Review phân tích phim The Lobster: khi “nữ” bị “nam” hóa

The Lobster (Những Người Độc Thân – 2015) là phim giả tưởng có nội dung rất độc lạ, đó là một thế giới khi “phụ nữ” trở thành “đàn ông” và họ quyết định mọi thứ, nếu gọi là “cộng đồng tính” theo kiểu máy móc có lẽ hợp lý hơn. Phim này là 1 trong bộ 3 phim lấy đề tài liên quan đến động vật mà tôi rất thích của đạo diễn Yorgos Lanthimos, 2 phim còn lại là DogtoothThe Killing of a Sacred Deer. Hoàn cảnh trong phim thể hiện nhiều sự phi lý đến nực cười, tiếc thay, theo cách nào đó thì thế giới mà chúng ta đang sống lại giống y như vậy, chỉ là chúng ta không thấy đó thôi. IMDb 7.2

Chuyện giả tưởng về một xã hội không chấp nhận con người sống độc thân, nếu sau 45 ngày mà họ không tìm được người vợ hoặc chồng thì sẽ bị biến thành động vật. Xem phim để biết thêm chi tiết hoặc đọc bài tiếp.

Phân tích ý nghĩa thông điệp

Trước khi phân tích thì tôi xin được nói rõ một chút để tránh sự hiểu lầm của chị em phụ nữ, thứ nhất là sự diễn giải của tôi là theo sát thông điệp mà phim muốn thể hiện, thứ 2 thì thực chất hàm ý của phim là châm biếm chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa khoa học và cộng đồng tính – cánh tả theo kiểu máy móc rập khuôn, mà điều này lại gắn liền với hình ảnh của người phụ nữ, trong khi những tư tưởng này phần lớn đều xuất phát từ những bộ óc “vĩ đại” của đàn ông (cười), cho nên hình ảnh “phụ nữ” chỉ mang tính biểu tượng, ngoài ra thì nữ tính cũng là tượng trưng về cảm xúc và tâm hồn, chuyện gì sẽ xẩy ra khi “nữ tính” bị “nam tính” hóa?

Để hiểu phim thì cần nói một chút về thế giới thực mà chúng ta đang sống, nếu bạn có chút kiến thức về lịch sử, bạn sẽ nhận ra rằng khi chúng ta bắt đầu bước sang thế kỷ 20, thì xã hội loài người có sự “lột xác” mang tính đối lập về thế giới quan và nhân sinh quan với nhiều thế kỷ trước đó, thực tế thì điều này đã manh nha từ thế kỷ 19, đó là từ đề cao tinh thần chuyển sang đề cao vật chất, từ tâm hồn chuyển sang xác thịt. Nếu đòi hỏi sự đánh giá công bằng, cả 2 hình thái mang tính cực đoan này đều tạo ra nhiều sự lầm lạc và sự khổ đau vô cùng nghiêm trọng cho con người.

Khi quá đề cao các giá trị tinh thần và xem nhẹ thân xác hoặc vật chất, con người chỉ sống trong mộng tưởng, vì con người đang sống trong một thế giới vật chất; còn khi đề cao vật chất và xem nhẹ tinh thần thì … con người không còn là con người nữa mà đã trở thành “trại súc vật”, vì chính tinh thần là thứ cốt lõi nhất đã biến một loài động vật trở thành con người. Cho nên có thể nói là kịch bản của phim này hết sức “nham hiểm” và chăm biếm không thương tiếc những điều mà thế giới ngày nay của chúng ta đang theo đuổi, đó là sự bắt đầu của một quá trình thoái hóa mang tính toàn diện.

Trở lại phim, cảnh đầu tiên cho chúng ta thấy một phụ nữ bước ra khỏi chiếc xe và bắn chết một con lừa lông đen, có lẽ đó là người chồng cũ của cô ấy sau khi bị biến thành động vật. Xuyên suốt bộ phim là một thế giới bị đảo ngược với những gì mà chúng ta từng được biết, đó là “cuộc chơi” của những người phụ nữ, quản lý khách sạn là nữ, chỉ huy của những người độc thân cũng là nữ, mọi tình huống lớn nhỏ cũng do phụ nữ tạo ra, ví như tình thế mà David vướng vào cũng bởi người vợ đã chọn người đàn ông khác làm chồng, hoặc bí mật bị vạch trần khi cô gái ghi lại nhật ký.

Thế giới sẽ trở nên thế nào nếu các giá trị tinh thần đều biến mất? Nếu con người còn tâm hồn, thì tình yêu là sự đồng điệu giữa 2 tâm hồn với nhau, họ hết yêu nhau khi tâm hồn mất sự đồng điệu; nếu không có tâm hồn, thì tình yêu là sự đồng điệu của thân xác, một người cận thị sẽ yêu một người cận thị, một cô gái thường chảy máu cam sẽ tìm chàng trai giống với cô ấy. Thế giới này sẽ vô cùng khủng khiếp đối với những người sở hữu một thân xác có những đặc điểm vô cùng khác biệt hoặc không có bất kỳ đặc điểm nào, ví như cô gái có mái tóc đẹp, cô ấy không thể tìm được chàng trai nào có được mái tóc như cô ấy; hoặc cô gái đã nhảy lầu tự sát, cô ấy có một tâm hồn nhưng sống trong một thế giới không có tâm hồn.

“cá nhân” cầm súng, “cộng đồng” sống trong ảo tưởng, đó là điều con người theo muốn theo đuổi?

Nếu bạn hiểu điều tôi vừa nói, thì sẽ hiểu rõ lý do tại sao, khi nói về giá trị của hôn nhân thì các nhân viên biểu diễn 2 vở kịch về những lợi ích nếu có vợ hoặc chồng, đó thuần túy là để bảo vệ thân xác của họ. Suy luận xa hơn một chút, bởi vì các giá trị tinh thần biến mất nên những đứa trẻ trở thành công cụ để giúp vợ chồng hòa thuận khi họ có cùng một trách nhiệm là chăm sóc con cái, sẽ không có cái gì gọi là tình yêu đối với trẻ thơ, vì bọn trẻ đâu có thứ gì thể hiện sự đồng điệu về thân xác với người lớn, và đứa trẻ đối với cha mẹ cũng thế.

Yếu tố châm biếm sâu cay nhất của bộ phim là việc so sánh con người với động vật, điều đó được cụ thể hóa trong việc biến con người thành động vật, giống như chuyện những ai không hoàn thành nhiệm vụ là tìm được “tình yêu” thì sẽ bị phạt biến thành động vật, đó là một chuyện hết sức phi lý nhưng người ta vẫn chấp nhận nó như một sự hiển nhiên, và trong sự chấp nhận đó, thì họ có khác chi một con chó hoặc một con lừa hoặc một con lợn?! Điều tôi vừa nói được thể hiện rất rõ qua lời của người phụ nữ quản lý khách sạn khi David chọn làm tôm hùm, bà ấy nói “tôi phải chúc mừng ngài, đầu tiên con người thường nghĩ tới con chó…, đó là lý do vì sao thế giới này đầy chó” (tôi không còn lời gì để nói về lời nhận xét này).

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Ngoài ra phim cũng phản ánh những phi lý vẫn luôn tồn tại từ xưa đến giờ trong thế giới của chúng ta, ví như cô gái bị bệnh chảy máu cam, khi nói về cách làm sao để tẩy máu khỏi cái áo thì cô ấy có vô số cách, nhưng cô ấy không hề nghĩ đến chuyện làm cách nào để chữa khỏi chứng bệnh của cô ấy, nghĩa là con người chỉ thích trị ngọn chứ không phải trị gốc. Hoặc về khoa học kỹ thuật, cô gái chỉ huy nhóm người độc thân đã đưa người yêu của David đến bác sĩ để làm cho cô ấy bị mù, con người dùng sự phát triển công nghệ để hại nhau và đầu độc nhau. Chúng ta cảm thấy cô gái có mái tóc đẹp chỉ thích yêu người có mái tóc đẹp là sự phi lý, vậy khi chúng ta phân biệt giới tính, màu da hoặc sắc tộc thì có phi lý không?

Bạn có biết tại sao thế giới ngày nay có quá nhiều những cặp đôi li dị? Đó là do thế giới tinh thần đã biến mất, sự đồng điệu về tâm hồn rất khó để xác định vì nó trừu tượng, nhưng khi con người bị “vật chất” hóa, thì sự đồng điệu sẽ được nhận ra ngay lập tức; ví như khó xác định ai “giàu” cảm xúc hơn ai, nhưng dễ xác định người này giàu tiền bạc hơn người kia. Một sự phi lý khác, khi có sự khác biệt giữa con người với nhau, lẽ ra người hoàn hảo hơn nên giúp người còn lại cũng hoàn hảo như mình; nhưng không, điều thường diễn ra là người ở trên bờ vực không muốn cứu người đang rơi, còn người đang rơi xuống vực thì muốn kéo người phía trên cũng rơi xuống như mình để chết chung; điều đó được thể hiện qua rất nhiều tình huống trong phim, ví như những kẻ độc thân muốn phá hoại những kẻ có đôi.

Điều khá buồn cười là cả 2 phía “khách sạn” và nhóm độc thân đều nhân danh “sự thật”, nhưng cái sự thật mà họ muốn thực thi lại dựa vào khẩu súng và sự lừa dối, tóm lại thì sẽ chẳng có sự thật nào tồn tại nếu con người sữ dụng bạo lực hoặc sự ép buộc. David không tìm thấy người phù hợp ở nơi người ta buộc con người phải có đôi, nhưng anh ấy lại tìm thấy “tình yêu” nơi những người độc thân, chính sự ngăn cách và bảo thủ giữa 2 nhóm người đã tạo ra bi kịch cho toàn bộ câu chuyện. Trong khi đó, việc giết nhau lại đến từ các thành viên của 2 nhóm, còn 2 người chỉ huy lại không khi nào chạm mặt nhau.

Ý nghĩa của tựa phim The Lobster, khi tìm hiểu về đặc điểm của tôm hùm thì ngoài việc sống lâu, tôm hùm còn có một đặt tính, đó là loài này sống theo đàn, chúng có 3 lần lột xác để lớn lên, chế độ “xã hội” của chúng rất nghiêm ngặt, con đầu đàn sẽ tiết ra một thứ hóc môn ngăn cản những con ở hình thái thấp hơn có thể lột xác để tiến lên cấp độ cao hơn; bạn có thấy điều đó giống với bản chất con người?

Ý nghĩa của kết phim, trong một review ngắn cách đây một năm thì tôi ủng hộ cho việc David nên tự đâm mù mắt để thể hiện tình yêu của anh ấy; nhưng hiện tại tôi nghĩ khác, tình yêu thật sự thì không phải là thứ khiến con người rơi vào bóng tối, sự hy sinh không phải mang nhau chết chùm, thay vì phải đâm mù mắt thì anh ấy có thể hy sinh một con mắt cho cô gái để cả 2 cùng được nhìn thấy như nhau. Tuy nhiên có vẻ như kịch bản phim không lạc quan đến vậy, nếu bạn nghe kỹ đoạn cuối, có vẻ như có 2 âm thanh khá nhỏ liên tiếp nhau (sau khi bồi bàn rót nước), nó giống như chốt cửa bị nhấn và cánh cửa (thoát hiểm) mở ra, David đã bỏ chạy – đây chỉ là suy đoán của tôi.

Khi kết hợp cảnh đầu phim và kết phim, với câu chuyện về động vật, hàm ý rằng loài người chúng ta ngày nay ngày càng thoái hóa, bạo lực thay thế cho tình yêu, con người biến nhau thành mù lòa; hoặc poster của phim, hình ảnh David đang ôm một cô gái nhưng trống rỗng, đó là khi con người đánh mất những giá trị thật sự của tình yêu.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

…………………….

Nhớ Share bài viết, Like Chí Blog (Facebook) để dễ dàng theo dõi những bài viết mới.

Top 120 Best review phim ý nghĩa trên Chí Blog

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Những phim cùng chủ đề:

Loạn Giới – Dogtooth (2009): bẻ gẫy cái răng chó

Giết Con Nai Thần – The Killing of a Sacred Deer (2017): Sự giết chóc của nai thần

Kẻ Sát Nhân Không Mùi – Perfume: The Story of a Murderer (2006): phù du – vĩnh cữu

7 tội lỗi chết người – Se7en (1995): đời mà! phải không?!

Chìa Khóa Về Nhà Tôi – The Occupant (2020): gia đình “hoàn hảo” thời hiện đại – new

Nâng Cấp – Upgrade (2018): nâng cấp hay hạ cấp?

Chỗ sống – Vivarium (2020): giải mã về … nơi nuôi thú – new

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phân tích phim Solaris: đại dương tinh thần của thế giới

T6 Th11 6 , 2020
Solaris (1972) của đạo diễn Andrei Tarkovsky là bộ phim rất … siêu thực, yếu tố khoa học viễn tưởng chỉ là phông nền cho những tư tưởng đa nghĩa và trừu tượng, giống như khi chúng ta nói về một thứ được gọi là lương tâm con người, liệu […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese