Mục đích và lợi ích đọc sách, kinh nghiệm chọn sách

Mục đích đọc sách là gì? Vì sao người ta khuyến khích đọc sách? Nguyên do lớn nhất của việc người ta khuyến khích đọc sách là nó giúp người đọc phát triển nhận thức và làm giàu tâm hồn, có thêm nhiều kinh nghiệm sống, thấu hiểu về bản chất con người và xã hội, từ đó đạt được một đời sống ý nghĩa, tự tại và hạnh phúc viên mãn. Như vậy có thể loại trừ các loại sách như kỹ năng, kỹ thuật công nghệ, sách giải trí rẻ tiền, sách mang tính “thủ dâm” tư tưởng (thường gọi là yy, nhân vật chính nhiều tiền + gái + luôn thành công); những loại này cần đọc để phục vụ công việc hoặc mang tính giải trí nhất thời, còn đối với tâm trí chẳng lợi ích gì.

Sai lầm trong nhận định: khi ta bắt gặp một người có kiến thức uyên bác, tầm nhìn xa, hiểu sâu sắc về cuộc sống, ta gọi họ là trí thức, ta hỏi làm sao để được như họ, họ sẽ bảo là nhờ đọc sách; điều này gây ra sự hiểu nhầm rằng chỉ cần đọc nhiều sách thì được xem là trí thức, thật ra trí thức hay không là ở tầm nhận thức của người đó chứ không do đọc nhiều, đọc nhiều mà toàn những thứ nhảm nhí thì cũng chả thành trí thức được. Nhiều người phô ra việc họ có hàng đống sách nhưng toàn mấy thứ tạp nham, hoặc phô ra cái thư việc toàn sách kinh điển nhưng họ không đọc hoặc đọc mà không hiểu, hay những người yêu bìa sách thích ngửi mùi thơm của sách hơn là nội dung, hoặc những người đọc rất nhiều sách giá trị nhưng phát ngôn bừa bãi + ngạo mạn + mất nhân cách/đạo đức, những người chuộng bề ngoài, làm ra vẻ … thì cũng không phải trí thức, hoặc là trí thức rởm.

Sách mang đến lợi ích gì? Câu hỏi cần đặt ra là “bạn có bao nhiêu thời gian để sống?”, mỗi người chỉ có một giới hạn sống nhất định, là 60 năm hoặc hơn một tí, những hiểu biết mà ta có được bị giới hạn trong sự trải nghiệm của ta, có khi phải mất 5-10 năm để bạn hiểu ra một vài chân lý nào đó; mà những cuốn sách giá trị chính là nơi đúc kết kinh nghiệm sống của những con người vĩ đại, bằng cách tiếp thu nội dung của nó thì giống như bạn đã nhân đời sống của mình lên hàng chục cho đến hàng trăm lần. Bạn tưởng tượng ra sự cách biệt đó không? Kiến thức một người bình thường là kiến thức của người chỉ sống 60 -70 năm, kiến thức của các nhà triết học hay nhà văn lớn thì được đúc kết như sống hàng ngàn năm (nói đùa thì họ là quỷ chứ không phải người, cười)

Chọn sách: từ một số kinh nghiệm ít ỏi của tôi

Đọc sách đúng là để nâng cao hiểu biết, nhưng ta khó mà tiếp thu kiến thức trong đó nếu không đúng thể loại mà ta thích, hoặc quá khó hiểu (tùy thuộc trình độ nhận thức), hoặc câu văn không mượt mà, hoặc nội dung gây nhàm chán v..v. Vì vậy nên lựa chọn những cuốn phù hợp với mình nhưng có giá trị về mặt nội dung.

Sách tôi chọn đọc chủ yếu là tiểu thuyết, phần lớn là kinh điển – giá trị được chứng minh qua thời gian; tại sao là tiểu thuyết? Vì tiểu thuyết như là sự mô tả một đời sống thực, nó sinh động, không bị đóng khung trong sự diễn giải, và ta cảm nhận nó bằng cả 2 thứ là cảm xúc và lý trí. Có thể chia làm 2 loại và 2 móc thời gian, đặc trưng theo quốc gia; 2 loại thì một loại là mang đến nguồn sống, một loại rút khô nguồn sống (dù chúng cũng giá trị); 2 thời kỳ thì một là trước 2 cuộc thế chiến, một là sau đó; Quốc gia thì có thể kể đến các nền văn học lớn như Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Nhật, Đức, Ba Lan, Trung Quốc.

Mang đến nguồn sống: loại sách dạy bạn về yêu thương, tự do, tôn trọng sự sống, mang đến hy vọng, nêu cao “ánh sáng”… lấy ví dụ như Những Người Khốn Khổ, Không Gia Đình, Quo’s Vadis, Suối Nguồn…

Rút đi nguồn sống: nêu cao sự tự do tuyệt đối và xem nhẹ tình yêu cũng như cảm xúc hay lòng trắc ẩn, nói về sự tuyệt vọng và chán nản trong đời sống con người, mổ xẻ cảm xúc bằng con dao thuần lý trí. Các tác phẩm thường có ở những nhà văn theo chủ nghĩa hiện sinh vô thần, ví dụ điển hình như Kafka (tôi không hiểu sao rất nhiều người thích ông này), những nhà văn thế này thường kết thúc cuộc đời bằng việc tự sát hoặc chết trong cô độc. Nói ra có lẽ nhiều người không đồng ý, không sao cả, mỗi người một ý thôi.

Trước chiến tranh: tác phẩm đậm tính lãng mạn, phiêu lưu, tràn đầy niềm tin vào tình yêu và cuộc sống, giàu lòng trắc ẩn, các giá trị đạo đức tương đối rõ ràng.

Sau chiến tranh: niềm tin tan vỡ, đời sống lạc lõng, nhàm chán, không có hy vọng vào ngày mai và con người, vô tình vô cảm, chỉ hoài niệm quá khứ. Chủ nghĩa hiện sinh nở rộ trong thời kỳ này.

Văn học Anh: Sự phân biệt giai cấp quá sâu trong xã hội, cái nhìn quá thực tế về vai trò của tiền bạc, có nhiều tác phẩm lớn nhưng giọng văn và diễn biến câu chuyện cứ đều đều nên dễ gây chán khi đọc. Ví dụ điển hình như các tác phẩm của Jane Austen hay của Charles Dickens (ông này là nhà văn vĩ đại nhưng tôi nuốt không trôi). Có vài ngoại lệ như Đồi Gió Hú hay Jane Eyre, hay Shakespeare

Văn học Pháp: có lẽ do tâm hồn dân tộc này quá lãng mạn và yếu đuối nên các tác phẩm trước chiến tranh thì đọc rất tuyệt vời nhưng sau chiến tranh thì toàn nói về sự tan vỡ và lạc lõng. Ví dụ sự đối lập này có thể kể đến các tác phẩm của Alexandre Dumas và các tác phẩm của Patrick Modiano.

Văn học Mỹ: đây là một dân tộc đa văn hóa nên từ cách hành văn cho đến nội dung rất phong phú, vì không trở thành trung tâm của 2 cuộc chiến tranh, sự tác động của nó không sâu sắc như châu Âu, ngược lại, họ có thể như một chứng nhân ngoài cuộc, nên họ thể hiện một góc nhìn tích cực hơn về cuộc sống.

Văn học Nga: là nơi sinh ra một số nhà tư tưởng vĩ đại, vì thế đừng chạm vào nếu ta bị hạn chế hiểu biết về triết học, thần học, tôn giáo (Kito giáo), tâm lý. Đọc cho biết thì Ok, để thật sự hiểu thì còn xa. Chiến Tranh Và Hòa Bình tôi chỉ đọc nổi 1/3, Doctor Zhivago thì được 2/3, phần còn lại là đọc lướt. Dostoevsky là nhà văn đỉnh nhất mà tôi biết.

Văn học Nhật: đây là dân tộc có nền văn hóa duy mỹ, họ đòi hỏi đời sống tinh thần vươn đến cao nhất … nhưng cũng chính vì thế cảm xúc và bản năng con người bị ức chế đến cực độ, mà cái gì quá cực đoan thì rời xa bản chất con người, nên tác tác phẩm của họ thường mông lung, kết cục thì đau khổ, đời sống không thỏa mãn. Hạnh phúc lẽ ra đạt được rất dễ dàng nhưng tự họ khiến cho nó thành rắc rối. Ai thích thì thích chứ tôi thì không (cười)

Văn học Đức: nền tảng văn hóa của dân tộc này là triết học, nên nền văn học cực kỳ khô khan và duy lý trí, các tác phẩm rất khó nuốt.

Văn học Ba Lan: đây là một dân tộc giàu tình cảm, tràn đầy yêu thương và sự dịu dàng.

Văn học Trung Quốc: dân tộc này rất thực dụng, nhưng cũng mang đến những giá trị bổ ích, đặt biệt là các tác phẩm lịch sử như Đông Chu Liệt Quốc, Tam Quốc Diễn Nghĩa…

Tổng kết về chọn sách: Sách là một món ăn tinh thần, nó khiến tư tưởng ta thay đổi, vậy trước khi chọn sách thì bạn nên tự hỏi là “bạn muốn trở thành một con người thế nào”. Tư tưởng nào được tiếp nhận trước thường sẽ làm chủ, nếu bạn muốn trở thành một người giàu cảm xúc, tình yêu và lòng trắc ẩn, có một nhận định rõ ràng về các giá trị đạo đức, mang niềm tin và hy vọng… thì đọc các tác phẩm thích hợp với chúng trước, ví như các tác phẩm trước chiến tranh, dòng văn học phiêu lưu lãng mạn; nếu điều bạn muốn là sự tự do tuyệt đối, hiểu cuộc sống bằng con dao của lý trí, sống một cuộc sống gọi là “thực tế” thì chọn tác tác giả theo chủ nghĩa hiện sinh, các tác phẩm châu Âu sau chiến tranh. Tôi thì sẽ đọc hết, nhưng tôi muốn giữ lấy cảm xúc – tình yêu – niềm tin – hy vọng là những thứ khiến tôi cảm thấy mình sống, nên tôi sẽ chọn những tác phẩm có những yếu tố đó làm nền tảng để đọc trước, phần kia lâu lâu được chen vào và tìm hiểu sau. Bởi vì tôi muốn yêu cả thế giới để được hạnh phúc chứ không muốn cái gọi là tự do tuyệt đối hay trở thành siêu nhân nhưng phải sống trong cô độc (cười).

Để xã hội tốt đẹp hơn – Hãy ủng hộ tài chính Chí Blog:

Hàng thánghttps://www.patreon.com/chi_blog_movie_reviews

Paypalhttps://www.paypal.com/paypalme/nguyenminhchi2806

Bank – Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Ví momo:

……

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog


Tôi định liệt kê một loạt các tác phẩm khuyến đọc (những tác phẩm tôi từng đọc rồi), nhưng bài đã quá dài nên chờ bài sau vậy

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

7 cấp độ nhận thức của con người, và những cuốn sách tương ứng

T2 Th3 18 , 2019
Bạn có từng biết qua Tháp Nhu Cầu củ Maslow? Tháp gồm 5 tầng gồm thể lý, an toàn, tình cảm, được quý trọng, và thể hiện bản thân. Vậy còn về mức độ nhận thức thì sao? Hẳn sẽ gần tương tự với Tháp Nhu Cầu, tôi sẽ đưa […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese