Ôi chúng ta mơ ước được nhìn thấy tương lai với những công nghệ vượt bậc, cưỡi phi thuyền xuyên qua những khoản không mênh mông để đi tới những hành tinh xa xôi, khám phá sự kỳ vĩ của vũ trụ. Chỉ có điều nếu còn chút lý trí nào đó thì hẳn sẽ nhận ra rằng, cái tương lai ấy khá là xa vời. Tương lai là một cơn mộng ảo khi chúng ta thật sự đặt chân đến và chạm tay vào. Khi bạn còn 18, bạn mơ gì về tuổi 30, và khi bạn đến tuổi 30 thì bạn thấy gì về những mộng tưởng của tuổi 18? Vỡ mộng hen! Dù có thể ở tuổi 30 bạn đang thành công và giàu có, thì nó cũng đánh đổi bằng những thứ khác chứ không phải giản đơn như bạn từng nghĩ, và trong những sự trả giá ấy sẽ có rất nhiều thứ khiến bạn ray rức.
Năm 2563 thứ mà chúng ta thấy đầu tiên sẽ là … rác, con người sống trong rác và với rác. Một người đàn ông lớn tuổi đang tìm những linh kiện cần thiết trong đống đổ nát. Ngay khi ông tìm thấy “cô ấy”, cái hình ảnh đó khiến tôi nhớ lại một câu rất nổi tiếng “Viên đá người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường“. Trong quá trình “phát triển” của xã hội chúng ta, rất nhiều thứ từng bị loại bỏ, lúc loại bỏ thì ta nghĩ chúng không cần thiết cho hiện tại và tương lai, nhưng thời gian chính là lửa thử vàng, thời gian sẽ vén bức màng của sự thật để cho chúng ta biết là mình thật sự cần gì.
“Cô ấy” tỉnh dậy và nhìn vào đôi bàn tay mình, một đôi bàn tay máy, không có sự kinh ngạc nào trong đôi mắt, nếu có thì chắc cô nghĩ rằng nó đẹp và lạ lùng; cô soi gương, một cơ thể máy móc hoàn toàn. Tại sao tôi nhắc đến chi tiết này? Vì nó chỉ cho tôi thấy một điều khá quan trọng, đó là mọi đánh giá của chúng ta được sinh ra không phải bởi ta, mà bởi những tư tưởng của kẻ khác cấy vào, đẹp và xấu, bình thường và quái thai. Thời điểm ban đầu, ta chấp nhận như ta là, như cách mà ta thấy mình, sau đó thì ta lại nhìn ta qua đôi mắt và sự đánh giá của người khác. Ở hiện tại, bạn tỉnh dậy thấy cơ thể mình bằng máy, bạn sẽ khủng hoảng, vì thế giới thấy nó là quái dị; trong tương lai, nó chẳng là cái gì đáng để kinh ngạc cả; vậy nếu bạn nhìn mọi sự ở một góc nhìn rộng về không gian lẫn thời gian, thì những định kiến sẽ trở nên nhạt nhòa.
Zalem – thành phố lơ lững trên không duy nhất còn tồn tại, nó chính là thiên đường của mọi kẻ sống trong đống rác ở bên dưới. Nơi đó có gì, chúng ta hoàn toàn không biết, có chăng thì ta thấy nó to lớn, kỳ vĩ và tồn tại như một phép màu. Một nơi đáng để tranh đấu để được đặt chân đến. Phim cho ta vài thông tin mơ hồ về cuộc tổng tấn công The Fall, câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra là “tại sao liên minh các nước cộng hòa sao Hỏa lại muốn chúng sụp đổ?”, với một số người thì Zalem là nơi hướng tới, với một số khác lại là nơi cần loại trừ, sự khác nhau nằm ở cái mà Zalem cho và lấy; người muốn tới cảm thấy rằng thứ mà nó cho thì quý hơn cái mà nó lấy, kẻ muốn đánh phá thì quý trọng thứ bị lấy đi hơn là nó mang lại. Trong các cuộc chiến lớn nhỏ của chúng ta trong đời sống thì chẳng phải thế hay sao?
Phim cũng có vài hình ảnh khác khiến ta phải suy nghĩ, một anh chàng chơi đàn bằng cánh tay robot, hoặc câu nói của Alita “cả cơ thể do ông ta tạo, ngoại trừ phần lỏi bên trong là của tôi“, hoặc nụ hôn của Alita với chàng trai. Lỏi ở đây là chỉ thứ mà bộ não lưu trữ, nó là cảm xúc, là tâm hồn, là thứ phân biệt ta và người khác; chỉ cần chúng còn thì ta còn. Còn một thứ lỏi khác, đó là trái tim, một trái tim mạnh mẽ sẽ giúp cho cơ thể mạnh mẽ (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Rất nhiều lần, ta thấy các bộ phận cơ thể bị phá hủy rồi được thay thế, chỉ cần lỏi còn thì người vẫn có thể tiếp tục theo đuổi điều mà hắn muốn. Vậy phải chăng chúng ta nên quý trọng cái lỏi ấy hơn là những thứ hôm nay mất đi nhưng ngày kia sẽ tìm lại được?
Sự phát triển công nghệ mang lại lợi ích lẫn mặt trái của nó, cái chết của con gái ông tiến sĩ, hay người ta sẵn sàng tháo đi bất cứ bộ phận nào đó trên cơ thể kẻ khác để bán đi, rồi biện minh rằng mình không hề là kẻ giết người, vì nạn nhân có thể tìm cái mới lắp vào, công nghệ đang biến con người thành robot trên cả 2 phương diện thể xác và tâm hồn. Một sức mạnh được tạo ra nếu không bị kiểm soát thì nó sẽ quay về để tạo nên một tội ác nào đó và con người chỉ khốn khổ hơn.
Khi chàng trai muốn dẫn Alita ra ngoài thành phố thì cô hỏi “Cái gì bên ngoài thành phố?“, cậu ta đáp “Hầu như chẳng có gì“. Sau đó thì tôi thấy bên ngoài có những cánh đồng, rừng cây, hồ nước tuyệt đẹp. Vậy với cậu ta thì “có gì” là cái gì? “có gì” đó phải chăng là cái thành phố toàn sắt thép, là cái thành phố Zalem lơ lững trên không! Cả một đám đông tụ trong thành phố sắt, tất cả họ khát vọng đến với Zalem bằng mọi cách có thể. Trong khi cái sức mạnh bị thất truyền lại nằm bên ngoài, hay việc Alita được tìm thấy trong bãi rác. Sự tương phản mang nhiều ý nghĩa.
Suốt chiều dài bộ phim, có một biểu tượng được thể hiện thường xuyên, đó là trái tim “thất truyền” của Alita, trái tim cho cô sức mạnh, trái tim được lấy ra khi cô yêu chàng trai, trái tim cứu lấy chàng trai. Chúng ta biết trái tim là biểu tượng của tình yêu, nhờ tình yêu mà ông tiến sĩ quan tâm và bảo vệ Alita, nhờ tình yêu mà bà vợ không hãm hại Alita và tìm lại một tình mẫu tử từng bị mất đi, tình yêu cứu sống chàng trai từ thể xác (trái tim giúp đầu cậu không chết) đến tâm hồn (tình yêu khiến cậu từ bỏ việc xấu).
Ta không biết Zalem cho con người cái gì, nhưng chúng ta biết nó lấy đi cái gì, đó là cái lõi, nghĩa đen thì Nova cần bộ não của những người ông ta muốn, nghĩa bóng thì thể hiện ở cách mà ông ta đang điều khiển cái xã hội ấy, khiến tất cả trở nên điên cuồng. Nếu bạn từng đọc cuốn tiểu thuyết Nếp Gấp Thời Gian thì sẽ thấy sự tương đồng giữa Nova và Nó/Bóng Đen. Nova tồn tại và nhìn thấy khắp mọi nơi, ông ta có mọi thứ ông ta muốn, nhưng bạn đoán xem ông ta thiếu thứ gì? Tôi thì nghĩ đó chính là trái tim “thất truyền” của Alita.
………..
Ngoài lề: Khi xem phim, tôi hoàn toàn không kinh ngạc gì khi diễn viên chỉ là một nhân vật hoạt hình 3D, tôi cảm thấy “cô ấy” không khác chi là người thật đang đóng, tất nhiên những cảm xúc của “cô ấy” được lấy từ các điểm cảm ứng từ khuôn mặt của diễn viên thật. Nhưng một ngày nào đó sẽ không cần diễn xuất của con người nữa. Hay khi bạn đang sữ dụng điện thoại, muốn thể hiện vẻ buồn, điện thoại ghép vào các giọt lệ, sự xấu hổ – thêm má hồng, mệt mỏi – thêm mồ hôi, vui vẻ – thêm nụ cười. Trên Tivi cũng có sữ dụng những hiệu ứng này, hoặc khi diễn hài thì người ta tự ghép tiếng cười của công chúng. Giờ chúng ta giả làm người viết kịch bản về tương lai xem, khuôn mặt của con người trong tương lai sẽ thế nào? Nó trơ ỳ như đá, hoặc sẽ chảy xệ xuống vì các cơ mặt không hoạt động để biểu hiện cảm xúc, sẽ có một thiết bị hình ảnh 3D gắn kèm để thể hiện giúp cảm xúc khi cần. Thực tế nhất của cái tương lai đó đã có trong hiện tại, đó là hình ảnh của cô gái đã ẵm về hàng trăm triệu trong chương trình Game Show, một Game Show về hài nhưng lại chiến thắng với bộ mặt cứng đơ. Đó sẽ là tương lai “tươi đẹp” mà tất cả chúng ta đang hướng đến, một Zalem đáng để mơ ước – nơi ta không còn lỏi của chính mình.
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:
Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog
Hành Trình của Moana: giải cứu thế giới
Dumbo: đôi cánh của tự do
Wall-E (2008): sự tiến hóa … ngược
Toy Story 4 (2019): khi cả thế giới cùng một mục đích