Cái chết của sự hồn nhiên – CHÍ BLOG

Hôm nay tôi thức đến 2 giờ khuya để nghe những bản Nhạc Hoa trong chương trình Sing My Song của Trung Hoa. Phải công nhận Trung Hoa có một nền văn hóa đồ sộ mà âm nhạc có một vị trí vô cùng quan trọng, nhưng chúng ta tạm thời bỏ qua chuyện đó. Trong nhiều bài mà tôi nghe, có một bài với tôi là cực hay, hay bởi cái làn điệu của nó mang đậm sự uyển chuyển luyến láy của dân tộc này, gần gũi với những bài dân ca, sự thướt tha như một cô gái xinh đẹp thẹn thùng. Khi nghe xuống các bài tiếp theo thì bài này được lặp lại lần nữa ở vòng 2, rồi lặp lại lần nữa ở chung kết. Nhưng càng nghe tôi càng thấy thất vọng dù rằng mỗi vòng về sau được đầu tư càng hoành tráng hơn.
Vì sao lại như vậy? Ở những lần sau, lời hát mượt mà hơn, nhưng tôi cảm giác sự mượt mà đó được tạo ra bởi một máy dập công nghiệp, nó mất đi sự tự nhiên khi chuyển từ âm trầm sang âm bổng – vốn là điểm tạo ra giá trị của bài hát này. Người ta cố ép sự chuyển đổi đó vào một cái khuôn (cái khuôn của con người) trong khi nên để nó tự vận chuyển tự nhiên bởi âm vực của giọng hát và điệu nhạc. Sự ngân nga dài ngắn cũng bị gọt dũa mất đi những cái ngẫu nhiên của cảm xúc, không có cảm xúc. Để hiểu điều này thì bạn có thể nhìn vào một chiếc lá nào đó, viền chúng loe ra theo sống lá, chúng vẹo sang một bên, nhưng chúng vẫn đẹp trong sự hồn nhiên từ bản chất của chúng. Thế rồi người ta cầm chiếc lá ấy lên và dùng kéo gọt cho chúng thành hình ô van hoàn mỹ, giờ bạn hãy so chiếc lá hình ô van với chiếc lá ban đầu, nó sẽ làm bạn thất vọng não nề.
Tại sao một bài hát hay lúc ban đầu lại trở nên dở ở lần sau? Vì cái cảm xúc ban đầu đã mất đi. Lần hát đầu tiên là trình bày cảm xúc, lần thứ 2 là vì chiến thắng, lần thứ 3 là cũng vì chiến thắng. Mục đích thay đổi thì hiệu quả cũng thay đổi, sự thể hiện cũng thay đổi, sự mộc mạc tự nhiên đã không còn. Người ta trói vào bản nhạc những thứ không thuộc về nó, nó đã mất tự do, mất sự hồn nhiên.
Tuy nhiên bản thân người hát lại không cảm nhận được điều đó, vì cái ham muốn chiến thắng cuộc thi vượt qua sự mong muốn thể hiện bài nhạc như chính nó rồi. Giám khảo cũng không biết, vì ở lần đầu họ “chấm điểm” bằng cảm xúc, còn lần sau họ chấm bằng kỹ thuật trong nhạc lý. Bản thân âm nhạc không phải do con người tạo ra, nó tồn tại trong thế giới này như mây như núi hay như những dòng sông, bằng cách nghe, con người cảm nhận được sự tuyệt vời. Nhưng để tiện cho việc ghi lại sự tuyệt diệu đó mà người ta xây dựng những ký tự, những nguyên tắc. Và khi này, chính những nguyên tắc đó lại trở thành sự trói buộc của âm nhạc – là thứ vô cùng vô tận. Họ đã lấy cái giới hạn để đánh giá và cải tạo cái vô tận. Còn khán giả thì sao? họ cũng không nhận ra, vì những gì đập vào họ lúc này là sự hoành tráng của sân khấu, của nhạc cụ, của tính quan trọng trong cuộc thi. Vậy là lúc này bản nhạc (sự kết hợp của cảm xúc và sự tuyệt vời của tạo hóa) đã trở thành diễn viên phụ, cái người ta đang trình diễn lúc này là những gì thuộc về giới hạn của con người, đó là giải thưởng, sự phô trương, những nguyên tắc, sự hiểu biết trong những đánh giá lý tính. Có thể nói, ở 2 lần sau, linh hồn của bản nhạc đã chết!
Không ít lần tôi đã gặp những cái chết kiểu này, nó làm tôi cảm thấy tiếc nuối, nhưng bởi hiểu nên tôi cũng chấp nhận, đó là những gì phải diễn ra. Nhìn ở góc nhìn rộng hơn, có cái gì mà không bị biến đổi, có vẻ đẹp nào không chết khi trói vào nó quá nhiều sự tham muốn của con người? Tình yêu, tình bạn, tình thầy trò, tình anh em, tình nghĩa gia đình… mọi thứ. Vậy nếu bạn muốn tìm được vẻ đẹp tuyệt vời của một thứ gì đó, hãy để nó sống trong tự do và sự hồn nhiên, đừng trói buộc, đừng bắt nó phải mang vác những gì không thuộc về nó. Khi đó bạn sẽ nhìn thấy sự rực rỡ nhất của tạo hóa.
Bài hát tôi nói là bài Vén Rèm Châu – Hoắc Tôn, bạn có thể tìm trong Youtube, cả bài vòng 2 và chung kết.

Nếu bạn thấy bài viết có ích cho bạn – cộng đồng – xã hội, hãy Share hoặc hỗ trợ tài chính bằng cách thỉnh thoảng mời Chí Blog 1 “ly cà phê bình dân”:

Người nhận: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Đừng để điều tốt đẹp biến mất chỉ vì vô tâm

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Cực Nam (Đất Mũi) – Chuyến đi xa đầu tiên - CHÍ BLOG

T7 Th9 29 , 2018
Câu chuyện bắt đầu từ một anh chàng thất tình…À! Nghe có vẻ sến quá nhỉ? Chúng ta tạm thời cho qua chuyện ấy hen (cười)… cuối cùng thì anh ta nhận ra mình phải thay đổi cách sống, phải tự đi tìm hạnh phúc cho mình bằng cách… đi […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese