nó, và cái đứa trẻ (với trái bóng) rồi cũng sẽ giống như Sang-hyeon, nó sẽ trở thành “người môi giới” chuyên nghiệp hơn, vì nó đã quen với việc đó ngay từ nhỏ.
Bài này tôi không nói về sự gắn kết của các nhân vật trong phim nhờ vào đứa bé, vì nó được thể hiện rõ khi bạn xem phim và qua những bài viết của người khác, tôi không nói điều thừa hen. Còn rất nhiều điều để bàn về bộ phim này nhưng tôi sẽ dừng lại ở đây, các bạn tự chiêm nghiệm nhé. Vậy Broker là phim hay hay dở? Sẽ hay với những ai xem xong và sau đó suy nghĩ về nó, sẽ dở nếu xem xong lại quên mất, sẽ hay nếu thường xuyên chủ động đọc bài viết trên Chí Blog, sẽ dở nếu thụ động đọc những bài mà các công cụ tìm kiếm mang đến cho bạn.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526