Bình sách 451 Độ F – Ray Bradbury: phần 2, trang 58-99

Trong công việc, khi ta làm một điều gì đó mà ta biết sẽ gây đau khổ cho người khác, cách tốt nhất là làm điều đó khi không có mặt họ, hoặc ta sẽ tự nhủ “đó là nhiệm vụ của ta và ta chỉ làm theo lệnh”, hoặc ta sẽ nghĩ “bất kỳ ai trong trường hợp này đều sẽ làm như ta”. Đó là những phương cách rất tốt để tự lừa dối mình và trốn tránh sự cắn rức của lương tâm, gây ra sự đau đớn cho ai đó nhưng quay mặt đi để không cần thấy sự đau đớn nơi họ, hoặc cứ đơn giản hóa mọi thứ để thấy lòng thanh thản, thật dễ dàng làm sao! Đáng tiếc là trong lần phóng hỏa này thì Montag phải đối diện sự đau đớn mà anh và đồng đội gây ra với bà chủ nhà. Anh nghĩ rằng lẽ ra người ta nên đưa bà ấy đi trước, đúng vậy, lẽ ra nên thế, nhưng khi một việc gì đó diễn ra thường xuyên, thì đến một thời điểm nào đó người ta sẽ không còn quan tâm đến cảm nhận của người thi hành hay đối tượng bị tấn công nữa, họ cứ xông vào nhà, đập phá, đốt, và giết, thế thôi!

“…, ngọn nến mà tôi tin sẽ không bao giờ bị dập tắt” là câu nói tự động viên bản thân của bà chủ nhà trước khi tự châm lửa để cùng cháy với đống sách. Bạn có tự hỏi là sức mạnh nào đã giúp bà ấy có một nghị lực như vậy? Một nghi lực lớn lao hơn là sự sợ hãi khi đứng trước cái chết, điều gì đã biến đổi tâm hồn bà? Và ngọn nến bà dùng thân thấp lên có khác với ngọn lửa phụt ra từ cái bình phóng hỏa của những người như Montag? Hãy suy nghĩ về điều đó và tìm hiểu ý nghĩa trong câu nói của bà ấy.

Montag hỏi vợ “Chúng mình gặp nhau khi nào? Và ở đâu?”, cả 2 đã không nhớ gì về chuyện đó, tại sao vậy? Vì nó không quan trọng gì với họ, vì một khoản thời gian rất dài họ sống mà không hề suy nghĩ, vì họ có vô số các “bà con” trong các chương trình truyền hình để quan tâm, vì tâm hồn họ không còn nằm trong thân xác mà bị cuốn vào những mớ hỗn độn bên ngoài. Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa Mildred – vợ anh và những người phụ nữ khác? Phải chăng là tình yêu giữa họ, hoặc sự quan tâm thông cảm dành cho nhau? Vậy nếu những thứ đó không tồn tại thì sao? Montag chợt nghĩ anh sẽ khóc nếu Mildred chết “và điều đó đột nhiên đâm ra kinh khủng đến nỗi anh bắt đầu khóc, không phải khóc cái chết mà khóc cái ý nghĩ mình không khóc cái chết, một người đàn ông trống rỗng ngu xuẩn bên một mụ đàn bà trống rỗng ngu xuẩn”. Chuyện thế này cũng không hiếm lạ gì trong hiện thực của chúng ta (và là tương lai của tác giả), biết bao cặp vợ chồng sống cùng nhau mà chẳng có tình cảm gì, chồng mãi lo sự nghiệp bên ngoài, còn vợ thì có các chương trình tivi và chuyện mua sắm, khi người chồng về sau cuộc vui với bạn thì vợ đã yên giấc nồng.

Có nên vỗ tay hoan hô cho sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật khi mà cứ mỗi phát minh hoặc tiện ích sinh ra thì nó trở thành một bức tường ngăn cách con người với nhau, và bức tường đó cũng ngăn cách con người với tâm hồn họ. Thay vì khi gặp mặt nhau thì con người sẽ trò chuyện cùng nhau, đằng này thì ngược lại, anh phải xem giải vô địch bóng đá Italy còn em phải xem chương trình dạy nấu ăn và làm đẹp, thế là mỗi người sống trong một căn phòng riêng với chiếc tivi riêng. Hoặc khi bạn bè cùng tụ hội, tất cả đều chúi mũi vào màn hình điện thoại để lướt web, facebook, hoặc youtube. Ngày nay con người cũng không thích đến thảo cầm viên để xem các con thú, không cần đi du lịch đến các hòn đảo để thả mình trên các bờ biển để ngắm san hô, vì trong tivi có vô số các chương trình thế giới động vật rất kỳ thú. Có những đứa trẻ trong thành thị chưa bao giờ thấy được một con bò, cừu hoặc dê. Ta tưởng rằng những tiện ích sẽ giúp ta bước ra thế giới dễ dàng hơn, nhưng thực tế thì chúng nhốt ta vào những bức tường ngăn cách với mọi thứ, cái bức tường điện tử ấy cho ta thấy những khu rừng Amazon tuyệt đẹp nhưng ít khi cho ta thấy rừng và thú vật đang bị đốn hạ và bị thủ tiêu, nó cho ta thấy những căn biệt thự xa hoa và xe hạng sang, ít cho ta thấy có hàng triệu người đang chết đói.

Ít ra thì trong Montag còn có một tâm hồn để nhận ra nỗi đau để mà tự hỏi là tại sao mọi thứ đã diễn ra như thế, cái sự vô nghĩa và trống rỗng ấy từ đâu ra. Và các bạn phải biết rằng khi xã hội được vận hành theo phương thức đang có, thì nó cũng nhận ra và biết trước những tình huống “đặt biệt” như trường hợp của Montag để có biện pháp khắc phục. Đội trưởng Beatty là một con người – một công cụ của “hệ thống”, ông có nhiệm vụ nói ra sự thật để thuyết phục rằng cách tốt nhất với con người là loại bỏ sự thật đó khỏi đời sống chứ không phải đối diện với nó. Vì “hệ thống” cho rằng khi phải đối diện với sự thật thì con người trở nên quá rắc rối và không được vui vẻ, cho nên cách tốt nhất là chăn con người như bọn cừu, đừng cho họ sự chọn lựa gì cả, thế là bọn cừu – người ấy sẽ gặm cỏ trong im lặng và sẵn sàng bị lùa vào chuồng nếu họ muốn.

Nếu cứ để con người đọc sách thì sao nhỉ? Thì tâm hồn họ sẽ trở nên sinh động và khác biệt, nhu cầu của họ trở nên đa dạng và khó chìu, họ sẽ theo những quan niệm đối lập và trái chiều nhau. Đơn giản hóa mọi thứ và kéo con người khỏi trí óc họ cũng không phải là lỗi của “hệ thống”, phần nào trong đó lại là ý muốn của đa số con người, vì con người thích sự tiện lợi. Thay vì đọc trọn vẹn một cuốn sách để hiểu thì giờ đây họ chỉ thích đọc các bài viết rút gọn, cho nên mọi thứ được sản xuất hàng loạt, được sao chép ở khắp mọi nơi, từ văn học cho đến nghệ thuật. Sự tham lam khiến con người muốn tăng tốc trong mọi thứ để hưởng lợi nhiều hơn, ngày xưa một vở kịch phải “thai nghén” trong một hoặc vài năm thì nay nó có thể hình thành trong một buổi chiều, còn chất lượng thì sao? Ai quan tâm! Miễn là họ có gì đó để xem, kể cả khi nó vô nghĩa. Thế là xã hội đúng như nhận định của Beatty là con người “từ nhà trẻ vào trường đại học rồi lại về nhà trẻ”.

Bạn có nhận ra điều gì tương tự trong hiện thực mà chúng ta đang sống? Tôi nhận ra chút ít, ví dụ về ăn uống, ngày xưa khi nấu ăn thì người ta làm rất kỹ lưỡng và chăm chút, họ làm nó như một nghệ sĩ; còn ngày nay thì họ làm nó rất nhanh và bẩn, cho mọi thứ trộn lẫn vào nhau để chiên xào rồi đổ ra một đống vào thau như thức ăn dành cho lợn, và khi ăn thì tôi cảm giác mình đang biến thành một con lợn. Trong một phóng sự nào đó, người ta nói rằng trong vài thập kỷ qua đã có 2/3 giống rau quả đã tuyệt chủng, vì con người chỉ chuộng những loại cho năng suất cao. Còn biết bao điều tương tự như thế diễn ra trong mọi mặt của đời sống, bạn có biết không? Hay điều mà bạn quan tâm là sự tiện lợi nhưng vô nghĩa và trống rỗng?

Mildred là một biểu tượng về con người hiện đại, là một sản phẩm “người” của hệ thống, cô không quan tâm về những gì cô xem. Các chương trình tivi tạo ra sự ảo tưởng với người xem bằng cách chèn những khoản trống để có thể gắn tên của ai đó vào, giống như những lá thư tình thống thiết được viết hàng loạt của anh chàng Don Joan, các khoản trống trong thư để ghi tên các cô nàng mà chàng muốn chinh phục, và khi họ đọc, họ tưởng tình cảm đó là của chàng viết riêng cho họ, thật buồn cười! Mildred là một thành phần của đám đông bị “hệ thống” làm cho “bình đẳng”, bằng cách tước đi quyền được suy nghĩ, tước đi quyền chọn lựa. “Bình đẳng” ở đây không phải là mọi người được quyền tự do chọn mọi thứ họ thích, mà là họ chỉ được chọn những thứ mà “hệ thống” cho họ chọn. Ai cũng bị biến thành ngu như nhau và giống robot như nhau thì cũng được gọi là bình đẳng. Và đáng buồn ở chỗ có vô số người, tự họ muốn trở thành như thế mà chẳng cần ai ép buộc cả, có khi họ còn giết cả những người không muốn họ trở nên ngu muội ấy chứ, và việc đó không hiếm có trong lịch sử đâu.

Tuy nhiên vẫn có những người giống như Clarisse và gia đình cô, Clarisse là mối nguy hiểm đối với “hệ thống”, “hệ thống” sợ cô nên nó đã giết cô bằng một vụ tai nạn. Buồn quá phải không? Nhưng thật may mắn là ngọn nến mà cô đã thắp lên trong tâm hồn Montag vẫn còn cháy, vẫn cháy nếu trong thân xác ai đó còn có một tâm hồn. Nhưng làm sao biết ai đó còn một tâm hồn nhỉ? Là khi người đó còn biết tự hỏi “tại sao?” thay vì hỏi “như thế nào?”. Khi con người hỏi “tại sao” thì điều mà họ muốn biết là ý nghĩa trong việc họ làm, nó dành cho người biết xem trọng cuộc đời của chính họ, còn kẻ luôn hỏi “như thế nào?” thì họ chẳng bao giờ quan tâm đến việc họ làm đang đóng vai trò gì trong đời sống họ, họ chấp nhận mọi sự giải thích mà kẻ khác dành cho họ, họ không nghĩ, không tư duy, họ chỉ biết làm theo điều người khác muốn. Một nhà triết học nói rằng “tôi tư duy nên tôi tồn tại”, nhìn vào xã hội chúng ta thì có bao nhiêu người thật sự biết tư duy? Điều mà họ “nghĩ” hoặc nói chỉ đang lặp đi lặp lại những suy nghĩ của người khác, đó là họ sống mà không sống, giống như một cái máy hát cứ phát ra những thứ được thu vào, phát ra một cách toàn vẹn, các giáo sư tiến sĩ của chúng ta thì sao? Các giáo viên? Các tín đồ của tôn giáo? Các bậc cha mẹ? Các học sinh? Và chúng ta nữa, bao nhiêu phần chúng ta tư duy và bao nhiêu phần chúng ta nhai lại? Hãy nghĩ về điều đó!

……………..

Nhớ đọc kỹ những gì mà đội trưởng Beatty đã nói, đó là những sự thật về chúng ta, chính sự thật đó khiến chúng ta trở thành những con người trống rỗng và ngu muội. Sau đó chúng ta có thể tự nghĩ về bản thân, chọn trở thành ngu muội để được yên bình hay đối mặt với nó để sống cho ra sống? Ít ra thì tôi muốn “tồn tại” nên tôi sẽ cố gắng tư duy, và bài viết này là một phần để thực hiện điều đó.

Note: nếu bài viết trên trang có giá trị, nhớ tích cực like, share, comment, và giới thiệu với bạn bè về Chí Blog  (Facebook) .

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim After The Dark (2013): mọi lý thuyết không ngăn được con người tìm kiếm hạnh phúc

T5 Th8 29 , 2019
(1k) After The Dark là một phim lấy đề tài triết học, và qua bộ phim thì người xem học được cách nhìn cuộc sống một cách rõ ràng hơn. Triết học là một ngành học rất phức tạp nếu bạn đi sâu vào nó, nhưng nếu nhìn theo cách […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese