Vài tháng gần đây tôi mua khá nhiều sách văn học nước ngoài, đa số là các tác phẩm đoạt giải hoặc được đánh giá cao từ các tờ báo hoặc nhà xuất bản nổi tiếng. Qua quá trình tìm hiểu và mua, tôi rút ra được một số kinh nghiệm về tiểu thuyết và về mong muốn của mình cho một cuốn lý tưởng.
Vào một trang bán sách online, bạn sẽ thấy vô số cuốn được ghi với dòng chữ Best Seller, có lẽ những cuốn ấy hay, nhưng thiết nghĩ một cuốn sách bán chạy nhất, được nhiều người ưa thích thì cái hay đó chưa đủ để tôi tìm kiếm. Tôi cũng thử tìm mua một cuốn nổi tiếng của tác giả hàng đầu thế giới về số sách xuất bản, đọc ¼ cuốn thì thấy quá thất vọng bởi sự nhạt nhẽo và thiếu chiều sâu. Khoản cách về quan niệm “Hay” giữa nó với với vài cuốn tôi thấy hay thì rất lớn.
Mấy hôm trước có đọc Cuốn Sổ Vàng của nhà văn đoạt giải Nobel, đọc vài mươi trang đầu thì dừng lại vì không hợp sở thích, nhưng công nhận là nó cực kỳ chất lượng. Trong đó có đoạn nói về sự nhạt nhẽo của tiểu thuyết đương đại, đó là người ta viết nó giống như là một phóng sự, rằng nơi nào đó có nền văn hóa khác biệt mà người ta muốn biết, một vùng đất lạ lẫm người đọc chưa đi qua, hoặc một cuộc chiến. Cái mà người đọc nhận được là sự khác biệt với đời sống của họ, họ muốn tìm cái gì đó mới mẻ hơn.
Có 3 cuốn sách tôi mua vì người khác giới thiệu, mua Cuốn Theo Chiều Gió vì một người bạn rất khen ngợi, mua Triệu Phú Khu Ổ Chuột vì cha tôi nghe nói hay, mua Người Đua Diều vì một người bạn nói cực hay khi bàn luận về cuốn Suối Nguồn. Trong 3 cuốn đó chỉ có CTCG là cực hay, NĐD thì cũng được, TPKOC thì thường thôi. Vậy thì điều gì khiến tôi đánh giá như thế?
Với tôi, một cuốn tiểu thuyết cực hay khi có các yếu tố sau: thể hiện được bản chất cá nhân con người và chiều sâu nội tâm, thể hiện được bản chất xã hội và bối cảnh rộng lớn, có những mô tả sắc sảo về thiên nhiên hoặc hoàn cảnh, chứa đựng một tình yêu lý tưởng, nội dung đặc sắc, và cuối cùng quan trọng nhất là tất cả những điều đó phải mang tính toàn diện, thường hằng và không phụ thuộc vào quan niệm đặt trưng của bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, đồng thời nó phải hướng đến sự lý tưởng, hy vọng và hạnh phúc.
Từ những yếu tố trên đã cho ra một số cuốn tôi thấy cực hay:
Suối Nguồn: Mỗi nhân vật là một biểu tượng về tính cách con người mà nếu đặt trong bất cứ bối cảnh nào hay giai đoạn lịch sử nào cũng đều đúng, bản chất xã hội về những yếu tố khiến nó phát triển hoặc thụt lùi cũng vậy.
Cuốn Theo Chiều Gió: dù viết trong bối cảnh nội chiến Mỹ, nhưng chúng ta vẫn nhận ra khát vọng sống trong mình qua Scalett, thấu hiểu bản chất xã hội như Rhett, hay yếu đuối và phụ thuộc vào nền tảng giáo dục như Asley, hoặc một bản tính phụ nữ bao gồm sự dịu dàng và mạnh mẽ như Melanie. Ta thấy sự chuyển biến về tâm lý con người trước – trong – sau cuộc chiến, ta thấy những giá trị cốt lõi của xã hội vẫn trường tồn.
Quo Vadis: cuốn này giúp ta tìm lại bản chất thật của tình yêu thương, xóa bỏ những định kiến luôn tồn tại trong tôn giáo cũng như xã hội, ta thấy tim mình xúc động khi sự tha thứ đã hoàn toàn cải biến một kẻ trước đó vô cùng tồi tệ thành con người như con người. Ta thấy một nỗi đau khủng khiếp mà sự tàn ác mang đến (Nero – hoàng đế La Mã). Vài cuốn khác cũng cực hay tôi yêu thích: Jen Ero, Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai
Có một số cuốn cực hay khác nhưng chưa lý tưởng vì chỉ nói lên một mặt nào đó hoặc quá bi đát. Truyện dành cho trẻ em như Trong Gia Đình, Không Gia Đình, Chuyện Dài Bất Tận. Bi đát như Đồi Gió Hú, Lolita. Sự lồng ghép các câu chuyện ý nghĩa như Don Kihote. Nặng tính triết lý như Doctor Zhivago và vài tác phẩm nổi tiếng khác của Nga. Những tác phẩm thiên về phiêu lưu như Nanh Trắng và Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã. Những tác phẩm huyền ảo như Trăm Năm Cô Đơn, Nhà Giả Kim.
Còn những cuốn chỉ được gọi là hay chứ không phải cực hay? Đó là những cuốn mô tả cuộc sống trong một giai đoạn nào đó của lịch sử, nền văn hóa khác biệt, định kiến như phân biệt chủng tộc, giai cấp, giới tính…những thứ này sẽ mất dần theo sự phát triển của xã hội. Ví như cuốn Kêu Hãnh Và Định Kiến, đặt trong bối cảnh xã hội ngày nay thì nó có vẻ nhạt, hay như Giết Con Chim Nhại, Người Đua Diều.
Có lẽ một tác phẩm chỉ giá trị hoặc nổi tiếng vì nó mô tả được bản chất cùng hiện thực về đời sống của con người, từ đó sinh ra những câu chuyện buồn và đau thương vì con người thường chạy theo ảo ảnh và dục vọng. Tôi rất không thích những cuốn như vậy dù đa số đều thế. Cái tôi tìm kiếm là sự thật nhưng đằng sau đó phải là hạnh phúc, hiểu ra sự thật để đạt được hạnh phúc chứ không phải khổ đau. Kết cục bi thảm của tiểu thuyết có thể mang lại ấn tượng lớn và như một sự cảnh báo, hoặc buộc người ta chấp nhận hiện thực tàn khốc.
Tôi sẽ truy tìm những cuốn tiểu thuyết có thể nâng tôi lên trong tình yêu và hy vọng chứ không phải nhấn tôi chìm xuống sự tuyệt vọng.
MINH CHÍ
Nếu bạn thấy bài viết có ích cho bạn – cộng đồng – xã hội, hãy Share hoặc hỗ trợ tài chính bằng cách thỉnh thoảng mời Chí Blog 1 “ly cà phê bình dân”:
Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526
Đừng để điều tốt đẹp biến mất chỉ vì vô tâm
About Author
Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất “đỉnh” là được!