Inside the Yellow Cocoon Shell (2023) là phim hay với Chí Blog, nếu so sánh với phim của Trần Anh Hùng thì tôi thích phong cách phim của Phạm Thiên Ân hơn, bởi vì phim của Thiên Ân có thứ mà phim của anh Hùng không có là yếu tố mang tính tôn giáo – đây là yếu tố có thể vượt qua cái giới hạn của triết học lý tính để tiến vào thế giới thần học hoặc tâm linh, nói cách khác thì phim của cả 2 vị đạo diễn đều mang tính hiện sinh nhưng anh Hùng chỉ nói đến bản chất con người và xã hội về mặt xác thịt và tâm hồn, nhưng Thiên Ân thì có thêm phần linh hồn, với tôi thì tâm hồn và linh hồn có sự khác biệt về định nghĩa, tâm hồn là chỉ về tinh thần, còn linh hồn thì thuộc về tâm linh. Nhắc lại là Chí Blog cũng chả hiểu biết gì về triết học – thần học – tâm linh – tôn giáo đâu nghen, dùng những từ như thế vì nó mang tính trừu tượng cao. IMDb 6.7 , phim kén khán giả, bài viết tiết lộ nội dung phim.
Tại sao bây giờ tôi mới viết bài này? Vì tôi nghèo! Và phim này vừa có “trên mạng”, cho nên nhà sản xuất phim hoặc đạo diễn cũng đừng trách nha, ngoài ra lúc phim đang chiếu rạp thì tôi đang dưỡng bệnh ở quê. Vài tháng trước có một bạn nào đó nói là chờ phim VN có “trên mạng” thì mới xem, tôi trả lời rằng tôi cũng vậy vì tôi nghèo, nhưng sau khi đọc câu trả lời của tôi thì bạn ấy nghĩ rằng tôi “cà khịa” và châm biếm bạn ấy nghèo nên không tiền mua vé, điều thú vị là ở sự hiểu lầm này, từ lúc nào mà cái “nghèo” lại trở thành một thứ như sự nhục nhã nhỉ? Tất nhiên quan niệm này có từ rất lâu khi tâm trí con người còn nhiều u tối, hoặc nó sẽ tồn tại trong một xã hội chỉ biết đến tiền bạc và địa vị.
Nói thật là khi viết bài này thì tôi khá là “ngượng ngùng” vì biết đâu những gì mình viết thì chả ăn nhập gì với ý của tác giả phim thì sao, mà nếu tác giả có đọc thì sẽ cười lộn ruột cũng nên, nhưng nghĩ lại thì điều đó cũng không vấn đề gì, các bạn biết tại sao không? Vì nếu mặt nhận thức của bạn đạt đến một giai đoạn nào đó và bạn tạo ra cái gì đó thuận với tự nhiên và chân lý, thì thứ đó luôn mang tính siêu hình và trừu tượng, nó đã bao hàm nhiều hình thái khác, và sự diễn giải của tôi cũng phù hợp với nó, điều tôi nói có thể chỉ là sự bao biện nhưng nó cũng là sự thật, giống như “trăm sông đổ ra biển” – cuối phim có cảnh này đấy, những con suối nhỏ chảy vào cái hồ lớn. Hoặc như phim The Lighthouse mà tôi viết review có đến 3 lời giải về ý nghĩa của nó.
Phim được bắt đầu cảnh trong một thành thị, góc nhìn liên tục từ sân bóng đá đến quán nhậu ở kề bên và sau đó là một vụ tai nạn giao thông chết người, người chết là một bà mẹ, đó là điều mà chúng ta vẫn thường thấy trong cuộc sống, một hệ nhân quả quá gần nhau của cái ranh giới sinh và tử; chơi thể thao xong thì sẽ đói và khát, thế là người ta qua quán bên cạnh để ăn và uống thứ nước có pha cồn, sau đó với men say thì họ sẽ ngồi trên xe máy lao ra đường với tốc độ “bàn thờ” và đưa bản thân họ hoặc ai đó lên bàn thờ, sau nữa thì người bị nạn sẽ nhủ rằng họ xui, là xui hay nhân quả? Là nhân quả có thể thấy trước nhưng đa phần sẽ không thấy vì họ quá quen rồi – như lời bà cụ nói ở đoạn sau, rằng những người buôn bán trong chợ sẽ không ngửi ra được mùi thúi đang bao vây họ.
Cần đính chính cái sai lầm trong nhiều bài viết của người khác: vụ tai nạn ở gần quán nhậu không gây ra cái chết cho chị dâu của Thiện, trong cảnh phòng xông hơi thì người bạn nói là người mẹ đã chết nhưng đứa con gái không sao, cái này mới đáng nói, vì người ta thường thấy tai nạn xẩy ra với người khác chứ không phải với họ hay người thân của họ, cho nên họ xem thường, nhưng họ không biết rằng ở một nơi nào đó, cũng một hoàn cảnh như thế thì họ lại chính là nạn nhân hay hung thủ tạo ra cái chết tương tự, cuộc sống là vậy, không biết thì không sợ.
Cái hệ nhân quả đó cũng tái diễn trong cảnh Thiện cùng bạn đi massage, cậu nhân viên hỏi họ cần sự phục vụ đến mức độ nào, sau đó là cô nhân viên cũng hỏi, Thiện bảo rằng dừng ở mức độ vừa phải, nhưng cuộc sống đâu đơn giản như vậy, nó sẽ đưa ta “đi xuống” theo từng cấp độ cũng mang tính nhân quả, kiểu như ban đầu lột áo, sau đó lột quần, sau đó là cái khăn, và cuối cùng có khi là mọi thứ trên người cô nhân viên, dù rằng ban đầu khách hàng không thật sự muốn thế, nhưng khi ai đó đến những nơi như thế thì sự việc sẽ diễn ra như thế … nếu không có điều gì đó quan trọng buộc họ phải dừng lại, Thiện nói rằng “Thượng Đế” gọi điện, nó là một lời đùa nhưng trong cái đùa có cái thật, Chúa đã gọi rất nhiều tạo vật của Ngài về với Ngài, là người chị dâu, Thiện, đứa trẻ, và cả con chim non lạc khỏi chim mẹ trong thành thị.
Quay lại cảnh Thiện với 2 người bạn trên bàn nhậu, một người nói không tin vào sự vĩnh cữu, một người nói đang tìm kiếm sự vĩnh cữu, còn Thiện thì im lặng, vậy ai mới thật sự tìm kiếm sự vĩnh cữu? Tới đây thì tôi nghĩ đến câu nói mang tính châm biếm một chút, “chó sủa thì không cắn, chó cắn thì không sủa”, bạn có thể tìm sự vĩnh cữu ở quán nhậu hoặc nơi massage? Không đâu, bạn phải tìm nó trong tim bạn, tâm trí bạn, hoặc nơi nào đó hoàn toàn đối lập với những chỗ như vậy, trong 3 người thì chỉ có Thiện là đang tìm kiếm nó, vì tim anh ấy đau và bộ não không cho ngủ (mê).
Phim cũng cho chúng ta thấy sự đối chiếu giữa Thiện và đứa trẻ, khi đứa trẻ “lạc mất” mẹ, nó đã không nhận ra điều đó, đôi lúc nó nhớ mẹ nhưng rồi nó bị những màn ảo thuật của Thiện làm cho quên đi một điều cực kỳ quan trọng với nó, Thiện cũng vậy thôi, cái xã hội của thành thị cũng tạo ra những màn ảo thuật theo cách của nó, để Thiện quên đi việc cậu ấy còn có một linh hồn cần phải bảo vệ và nuôi dưỡng.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Các bạn có tự hỏi là tựa phim có ý nghĩa gì, và tiêu đề của tôi có ý nghĩa gì? Bên trong vỏ kén vàng, cái gì là “vỏ kén vàng”, bên trong vỏ kén là gì, và điều gì đang diễn ra bên trong đó? Phim này có 2 loại vỏ kén vàng, một thứ mang đến sự chết và một thứ mang đến sự sống; loại mang đến sự chết là những gì đang diễn ra ở thành thị, và cái chữ “vàng” ở đây là một loại vàng giả – sự phù phiếm và hoàn toàn không có đức tin, nó cũng ứng với chiếc lon màu vàng dùng để nuôi con chim non – nó đã không sống nổi, nhưng Chúa cũng có sự an bài cho con chim này trong sự chết của nó, được trở về thiên nhiên ở vùng quê và chôn vào trong đất chứ không trở thành rác rưởi nơi thành thị, điều này khiến tôi nhớ đến lời của Đức Jesus khi Ngài nói đến sự lo lắng của con người đối với việc ăn gì mặc gì, rằng kể cả những sợi tóc trên đầu hoặc những con chim sẻ có giá không tới 3 xu thì đều có sự an bài của Chúa.
Loại “kén vàng” mang đến sự sống chính là cuộc sống đang diễn ra ở thôn quê, nơi mà những người sống đạo đức và có đức tin, là tôn giáo, là ngôi trường dành cho những đứa trẻ không còn cha mẹ, là nơi còn tồn tại như 2 ông bà già trong phim, “vàng” ở đây là vàng thật, như cha và mẹ của đứa trẻ, hoặc cái kén này giống như cái kén tự nhiên mà con tằm đã nhả ra – bạn thấy cảnh đó trong đoạn Thiện mơ đến gặp anh trai với chị dâu và bồng đứa bé, đứa bé được bọc trong chiếc khăn màu vàng (chắc làm bằng tơ tằm) và 2 bên là những cái giá phơi kén của con tằm, “kén vàng” cũng ám chỉ cô người yêu của Thiện mà hiện tại đã trở thành nữ tu và cô giáo nuôi dạy những đứa trẻ lạc loài.
Đối với con tằm và cái kén của nó thì có 2 mặt để hiểu, con tằm có thể hiểu là cha mẹ của đứa trẻ, người cha muốn đi tu nhưng vị bề trên bảo rằng anh nên lập gia đình, để làm gì? Để sinh ra đứa trẻ cho đời, khi này thì đứa trẻ là sợi tơ kén, còn hiểu cha mẹ đứa trẻ là kén vàng thì đứa trẻ là con tầm bên trong kén, nhờ vào cha mẹ, nhờ vào cuộc sống thôn quê, nhờ vào đức tin tôn giáo, nhờ vào cô giáo nữ tu, thì đứa trẻ này sẽ giữ được tâm hồn của nó; nếu nó sống và lớn lên trong “kén vàng” thành thị thì tâm hồn của nó sẽ “chết” vì bị hủy hoại như Thiện. Cái chết của người mẹ là do ai tạo ra? Là Thiên Chúa chăng, hay là do tội lỗi con người tạo ra? Vụ đụng xe bên cạnh quán nhậu chính là câu trả lời, nhưng cái chết của người mẹ lại trở thành tác nhân thúc đẩy sự trở về của 2 chú cháu và cả con chim non sẽ chết, kết nối những điều này lại thì ta gọi đó là “sự mầu nhiệm” trong sự an bài của Thiên Chúa. Cái sự an bài mang tính mầu nhiệm đó cũng thể hiện ở việc cha đứa trẻ phải vào đời nhưng người yêu của Thiện lại trở thành nữ tu, người cha “sinh ra” đứa trẻ, vị nữ tu nuôi lớn và dạy dỗ những đứa trẻ lạc loài.
Khi xem đến cảnh đám tang của người mẹ thì tôi rất xúc động khi nghe bản nhạc kèn tây, đó là bài Ngày Về và nó có lời thế này “Khi Chúa thương gọi tôi về, hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ”, cái sự “gọi về” này để nói về cái chết của người mẹ lẫn một tâm hồn lạc lối là Thiện và cả đứa trẻ nữa. Chúng ta cũng thấy sau đó Thiện sống trong một thực tại giữa mơ và thực, đó không hẳn là mơ, đó là sự hòa trộn giữa quá khứ và hiện tại, cảnh Thiện gặp người yêu và đến tìm anh trai với chị dâu là chuyện đã từng diễn ra trong quá khứ, “như trong một giấc mơ” đã dẫn dắt Thiện của hiện tại trở về nơi mà quá khứ từng diễn ra, cô người yêu tặng Thiện cái chuông để anh ấy luôn thức tỉnh, nhưng chốn thành thị quá ồn ào để có thể “nghe thấy” tiếng chuông đó, chỉ ở thôn quê, Thiện mới nghe được rõ ràng tiếng chuông nhà thờ.
Vậy là bạn đã hiểu tại sao tôi đặt tiêu đề bài viết là “Khi Chúa thương gọi tôi về”, còn bài kèn tây thứ 2 là Tình Yêu Thiên Chúa, và nó có lời thế này “Tình yêu Thiên Chúa như trăng như sao, đưa con lên cao ôi nào biết lấy chi báo đền, Chúa dắt dìu con đi qua đêm đen …” và một đoạn sau của bài này “con quyết trọn đời dâng hiến xác thân, loan báo thiên ân cho khắp nhân trần”. Vậy là không được nghen đạo diễn, lấy công lợi tư à, mang chữ Thiên Ân vào cả phim cơ đấy (cười), nhưng thiết nghĩ Cha Trên Trời sẽ không trách móc gì đâu, vì “thằng con” này tạo ra bộ phim hay. À các bạn đừng nghĩ tôi nói thay Cha Trên Trời là mang tính báng bổ, vì với tôi thì Người Cha này rất nhân từ, nên Ngài cũng sẽ tha thứ cho tôi.
Trở lại, chúng ta thấy rằng cả 2 bài hát thánh ca đều phù hợp với những gì diễn ra trong phim, đó là sự “gọi về” là “dìu qua đêm đen”, dành cho người chết và kẻ sống, nhưng chỉ ai trong đạo ở VN mới hiểu rõ. Nó cũng ứng với cảnh Thiện lạc lối trong đêm đen, Chúa ở đâu? Chúa là cô người yêu cũ, là 2 ông bà già, là người đã dừng lại chia xăng, là người chăn trâu chỉ đường, là vị cha xứ giảng trong giáo đường, Ngài ở khắp mọi nơi. Trong chuyện với ông già, ông ấy kể cho Thiện nghe về quá khứ, cho xem viên đạn và vết thương ở cạnh sườn, để Thiện “thấy mà tin”, nó cũng ứng với chuyện kinh thánh về thánh Tô Ma, vị môn đồ này không tin là Đức Jesus đã sống lại và muốn Chúa hiện ra để sờ vào vết thương cạnh sườn, và Ngài đã hiện ra thật.
Thiện giống “ai” hay thứ gì? Đó là chiếc xe máy cũ bị hỏng hóc và sắp hết xăng, cần tiếp thêm xăng và được sửa chữa, người dân dừng lại tiếp xăng cho xe, đưa đến nơi sửa xe, tại đó Thiện gặp bà lão để “sửa” linh hồn đang chìm trong bóng tối; về phần bóng tối, chúng ta thấy đàn bướm đậu trên vách đá, chúng “dừng lại” ở đó, hoặc những con trâu cũng “dừng lại” dù người chủ chăn hối thúc, vì chúng có thấy gì đâu mà đi, không có “ánh sáng” để soi đường; nó đối lập với đàn trâu của buổi sáng và đàn bướm đang bay ở cuối phim cạnh bờ suối.
Ngoài ra thì còn có một số cảnh khác mang văn hóa cực kỳ thuần Việt, cảnh đám tang, đoạn video đám cưới, và kể cả cảnh khi mà ngọn đèn điện vụt tắt và chúng ta thấy một con “bướm bà” đã đậu gần tấm ảnh của người chị dâu trên bàn thờ, cô ấy ở đó trong hình thái con bướm.
Hoặc thêm vài cảnh khiến tôi xúc động, đó là đàn vịt con thiếu mẹ, có gà trống nhưng không thấy gà mái và gà con hay những quả trứng; chúng ta bây giờ là gì nhỉ? Là đàn vịt con đó, không có mẹ dẫn dắt, là con chim non lạc mẹ ở thành thị, là con gà trống sẽ bị mần thịt vì thích đá nhau, là mấy con cá trong ao tham mồi câu, là đàn trâu trong bóng tối, là đứa trẻ không có cha mẹ, là Thiện, hoặc là mấy con gà bị nhốt trong lồng để bị biến thành con “gà mồi”, là chim trong lồng, là cá trong chai, là người đang chạy xe trong sương mù hoặc dưới cơn mưa tầm tả và lạnh giá, là những cầu thủ chơi bóng, sau đó nhậu, kẻ đâm xe, kẻ bị đâm xe, là khách hàng massage, là cô gái massage, là cái xác trong hòm.
Nhưng thật may mắn là ở VN ta còn có những “kén vàng” đang tồn tại ở miền quê có chất lượng vàng ròng, cho nên vẫn còn hy vọng hen, nếu so với phim của phương tây thì tuyệt vọng toàn tập luôn á, bạn nào đọc nhiều bài viết trên Chí Blog sẽ hiểu điều đó, đặt biệt là 7 bộ phim của Andrei Tarkovsky, hoặc những phim kinh dị mà tôi review; ánh sáng trong phim này là thứ ánh sáng mà chúng ta còn giữ được nhưng cũng đang mất dần. Đoạn cuối phim, Thiện đã dừng lại trên đoạn đường trở về thành thị, và cậu ấy xuống nằm dưới con suối, để tẩy rửa những bụi bẩn trong tâm hồn, cậu ấy đã tìm lại được linh hồn mình, dù tiếp theo có ở lại quê hay đến thành thị thì cũng sẽ khác trước, dù không thể soi sáng như ngọn nến trong đêm thì ít ra cũng như mấy cây kim trên chiếc đồng hồ vẫn còn sáng nhờ hấp thụ ánh sáng trước đó.
Còn chi tiết về đứa trẻ siêu âm mà vị linh mục nói, đó có thể là đứa trẻ đầu tiên nhưng đã chết, hoặc có phép lạ nào đó là nó bình thường sau khi sinh, về cha mẹ của Thiện, họ có thể sang Mỹ bằng đường vượt biên, về phần ông lão … à mà thôi, các bạn tự suy diễn nhé, còn người anh của Thiện, có lẽ anh ấy bỏ đi vì không sống nổi ở thành thị, và cái thành thị đó cũng đã giết chết mẹ của đứa trẻ, suy diễn sâu hơn nữa thì … à mà thôi.
Như vậy qua những gì mà tôi vừa phân tích, phim này không đi theo hướng nói về sự tiến hóa của con nhộng trong vỏ kén sẽ lột xác thành con bướm, mà trọng tâm chỉ ra con nhộng cần một cái kén thế nào để có thể hóa bướm, nghĩa là mang tính chất của một kẻ “dẫn đường”, bộ phim này bề ngoài mang tính “nửa vời” dạng như đang suy tư để tìm con đường sáng hoặc tìm lại đức tin, nhưng bộ phim đã có lời giải cho câu hỏi đó ngay trong nó, tùy người xem có tin hay không hoặc có nhận ra không mà thôi. Ngoài ra thì đối với những giải như Cannes, phim phải đạt được một tầm nào đó về chiều sâu nhận thức và ý nghĩa thì mới có thể được xét giải này hoặc giải kia, giải Camera Vàng không phải chỉ cần biết quay cảnh đẹp là được, muốn nhảy vào 1 trong 3 LHP lớn nhất của thế giới ở bất cứ hạng mục nào thì không phải chuyện dễ dàng, về phần giải lớn thứ 4 là Oscar, ngày xưa thì có chất lượng, ngày nay thì tôi đánh giá không cao, nó chỉ nổi tiếng và đang bị “bình dân hóa”.
Ngoài lề một chút: nếu bạn thích đọc sách mà muốn hiểu về bản chất Kito giáo không giáo điều thì có thể đọc cuốn Quo’ Vadis, muốn nhanh hơn thì nghe bài thánh ca Kinh Hòa Bình – bài này tôi luôn hát (vì sợ chết) khi chạy xe máy trong đêm đen hoặc trong mưa bão lúc đi xa, trong những hoàn cảnh đó thì chỉ có Chúa mới bảo vệ được ta, hoặc nghe thêm mấy bài thánh ca khác để hiểu phim như: Lên Núi Sion, Ave Maria Con Chào Mẹ, Bài Ca Ngàn Trùng, Tâm Tình Hiến Dâng … do Hoàng Oanh hoặc Ngọc Lan trình bày.
Ở trên có nhắc đến 2 vị đạo diễn, Trần Anh Hùng làm phim theo phong cách Pháp thì không có gì lạ, còn Phạm Thiên Ân vì có thêm yếu tố tôn giáo nên thiết nghĩ sẽ gần gũi hơn với phong cách của các phim nghệ thuật của Ba Lan – Ý – Nga. Sẵn nói luôn về một phim khác của Trần Anh Hùng là phim Vĩnh Cữu, phim đẹp nhưng quả thật là tôi không đủ kiên nhẫn để xem hết phim vì nó tạo ra một cảm giác chán, cái chán vì không có cao trào, không có sự tương phản khi những yếu tố đau thương bị giảm nhẹ, và bởi vì lời kể quá dài dòng đoạn giữa, chỉ khi tôi kéo thời gian gần đến cuối phim thì nó mới thành một phim mang ý nghĩa trọn vẹn, nhưng khán giả sẽ không đủ kiên nhẫn để chờ, và điều tiếc nuối như tôi đã nói, phim của anh ấy còn thiếu mảng tâm linh – thần học – tôn giáo, chỉ với xác thịt thì … những giá trị mang tính vĩnh cữu sẽ vẫn còn bấp bênh, dù đó là thứ đẹp tuyệt vời như tình yêu hay tình mẫu tử, vì sự vĩnh cữu vốn đã mang tính siêu hình rồi, mà siêu hình đi đến tận cùng thì không thể không nhảy qua lĩnh vực của thần học.
Dạo này tôi rất lười viết vì quá ít người thật sự quan tâm, các bạn đọc được bài này là vì một fan tốt nhất trên Chí Blog đang mong chờ một bài review cho Bên Trong Vỏ Kén Vàng. Nếu bạn muốn có thêm bài viết nhớ tích cực ủng hộ bằng cách mời “cà phê” hoặc chia sẻ với nhiều người khác về Chí Blog. À! Đạo diễn phim có đọc bài thì nhớ đừng có cười người viết nhé, và tất nhiên, bài viết cũng không hoàn toàn nói hết ý đồ của đạo diễn, các bạn xem phim và tự cảm nhận thêm nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức
The Sacrifice (1986): ngụ ngôn châm biếm văn minh châu Âu
Review phim Dogville (2003): khi nàng Bạch Tuyết bị “dog hóa”
Review phim Aftersun (2022): tự do không nơi chốn
Review phim Tár (2022): khách hàng – cánh tả – thượng đế – robot
Review phim The Quiet Girl: chạy khỏi đầm lầy
Review phim Broker: con người mồ côi thời hiện đại