Nói thật, khi đăng bài về 12 Monkeys thì tôi rất háo hức, vì tôi nghĩ mình đã làm sáng tỏ những điều bị ẩn giấu trong thời gian dài, nhưng sau đó tôi cảm thấy vô cùng thất vọng, khi nhìn vào số lượng share bài viết trên fanpage. Tôi thất vọng vì phần đông người đọc không nhận ra giá trị trong bài viết đó, họ không nhận ra sự khác biệt giữa những gì tôi viết và những gì người khác viết. Nếu đã xem phim 12 Monkeys, người xem “biết” được chính Jeffrey đã thành lập “quân đoàn 12 Monkeys”, nhưng sự thật không phải như vậy, quân đoàn đó là một biểu tượng châm biếm của nhà làm phim, nó ám chỉ toàn bộ loài người giống như một bầy khỉ. Hay ý nghĩa của cái vòng lặp, đó là bước nhảy của tinh thần, nhưng phần đông lại quá phụ thuộc vào tình tiết câu chuyện. Luôn có một hàm ý ẩn sâu bên trong những nội dung mang tính bề ngoài, nhưng để “hiểu” thì cần một cấp độ nhận thức nhất định, mọi người lại không xem trọng việc đó, điều mà họ xem trọng là cái bề ngoài ấy.
Hoặc như bộ phim Minions – 2015 , những Minions cũng là sự chăm biếm về đám đông, về sự ngây thơ của đám đông, nhưng người xem lại yêu thích chúng, họ không hiểu rằng họ là đối tượng bị châm biếm. Sự khác biệt lớn nhất trong những gì tôi viết là tôi đi tìm lời giải cho ý nghĩa của những bộ phim, trong khi người khác thì đi tìm lời giải cho diễn biến của câu chuyện. Tôi đi tìm những phương thức để giúp con người hiểu ý nghĩa của sự sống, người khác tìm hung thủ trong một vụ án giết người. Tôi luôn tự hỏi, tại sao người ta luôn háo hức muốn tìm ra hung thủ trong một vụ án? Tìm được hung thủ thì sẽ như thế nào? điều đó giúp ích gì cho họ? Trong khi nếu hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, thì con người biết cách tránh khỏi việc trở thành nạn nhân hoặc trở thành hung thủ. Nếu so sánh điều này với nghề đi biển, thì những gì mà mọi người đang cố gắng học hỏi chỉ giúp họ trở thành một thủy thủ mà thôi, trong khi để trở thành một thuyền trưởng thì họ phải học được cách định hướng cho con thuyền trên biển cả, để con thuyền có thể đến được đích. Biết được cách vận hành con thuyền mà không biết định hướng hoặc định hướng sai thì cũng vô ích.
Ít người trước khi xem một bộ phim hoặc đọc một quyển sách tự xác định là họ xem hoặc đọc “để làm gì?”, nó sẽ mang đến lợi ích gì cho họ? và hiểu như thế là đúng hay sai? Nếu hiểu sai thì hành động xem hoặc đọc đó trở nên vô ích. Tôi lấy ví dụ về tình hình mà dân Việt bàn luận về chính trị, họ chia làm nhiều nhóm người, nhóm thì bảo Chủ Nghĩa Tư Bản tốt hơn, nhóm thì bảo Chủ Nghĩa Xã Hội tốt hơn, nhóm thì bảo Chủ Nghĩa nào cũng thối tha như nhau, và các nhóm cứ tranh cãi với nhau suốt, trong khi việc cần làm là kết hợp những mặt tốt của mỗi Chủ Nghĩa lại với nhau, để có một Chủ Nghĩa mới hoàn hảo hơn, vì xét cho cùng thì mục đích cuối cùng là tạo ra một xã hội mang đến hạnh phúc cho con người. Mọi Chủ Nghĩa chỉ là công cụ chứ không phải mục đích. Cách xem phim hoặc cách đọc sách thì cũng giống như vậy.
Con người ngày nay thích mổ xẻ những chi tiết vụn vặt, giống như một người đang lạc trong mê cung rộng lớn, giả sử như mê cung đó có hai lối ra, cửa thứ nhất là “sống” và cửa thứ hai là “chết”; vì chỉ chăm chú vào việc diễn giải cách mê cung vận hành nên họ tìm đến cửa “chết” mà không biết. Tìm hiểu về mê cung là cần thiết, nhưng tìm ra những dấu hiệu ẩn giấu của “sự sống và sự chết” thì còn quan trọng hơn. Đôi khi tôi cảm thấy chán nản khi viết một bài review mới, vì bài viết của mình chìm vào quên lãng, vì hầu hết người đọc đã để cho “công cụ tìm kiếm” dẫn dắt họ. “công cụ tìm kiếm” chỉ giúp bạn tìm thấy những bài viết có nhiều người đọc, nhưng nhiều người đọc thì đồng nghĩa với chất lượng? Hay nó đồng nghĩa với việc chi tiền cho quảng cáo? Tất nhiên vẫn có những bài rất chất lượng trong số các bài viết ấy, nhưng nó tương đối hiếm hoi trong xã hội ngày nay. Tôi từng biết khá nhiều người viết bài rất tốt, nhưng bởi vì sự thờ ơ mà họ cuối cùng phải bỏ cuộc, họ không viết nữa. “công cụ tìm kiếm” không giúp bạn phân định cái tốt hoặc cái xấu, điều đó phải do nhận thức và sự chủ động của bạn, nếu bạn không chủ động, mọi thứ tốt đẹp rồi sẽ tiêu biến.
Thế mới hiểu những gì mà Roark và Gail đã trải qua trong tác phẩm Suối Nguồn. Gail luôn đưa ra hai sự lựa chọn cho đám đông, một bài viết ý nghĩa và một bài viết vô nghĩa, đám đông chọn sự vô nghĩa, vậy là ông cung cấp cho họ sự vô nghĩa. Hay việc Kathryn phát hiện được kẻ thả virus nhưng cô không bắt lấy hung thủ để cứu thế giới, vì thế giới đã giết người muốn cứu họ. Điều mĩa mai là thế giới của chúng ta luôn làm vậy. Câu chuyện ngụ ngôn “cái hang” của Plato cũng nói về điều đó, và bạn sẽ hiểu nó sâu sắc hơn qua tác phẩm Hang Động của Saramago. Thế mới biết Goethe đã rất đúng khi nói rằng:
“Kẻ nào không biết rút ra bài học của 3000 năm thì chỉ sống lần hồi qua ngày” – Goethe
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Cám ơn bạn. Bạn rất sâu sắt và bạn đang làm việc tốt. Cố gắng cống hiến nhé bạn. Tôi sẽ follow bạn
Cảm ơn bạn đã đọc bài và ủng hộ 🙂