Bạn có từng biết qua Tháp Nhu Cầu củ Maslow? Tháp gồm 5 tầng gồm thể lý, an toàn, tình cảm, được quý trọng, và thể hiện bản thân. Vậy còn về mức độ nhận thức thì sao? Hẳn sẽ gần tương tự với Tháp Nhu Cầu, tôi sẽ đưa ra một số cấp độ nhất định. Về sách thì tôi chỉ có thể giới thiệu những cuốn nằm trong giới hạn đọc của tôi, hoặc những sách chưa đọc nhưng được đánh giá cao, bạn có thể tìm thêm, nhưng nhớ là thà đọc ít còn hơn đọc nhiều mà tạp nhé.
1/ Tiếp nhận tri thức:
Đây là cấp độ khi ta vừa mới sinh ra, ta nắm bắt thông tin về thế giới bên ngoài qua các giác quan, ta tiếp nhận sự sắp đặt và hướng dẫn của những người thân và những luật lệ của xã hội, một sự tiếp nhận mang tính thụ động; con người hoàn toàn chưa thể hiện một bản tính vốn có, nếu có một “bản tính” thì đó chẳng qua là sự phản chiếu bởi những gì được tiếp thu. Ví dụ như một đứa trẻ sẽ không ngoan vì cha mẹ quá chìu chuộng hoặc kết bạn với bạn xấu. Lúc này những nhu cầu đòi hỏi bắt nguồn từ cơ thể hơn là sự tự ý thức.
Nội dung sách: phát triển trí tưởng tượng, cảm xúc, tình yêu thương, đạo lý làm người…
Sách tham khảo: Thế giới của Sophie (lịch sử triết học theo lối kể chuyện), Truyện cổ Grimm, truyện cổ tích Andersen, Nghìn lẽ một đêm, Những tấm lòng cao cả, Heidi, Không gia đình, Trong gia đình, Những cô gái nhỏ, Hoàng tử bé, Con của Noe…
2/ Nhận thức về sự tách rời:
Ở cấp độ này thì con người có sự phân biệt mang tính tách rời giữa bản thân mình và thế giới xung quanh, hắn tự ý thức về những nhu cầu của hắn, và những đòi hỏi của hắn có được đáp ứng hay không thì phụ thuộc vào quyết định của người khác, hắn hiểu rằng để đạt được điều gì đó thì hắn phải chủ động theo đuổi, phải trao đổi bằng một thứ gì đó của mình, từ đó những kiến thức được tiếp thu cũng sẽ mang tính chủ động. Ví như theo đuổi một người thì phải làm người đó vui vẻ và hạnh phúc, phải học cách ga lăng hoặc dịu dàng.
Nội dung sách: nâng cao khả năng vươn lên, tính kiên trì…
Sách tham khảo: Câu chuyện đời tôi, Nhà giả kim, Trò chơi của Ender, Bá tước Monte Cristo, Nanh Trắng, Tiếng gọi nơi hoang dã, Những người khốn khổ, vài cuốn thể loại self help (chọn kỹ và đừng đọc nhiều vì sẽ thành giả tạo, thể loại này đa số đều là thực dụng)
3/ Nhận thức về các quy luật xã hội:
Sau nhiều thất bại và không đạt được điều mong muốn, hắn nhận thức được rằng xã hội đang vận hành theo những quy luật nhất định, khi có được một điều kiện A thì đạt được những kết quả B+C+D nào đó. Lúc này thì mục tiêu của hắn là theo đuổi A chứ không phải là B hay C một cách trực tiếp như cấp độ trước. Phần lớn nhận thức của con người dừng lại ở cấp thứ 3 này.
Nội dung sách: tìm hiểu về sự vận hành của xã hội
Sách tham khảo: Những kỳ vọng lớn lao, Kiêu hãnh và định kiến, Thế giới phẳng, No Logo, Đông chu liệt quốc, Tâm lý học đám đông, một số sách của các ông chủ tập đoàn (trừ của Trung Quốc)…
4/ nhận ra chính mình:
Vì đạt được những điều mong muốn, hắn đã chọn những cách thức không đúng với bản tính của hắn, rồi sau khi đạt được “thành công” và trải qua niềm vui nhất thời, hắn chợt nhận ra bản thân không hạnh phúc như đã nghĩ, hắn thấy ray rức, hắn thấy mọi thứ đạt được đều vô nghĩa, hắn chán ghét cái không phải là hắn mà hắn đang thể hiện; hắn suy tư về bản thân hắn, hắn muốn là chính mình.
Nội dung sách: thể loại tự sự, tranh luận…
Sách tham khảo: Jane Eyre, Căn phòng của riêng tôi, Bắt trẻ đồng xanh, Những lời bộc bạch, Siddhartha, Cuốn sổ vàng …
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
5/ Nhận ra bản chất con người và xã hội:
Nhờ sự suy tư về bản thân, hắn nhận ra được các giá trị chân chính mà hắn có, nhờ sự đối chiếu, hắn cũng nhận ra bản chất của kẻ khác và những yếu tố đang chi phối sự vận hành của xã hội. Trong giai đoạn này, một sự mâu thuẫn dần phát sinh, đó là sẽ thuận theo các quy luật của xã hội để thỏa mãn những nhu cầu mà nó mang lại, hay bỏ qua nó để đạt được những giá trị của tinh thần đòi hỏi.
Nội dung sách: tìm hiểu bản chất thật của con người và xã hội, các yếu tố thúc đẩy sự phát triển của nhân loại
Sách tham khảo: Suối nguồn, Moby Dick, Cuốn theo chiều gió, Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Mù lòa, Chúa ruồi, Của chuột và người, Người truyền ký ức, Bẫy 22, Tội ác và trừng phạt, 451 độ F, Đồi thỏ …
6/ Tìm được tự do:
Khi nhận thức đạt được cấp độ này thì con người thoát khỏi mọi sự ràng buột từ môi trường bên ngoài, nếu còn có sự ràng buộc nào thì điều đó cũng được tạo nên bởi sự tự do trong nhận thức và lựa chọn. Hắn thoát khỏi sự ràng buột về chủng tộc, văn hóa hoặc tôn giáo; sự giải thoát ấy không đồng nghĩa với sự loại bỏ, mà hắn chỉ tin vào những gì do chính hắn nhận thức. Con đường của hắn đi là do hắn tự vẽ nên, sẽ không giống với bất kỳ con đường nào được vẽ sẵn. Đến giai đoạn này thì hắn buột phải nhận lấy một nỗi đau cùng cực, đó là sự cô độc.
Nội dung sách: đề cao tự do, tự chủ trong nhận thức, nhưng nhớ cẩn thận với một số tác phẩm vì nó là con dao 2 lưỡi
Sách tham khảo: Zarathustra đã nói như thế, Trò chuyện với thượng đế, Chân dung chàng họa sĩ, Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản, Phân tâm học về tôn giáo, Phân tâm học về tình yêu, Siêu lý tình yêu …
7/ Truy tìm chân lý:
Đây là giai đoạn hắn trở lại với những câu hỏi mang tính triết học “bản chất thật của con người là gì?” , “ý nghĩa cuộc sống của con người là gì?” , “làm sao để đạt được hạnh phúc vĩnh cữu?”. Việc hắn phải làm là tìm hiểu về con người và cuộc sống để giải đáp cho những câu hỏi về sinh tồn đó. Có lẽ đến cuối đời mà hắn vẫn chưa tìm ra, nếu may mắn tìm ra thì hắn sẽ đạt được một đời sống hạnh phúc viên mãn.
Nội dung sách: thiên về triết học, thần học, tôn giáo, tâm linh (loại này tôi chưa chạm tới)
Sách tham khảo: tác phẩm của các triết gia, Anh em nhà Karamazov, Phục sinh (Tonxtoi), Kinh thánh, các bài giảng về Phật học, Osho, krishnamurti, Đạt Lai Latma, các bài giảng của thầy Lương Minh Đáng…
…………….
Các cuốn sách (phần lớn là tiểu thuyết) tôi chỉ sắp theo tính phù hợp chứ không thể hiện những cuốn bên dưới thì giá trị hơn, ví như cuốn Nhà Giả Kim vừa phù hợp cho việc khuyến khích theo đuổi ước mơ, lại vừa mang nhiều yếu tố tôn giáo và tâm linh; hay cuốn Thế Giới Của Sophie nói về lịch sử triết học đi từ đơn giản đến phức tạp, người lớn đọc chưa chắc đã hiểu hết phần cuối. Trong đó có một số cuốn tôi đã Review (nhớ tìm đọc), những cuốn còn lại sẽ được Review trong tương lai
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog
Mong là bài này có ích gì đó với người đọc, sau này khi tìm hiểu nhiều hơn sẽ đi sâu hơn.