Con người là một thực thể vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội, nghĩa là hắn chỉ có thể hạnh phúc khi hắn sống cho chính hắn và sống trong cộng đồng, tuy nhiên chúng ta cũng nên hiểu rằng sự nhận thức cá nhân luôn luôn đến sau sự nhận thức cộng đồng, và rất ít người trong xã hội có thể đột phá khỏi cái ý thức cộng đồng đó, dù phần lớn người nghĩ rằng họ đang sống cho chính bản thân họ. Tại vì sao lại thế? Bởi cũng giống như những gì tôi viết trong bài về tác phẩm 1984 của George Orwell, cái chế độ nhà nước đó hoặc bất cứ tổ chức nào đi nữa, là tập đoàn kinh tế, tổ chức tôn giáo, tất cả đều có thể được xem là một loại thực thể tự mang trong nó tư tưởng và sức sống, mà mỗi con người là một bộ phận trong nó, chính vì thế, nó khiến cho cá nhân đó nghĩ rằng mục đích của nó cũng là mục đích của chính hắn. Điều này cũng không có gì là sai trái khi mục đích cộng đồng và mục đích cá nhân đều hướng tới một hạnh phúc đích thực, nhưng sẽ sai trái khi mục đích chung lại tìm cách tiêu diệt những nhận thức của cá nhân và biến con người thành công cụ cho cái bản thể to lớn kia. Tiếc là hầu hết các tổ chức đều hướng về cái sau.
Tại sao con người không tìm được hạnh phúc nào lâu dài? Vì trong từng giai đoạn của cuộc đời thì con người phụ thuộc vào những nhu cầu về thể xác và tinh thần của giai đoạn đó. Một đứa trẻ thì cần phải được vui chơi và học hành, nhu cầu của nó phụ thuộc vào sự chu cấp từ cha mẹ, nó phải học cách làm hài lòng ý muốn của cha mẹ. Khi đứa trẻ lớn lên, nhu cầu của nó lại phụ thuộc vào cộng đồng, nó phải làm hài lòng cộng đồng. Như vậy mọi thước đo về các giá trị sống đều phụ thuộc vào thế giới bên ngoài, và nó biến đổi theo thời gian, nếu các giá trị ấy là sai trái thì nhận thức của hắn cũng thuận theo sự sai trái đó để hắn có thể tồn tại, mà sự sai trái thì không thể mang lại hạnh phúc lâu dài và bền vững, khi này nhận thức của hắn phải tìm cách đột phá cái nhận thức chung đó để tìm đến những giá trị đích thật, hoặc hắn phải sống trong sự đau khổ triền miên.
Cái khó nhất khi nâng cao nhận thức toàn vẹn mang tính cá nhân và các giá trị đúng đắn, là con người không tìm thấy một nguồn hướng dẫn nào tốt để có thể nghe theo, vì hầu hết sự hướng dẫn từ các tổ chức đều vì lợi ích của chính tổ chức đó, với lại bản thân con người cũng chưa đủ nhận thức để có thể phân định cái nào là đúng và cái nào là sai, thành ra con người cứ lạc lối trong muôn ngàn ngã rẽ của cuộc đời. Đó là chưa kể đến việc nếu nhận thức của hắn khác với nhận thức chung của mọi người thì hắn sẽ khó hòa nhập vào cộng đồng, hắn sẽ sống trong sự tách biệt và cảm thấy cô độc. Đó chính là sự khốn khổ của con người.
Vậy có những giá trị sống nào có thể mang tính lâu dài hay không? Tất nhiên là có, đó là những giá trị gốc đã giúp loài người vượt qua những thời kỳ tăm tối nhất, bản gốc của một tôn giáo, bản gốc của thể chế nhà nước, bản gốc trong văn hóa của một dân tộc; nhưng phần lớn cái bản gốc đó đều bị các tổ chức làm biến đổi qua thời gian khiến người ta khó mà tìm lại được. Nếu một người đủ nhận thức để nhìn ra bản gốc tiến bộ đó trong mọi thứ thì nhận thức của anh ta cũng đã tương đối cao rồi, nhưng nếu là người bình thường với nhận thức bình thường và sống cùng với những người bình thường thì phải làm thế nào?
Sẽ có một ngày con người sẽ nhận ra những giá trị đích thật, nhưng khi đó thì tuổi tác họ đã quá cao rồi, họ không còn bao nhiêu thời gian để sống, để cảm thấy mình có được hạnh phúc lâu dài. Đó là một thực tế đau buồn cho tất cả chúng ta.
Giờ chúng ta hãy nói về cuộc đời thực:
Con người ai cũng muốn được tự do sống theo lý tưởng của mình, nghĩa là bản thân không bị trói chặt vào một nơi chốn nào đó, ví dụ cụ thể như có thể trở thành một “công dân thế giới” và có thể sống ở bất kỳ quốc gia nào mà chúng ta muốn; về điều này cũng không khó như chúng ta tưởng nếu có sự chuẩn bị cho mục đích đó lâu dài ngay từ đầu, sự chẩn bị đó có thể là thứ ngôn ngữ quốc tế và vài ngôn ngữ phụ trợ, một chương trình học hoặc nghề nghiệp có chất lượng quốc tế để đi đến đâu cũng có thể kiếm sống và được hoan nghênh. Nhưng thực tế cho thấy rằng ít ai biết được điều đó ngay từ đầu, ít ai đặt ra cái mục tiêu lớn lao đó để hỗ trợ cho cái tương lai khả dĩ kia, phần lớn chúng ta được dạy bảo rằng học hành và nghề nghiệp chỉ là một bổn phận hiển nhiên phải làm. Khi nhìn sự việc như vậy, thì con người sẽ làm nó trong sự hời hợt, giống như bị ép buộc và đối phó, con người không hiểu rằng những việc hắn đang làm là rất quan trọng với tương lai hắn. Và cũng không ai chỉ cho hắn thấy những thang giá trị mà hắn đang theo đuổi là có giá trị quốc tế hoặc không giá trị, nếu giá trị ấy kém cõi, hắn sẽ phải gắn chặt với nơi hắn sống, hắn bất lực để thoát ra khi đủ nhận thức để hiểu điều này.
Có quá nhiều vấn đề tương tự như thế, về các mối quan hệ trong gia đình để được hạnh phúc, về tình yêu đôi lứa, về sự nghiệp và lý tưởng, về các mối quan hệ xã hội, về con đường nhận thức cá nhân và tinh thần. Sẽ may mắn biết bao với những người nhận ra những điều này sớm hơn, hoặc khi họ có được một người hướng dẫn cho họ con đường sáng để đi vì chính bản thân họ. Nhưng trong cái xã hội hỗn tạp này, con người biết tin vào ai? Biết tin vào những tổ chức nào? Khi mà bất kỳ ai cũng rêu rao rằng những gì được hướng dẫn là vì lợi ích cho người nghe, trong khi thực tế thì chỉ vì lợi ích của người nói mà thôi.
Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:
Hàng tháng: https://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews
Paypal: https://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806
Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Ví momo:
…………….
Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, giới thiệu với bạn bè về Chí Blog (Facebook) và vào chi-blog.com để đọc các bài review phim & sách hay khác.