Monster là phim của đạo diễn Hirokazu Kore-eda – rất quen mặt với những ai thích thể loại phim nghệ thuật – tâm lý – nhân văn. Trên mạng có nhiều bài viết về bộ phim này mà đọc qua rất hay, vậy tại sao Chí Blog vẫn viết bài về nó? Các bạn đọc thân quen của Chí Blog – “website ghê gớm nhất vũ trụ lượng tử chuyên review phim nghệ thuật” sẽ không nghĩ là tôi sẽ lặp lại những gì người khác viết đấy chứ?! Tất nhiên là không rồi! Vậy tại sao có bài viết, trong khi bộ phim này không khó hiểu tí nào – nếu ai đó đã xem qua. Thật ra thì đó chỉ là mặt nổi mà thôi, một mặt nổi cần thiết để bất kỳ khán giả nào xem đều có thể dễ dàng nhận diện được “con quái vật” của định kiến xã hội đang tồn tại trong mỗi con người chúng ta. Nhưng nếu bạn muốn hiểu bộ phim này ở cấp độ sâu hơn, các bạn nên đọc thêm những bài trên Chí Blog. IMDb 8.0 , bài viết tiết lộ nội dung phim.
Trước khi tôi thật sự xem phim, đọc những bài review của người khác, tôi cứ nghĩ rằng đây là một bộ phim rất đau thương như Nobody knows (2004),và sẽ tối tăm vì nhiều người nhắc đến “con quái vật” như ý nghĩa của tựa phim, rồi thì bạo lực học đường, định kiến xã hội này nọ. Nhưng sau khi xem phim, đặt biệt là nửa sau của phim, tôi chợt nhận ra phim này quá tươi sáng, quá đẹp khi sự thật được nhìn qua ánh mắt của trẻ nhỏ, đau thương vẫn có nhưng nó hoàn toàn bị xóa nhòa bởi tình yêu thương vô bờ bến của cậu bé Yori – giống như một thiên thần. Ngoài ra thì có vẻ như đạo diễn Hirokazu Kore-eda bắt đầu cảm thấy thiếu kiên nhẫn đối với “trí tuệ” con người haha! Phải nói rằng cách dẫn chuyện trong bộ phim này rất độc đáo, đọc tiếp để hiểu độc đáo chỗ nào hen!
Bộ phim được bắt đầu bằng một vụ hỏa hoạn, thầy giáo Hori bị nhìn thấy đi cùng một cô gái phục vụ của một quán nhậu có vẻ không trong sáng, sau đó là hành động và tâm lý thất thường của Minato, những câu hỏi kiểu như “người mang óc heo” này nọ; với bao nhiêu đó dữ liệu thì khán giả sẽ nghĩ đến điều gì? Một giáo viên mất phẩm chất chuyên hành hạ học sinh mà chúng ta đã thấy quá nhiều trên truyền thông.
Thường thì câu chuyện kinh điển sẽ thế nào? Một bà mẹ đơn thân yếu đuối và vất vả nuôi con, bởi vì thiếu cha nên đứa trẻ sẽ có tính cách khác biệt hoặc tự kỷ, dễ trở thành cái đích cho bạn bè và giáo viên nhắm vào, mà vị giáo viên lại có quan hệ mờ ám với một cô gái không đàng hoàng, cộng với những tổn thương về thể xác. Thế là chúng ta vội vàng kết luận rằng đứa trẻ đó đang bị thầy giáo bạo hành từ thể xác cho đến tinh thần, bản thân nhân vật người mẹ cũng sẽ đinh ninh là sự việc diễn ra như vậy. Vấn đề là chuyện thế này có tồn tại trong xã hội của chúng ta không? Có! Và rất nhiều là đằng khác.
Khi đến với góc nhìn thứ 2, chúng ta lại đối diện với một câu chuyện kinh điển khác, đó là về một bà mẹ đơn thân nuôi con, bởi vì gánh nặng về kinh tế nên không có nhiều thời gian để chăm sóc con cái, thế là đứa trẻ đó không được dạy dỗ đến nơi đến chốn và trở thành một học sinh “cá biệt” chuyên bắt nạt những học sinh yếu nhược trong lớp. Đó là góc nhìn của người thầy giáo năng nổ và tốt bụng Hori, như câu hỏi ở trên, chuyện thế này có tồn tại trong xã hội của chúng ta không? Có! Và cũng rất nhiều.
Từ 2 góc nhìn kinh điển này, nó dẫn đến một hệ quả, đó là mâu thuẫn đối lập nhau giữa phụ huynh và các giáo viên của nhà trường, họ xem nhau như cừu địch. Phụ huynh thì muốn bảo vệ con cái họ trước những “con quái vật” là những giáo viên biến chất, họ sợ nhà trường che giấu sự việc; giáo viên thì muốn bảo vệ bản thân họ và nhà trường khỏi những phụ huynh luôn bao che khuyết điểm của những đứa trẻ “quái vật”.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Tuy nhiên khi xem đến hồi thứ 3 thì chúng ta mới vỡ lẽ ra là tất cả chỉ là sự hiểu lầm! Trước khi đi vào phân tích hồi này thì tôi có một câu hỏi muốn đặt ra là, tại sao những học sinh trong lớp đều biết rõ sự thật nhưng lại không nói với phụ huynh hoặc nhà trường? Bởi vì bọn trẻ không tin rằng người lớn sẽ giải quyết được chuyện này! Bọn trẻ hiểu rằng khi bọn chúng nói ra sự thật thì người lớn hoặc không tin, hoặc giải quyết hời hợt, hoặc càng khiến sự việc trở nên tồi tệ hơn. Những gì tôi vừa nói là thực tế đang diễn ra trong cuộc sống của chúng ta, nhà trường có bao che khuyết điểm không? Có! Phụ huynh nghèo có thắng được phụ huynh giàu không? Không! Bọn trẻ biết điều đó không? Chúng biết hết! Đó là cách mà xã hội đang được vận hành. Đừng nghĩ là Mafia mới có luật “im lặng”, trong thế giới của những đứa trẻ cũng có luật này, chúng im lặng vì sự bất lực của người lớn, đó là cách “tự vệ” của trẻ nhỏ trước thế giới của người lớn.
Vấn đề mà tôi vừa nói đã được đề cặp trong 2 bài review phim là Titane và Kill Boksoon, mà trong đó một đứa trẻ sơ sinh phải tự trang bị cho nó một “thân thể” cứng như titane, và một cô bé khác phải là cao thủ số 1 về tâm lý để có thể sống sót trong thế giới ngày nay.
Trở lại phim với câu thoại quan trọng nhất mà tôi dùng làm tiêu đề “người cấy não lợn, là lợn hay người?”, nó cũng chính là câu nói đã gây hiểu lầm cho toàn bộ câu chuyện trong phim, khi nghe được câu hỏi này, chúng ta sẽ suy diễn giống như cách suy diễn của người mẹ, tức “người não lợn” sẽ xuất phát từ một người lớn dùng để mắng trẻ nhỏ, và nó đúng là xuất phát từ người cha của Yori, một người cha khốn nạn. Với lối suy nghĩ thông thường, khi đứa trẻ bị người lớn mà đặt biệt là cha mẹ hoặc giáo viên mắng bởi câu này, kểu như “mày chỉ là thằng người não lợn”, thì đứa trẻ sẽ bị tổn thương tâm lý vô cùng sâu sắc và có thể khiến nó tự ti mặc cảm, nhưng có vẻ những loại tổn thương kiểu này không là cái “đinh” gì trong thế giới ngày nay.
Về phần trọn vẹn câu hỏi “người cấy não lợn, thì là lợn hay người?” chính xác là xuất phát từ suy nghĩ của đứa trẻ – đây mới là phần cực kỳ hài hước trong bộ phim này! Hài hước ở chỗ đối tượng “người cấy não lợn” không phải ám chỉ đứa trẻ, mà ám chỉ người lớn (haha), trong cách nhìn của bọn trẻ đối với người lớn mà tôi có nói ở trên, phần lớn khán giả trong phim không hiểu điều này, nên cứ hiểu lầm đối tượng đó là đứa trẻ. Tôi không nói điêu đâu à nghen! Nó rất thú vị!
Mẹ của Minato khi nhắc đến người chồng đã chết thì luôn thể hiện niềm tự hào về ông ta, xem ông ta là tấm gương sáng cho Minato học hỏi, nhưng bản thân cậu bé biết rằng ông ta chết khi đi cùng tình nhân (có lẽ Minato đã bắt gặp được cảnh ngoại tình giữa họ); chồng ngoại tình và chết khi đi cùng tình nhân mà người vợ cũng không biết thì có phải là “não lợn” hay không?! Hoặc trong chuyện của Yori, cậu bé này thường xuyên bị cha bạo hành, nhưng nó có oán hận cha nó không? Không hề! Nó biết rằng cha nó bị như vậy là vì cái quán rượu không đàng hoàng kia tạo ra, Yori biết điều đó, nhưng cha nó không biết điều đó, cả xã hội người lớn của chúng ta “không biết” điều đó, vậy thì ở đây ai mới là “hình người não lợn?”. Hoặc trong chuyện của thầy giáo Hori, đã biết cô bạn chỉ biết đến tiền và làm việc trong quán rượu đó mà vẫn hết lòng theo đuổi, và cũng khiến nhiều người nhìn sai về nhân cách chính anh ta; hoặc bản thân cô tiếp viên đó, một người bạn là giáo viên, bất chấp thị phi để theo đuổi mà không hề trân trọng, sau đó thì vứt bỏ anh ta như thứ giẻ rách, có phải những người lớn này đều là “hình người não lợn”?
Bạn có biết tại sao ban đầu tâm lý của Minato thất thường và có những hành vi như tự cắt tóc? Bởi vì Minato chính là người bạn rất thân với Yori, nhưng cậu bé lại tỏ ra không quen biết gì với Yori trước mặt người khác và bạn trong lớp, để không trở thành đối tượng bị bắt nạt, làm thế là thể hiện sự phản bội đối với tình bạn, giống như sự phản bội của người cha, thế là lương tâm của Minato luôn cảm thấy bị dằn vặt và tự làm tổn thương bản thân, hoặc khi cậu bé thấy bạn bị bắt nạt, cậu ấy có những hành vi đập phá để đánh lạc hướng sự chú ý của bọn bạn xấu, để cứu bạn – điều đó thật đẹp biết bao!
Là một người cha thì lẽ diễn nhiên phải bảo vệ con của mình, nhưng cha của Yori làm điều ngược lại, ông ta bạo hành đứa trẻ, còn Yori đã làm gì? Cậu bé đốt quán rượu để cứu cha – thật là mĩa mai làm sao! Một đứa trẻ đốt quán rượu để cứu những người lớn “não lợn”, dọn đi những thứ rác rưởi của xã hội người lớn, trong khi bà hiệu trưởng thì làm gì? Bà ấy cạo phần còn lại của kẹo cao su dính trên sàn của bọn trẻ! Hai hình ảnh đó cực kỳ tương phản và hài hước đến cùng cực.
Mà như các bạn cũng thấy trong phim đấy, Yori có phải là “não lợn” không? Cậu bé đã giảng giải cho Minato mọi thứ về khoa học, về sự đảo ngược của dòng thời gian nếu nó diễn ra, vấn đề này không hề trái với logic trong thế giới ngày nay – nếu bạn tìm kiếm nó trên internet mà đặt biệt là các video bổ ích trên Youtube, một đứa trẻ xem xong vẫn có thể hiểu, cho nên đừng có nghĩ là trẻ con ngày nay không biết gì nhé, chúng hiểu hết đấy. Tới đây thì bạn sẽ hiểu tại sao mặc dù Yori bị bạn bè bắt nạt mà vẫn tươi cười, vì khi so với những tổn thương mà người cha “não lợn” mang tới thì mấy trò trẻ con của bạn học chẳng là gì cả, đứa trẻ này thông minh nhất nhưng cũng bị tổn thương nhiều nhất, lại có tấm lòng bao dung cao cả nhất. Các bạn có nhớ khi bị nhốt trong nhà vệ sinh, Yori hỏi lớn “ai mới là quái vật?”, đó là câu hỏi vừa dành cho bạn học vừa dành cho khán giả.
Nhiều bài viết có nhắc nhiều đến vụ cháy và cơn bão, nếu lửa đó xuất phát từ người lớn, đó là sự cuồng nộ, nếu nó xuất phát từ trẻ nhỏ, đó là sự cứu rỗi; về phần cơn bão, khi nó diễn ra, lẽ thông thường thì ngôi nhà phải là nơi bảo vệ chúng ta, nhưng cả 2 đứa trẻ đã bỏ trốn cùng nhau trong toa đầu xe lửa đã bỏ hoang, vậy chúng ta xây cho lắm những tòa nhà cao tầng lộng lẫy làm “con mọe” gì?! Mấy tòa nhà đó chẳng khác nào nhà tù và mê cung là đường cống ngầm đã giết chết con mèo khi nó muốn tìm cách thoát ra khỏi đó, tất cả những gì tôi vừa chỉ ra đều là “ngôn ngữ điện ảnh” đấy các bạn, mong là con mèo mà Yori nghe thấy dưới nắp cống bị bịt kín không phải con mèo đã chết, và cũng mong là nó còn sống để thoát ra được, biết đâu đấy, đâu có gì khẳng định 2 con đó là 1.
Các bạn có nhớ phần trên tôi có ghi là “đạo diễn Hirokazu Kore-eda bắt đầu cảm thấy thiếu kiên nhẫn đối với “trí tuệ” con người”? Thật ra thì toàn bộ bộ phim này là một câu chửi mà đạo diễn dành cho xã hội “người lớn” của chúng ta, rằng bọn người lớn chỉ toàn là “hình người não lợn”, vậy thì khi đó nên được nhìn nhận là gì? Là con người hay là con lợn?! Đừng tưởng tôi nói đùa, các bạn có nhớ cảnh Minato trò chuyện với bà hiệu trưởng không? Những khổ đau và oán hận cần được thổi ra, cái “hơi” đó khi đi qua chiếc kèn thì âm thanh nó đã bị biến đổi, đó là một hàm ý mang tính ẩn dụ, rất nhiều nghệ sĩ, nhà văn, đạo diễn … thông qua phương pháp nghệ thuật của họ để “thở ra” những nỗi đau trong lòng của họ khi nhìn thấy con người ngu muội đến mức nào!
Minato cũng có thêm một câu hỏi khác “sau khi chết đi thì con người sẽ hóa thân thành gì?”, và liệu người cha phản bội của cậu bé sẽ hóa thân thành gì? Đó là những trăn trở vây quanh cậu bé khi trong tình trạng “phản bội” người bạn Yori, nhưng ở cuối phim, khi 2 đứa trẻ thoát khỏi thành phố để đi vào vùng thiên nhiên nhiều ánh sáng, Yori nói rằng họ không chết. Nếu những đứa trẻ chết đi, và nếu có kiếp sau, chúng sẽ vẫn là những đứa trẻ hoặc trở thành thiên thần, vì vốn dĩ tâm hồn bọn trẻ đã vô cùng tinh khiết, chỉ có bọn người lớn đầy tội lỗi mới cần sự hóa thân thành thứ gì đó khác hơn thứ mà họ đã từng là.
Bộ phim này đoạt giải kịch bản phim ở Cannes, các bạn còn nghĩ là nó chỉ đơn giản dễ hiểu như những bài review của người khác? Vậy câu quảng cáo của Chí Blog – “website ghê gớm nhất vũ trụ lượng tử chuyên review phim nghệ thuật” có phải là lời nói đùa?! Haha tôi đùa đấy, đừng tin! Về phần bộ phim này còn đoạt thêm giải Queer Palm … thì đúng là thế giới này rất bệnh hoạn, tại sao? Bởi vì tình bạn của 2 đứa trẻ rất trong sáng, nó chẳng liên quan gì đến đồng tính hay dị tính, nhưng qua cặp mắt của “người lớn” thì lại biến thành khác đi, bệnh hết chỗ nói! Và thêm lần nữa, thực tế đã chứng minh thứ mà bộ phim đã nói tới như tôi đã phân tích.
Nếu bạn thấy bài viết giá trị thì nhớ chia sẻ bài viết và trang Chí Blog tới nhiều người hơn, và nhớ ủng hộ “cà phê” thực tế nhé, vì tình hình của tôi hiện tại đang rất khó khăn, không biết có thể duy trì website trong bao lâu nữa.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức
Review phim Titane: con người sắt thép ở thời đại mới
Leave The World Behind: bọn Hươu trố mắt “2 sinh vật này bị ngu à?”
Review phim Kill Boksoon: ai là cao thủ số 1?
Review phim Dogville (2003): khi nàng Bạch Tuyết bị “dog hóa”
Review phim Tár (2022): khách hàng – cánh tả – thượng đế – robot
Review phim The Quiet Girl: chạy khỏi đầm lầy
Bên Trong Vỏ Kén Vàng: khi Chúa thương gọi tôi về
The Sacrifice (1986): ngụ ngôn châm biếm văn minh châu Âu