Bạn vẫn còn tiếp tục cùng tôi đồng hành với anh chàng chăn cừu đấy chứ? Bởi vì các phần tiếp theo chỉ đăng trên website nên tâm trạng của tôi vô cùng thoải mái, tại sao lại thế? Vì khi đăng trên facebook, tôi có cảm giác như bị điều gì đó trói buộc, lo nghĩ không biết có ai đọc không, sợ viết dài quá thì người khác lười đọc, giờ thì mọi sự trói buộc rơi mất, và các bài viết chỉ dành cho tôi và những ai thật sự muốn biến đổi tâm hồn như anh chàng chăn cừu trong truyện.
13/ Vị vua già không số phận
Khi trở nên thần thánh, họ không có số phận, vì số phận của họ luôn ở trong tay họ, họ đến và đi như cơn gió, họ giúp đỡ những kẻ thành tâm, họ là ông già, là trẻ nhỏ, là người ăn xin, là thầy tu, là một ông vua, là một người mẹ, là người tử tù vì sự công chính, và là bất kỳ ai quanh ta để chỉ cho ta đâu là con đường sáng, dạy cho ta những bài học về cuộc sống, cho ta thấy sự thật của thế giới này.
14/ Cú ngã đầu tiên
Con người luôn sợ hãi khi đến một nơi xa lạ, cảm thấy như lạc vào nơi thù địch. Rất nhiều khi chúng ta bị ném vào một hoàn cảnh mà không có sự chuẩn bị trước, ngôn ngữ và văn hóa là một rào cản rất lớn. Nhưng nếu tìm được ai đó có thể trao đổi, có tí quen thuộc, thì chúng ta cảm thấy như trút được gánh nặng và tin tưởng vào họ; đây chính là lối mòn tâm lý dễ khiến con người sập bẫy. Giờ bạn đã thấm thía câu chuyện ngụ ngôn về 2 giọt dầu của nhà vua chưa? Có rất nhiều chuyện đã được cảnh báo trước, bằng cách này hay cách khác, tuy nhiên người ta chỉ nhận ra giá trị của chúng sau khi vấp ngã, chỉ quý trọng sau khi phải trả giá đắt, đời là thế! Đôi khi người tưởng như thân quen lại là kẻ xấu và kẻ tưởng như thù địch lại mà người tốt.
Vấp ngã trên đường đời là chuyện đương nhiên, quan trọng là sau đó ta đối diện với sự khốn đốn đó thế nào; là để mình rơi vào sự tuyệt vọng hay biết suy ngẫm về những chuyện vừa diễn ra và đứng lên làm lại từ đầu? Chính lúc rơi vào sự khốn khó thì ta mới hiểu được giá trị của mộng tưởng, của món quà từ người chỉ đường, vì sự kỳ diệu ấy vượt qua lẽ thường, nếu ta tin vào sự kỳ diệu đó, ta có thể tạo ra sự kỳ diệu.
15/ “Có một thứ ngôn ngữ nằm ngoài câu chữ”
Khi tâm hồn bạn không có sự lo âu, bạn biết bạn là ai và mộng tưởng bạn là gì, thì tự bạn đã toát nên một sắc thái y như thế, nó thể hiện qua nét mặt, đôi mắt, nụ cười, hành động. Sắc thái đó giống như một loại năng lượng, một loại sóng từ trường, và bạn sẽ sớm nhận ra những ai cũng giống như bạn. Con người có thể lừa dối bằng lời nói, bằng sự giả tạo bên ngoài, nhưng họ không thể lừa dối bạn nếu bạn hiểu được thứ ngôn ngữ này. Vấn đề ở chỗ bạn có nhận ra nó hay không.
Nếu bạn nhận ra ngôn ngữ nằm ngoài câu chữ, bạn sẽ học được vô số bài học từ thiên nhiên, mỗi loài vật sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện về cuộc đời của chúng, bọn cừu sẽ dẫn bạn đến nơi có đồng cỏ tươi tốt, những vì sao giúp bạn không lạc lối trong đêm đen. Và nếu bạn đang ở nơi hoàn toàn xa lạ, bạn sẽ tìm được những thứ bạn cần. Thật đơn giản và cũng thật khó khăn biết bao để hiểu rằng “tất cả chỉ là một”.
16/ Người bán hàng pha lê
Hãy nhớ lại người bán kem, người bán hàng pha lê này cũng giống thế. Hãy nhớ lại chuyện ngụ ngôn về anh chàng chỉ lo nhìn chăm chăm vào 2 giọt dầu trên muỗng nên không thấy được mọi thứ xung quanh. Thế giới luôn biến đổi mà người bán hàng pha lê không nhận ra, rồi khi nhận ra thì ông cảm thấy sự bất lực để thay đổi. Có thật là muộn màng chăng?
17/ Điềm lành
“Người ta nói quá nhiều về điềm này, điềm nọ. Nhưng họ không ý thức đều họ nói”. Đúng vậy! Có quá nhiều người khi mở miệng ra là họ nói về những từ như số phận, nhân quả, niết bàn, thiên đường, tốt – xấu, hên – xui, tự do, tình yêu, hạnh phúc… nhưng chính họ lại chẳng hiểu gì. Chàng chăn cừu đối với ông chủ cửa hàng đúng là điềm lành, nhưng khách hàng chỉ tới mua sau khi các bình pha lê được lau chùi để trở nên rực rỡ, quá trình đó mang tính nhân quả và nó cũng là “một thứ ngôn ngữ nằm ngoài tiếng nói”, thứ ngôn ngữ này ở khắp mọi nơi; trong sự trùng hợp nào đó mà con người thuận theo tiếng nói ấy và đạt được gì đó, họ sẽ thốt lên “Ôi! Tôi thật may mắn!”, hoặc họ cứ lao vào thứ làm họ đau khổ rồi ngơ ngác chẳng biết tại sao, họ sẽ lại thốt lên “Ôi! Tôi thật xui xẻo”.
Giờ thì anh bạn của chúng ta đã có việc làm, cũng ứng với câu “thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, cuộc sống không quá khó khăn như ta tưởng.
Vì sao kinh Koran có điều răn cho người đói ăn nhưng ông chủ vẫn để cậu lau chùi? Vì con người cần gột sạch tạp niệm. Khi con người lợi dụng điều răn để có miếng ăn mà không lao động, ấy là tạp niệm; và ông chủ cảm thấy oán hận vì thua thiệt, ấy là tạp niệm; điều răn dạy con người biết thương yêu đồng loại bị biến thành công cụ xấu xa, ấy là tạp niệm.
18/ Nỗi sợ hãi của chủ tiệm
Hãy so sánh thái độ sống giữa chàng chăn cừu và ông chủ tiệm, một người đang trên đường theo đuổi giấc mơ và một người đã bỏ cuộc. Thứ đáng sợ nhất đối với con người là sự trì trệ vì thỏa mãn với những gì đang có (xin đừng nhầm lẫn, tôi không khuyến khích tính tham lam), sự trì trệ dễ làm thui chột cuộc sống và tâm hồn, dù cơ hội đang ở trước mắt.
Khi con người trở nên lười biếng và quen với sự bất biến, thì mộng tưởng trở thành cứu cánh giúp họ vượt qua sự tẻ nhạt của đời sống, nhưng mộng tưởng đó mãi mãi là mộng tưởng, họ sợ rằng nếu nó thành sự thật thì họ sẽ không còn gì để hy vọng. Nhìn sơ thì suy nghĩ này là đúng, nhưng thực chất là sai lầm, vì sao? Vì khi đi qua con đường biến giấc mơ thành hiện thực, thì tâm hồn con người cũng đã biến đổi rồi, ở tầm cao mới thì con người sẽ có góc nhìn mới, như cách mà nhà luyện kim đan biến chì thành vàng. Ông chủ tiệm nghĩ rằng Kim Tự Tháp chỉ là một đống đá và người ta có thể xếp chúng trong vườn, tất nhiên Kim Tự Thám vĩ đại hơn đống đá triệu lần (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), nhờ thế mà nó vẫn tồn tại hơn 4000 năm và vẫn còn tồn tại nhiều ngàn năm nữa. Sự đồng hóa của ông chủ tiệm chỉ thể hiện sự trốn tránh và sợ hãi.
19/ “Maktub”
Maktub nghĩa là mọi sự đã được định sẵn, đã được biết trước. Khi con người theo đuổi mộng tưởng, họ sẽ học được ngôn ngữ nằm ngoài câu chữ, họ sẽ tạo ra được sự kỳ diệu, họ sẽ làm biến đổi mọi thứ xung quanh, giống như hòn đá biến chì thành vàng của nhà luyện kim đan. Họ sẽ giúp người khác hiểu rằng “Nếu cự tuyệt phước lành thì phước lành sẽ thành mối họa” và “muốn thì sẽ được”.
Có vô số điều ta sẽ học được từ mọi thứ, nhưng ở mỗi thứ ta chỉ có thể học được vài điều thôi, giống như cừu thì không thể dạy ta nói tiếng Ả Rập. Vì vậy để đạt được kho tàng trong mộng tưởng, thì con người cần tiến lên học hỏi để biến đổi chính mình. Đó là một quá trình tự thanh tẩy.
20/ Sự kỳ diệu sinh ra sự kỳ diệu
Sự kỳ diệu có tính lây lan, nếu nó được đặt ở một nơi, hơi thở của nó thấm vào mọi thứ và hóa thành mọi hình hài rồi chu du khắp nơi.
21/ Ý nghĩa của mỗi cú ngã
Bạn biết đấy, để đi được từ tầng thấp lên tầng cao thì người ta cần một chiếc cầu thang để bước lên từng bước, vì nếu không có cầu thang thì sức ta không thể nhảy qua nổi độ cao đó, và chắc chắn sau cú nhảy kiểu ấy thì sẽ ngã dập mặt. Cho nên, mỗi khó khăn trên đường đời chính là một bước nghỉ để ta học cách bước lên bậc tiếp theo, và trang bị thêm hành trang cho đoạn đường kế tiếp khó khăn hơn.
Sau khi đã trang bị đầy đủ, chàng chăn cừu muốn trở về đề chăn cừu, tuy nhiên ông chủ tiệm không nghĩ cậu sẽ làm vậy, tại sao? Vì sau khi phát ra sự kỳ diệu, nó sẽ không đi luôn mà sẽ phản hồi và tác động ngược lại nơi phát ra, sự phản hồi đó chính là niềm tin của ông chủ tiệm đối với chàng chăn cừu. Với lại, khi không đạt được mộng tưởng, con người thường gửi gắm nó vào những ai thân quen, để có cảm giác được đồng hành và được thành công, dù đó chỉ là ảo tưởng.
22/ “Ta luôn luôn ở cạnh những kẻ đi theo con đường mình đã chọn”
Sẽ có lúc nào đó bạn phải dừng lại khá lâu để trang bị những thứ cần thiết cho chuyến hành trình, thời gian sẽ khiến bạn dễ dàng quên lãng việc bạn là ai và bạn muốn gì. Vậy hãy giữ cho kỹ món quà của người chỉ đường, đến thời khắc quan trọng thì nó chính là phương thuốc giúp ta nhớ lại tất cả.
Người chỉ đường sẽ không chỉ cho ta con đường tìm đến kho tàng, mà sẽ chỉ cho ta phương cách để nhận ra con đường đến đó. Hai điều này khác nhau ở chỗ; điều thứ nhất chỉ có một con đường và một kho tàng, bạn sẽ lạc lối nếu chệch khỏi đường đi; điều thứ hai là bạn có thể tìm được vô số con đường đến vô số kho tàng, không bao giờ lạc lối dù ở bất kỳ nơi đâu. Hai điều này cũng giống như một bên thì bạn tìm được vàng, còn bên kia thì bạn tạo ra được hòn đá có thể biến mọi thứ thành vàng.
Con người khi đã bước lên thì không muốn bước xuống, khi tâm hồn bạn trở nên sáng suốt thì khó có thể sống như kẻ u mê, giống như chàng chăn cừu, cậu đủ tiền để có gấp đôi số cừu lúc trước và bất kỳ lúc nào cũng có thể trở lại nghề cũ, nhưng làm thế thì cuộc sống đâu còn gì ý nghĩa, trong khi kho tàng đang chờ cậu phía trước.
……………
Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog.
Người chỉ đường sẽ không chỉ cho ta con đường tìm đến kho tàng, mà sẽ chỉ cho ta phương cách để nhận ra con đường đến đó. Hai điều này khác nhau ở chỗ; điều thứ nhất chỉ có một con đường và một kho tàng, bạn sẽ lạc lối nếu chệch khỏi đường đi; điều thứ hai là bạn có thể tìm được vô số con đường đến vô số kho tàng, không bao giờ lạc lối dù ở bất kỳ nơi đâu. Hai điều này cũng giống như một bên thì bạn tìm được vàng, còn bên kia thì bạn tạo ra được hòn đá có thể biến mọi thứ thành vàng.
Mình nghĩ rằng đoạn trên đã giải thích đầy đủ cho tên của cuốn Nhà giả kim.
Cảm ơn những bài của bạn, rất ý nghĩa.