Lịch sử con người qua dòng chảy văn học

Hôm nay tôi sẽ kể bạn nghe về lịch sử con người, đây là một đề tài rất lớn, tuy vốn hiểu biết của tôi còn nhiều giới hạn nhưng vẫn phải viết để hệ thống lại phần lớn những gì đã đọc, nhằm có cơ sở để còn bổ sung thiếu hụt và giúp những bạn thích đọc sách tham khảo mang tính khái quát. Bài viết sẽ dài nhưng quan trọng nhé.

Ban đầu con người sống trong một thế giới tự nhiên vô cùng bao la và tràn đầy bí ẩn, có quá nhiều hiện tượng không thể lý giải khiến họ phải kinh sợ. Ai? Ai đã tạo ra tất cả? Đó có phải là các vị thần đang thể hiện sức mạnh của họ? – con người hỏi nhau như thế. Với mỗi điều chưa biết, một vị thần được sinh ra, với mỗi cảm xúc dành cho từng hiện tượng, một bản tính con người được gán ghép cho vị ấy. Thế là con người có cả một thế giới thần linh cai quản hạ giới, họ cũng yêu cũng ghét và đôi khi tham lam hoặc chính nghĩa như con người. Vậy tại sao thần linh đôi khi giận dữ với con người? Con người đã làm những gì sai trái? – con người tiếp tục hỏi nhau. Bản chất con người là có ý thức, con người lúc nào đó sẽ chấp nhận sự áp chế, nhưng họ luôn muốn vươn lên, nên các anh hùng trong loài người được sinh ra và có được sức mạnh như thần, họ sẽ chiến đấu với thần, sẽ có thắng thua và cái chết, nhưng ý chí họ vẫn trường tồn. Tất cả những điều này có trong Thần Thoại Hy Lạp và các câu chuyện thần thoại khác.

Thuở ấy con người vẫn còn sống trong bản năng của thân xác, và mạnh được yếu thua trong cuộc sinh tồn, nghệ thuật – thi ca phục vụ cho các nhu cầu giải trí tầng lớp thống trị, những đế quốc vĩ đại hình thành và theo sau là hàng hàng lớp lớp con người bị vắt kiệt sức lực, họ bị chà đạp, họ thành nô lệ, họ khổ đau. Ở 3 nơi khác nhau có 3 vị đặt chân đến thế gian; vị thứ nhất nói về Đạo khi thấy con người ngụp lặn trong vòng danh lợi, ông chỉ cho con người thấy một đời sống thanh thản vô lo bằng cách thuận theo tự nhiên – theo quy luật của Đạo; vị thứ 2 nói về nhân quả và lòng từ bi khi nhìn vào sự đau khổ của thế gian, Ngài trao cho họ phương pháp thoát khổ; vị thứ 3 nói về tình yêu thương và thiên đường cả trong kiếp này lẫn kiếp sống phía sau cái chết. Ở châu Âu, tư tưởng của vị thứ 3 đã đặt chân đến Roma – thành đô của La Mã, khi ấy La Mã là một đế quốc hùng mạnh nhưng xa hoa trụy lạc và mục rỗng về đạo đức, tuy vẫn còn giữ được vài nét đẹp của văn hóa Hy-La. Bởi tình yêu thương và sự cảm thông, tư tưởng của Ngài trở thành chỗ dựa tinh thần của những người thấp hèn khốn khổ, mang đến cho dân chúng một lối sống cao đẹp giữa một thế giới tội lỗi, và nhờ đó thế giới đã đổi thay. Bạn có thể tìm thấy sự chuyển biến ấy trong tác phẩm Quo’ Vadis.

Tư tưởng về tình yêu thương như cơn sóng thần tràn đi khắp nơi, tạo thành những đế chế hùng mạnh, nhưng lại một lần nữa con người quay về con đường cũ, xiềng xích sinh ra, tự do tư tưởng bị áp chế, sự hà khắc trong cảm xúc và đời sống, những giá trị đạo đức chỉ còn là hình thức, trong khi thực tế thì con người rơi vào dối trá – trụy lạc, và khổ đau – bất công. Ngay lúc này, khi xã hội mang đậm màu sắc tôn giáo – thần quyền, ta phát hiện ra một khúc nhạc thần thánh mong muốn con người được sống trong cái bản thể vừa thần thánh lại vừa con người trong tác phẩm Thần Khúc của Dante, khúc nhạc có thể lẽ loi nhưng báo hiện điều gì đó sẽ phát sinh trong tương lai.

Nếu bạn tin vào những giá trị tốt đẹp nhưng sống trong thời đó thì sẽ làm gì? Tôi thì sẽ theo gót chân chàng dũng sĩ Don Quixote của chúng ta dù có bị gọi là điên khùng hoặc cười chê đi nữa. Trong cái hiện thực u ám mà ta gọi là thực tế đó, chỉ có Don Quixote là còn giữ được một trái tim cao cả sáng ngời và dám dấn thân vì lý tưởng, vì tình yêu, nhiều chàng dũng sĩ có thể chấp nhận cái chết nhưng mấy ai qua được sự cười chê? Người đời cười chàng ngớ ngẫn, nhưng nhìn lại xem, biết bao điều tốt đẹp đã đến với những người chàng gặp, chàng kết hợp những tình yêu bị cuộc đời chia rẽ, mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những con người sầu đau. Có thể nói Don Quixote là chàng dũng sĩ đầu tiên dám phất cờ đánh nhau với cối xay gió – biểu tượng cho một xã hội vô cảm – lầm lỳ – hình thức. Song hành với Don Quixote là nàng Juliet (Romeo Và Juliet) đã đâm ngọn giáo/con dao xuyên qua bức từng dày hơn 1500 năm để mở cánh cổng cho chủ nghĩa anh hùng và tự do yêu đương có trong nền văn hóa Hy-La trước đây. Don Quixote bị cối xay gió đánh văng ra, nàng Juliet bị xuyên tim nhưng sự hy sinh của họ là vĩ đại, vì nếu không có họ thì không biết 3 Chàng Lính Ngự Lâm và vô số chuyện tình lãng mạn sau này sẽ xuất hiện hay không?! Đó là thời phục hưng!

Vị linh mục trong Nhà Thờ Đức Bà Paris là biểu tượng của sự giằng xé trong tâm hồn của giới tăng lữ, giữa một bên là thế giới lý tưởng của tinh thần và bên kia là sự áp chế đối với những nhu cầu xác thịt con người. Thử nhìn xem, con người sẽ trở thành thế nào trong sự áp chế nặng nề bởi thần quyền. Còn thằng gù là hình ảnh của những con người mòn hèn trong xã hội, “khuôn mặt và thân thể” trở nên quái dị, tiếng chuông vốn là âm thanh báo hiệu buổi lễ lại là nguyên nhân khiến nó trở nên điếc lác, thằng gù với vẻ hung ác cùng cực, nó nghe theo mệnh lệnh của vị linh mục, nó có thể giết người, nhưng ở sâu thẳm bên trong, trái tim nó vẫn còn đẹp biết bao, nó mơ ước được bảo vệ và hy sinh cho nàng Esméralda – là biểu tượng cho vẻ đẹp ngây thơ của tâm hồn và thể xác, nhưng trong cái xã hội thối nát ấy, cả 2 đã phải chịu chết. Ở một tác phẩm khác của Victor Hugo, Những Người Khốn Khổ , tác giả muốn tìm lại và định nghĩa lại những chuẩn mực mà xã hội nên có, vị linh mục cứu vớt tâm hồn cho kẻ phạm tội mới đúng là linh mục, mới đúng với vai trò tôn giáo phải đảm đương, tình yêu thương và lòng vị tha đã thay đổi tâm hồn của một tên tử tù cùng hung cực ác, và chỉ như vậy mới giúp hắn tìm lại được trái tim bị ẩn dấu rất sâu mà cuộc đời khốn nạn đã vùi dập. Hãy nhìn! biết bao sự tốt đẹp đã hồi sinh khi một con người được tái sinh. Xã Hội ấy cần một cuộc cách mạng, cách mạng trong hiện thực lẫn trong tâm hồn.

Khi những giá trị đạo đức bị mục rữa, khi tinh thần cao đẹp của tôn giáo chỉ còn là hình thức, khi hiện thực xã hội trở nên thối tha, thì niềm tin về những giá trị truyền thống sẽ không còn. Lúc này, ta tìm thấy 2 dòng chảy nổi trội trong văn học; phê phán hiện thực xã hội mà đại biểu là vô số tác phẩm của Balzac, sự tham lam keo kiệt của giới quý tộc/tư bản bị vạch trần không thương tiếc, giai cấp thống trị không chỉ đà đạp dân chúng, mà họ còn hủy hoại chính đời sống họ và cả những người thân; dòng thứ 2 là phủ định những giá trị đạo đức và niềm tin tôn giáo, sinh ra chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa vị kỷ mà đại diện là câu chuyện về anh chàng Don Juan, tiến xa hơn là tác phẩm vĩ đại Faust – như một tượng đài giúp sinh ra chủ nghĩa hiện sinh vô thần.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Càng ngày vai trò của triết học (duy lý) và khoa học càng phát triển thì vai trò của tôn giáo càng thụt lùi, nếu thời phục hưng ta còn tìm thấy sự giao thoa và cân bằng giữa các giá trị đạo đức tôn giáo và sự khai sáng của tính duy lý trong triết học, thì giờ đây xã hội nghiêng hoàn toàn về phía triết học/ khoa học. Qua tác phẩm Bức Tranh Dorian Gray, Oscar Wilde cho ta thấy hình ảnh chân thực của một anh chàng “Faust” trụy lạc thiếu lòng trắc ẩn và đạo đức giả, khi mà những giá trị đạo đức tôn giáo sụp đổ và con người trở thành cuồng triết học/khoa học, khi mà mọi giá trị đạo đức đều bị định nghĩa lại dựa vào tính duy lý. Xa trung tâm của châu Âu, tại nước Nga, ta có thể tìm thấy 2 nhà tư tưởng vĩ đại là Tolstoy và Dostoevsky, tác phẩm của 2 vị này là sự hòa trộn của triết học – tôn giáo – hiện thực, vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về bản chất con người/xã hội và sự đấu tranh nội tại trong nó (2 vị này quá khủng).

Tạm thời rời bỏ cựu lục địa già nua châu Âu, tôi cùng các bạn bước lên con tàu Pequod của thuyền trưởng Ahab để dấn thân vào cuộc săn đuổi con cá voi trắng Moby Dick nhé! Nghĩ thử mà coi, con người và các mối quan hệ của nó khi so với thế giới rộng lớn bao la này thì có giống như con thuyền Pequod nhỏ bé đặt giữa đại dương rộng lớn hay không? Vậy cớ gì không căn buồm lên khám phá khắp chân trời góc biển, chiến đấu với con quái vật của biển khơi, dù có lẽ con quái vật đó chẳng để ý gì đến ta, dù có thể Thượng Đế – chủ nhân thế giới này chẳng đối hoài đến phận người bé nhỏ, nhưng con người cần lắm một mục tiêu để siêu việt chính mình, để có bằng chứng cho sự tồn tại của mình trên đời này.

Nếu bạn thoát chết sau khi chiến đấu với Moby Dick thì có thể cùng tôi đến vùng băng tuyết trên đạt nước Canada để đào vàng, dõi theo con sói Nanh Trắng và sự trở về của loài sói khi nghe Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã . Hai tác phẩm này tóm lượt cả quá trình lịch sử của loài người qua hình ảnh con sói. Sói là loài sống theo bầy, chúng khiến mọi loài khiếp sợ, nhưng Nanh Trắng là một trường hợp đặt biệt, nó bị tách khỏi bầy và nó gặp được những vị thần (con người) có sức mạnh hơn nó, những vị thần đầu tiên mà nó gặp đều tàn bạo, nó sẽ phục tùng nhưng chỉ trong sự sợ hãi và căm thù, rồi ngày kia nó gặp một vị thần của tình yêu thương, vị thần này cho nó ăn, không đánh trả cho dù bị cắn, cuối cùng nó yêu thương vị thần này, bởi sự yêu thương được trả bằng yêu thương. Vị thần yêu thương mang nó đến thế giới văn minh, dạy nó biết cách hành xữ văn minh, biết khi nào không sát hại loài vật khác, biết khi nào cần sữ dụng bạo lực để tự vệ trước bọn ác, biết một gia đình sói ấm êm và hạnh phúc. Để đáp lại, nó cũng bảo vệ vị thần ấy và những tài sản của thần. Thời gian trôi qua, con của Nanh Trắng lạc khỏi nơi hạnh phúc, nó gặp những vị thần gian ác, cuộc đời dạy nó phải dùng răng nanh đánh trả răng nanh, trong một cơ hội hiếm hoi, nó gặp vị thần yêu thương, nó lại sống một quản đời hạnh phúc, nhưng thêm lần nữa vị thần yêu thương bị những thần tà ác giết chết, nó chợt hóa thành quỷ dữ tiêu diệt bọn thần hung ác, và cuối cùng trở về thế giới hoang dã để trở thành thống soái của bầy đàn. Đó là bản chất con người – một bản chất sói, và chỉ duy nhất có tình yêu là có thể cảm hóa, khi không có tình yêu, cái bản chất sói sẽ trở về.

Sự khai sáng của thời phục hưng mở ra một trang sử mới, nó giải phóng con người khỏi nhiều thứ xiềng xích, mang tới tự do. Nó đặt con người vào một xã hội biến động và phức tạp, giống như một cọng cỏ phải Cuốn Theo Chiều Gió , tinh thần thượng võ kiểu quý tộc nhưng tâm hồn yếu đuối như Ashley phải thối lui, niềm tin đạo đức với tinh thần mạnh mẽ như Melanie cần bảo tồn, sức sống mãnh liệt nhưng theo đuổi những sự phù phiếm như Scarlett sẽ tồn tại, cuối cùng là hiểu thấu bản chất con người/xã hội và biết giữ lấy những giá trị đích thật như Rhett mới phù hợp với thời đại mới.

Khi con người lạc quá xa những giá trị đạo đức và rơi vào cơn mê cuồng vật chất mà triết học duy lý và khoa học mang lại, thì bản tính sói sẽ nổi dậy, con người sẽ phải sống trong một thế giới bị phân làm 2 nửa, nửa kia thì thấp hèn và mất nhân cách, nửa còn lại thì phù phiếm và thiếu lòng trắc ẩn. Cái xã hội ấy sẽ tạo ra bi kịch cho những con người như Gasby Vĩ Đại – một người tràn đầy mộng tưởng về thế giới hoàn mỹ với tình yêu chung thủy nhưng cuối cùng vỡ mộng. Cái thế giới điên cuồng ấy báo hiệu sự sụp đổ trong tương lai, đó là 2 cuộc thế chiến.

Sau chiến tranh và chết chóc, con người không còn bất kỳ niềm tin gì, từ niềm tin tôn giáo cho đến các học thuyết nói về ý nghĩa cuộc sống. Thứ còn lại và nổi trội là sự phi lý của cuộc đời, chủ nghĩa hiện sinh đã hình thành trọn vẹn với những Người Xa Lạ mà mỗi ngày phải sống trong Hóa Thân , rồi Buồn Nôn khi nhìn đời. Còn với những tâm hồn yếu đuối hơn thì sao? Họ nhìn lại quá khứ để Đi Tìm Thời Gian Đã Mất , hoặc Để Em Khỏi Lạc Trong Khu Phố. Đó là những gì đã diễn ra ở châu Âu.

Mỹ thì sao? Tuy cách xa trung tâm cuộc chiến nhưng những con người trên đất nước này vẫn bị làn sóng tuyệt vọng lan đến, nó tạo ra một phong cách sống mới, sống Trên Đường – lối sống không biết đến ngày mai, không gia đình, không nơi chốn, không lý tưởng, và không sợ chết. Còn những con người tham gia cuộc chiến? Họ thấy sự vô nghĩa của chiến tranh, sự tàn bạo trong cái chết, mọi thứ được tạo ra chỉ bởi một đạo luật buồn cười là Bẫy 22 – biểu tượng cho một thứ luật trong luật, thứ luật pháp vòng vo và mâu thuẫn như dây thòng lọng trồng vào cổ. Tuy nhiên, rất hiếm hoi nhưng rất đáng giá, đâu đó trên trái đất vẫn còn bước chân của Hoàng Tử Bé chỉ cho ta thấy những “hành tinh” nhỏ hẹn mà con người đang sống ở Xứ Con Người , hoặc những Phố Cannery Row của những mảnh đời nhỏ bé, sự xót thương Của Chuột Và Người.

Càng về sau, thế giới càng trở nên hỗn loạn và phức tạp, con người sống với những tổn thương tâm lý bởi Tạp Âm Trắng , bởi Âm Thanh Và Cuồng Nộ. Tất cả những diễn biến đó khiến con người phải ngồi lại để ngẫm nghĩ, xét lại tất cả những gì họ từng theo đuổi, và họ chợt nhận ra bản chất con người/ xã hội trong Chúa Ruồi, họ quá ngán ngẫm với sự dối trá và muốn tìm lại sự hồn nhiên ban đầu nên đã Bắt Trẻ Đồng Xanh. Họ suy nghĩ về việc từng theo đuổi một xã hội lý tưởng để rồi đánh mất mình trong Một Chín Tám Tư , hoặc đi lên Đồi Thỏ để tìm ra một chế độ xã hội khả dĩ cho bọn thỏ cứ sinh sôi nẩy nở cho lắm vào mà chẳng biết đến tương lai. Hoặc nghĩ về một tương lai ảm đạm của loài người sẽ bị thiêu hủy bởi ngọn lửa 451 Độ F, mà cũng có thể sống với thân phận được định sẵn, được sinh ra từ ống nghiệm trong Thế Giới Mới Tươi Đẹp, thế giới ấy rất đẹp, không chiến tranh, không có người xấu, nhưng cũng không hiểu tình yêu là gì và chẳng có mục đích sống. Nếu bạn không muốn sống trong thế giới ấy, bạn có thể liên hệ Người Truyền Ký Ức, ông ấy sẽ chỉ cho bạn cách vượt ngục.

Tuy nhiên, bạn đừng vội mất hy vọng. May mắn đã mỉm cười với nước Mỹ khi có một người phụ nữ đã tìm thấy Suối Nguồn của xã hội, phân tích ra đâu là động lực tạo ra sự thúc đẩy nền văn minh và đâu là thức ngăn cản. Hoặc khi đại dịch Mù Lòa xẩy ra, một cô gái vẫn còn thấy được, qua đôi mắt cô, ta sẽ nhận rõ bản chất của ta, mọi sự khốn khổ mà con người lãnh nhận chỉ vì chúng ta đã dùng vải trắng bịt mắt những thần tượng một thời đại diện cho những giá trị cao đẹp và lý tưởng, khi không nhìn cuộc sống bằng những cặp mắt trong veo đó, chúng ta mù. Và nếu hiện thực của cuộc sống có giống như Con Sẻ Vàng bị xiềng xích đi nữa thì chúng ta vẫn còn một đôi cánh trong tâm hồn, một đôi cánh lý tưởng không bao giờ bị thứ gì trói buột, và nhờ nó mà không sợi xích khốn nạn nào trong hiện thực có thể biến ta thành một thứ đồ vật chai đá, ta sẽ mãi sinh động và sẽ luôn sống.

Khoa học hiện đại ngày nay vượt xa hơn những gì ta tưởng, khi nó tìm thấy vài bằng chứng tương đồng với niềm tin tôn giáo, qua điểm về sự sống đã có sự chuyển dịch. Ở nước Đức, nơi chuộng con đường của Faust, ta tìm thấy một nhà văn muốn đổi hướng, ông vẫn đi con đường của Faust nhưng không muốn cái kết vô vọng của chàng, mà muốn được trở thành như Siddhartha (câu chuyện về đức Phật) – sự hòa trộn giữa triết học và tâm linh. Con người không còn cố tìm cách phân biệt đâu là Thượng Đế và đâu là thế giới vật chất, vì điều đó vượt qua khả năng minh định của loài người. Tất cả là 1 được phân làm 3 bản thể là bà Gì Đó, bà Ai Đấy, và bà Cái Nào trong Nếp Gấp Thời Gian, con người chỉ cần nghe theo sự chỉ dẫn của họ để chống lại Nó – thứ biến con người thành robot. Tất cả là 1 – nơi mà anh chàng chăn cừu đã kết nối được sau khi tìm được sự chỉ dẫn của Nhà Giả Kim, chỉ cần kết nối được với cái toàn thể duy nhất đó, thì con người sẽ tìm thấy kho báu cho mình. Trong cái toàn thể duy nhất cuối cùng này, nơi mà mọi thứ như tôn giáo – triết học – khoa học hội tụ, nơi không còn sự phân biệt hay ngăn cách, sẽ là nơi mà tất cả chúng ta cần hướng đến.

Lời kết: thật ra thì một bài viết dài như thế này hoàn toàn có thể giản lượt bởi 2 câu chuyện trong kinh thánh, con người rời bỏ sự hồn nhiên của mình và nhận ra bản chất mình sau khi ăn trái Cấm trong vườn địa đàng, sau đó là sự lựa chọn của họ, sống trong sự công chính thì được bước vào con thuyền của Noe, còn sống trong tội lỗi thì chết bởi trận đại hồng thủy. Tính ra thì tôi thích đi thuyền hơn là bơi với cá mập (cười)

…………….
Viết xong bài này mệt kinh khủng, phải ngồi suốt 9 tiếng (đã trừ thời gian đi ăn). Những từ viết hoa là tên tác phẩm (trừ tên một số nhân vật trong tác phẩm). Trừ các tác phẩm lớn như Thần Khúc, Faust, Đi Tìm Thời Gian Đã Mất … còn lại thì đều đã đọc qua. Vẫn còn rất nhiều tác phẩm quan trọng chưa đọc nên không nhắc tên, nhưng tôi sẽ đọc dần để hoàn thiện. Giờ đăng bài luôn, chính tả sẽ tìm và sửa sau, mong rằng bài này mang lại lợi ích cho người đọc.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.

OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Top 50 bài review sách văn học kinh điển của Chí Blog

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review sách Ngày Cuối Cùng Trong Đời Socrates - Plato: một nhân cách cao thượng

T6 Th7 26 , 2019
Ngày Cuối Cùng Trong Đời Socrates là một trong số vô cùng ít quyển sách mà khi đang đọc thì tôi cảm thấy tiếc nuối cho tôi và cho nhiều người khác, tiếc cho tôi vì phải chi được đọc sớm hơn thì có lẽ bổ ích lắm, tiếc cho […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese