Bàn về showbiz Việt: thị phi và sự trưởng thành

Đôi khi tôi mong Chí Blog có nhiều người theo dõi, nhưng ít người theo dõi cũng có cái lợi của nó, vì ta sẽ dễ nói ra sự thật hơn, mà sự thật thường khiến cho nhiều người không thích, tuy nhiên bài này cũng không đến nỗi, vì nó bắt đầu bằng sự thị phi nhưng điểm nó đi đến là sự trưởng thành. Tôi sẽ không đưa tên những người được đề cặp nhưng bạn có thể đoán là ai, nhưng trọng tâm bài không nói về họ, mà bàn về những gì luôn diễn ra như là quy luật của cuộc sống.

Khi nói về giới showbiz, nghĩa là chúng ta nói về những ngôi sao hoặc người nổi tiếng, vậy thì không thể không đề cập đến những khán giả mà phần lớn là những người trẻ tuổi, và khi nói đến chữ “trẻ” thì không thể thoát khỏi tâm lý đám đông, chính những đám đông này đã góp phần tạo ra một “ngôi sao” nào đó. Đôi khi chúng ta tự hỏi “ngôi sao” đó có thật sự là một ngôi sao đúng nghĩa hay không, hay đó chỉ là một ngôi sao giả tạo, một “ngôi sao” mà người ta tự phong và tự vẽ vời lên, rồi cả đám đông chạy theo và tôn vinh. Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm hen, nên tôi chỉ nói đến đây, các bạn tự hiểu nhé.

Tuy showbiz Việt có rất nhiều ngôi sao giả và ngôi sao băng (bùng cháy rồi tan biến), nhưng không hề ít những ngôi sao giả lúc ban đầu lại biến hóa thành ngôi sao thật sau này, đơn giản vì bản thân con người là một thực thể có trí tuệ và vì thế thời gian sẽ mang đến cho họ sự trưởng thành để có thể xẩy ra sự biến đổi về bản chất.

Đối với showbiz Việt, một giới giải trí còn khá non trẻ với những đám đông của người trẻ, thì sự nổi tiếng không thể tách rời với chuyện thị phi hoặc scandal. Sự nổi tiếng cũng gắn liền với một người có thực lực thật sự ngay từ đầu, nhưng những con người như thế lại khá hiếm hoi, tôi nói ví dụ như anh Hoài Linh hoặc ca sĩ Quang Dũng hay vài ca sĩ và nghệ sĩ khác. Như vậy, những con người khác phải bắt đầu bằng sự thị phi, hoặc đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ, mà nhu cầu của những đám đông này thì không hề nằm trong tiêu chuẩn về chất lượng, nó thiếu chiều sâu và giống như phù du vậy, nó phô trương và non nớt.

Điều mà những “ngôi sao” giả sợ nhất là sự quên lãng của đám đông, chính vì thế họ luôn tìm cách phô trương hết mức có thể, từ cách ăn mặc cho đến phong cách biểu diễn (ca hát, đóng kịch), hoặc trong cách sống khác người. Hỗ trợ họ là một hệ thống truyền thông mà một phần trong nó luôn tìm kiếm sự thị phi để cung cấp cho những đám đông mê chuyện thị phi; lại là chuyện nhạy cảm nên cho qua vụ này, nói nhiều sẽ bị ghét. Giờ hãy nói đến vài người thật và sự trưởng thành của họ.

Cách nay rất nhiều năm, từng có một á hậu xinh đẹp và nổi tiếng, cô ấy trở thành diễn viên điện ảnh, mặc dù cô ấy xinh đẹp nhưng tôi rất ghét xem phim mà cô ấy đóng, những phim đầu tiên, vì với tôi thì cách diễn xuất khá tệ. Bẵng qua 5-7 năm, khi xem những bộ phim khác do cô ấy đóng thì tôi phải công nhận rằng cô ấy đã trở thành một diễn viên chuyên nghiệp và có thực lực, vì lối diễn cực kỳ chân thật và tự nhiên, cái phim khiến tôi thay đổi cách nhìn có nội dung nói về phong trào thanh niên xung phong. Có lẽ ban đầu, phần lớn các diễn viên non nớt trở thành ngôi sao hoặc diễn viên là nhờ vào ngoại hình, nhưng nếu họ đam mê nghiệp diễn xuất, cùng với nhiều điều kiện luyện tập, họ sẽ trở thành một ngôi sao thật sự.

Hoặc trong giới ca sĩ, nơi mà chúng ta thấy ai ai cũng là “ngôi sao”, tôi đang nói về làng nhạc trẻ, có hàng ngàn “ngôi sao”, qua 1-2 năm thì có thêm vô số sao mới và vô số sao rơi rụng, những bài nhạc trẻ cũng giống như những ngôi sao băng này, chúng tan biến không còn tung tích, đơn giản vì những bài hát này có giá trị cực kém nên không thể chống chọi với thời gian. Thị phi nhất là “ông hoàng nhạc Việt”, các bạn hẳn biết đó là ai, anh ấy có nhất nhiều người mến mộ, cũng có rất nhiều người ghét trong đó có cả tôi, à nhưng bây giờ tôi không ghét nữa hihi, thích thì cũng không thích nhưng phải công nhận về sự trưởng thành của anh ấy.

Ban đầu tôi không quan tâm dòng nhạc trẻ, nhưng từ khi anh ca sĩ này nhảy qua hát nhạc của Trịnh Công Sơn thì tôi nghe không nổi, những bài hát của TCS không thể biểu diễn theo lối phô trương, nó phải xuất phát từ một tâm hồn sâu sắc. Cái việc chuyển hướng của anh ca sĩ này hoặc của vô số những ca sĩ khác, nó thể hiện sự trưởng thành về mặt nhận thức, từ dòng nhạc phù du nhảy qua dòng nhạc bất hủ trường tồn theo thời gian. Không chỉ là ca sĩ, điều tôi đang nói cũng tương ứng với sự trưởng thành của chính khán giả – cái đám đông mến mộ anh ấy.

Khi bạn 18, bạn thích nhạc trẻ, nhưng khi bạn 30, bạn sẽ thích dòng nhạc bolero hoặc dòng nhạc tình ca bất hủ, bolero cũng là nhạc bất hủ nhưng nó thuộc về bình dân, trong khi nhạc của Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy thì có mang nhiều triết lý sâu sắc hơn. Và bạn cũng nên phân biệt những bài hát trong dòng nhạc gọi chung là bolero này, có những bài hát cực kỳ sâu sắc, cũng có những bài rất sến.

Nhảy sang dòng nhạc bất hủ, ví dụ như bolero chỉ là sự trưởng thành ban đầu, tiếp theo là phải gạt bỏ sự phô trương trong cách biểu diễn, đây mới thật sự là biến đổi về chất trong tâm hồn người ca sĩ, nghĩa là họ cảm được bài hát, nói đơn giản là người lớn ca nhạc người lớn chứ không phải trẻ con ca nhạc người lớn. Rất nhiều ca sĩ dòng nhạc trẻ trước kia từ khi chuyển qua dòng nhạc mới (thường là bolero) thì thể hiện ca khúc đầm hơn, có cảm xúc nhiều hơn, chính lúc này họ mới trở thành một ngôi sao đúng với bản chất, và khi này, những ngôi sao này sẽ không tắt.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Khi một ca sĩ được tôn vinh là ngôi sao nhưng là ngôi sao giả, rất nhiều người (hiểu chuyện) sẽ không phục, nhưng nếu sau đó anh ta trở thành ngôi sao thật, sẽ có sự hòa giải trong cách nhìn nhận (dù nó không rõ ràng). Tôi nói ví dụ như cái vở hài kịch của Hoài Linh ở hải ngoại khoản 20 năm trước đã châm biếm anh ca sĩ này, nhưng năm vừa rồi, họ lại song ca với nhau trong một chương trình nào đó. Sự trưởng thành sẽ đến với ca sĩ, khán giả, và bản thân mỗi người chúng ta khi chúng ta vượt qua được thành kiến / định kiến lúc ban đầu. Giống như ban đầu tôi ghét cô á hậu diễn viên hoặc anh ca sĩ này, nhưng hiện tại thì cũng cần công nhận tài năng hoặc sự kiên trì hoặc sự biến đổi của họ, dù thật ra thì tôi cũng không quan tâm lắm.

Đã nói đến một diễn viên là á hậu, một ca sĩ nhiều người mến mộ và nhiều người ghét hoặc từng ghét, thì không thể bỏ qua một MC và cũng là diễn viên hài đình đám nhất của showbiz Việt hiện nay. Anh này từng dính một scandal vô cùng nghiêm trọng khi phát ngôn, cái chuyện thị phi này mém chút đã kết thúc sự nghiệp của anh ấy, nhưng rất mau, anh ấy nhận ra rất nhanh sai lầm của mình và sửa sai theo cách rất chính xác. Tôi nghĩ một trong những cách sửa sai trọng yếu nhất lấy lại sự yêu mến của khán giả (chủ yếu ở miền nam) là nhờ một nghệ sĩ hài thuộc loại kỳ cựu nhất, đáng mến nhất; các bạn nghĩ đó là ai? Là hề Thanh Nam, anh MC này đóng một bộ phim truyền hình với hề Thanh Nam, và anh ấy đóng vai một thanh niên biết hối lỗi, (về bộ phim này, có lẽ tôi nhớ nhầm – cười, nó có trước vụ scandal, nhưng nó không phải không có tác dụng kéo lại sự yêu mến của khán giả Việt sau vụ scandal) từ đó sự nghiệp của anh ấy lại trở về đỉnh cao, mà quả thật thì khán giả Việt của chúng ta rất dễ tha thứ với những chuyện trong quá khứ, tôi vừa thích lại vừa ghét cái tính cách này.

Thật ra thì cảm hứng viết bài này đến từ mấy vụ lùm xùm diễn ra gần đây trong showbiz Việt, nào là có một phim Việt đang trình chiếu thì anh MC nọ lại giới thiệu một bộ phim nước ngoài, hoặc một đạo diễn chê trách một diễn viên. Như đã nói ở trên, làng giải trí Việt luôn gắn liền với những thị phi, chuyện càng thị phi thì càng được nhiều người quan tâm, đó là một thứ chân lý tất yếu của những làng giải trí non trẻ, và những người “thông minh” luôn biết vận dụng điều đó. Tôi bỏ từ thông minh trong ngoặc kép vì đó đúng là thông minh nhưng cách đó không thuần chính hen. Nhiều người nói MC nọ sợ phim của anh Lý Hải vượt mặt, tôi lại nghĩ khác, cái vụ lùm xùm đó càng khiến cho phim của anh Lý Hải nổi tiếng hơn.

Nói thế không có nghĩa là tôi nói rằng giữa MC nọ và anh Lý Hải có sự thông đồng, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng MC nọ biết tầm ảnh hưởng rất lớn của bản thân nên làm một pha “thuận nước đẩy thuyền”, giúp cho đồng nghiệp, cách giúp đó quả là có tác dụng đối với làng giải trí Việt, nó cũng không khiến anh Lý Hải rơi vào thị phi, vì anh ca sĩ này đúng là đi lên bằng thực lực và nói không với những scandal; còn đối với MC nọ thì những phản ứng trái chiều cũng chẳng ảnh hưởng gì, vì quả thật thì số lượng người thích lẫn người ghét MC nọ cũng đã quá nhiều. Nói chung thì tùy theo từng người mà sẽ có cách thức của riêng họ để đạt được sự thành công tương ứng, nhưng đó cũng là một nghệ thuật mà không phải ai muốn học hoặc bắt chước là được. Thành ra mới nói bộ phim kỉ lục gì đó cũng không phải là nhờ vào ăn may, đó phải đến từ sự nhạy bén, nắm bắt được thời thế và tâm lý khán giả.

Tựu chung lại, có rất nhiều cách để thành công trong cái showbiz hỗn loạn của chúng ta, nhưng sớm hay muộn, nếu ai đó muốn tồn tại lâu dài thì trước hay sau đều phải bước đi trên con đường thuần chính. Nếu bài này nhắc đến những cái tên như hề Thanh Nam, nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Quang Dũng, anh Lý Hải … thì cũng nên nhắc đến 2 MC khác mà tôi thích, đó là anh Quyền Linh và Quỳnh Hương (“Thay Lời Muốn Nói” trước đây). Không kể ra nhiều vì trước nay tôi rất ít quan tâm đến showbiz Việt, nhưng con đường mà những người được nêu tên lại khiến cho tôi khâm phục, và làng giải trí của chúng ta cần nhiều hơn những người như vậy, à phải kể thêm cô diễn viên Ngô Thanh Vân.

Tái bút: Gớm, công nhận nước của showbiz Việt sâu thiệt, lên youtube xem chơi mấy cái clip thì thấy một vụ kinh thiên động địa. Trước giờ viết review phim nước ngoài chưa lọt hố, nhưng viết về showbiz Việt lại lọt hố hihi, cuộc sống quả thật rất thú vị á. Trời! Một câu chuyện kinh thiên động địa vậy mà biên kịch không khai thác để viết thành kịch bản phim nhỉ? Mà trước giờ ở VN cũng đâu có ít sự việc thế này, một nguồn tư liệu vô cùng dồi dào á. Mà thôi, tôi bắt đầu thấy sợ những nơi nước quá sâu, sau này viết cái nào chỉ có ánh sáng là được rồi, hạn chế nói về showbiz Việt.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Godzilla vs Kong: có 2 thông điệp ẩn dụ rất sâu

T3 Th4 27 , 2021
Phim Godzilla vs Kong (2021) có thật sự đơn giản như người ta nghĩ? Tôi từng nói rất nhiều lần, rằng đừng nên đánh giá thấp các bộ phim của phương tây dù là dạng phim giải trí, vì trình độ nhận thức của “người ta” đi quá xa rồi, […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese