Bình sách Hoàng Tử Bé – Saint Exupéry: phần 2, chương 9-18

10/ Quốc vương uy quyền

Con người ai cũng muốn làm vua để có uy quyền trên kẻ khác, nhưng có vô số những vị vua không biết cách làm vua nên họ sống cả đời trong cô độc, hoặc bị lật đổ và bị giết đi. Thật ra làm vua rất dễ, không chỉ là vua trên một đất nước nào đó, mà còn là vua khắp vũ trụ, đó là hãy để mọi thứ vận hành theo cách của chúng. Có thể bạn sẽ hỏi “làm vua như thế thú vị sao?”, tất nhiên là chả thú vị gì lắm, nhưng điều khiển người khác, buộc họ làm điều không thể làm, hoặc khiến họ phải đau khổ thì thú vị sao? Bạn sẽ bảo “khi tôi có uy quyền, tôi sẽ được lợi lớn!”, không phải vậy đâu bạn ơi! Bạn được lợi cái này nhưng bạn tổn thất cái khác, và với tôi hay hoàng tử bé thì cái mất đi luôn nhiều hơn cái lợi nhận được, chỉ vì họ là người lớn nên họ không hiểu thôi.

Mà trở thành vua để làm gì, khi người khác hoặc chính họ muốn chiêm ngưỡng cái đẹp, muốn được vui vẻ hạnh phúc lại làm không được. Vậy không phải tự mình huyễn hoặc mình sao? Thật là nhàm chán!

11/ Hãy ngưỡng mộ ta đi

Kiêu căng là một tính cách rất hợm hĩnh và buồn cười, người kiêu căng luôn thích thể hiện mình, bày vẻ lung tung cho những thứ bên ngoài. Họ nghĩ những biểu hiện của họ khiến người khác ngưỡng mộ, sự thật là những người hiểu biết nhìn vào đấy để cười chê chứ không phải ngưỡng mộ đâu, nhưng họ không đủ nhận thức để hiểu ra điều đó. Cũng có vô số người chạy theo họ và ngưỡng mộ thật đấy, nhưng đó lại là những người nhận thức còn kém hơn cả họ. Nói chua cay một chút thì, giả như có một kẻ giống hề mà bản thân không biết, rồi cả đám trẻ con chạy theo vỗ tay tung hô, thì việc ấy đáng để tự hào sao?

Sự ngưỡng mộ là có tồn tại khi ta thấy một ai đó tài giỏi hơn mình, nhưng một kẻ lấy sự ngưỡng mộ của người khác đối với mình để làm lẽ sống thì quả thật… rất buồn cười. Cuộc sống còn quá nhiều thứ đẹp đẽ để ta tìm đến và tận hưởng, sao lại rỗi hơi như vậy nhỉ?

Nói thì nói vậy, cả thế giới loài người chúng ta được xây dựng trên sự ngưỡng mộ, nếu sự ngưỡng mộ không còn thì nền kinh tế sẽ sụp đổ 60-70%, do đó để kiếm lợi, người ta biến sự ngưỡng mộ trở thành cuồng tín, thành phong trào, thành một thứ tín ngưỡng của tôn giáo. “Ồ! Bạn có chiếc Iphone xyz +++ thật là Pro!”, nhưng ít ai biết “bạn” ấy phải làm quần quật như nô lệ suốt mấy tháng trường mới mua được. Xứng đáng sao? Không biết đây là thông minh hay dại khờ nữa!

12/ Gã nát rượu rầu rĩ

Tôi rất thích chương này vì sự thú vị của nó. Một gã nát rượu đã uống rượu để lãng quên về sự xấu hổ của gã, xấu hổ vì uống rượu. Một sự châm biếm tuyệt vời, lại là một thực tế mà vô số người mắc phải. Nụ cười châm biếm đó dành cho cả tôi nữa, khi tôi lười biếng, tôi nằm dài xem những truyện vô bổ và những phim nhảm nhí, sau đó công việc chất thành núi, và để quên chúng đi thì tôi lại đọc truyện và xem phim, bạn thấy có buồn cười không? Không buồn cười tí nào cả! Khi ấy áp lực sẽ ngày một tăng thêm, và nếu nó tăng đến một ranh giới nào đó thì lòng tự trọng của con người cũng tan tành, mọi lời hứa không còn đáng tin với người khác và với chính mình. Từ đó về sau thì ta không còn làm gì cho ra hồn, mọi thứ đều nửa vời. Gần như 99.9% con người thất bại là do đây mà ra, chuyện nhỏ như một con thỏ lại sinh ra hậu quả lớn như cây Baobab.

13/ Ta sở hữu tất cả những vì sao

Trong cuộc sống hiện thực, tôi thấy vô số người giàu có nhưng sống rất kham khổ, ăn không dám ăn, xài không dám xài, họ cứ thích tích lũy cho thật nhiều, tại sao nhỉ? Có lần tôi hỏi họ, và họ trả lời là “đề phòng bất trắc trong tương lai”, nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng khi nhìn kỹ thì họ không hề dùng tiền ấy để mua những biện pháp đề phòng bất trắc nào cả. Ăn uống kham khổ khiến họ bệnh hoạn, thiếu phòng vệ khiến họ bị trộm cướp, tính keo kiệt khiến họ không được yêu mến, tiết kiệm quá mức trong việc sửa chữa khiến họ dễ bị tai nạn. Rốt cuộc thì sự giàu có đó mang lại gì cho họ? Có thấy vô nghĩa không nào? Điều đó giống như người ta sở hữu những vì sao trên trời vậy, họ chẳng thể làm gì ngoài việc đếm chúng. Ôi những vì sao chập chờn xa xăm!

Hoàng tử bé hỏi người sở hữu là ông ấy có thể làm gì và những vì sao ấy giúp được gì cho ông ta. Hãy nghĩ về điều đó.

14/ Người thắp đèn cần mẫn

Một người sống có nguyên tắc là rất đáng để khen ngợi, nhưng … còn phải xem nguyên tắc ấy có cần thiết không. Nào! Giờ chúng ta hãy lên đỉnh núi thật cao và nhìn xuống thế gian, buổi sáng có vô số người đi làm và tối mịt mới về, sau đó chức vụ họ tăng lên, công việc họ nhiều hơn, họ tăng ca buổi tối, họ mang việc về nhà, họ vẫn phải làm vào ngày nghỉ. Họ rất muốn ngủ nhưng không có thời gian để ngủ, họ buộc phải thức để làm việc. Mà khoang đã! Họ thật sự đang thức sao? Làm gì có! Sự thật là họ chưa bao giờ thức cả, cuộc đời họ là một khoảng dài vô tận cho việc “ngủ” (ngủ = thức + làm việc). Thời gian họ thức để làm gì đó cho chính họ ngày càng ít hơn. Ít người nhận ra rằng những khoảng thời gian làm việc là những khoảng thời gian “chết”, trừ khi công việc đó là công việc yêu thích.

Vậy tại sao hoàng tử bé lại không cười người thắp đèn? Vì điều họ làm không phải là điều vô nghĩa, ví như một người chồng có trách nhiệm với gia đình, hay một bà mẹ hy sinh tất cả vì con, một ông chủ tốt, một công chức chăm chỉ. Việc họ làm có ý nghĩ với người khác nhưng là sự bất hạnh cho chính họ, vì họ cũng cần được sống cho bản thân.

Vì sao hành tinh của người này quá nhỏ bé và quay nhanh? Vì ông ta không có nhiều thời gian để “sống” nên thế giới của ông chật hẹp, mở mắt ra thì phải làm việc, làm xong là đến hoàng hôn, thời gian trôi nhanh vô tận, cho đến khi gục chết vào ngày nào đó.

15/ Nhà địa lý học cấm cung

Chương này rất quan trọng nhé các bạn, vì tác giả giúp ta hiểu về giá trị của cuộc sống. Đừng sống như một nhà địa lý trong cấm cung, hãy dũng cảm bước ra để trải nghiệm. Vẻ đẹp không chỉ có ở những chân lý vĩnh hằng mà còn có trong chính sự phù du.

Có không ít người, đặt biệt là quan niệm được truyền bá trong các tôn giáo lớn, họ khinh thường kiếp này, khinh thường những gì mau qua chóng hết và gọi là phù du. Cũng thông cảm cho họ khi nhìn thấy quá nhiều người lao vào sự phù du và bỏ qua những giá trị vĩnh hằng. Khi bạn hiểu cuộc sống nhiều hơn, bạn sẽ biết mỗi phút giây đều là vĩnh hằng, sự vĩnh hằng tự nó đã tồn tại trong sự phù du rồi. Vì vậy đừng bỏ qua bất cứ giây phút nào khi ta đang sống, hãy thưởng thức vị ngọt của ly nước cam, ngắm thật kỹ con đèo trong chuyến du hành, tận hưởng hương vị của đôi môi tình nhân, hoặc cười lên vui vẻ với bạn bè. Biết đâu ngày nào đó những điều ấy không còn nữa. Khi mà ta tận hưởng trọn vẹn những phút giây đó, chúng sẽ thành vĩnh hằng trong tim ta. Hiểu cuộc sống thì đừng cướp lấy tuổi thơ của những đứa trẻ, đừng ngăn cách tình yêu, đừng làm phật lòng cha mẹ, đừng đạp lên những cánh hoa, và đừng nhốt những con vật vào lồng sắt.

Bạn có biết vì sao hoàng hôn rất đẹp? Vì màu sắc bầu trời? Chỉ một phần thôi, vì khi ấy ta ngắm được sự biến đổi của bầu trời, tất cả diễn ra trong vài phút. Đó là lý do hoàng tử bé thích ngắm mặt trời lặn.

Với các bạn mọt sách thì sao? Sách giúp ta hiểu thêm nhiều điều về cuộc sống, nhưng hiểu biết ấy chỉ có giá trị khi ta bước vào cuộc sống để tận hưởng và tạo nên những vẻ đẹp. Tôi cũng là một dạng mọt sách, nhưng sau khi viết về chương này thì tôi cũng phải lên kế hoạch để đi đâu đó, nếu không thì thật là phí hoài những gì mà sách đã trao cho ta.

16/ Hoàng tử bé đến trái đất

“Tinh cầu thứ 7 chính là trái đấy”, và ngày thứ 7 của 1 tuần chính là ngày tận hưởng cuộc sống. Trái đất là một tinh cầu vô cùng rộng lớn, vì vậy hãy bước ra khỏi cái hành tinh nhỏ hẹp của mỗi người chúng ta để tìm hiểu về nó, vì nó đẹp biết bao và kỳ thú biết bao.

Này cô gái đang cầm quyển sách, đặt nó xuống và mang ba lô để lên đường thôi. Này chàng trai đang nhìn chăm chăm vào chiếc điện thoại, tắt nó đi, lên xe máy để vượt qua những ngọn đèo. Này những ông bố, đóng laptop lại nào, hãy dẫn cả gia đình đi du lịch đây đó. Có biết bao điều quan trọng hơn là cứ chúi mũi vào những việc mà có thể ta phải làm cả đời.

17/ Con rắn nhỏ trên sa mạc

Khi hoàng tử bé đến trái đất, nơi em đặt chân đầu tiên chính là sa mạc, trên sa mạc không có con người, sinh vật đầu tiên mà em gặp chính là con rắn. Không biết bạn có hiểu không? Nếu bạn có một tâm hồn trẻ thơ, dù bạn đang sống trong một thành thị đông đúc, thì bạn vẫn cảm thấy mình cô độc như trong một sa mạc nắng cháy, trong sa mạc này toàn là những hạt cát khô cằn và vô cảm. Có vẻ như những đứa trẻ thuộc về một hành tinh nào đó xa xăm trên bầu trời chứ không phải là trái đất này. Và chỉ có con rắn mới có thể đưa đứa trẻ trong ta trở về nơi đó.

Tất nhiên là nếu đứa trẻ trong tôi đã đến trái đất thì cần phải đi cho hết chuyến hành trình, và chắc chắn là tôi chối từ làm người lớn, để còn được trở về nơi tôi đã ra đi.

18/ Gió thổi con người đi khắp thế gian

Loài người nghĩ gì về chính họ nhỉ? Thông minh? Vĩ Đại? Mạnh mẽ? Trong mắt bông hoa bé nhỏ thì loài người vô cùng yếu ớt, họ không có rễ nên gió dễ dàng thổi họ bay đi. Quả đúng là khó khăn cho họ (cười).

……………..

Đây là lần thứ 3 tôi đọc lại cuốn này, càng đọc càng thấy hay. Không biết bạn có giống tôi không ? Bài sau là bài cuối cho tác phẩm này, mong là bạn vẫn còn đi cùng tôi và hoàng tử bé.

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Bình sách Hoàng Tử Bé – Saint Exupéry: phần 3, chương 19-27

T5 Th8 15 , 2019
19/ Tiếng vọng trên núi cao Khi bạn đứng trên đỉnh núi và hô to, những gì bạn nghe thấy chỉ là tiếng vọng lại, vì nơi đó chỉ có mình bạn, những người khác đang ở đâu? Họ bận rộn với công việc, với golf và cà vạt, với […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese