Bàn về điện ảnh: thuần Việt – hiện sinh – đạo tự nhiên

Thời gian gần đây, các ban ngành muốn đẩy mạnh phim Việt ra với thị trường nước ngoài, với chủ trương là thể hiện đậm nét bản sắc và văn hóa Việt. Vậy câu hỏi quan trọng là văn hóa Việt Nam có gì? Tôi không phải nhà nghiêng cứu hay học giả có bằng cấp hay địa vị gì, nhưng sẽ bàn một chút về vấn đề này, chỉ bàn chung chung nên đừng hỏi tôi số liệu hay dẫn chứng gì nhé, nó hết sức chủ quan thôi. Tuy nhiên chắc chắn sẽ chạm một tí vào vài vấn đề nhạy cảm, chắc chắn sẽ không đi sâu vì tôi rất sợ bị rắc rối, chê cũng có mà khen cũng có nhé các bạn.

Ở vài bài trước, tôi có nêu ra một nhận định về văn hóa VN, đó là dân tộc Việt tràn trề sức sống / sự sống , dân Việt sống cực kỳ hiện sinh nhưng họ không biết họ đang sống hiện sinh – điều này khá là buồn cười và hơi mang tính mĩa mai. Nói cho đúng hơn thì cái sự sâu sắc trong lối sống chỉ thuộc về dạng tiềm ẩn hoặc vô thức chưa đạt được cấp độ tự ý thức, vì trình độ dân trí của VN còn quá thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Để cho dễ hiểu, bạn có thể nhìn vào chuyện Thằng Bờm, Bờm có cái quạt mo quyền phép nhưng nó chỉ đổi lấy nắm xôi, vài người bảo nó ngu và ngây thơ như trẻ con, nó đúng là trẻ con, nhưng bởi vì sự ngây thơ đó mà nó vẫn giữ được sự hồn nhiên vốn có của trẻ thơ, nó sẽ luôn được vui vẻ và hạnh phúc, không phải sống với những lo toan và mưu mô xảo trá như lão phú hộ.

Vậy nếu nhìn câu chuyện với góc nhìn sâu sắc, Bờm sống hợp với đạo tự nhiên mà Lão tử đề ra, dù Bờm chả hiều gì về đạo tự nhiên của Lão tử. Không những thế, câu chuyện đó cũng hợp với giáo lý Kito giáo và Phật giáo. Đức Jesus từng nói “chuyện ngày mai mai lo, ngày nào thì có cái khổ của ngày ấy” hoặc “ai muốn vào nước trời thì phải giống như những đứa trẻ này”. Phật giáo thì sao? Muốn thoát khổ thì phải từ bỏ tham – sân – si. Khi nhắc đến chuyện Thằng Bờm thì nghĩa là tôi nhắc đến cổ tích VN, phải nói rằng gần như 100% cổ tích VN tin vào luật nhân quả theo hướng “ở hiền gặp lành” và “thiện thắng ác”; trong khi thần thoại phương tây hơi khác một chút, đó là phần lớn đi theo con đường duy lý mang tính hiện thực chứ không mang tính lý tưởng hóa, ví như Thần Thoại Hy Lạp.

Như vậy muốn tìm hiểu bản chất văn hóa Việt thì trước tiên tìm trong các câu chuyện cổ tích, có một điểm cần nói rõ là người Việt thích an phận và không hiếu chiến, lấy ví dụ như truyện Trí Khôn Tao Đây, có nhiều bình luận sau này bảo rằng tại sao không giết con cọp, sau đó lột da bán lấy tiền này nọ, đó là sa vào quan niệm thực dụng rồi. Hoặc chuyện sự tích Quả Dưa Hấu, Bánh Chưng Bánh Dày, và nhiều chuyện khác, mô típ chung là ban đầu gặp khó khăn nhưng nhờ sự cô gắng nên cuối cùng đạt được hạnh phúc; hoặc chuyện Thánh Gióng, một đứa trẻ chỉ vươn mình lớn lên khi gặp phải nguy cấp; hoặc chuyện Cây Tre Trăm Đốt đề cao trí tuệ và sự thiên biến vạn hóa.

Đề cao trí tuệ cũng là phần cốt lõi của các truyện cổ tích hoặc truyện dân gian, ví như truyện trạng Quỳnh, tuy nhiên bởi vì tầm nhận thức của chúng ta còn giới hạn rất lớn nên đôi khi cái “trí tuệ” mang tính khôn lỏi nhiều hơn là khôn ngoan thật sự.

Tiếp theo thì đến ca dao tục ngữ, chủ yếu tập trung vào sự đoàn kết, thương yêu nòi gióng và quê hương, sự đùm bọc lẫn nhau; tuy nhiên điều đó là chưa đủ, bên trong nó còn tiềm ẩn tính cá nhân nữa. Ví như câu “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, bầu và bí mang tính cá nhân, nhưng ghép với từ “thương” và “một giàn” lại mang tính tập thể; hoặc “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, ngựa sống theo bầy, nhưng bản thân mỗi con ngựa lại thể hiện tính tự do cá nhân.

Có một điều rất ngẫu nhiên là nước Việt lại có hình chữ S, bạn có thấy nó giống cái đường ở giữa của hình thái cực? Rồi sự khác biệt văn hóa 3 miền Bắc – Trung  – Nam, chuyện người Pháp “chia để trị” chỉ là khiến sự khác biệt đó thêm đậm nét thôi, chứ trước đó thì tính cách 3 miền vẫn có sự khác biệt, ấy vậy mà VN vẫn là sự gắn kết 3 miền, sự chia rẽ và sự gắn kết hòa lẫn vào nhau, cho đến bây giờ vẫn thế, về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa cũng vậy. Đó cũng là 1 trong những lý do khiến VN hơi khác biệt với Triều Tiên và Trung Quốc dù mô hình chính trị có sự tương đồng – cái này quá nhạy cảm nên bỏ qua hen.

Để tìm hiểu văn hóa Việt thì điều bạn cần nghiêng cứu nữa là các bản nhạc của miền nam trước 1975, chủ đề này hơi nhạy cảm nhưng cần nói một chút để làm rõ bản chất của nó. Bạn đừng nghĩ rằng những bài hát này chỉ đơn thuần thuộc về miền nam, thật ra thì cuộc di cư 1954 khiến cho rất nhiều trí thức miền bắc vào nam, nên trong các bài hát này cũng mang cả những yếu tố thuần Việt nói chung. Tôi lấy ví dụ như nhạc sĩ Phạm Duy là người miền bắc, Hoàng Thi Thơ là người miền trung, Lam Phương là người miền nam, hoặc Trịnh Công Sơn ở giữa Trung – Nam; đây đều là những nhạc sĩ lớn, hãy tìm hiểu ca từ của họ, bạn sẽ thấy đậm nét văn hóa Việt.

Tôi lấy ví dụ về bài Đò Dọc, chuyện kể về một gia đình trí thức rời thành thị về quê sống, nhà có 3 cô con gái, sau đó họ cùng yêu một chàng sinh viên, nhưng cả 3 cô đều nhường nhịn nhau, có lẽ cô em út đã lấy anh sinh viên, sau đó thì đến cô em thứ 2 cũng lấy chồng, còn cô chị cả thì chọn ở giá để lo cha mẹ. Đó mới là văn hóa thuần Việt và rất đẹp, không giống như phim bây giờ, chị em đấu đá nhau để giành trai, toàn mấy thứ tầm xàm bá láp. Hoặc bài Sương Trắng Miền Quê Ngoại – bài này bị cấm vì là nhạc lính của VNCH, nhưng cái điệp khúc nói về văn hóa rất thuần Việt, đó là về người mẹ, về quê ngoại, cho đến ngày nay cũng còn rất nhiều câu chuyện những đứa trẻ được gửi về quê cho ngoại chăm sóc. Hoặc bài Cô Lái Đò Bến Hạ nói về sự thủy chung của người phụ nữ. Hoặc bài Thà Như Giọt Mưa kể về một thanh niên thi rớt, trốn quân dịch nên phải vào chùa tu và gặp lại cô gái mà anh ấy yêu.

Có vô số những câu chuyện trong những bài hát này để có thể làm đề tài để dựng thành phim, và nó hết sức thuần Việt, giàu cảm xúc và mang tính hiện sinh, Sao không ai nghĩ tới nhỉ?

Giờ tôi sẽ lướt sơ qua văn hóa 3 miền, cả ưu điểm và nhược điểm nhé, đừng ném đá à! Người miền Bắc trọng học vấn, vì từng là thủ đô của VN suốt chiều dài lịch sử, nửa đầu thế kỷ 20 thì HN là nơi tập trung nhiều trí thức nhất VN, tuy nhiên tính cách hơi bảo thủ nên khó hấp thu tinh hoa của thế giới, vì vậy nhiều phim rất thích dùng những câu triết lý và sáo ngữ, tính cách này vừa tốt lại vừa xấu, các bạn tự suy luận nhé, cái gì cực đoan quá đều không tốt.

Người miền Trung thì vì hoàn cảnh sống khắc nghiệt nên sống rất tiết kiệm và sự gắn kết gia đình vô cùng mạnh mẽ, một người có thể hy sinh bản thân họ để gia đình có tương lai, ví dụ như nếu họ tìm được nơi có hoàn cảnh sống tốt thì có thể nhịn ăn nhịn uống cũng muốn mang cả gia đình đến nơi mới để sinh sống, khuyết điểm là sống quá tiết kiệm thì thành ra keo kiệt. À! Khoan hãy chửi tôi, vì dân miền nam cũng có khuyết điểm á, nếu vạch thì vạch cho đủ.

Người miền Nam vì được sự ưu đãi của môi trường sống nên khá rộng rãi, thích tự do, nhưng bởi vì không trọng học vấn nên thứ gì du nhập từ bên ngoài đều tiếp nhận hết, mà khổ nỗi tiếp nhận toàn mấy thứ tầm xàm và nhảm nhí, phim ở miền nam toàn là hài nhảm. Tôi nói có đúng không?

Tóm lại thì miền bắc chuộng con đường học vấn nhưng mê danh, miền trung trọng gia đình nhưng keo kiệt, miền nam sống rộng rãi như mê lợi và ham chơi. Chỉ ra cái tốt để phát triển, chỉ ra cái xấu để cải thiện, tôi không có ý khác nhé các bạn.

Giờ bàn đến biểu tượng, không phải con rồng, nó là văn hóa TQ, đó là một loại “sinh vật” bị đột biến, nó mang bản chất của chủ nghĩa bành trướng, ví như ban đầu là con cá sấu, sau đó nó nuốt con rắn, rồi nuốt con nai, nuốt đủ thứ con khác và thành con rồng, nó không có cánh mà vẫn có thể bay – cái này xạo hen.

Chim Lạc mới thật sự là biểu tượng của VN, nói cho dễ hiểu thì chúng ta có thể dùng hình ảnh con cò để hình dung, vì cò gần với bản tính của người Việt. Cò vừa sống theo đàn vừa sống cá nhân, và vì sống ở vùng đầm lầy hoặc nước cạn nên gần như là không có thiên địch về mặt tự nhiên, chẳng có hổ báo hoặc sư tử nào có thể sống ở đầm lầy, chân cò cắm trong bùn nhưng thân nó trắng và sạch sẻ, nó chỉ ăn những con cua con ốc của đầm lầy – có giống nắm xôi của Bờm không? Có giống câu chuyện Thằng Bờm không?

Nói thật là tôi rất khó diễn giải tính trừu tượng về hình ảnh con cò (hoặc chim Lạc) để các bạn hiểu, con cò vừa sống theo đàn vừa sống theo cá thể, bay và ngủ theo đàn nhưng kiếm ăn thì mỗi con ở một nơi, không giống với đàn sói kiểu săn mồi tập thể. Khi nhìn vào những người Việt sống ở hải ngoại cũng thấy sự tương đồng, sống thì tụ lại cùng một chỗ nhưng mạnh ai nấy sống, rất khác với những khu phố người Hoa; kể cả ở tại VN cũng vậy, làm ăn thì đi theo từng đám đông nhưng khi liên quan đến lợi ích thì đấu đá từa lưa. Khi người khác khó khăn thì vẫn giúp đỡ nhưng nếu người kia cứ nhờ vã hoài thì sinh ra sự căm ghét, đó là lẽ thường của con người nhưng cũng là đặc trưng của bản tính Việt.

Ngoài ra chúng ta cũng có thể tìm thấy tính hiện sinh hoặc đạo tự nhiên thuần Việt trong các món ăn của VN. Với tôi thì ẩm thực Việt là vô địch, món ăn Việt mang tính cân bằng nhất, có rau có thịt, không khô không nóng. Bản tính người Việt cũng vậy, không thật sự nghiêng về điều gì quá nhiều, ví như cá nhân – gia đình – sự nghiệp, về tổng thể thì chúng ta thấy sự cân bằng. Nếu trong hiện tại có sự lệch lạc nào đó thì đó là do tác động của văn hóa phương tây, mà như tôi nói, toàn tiếp nhận mấy cái nhảm nhí đến từ bên ngoài, cái hay của họ lại không chịu học.

Người Việt sống hiện sinh, mà hiện sinh thì gắn liền với cảm tính / cảm xúc, vui buồn, đau khổ, phẫn nộ, hạnh phúc … đều thể hiện rất rõ trên khuôn mặt. Do đó dù chúng ta chịu ảnh hưởng lớn bởi nhiều nền văn hóa khác nhưng vẫn giữ được nụ cười của mình – người Việt thích cười, hồn nhiên, dù đôi khi ngây thơ hoặc khôn lỏi. Hãy nhìn người TQ, tâm hồn họ dần dần trở nên vô cảm, À! Tôi chỉ đang nói đến khuyết điểm thôi, họ vẫn có những điều đẹp đẽ khác, hoặc người Nhật, đưa hình thức (lễ) đến mức cao nhất, đè nén cảm xúc đến độ họ không biểu cảm được; hoặc người Hàn, quá chuộng hình thức bên ngoài nên biểu hiện có phần giả tạo; chỉ có người Việt thì biểu cảm luôn chân thật.

Trở lại vấn đề chính, làm sao tạo ra một bộ phim vừa thuần Việt lại vừa có thể mang đi xuất khẩu? Thứ nhất, thông điệp chính của phim phải mang tính phổ quát, hãy đọc tất cả các bài viết trên Chí Blog, vì tôi phân tích rất rõ và dễ hiểu; thứ 2 là thể hiện những tính cách tốt đẹp trong văn hóa Việt mà tôi có nêu trong bài này, đừng đưa mấy cái xấu và tầm xàm hoặc nhảm nhí vào phim, người Việt có thể nhỏ mọn lúc nào đó nhưng bản chất họ tin vào sự tốt đẹp và cuối cùng họ sẽ hành động vì lẽ phải dù rằng có thể họ sẽ hơi tiếc đối với những gì họ cho đi, đó là sự thuần khiết trong tâm hồn, ví như một đứa trẻ chia bánh cho bạn nó, nó tiếc khi cho nhưng nó sẽ cho vì nó thương bạn của nó.

Phần lớn phim Việt đều không có chiều sâu, nếu bạn muốn nó có chiều sâu thì hãy nghiêng cứu về những gì tôi nói, cổ tích, ca dao, bài hát miền nam trước 1975, ẩm thực Việt; và áp đạo tự nhiên, tính hiện sinh của triết học và tôn giáo vào cách hiểu về những thứ này. Tuy nhiên đừng có cố gắng đưa vào thoại triết lý hoặc sáo ngữ nhé, cũng đừng nói nhảm, dẹp hết mấy thứ độc lạ, chú ý sự đơn giản và hành động. Ví như phim “Lật Mặt” hoặc “Hai Phượng”, nội dung có cái gì phức tạp đâu nhưng vẫn tạo ra bộ phim tương đối chỉnh chu. Nói chung thì trình độ (nhận thức) không tới thì đừng cố thể hiện sự thâm sâu, hãy hồn nhiên và vui tươi như Bờm, chính sự hồn nhiên đó đã là sự thâm sâu và thuận theo tự nhiên rồi vậy.

…….

Lẽ ra bài đến đây là hết nhưng tôi sẽ thêm 1 phần để thấy văn hóa Việt tuy cạn mà rất sâu, lại kiểu rất sâu nhưng lại cạn, chỉ vì chúng ta không biết chúng ta là ai và có gì. Phần nói về tôn giáo nhưng không bàn theo tâm linh mà theo tính khoa học nhé. Tất nhiên đây là diễn giải của tôi, không chính thống.

Khi nói về Phật giáo, sẽ khó tách khỏi phương thức thiền. Vậy ý nghĩa của thiền là gì nếu tính theo quan điểm khoa học? Thiền nghĩa là vong ngã, trong trạng thái thiền, con người dẹp đi bản ngã của mình, khi đó những sự việc hiện lên trong tâm trí sẽ được vô thức quan sát và đánh giá, bởi vì vong ngã, không có vọng tưởng nên vô thức sẽ quan sát sự việc đó gần với sự thật nhất. Cho nên khi thiền đều đặn thì con người sẽ trở nên sáng suốt, thiền giúp cho vô thức có cái nhìn trung thực và thấu đáo, sau đó vô thức sẽ tác động lên ý thức.

Khi nói về Kito giáo, chúng ta có phương thức cầu nguyện. Ý nghĩa của cầu nguyện là gì? Là trò chuyện với Thiên Chúa – bản ngã hoàn hảo tuyệt đối, hoặc có thể hiểu đó là trò chuyện với lương tâm. Cầu nguyện khác thiền ở chỗ hành động này diễn ra trong sự ý thức, vậy thì giới hạn của việc cầu nguyện phụ thuộc vào chúng ta hiểu Thiên Chúa theo cách nào, Thiên Chúa là người Cha độc đoán hay người Cha nhân từ tuyệt đối, tác dụng sẽ khác nhau. Nhưng có vài điểm mà con người không thể tự lừa mình khi cầu nguyện, đó là không thể cầu cho những việc xấu mình làm sao cho trót lọt được. Giả như con người hiểu Thiên Chúa là chân thiện mỹ tuyệt đối, thì việc cầu nguyện nhiều sẽ giúp con người thanh tẩy bản thân để sống trong chân thiện mỹ.

Khi nói về đạo giáo thuần Việt, chúng ta phải nhắc đến những vụ lùm xùm gần đây trên mạng xã hội. Nhắc lại là tôi không bàn theo hướng tâm linh nhé, và tôi là người tin vào tâm linh. Đó là phương thức hầu đồng / lên đồng, hầu đồng là dùng thân xác để cho “thần thánh” nhập vào và thể hiện ra bên ngoài. Nếu chỉ mang tính văn hóa thì đó chỉ là diễn hầu đồng, nhưng nếu nói về đạo giáo thì người hầu đồng sẽ có niềm tin về các vị thần thánh mà họ để cho “nhập” vào. Như vậy thì từ nhận thức và vô thức của người đó sẽ tồn tại một hình ảnh và tính cách của vị thánh đó, nghĩa là ẩn sâu trong vô thức người đó sẽ xuất hiện một nhân cách mới (dạng đa nhân cách), khi tiến hành hầu đồng thì ý thức người đó biến mất, nhân cách mang bản tính “thần thánh” sẽ biểu hiện ra bên ngoài. Bạn hiểu ý tôi chứ?

Cũng có khá nhiều dân tộc khác vào thời nguyên thủy đã dùng cách này, ví như các thầy mo hoặc phù thủy, nó không hẳn là mê tín đâu bạn, nó có tác dụng thực tiễn đấy. Tôi giả sử rằng vị thầy mo đó có kiến thức vô cùng rộng lớn, những kinh văn nói về “vị thần” đó mang rất nhiều trí tuệ và sự khôn ngoan, và tất cả những điều này đều nằm trong vô thức, vì bản thân ý thức đôi khi không bắt kịp khả năng tiếp nhận vô cùng khủng khiếp của vô thức. Vậy khi vị thầy mo đó có thể khiến cho cái vô thức đầy trí tuệ đó thể hiện ra bên ngoài, thì có phải những lời của tính cách “thần thánh” trí tuệ đó sẽ vô cùng sáng suốt khi phán định một sự việc nào đó?

Lên đồng vừa giống lại vừa khác với phương thức thiền và cầu nguyện. Người lên đồng rơi vào trạng thái vong ngã như thiền, nhưng họ lại lấy thân để thể hiện tính cách “thần thánh” từ vô thức ra bên ngoài như cách con người hiểu về Thiên Chúa trong cầu nguyện. Vậy điều trọng yếu nhất của việc lên đồng là tính cách “thần thánh” trong vô thức của họ có hình hài ra sao. Đây chính là nhược điểm lớn nhất của việc lên đồng, nhược điểm này giống như phương thức cầu nguyện của Kito giáo, là cách hiểu về Thiên Chúa ra sao.

Nếu kiến thức của người lên đồng thâm sâu và hình ảnh “thần thánh” trong kinh văn nhiều trí tuệ, khi nhân cách “thần thánh” lộ ra, sẽ có những lời trí tuệ, nhưng nếu hình ảnh “thần thánh” trong kinh văn nông cạn, thì nhân cách “thần thánh” khi lên đồng cũng nông cạn, đó là chưa nói đến việc nếu vô thức của người lên đồng toàn là yêu ma quỷ quái và những ý nghĩa mua danh chuộc lợi thì cái vô thức tạp nham đó cũng thể hiện ra bên ngoài khi lên đồng. Trạng thái lên đồng giống trạng thái khi bị thôi miên đấy các bạn, nó không đơn giản chỉ là diễn thôi đâu. Vậy câu hỏi là, các vị thánh trong đạo Mẫu của VN là nông hay sâu? Các bạn tự trả lời vấn đề này nhé.

Còn về tâm linh, không phải tôi giải thích theo khoa học nghĩa là tôi không tin vào tâm linh, dẫu rằng việc cầu nguyện là dựa vào cách ta hiểu về Thiên Chúa, nhưng cái chân – thiện – mỹ đó cũng là bản tính của Thiên Chúa ở trong tôi, và niềm tin đó dù xuất phát từ tôi nhưng cũng xuất phát từ Thiên Chúa và không phủ nhận sự tồn tại của Thiên Chúa. Điều này cũng có thể hiểu đối với người theo đạo mẫu, nhưng nếu người lên đồng có tâm thuần bất chính thì cũng rất dễ sa vào tà đạo và mê tín dị đoan, cũng giống với việc nếu người theo Kito giáo mà hiểu Thiên Chúa thành người cha độc đoán thì rất dễ rơi vào sự cay nghiệt và độc đoán.

Đó là lý do tôi nói văn hóa Việt rất sâu mà đôi khi rất cạn, sẽ sâu nếu con người cố gắng tìm đến sự giác ngộ chân lý, sẽ rất cạn nếu họ chỉ chạy theo những sự mê muội của hình thức bên ngoài, và khi sự mê muội đó ngấm sâu vào vô thức thì xem như hết thuốc chữa.

Cảm ơn các bạn đã đọc bài, mong là bài có ích cho nhiều người. Hãy nhớ là tôi đang có kịch bản phim điện ảnh cần bán nhé:

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Kịch bản phim 15p: Hóa Bướm

T4 Th6 2 , 2021
Có một cuộc thi “Sáng Tác Kịch Bản Phim Ngắn” với thời lượng 15 phút nói về 5 cô gái trẻ trung xinh đẹp, tôi có gửi ý tưởng kịch bản nhưng bị loại (cười), do vậy nên giờ đăng kịch bản chi tiết lên Chí Blog để mọi người […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese