Bài này sẽ phân tích tổng quát về nền điện ảnh VN và các vấn đề của nó. Nói chung thì nền điện ảnh nước ta … quá nhạy cảm để có thể nói thật những gì mà tôi đang nghĩ, không cần so với Nhật Bản hay Hàn Quốc, chỉ cần so với Hongkong, Đài Loan hoặc Thái Lan cũng so không nổi. Vậy vấn đề là gì?
Tạm thời gạt qua hết những yếu tố khác, yếu tố cốt lõi nhất để phát triển phim Việt là … lợi nhuận, vì nếu các nhà sản xuất phim không có lợi nhuận thì họ sẽ không đầu tư cho việc sản xuất, và chúng ta không có phim Việt để coi. Mà thành phần chính của khán giả đến rạp là giới trẻ, họ đến rạp xem phim chủ yếu là với mục đích giải trí, và việc chọn coi một bộ phim nào đó là do cảm tính chứ không phải là để thưởng thức một bộ phim hay, tức họ đến vì một thần tượng hoặc sự ngưỡng mộ, hoặc sự nổi tiếng, hoặc ùa theo xu hướng của đám đông. Việc này có thể thấy qua nhiều bộ phim đạt doanh thu hơn 100 tỉ.
Như vậy, giới trẻ thích xem cái gì thì nhà sản xuất cho họ xem cái đó là có thể hốt bạc, và từ đó phim hài nhảm lên ngôi; nhưng xu hướng này đang dần lụi tàn vì giới trẻ hiện nay được tiếp xúc với nhiều sự cạnh tranh đến từ bên ngoài, đó là các trang phim lậu, truyền hình cáp, các trang xem phim trực tuyến thu phí. Khi tiếp xúc quá nhiều với phim nước ngoài thì sinh ra sự so sánh, họ nhận ra cái gọi là hài nhảm, họ so sánh yếu tố kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh hoặc kỹ thuật dựng phim, sau đó là ý nghĩa thông điệp. Ví như nhiều phim Việt trước đây khai thác sự xa hoa lộng lẫy của giới nhà giàu, nó có vẻ hoành tráng, nhưng nó có thể so sánh với những phim như 007 hoặc các phim về siêu anh hùng của Mỹ mang tầm quốc tế hoặc mang tính giả tưởng về tương lai? Vậy là xu hướng này dẹp tiệm.
Cuối cùng thì nhân tố còn lại duy nhất cho phim Việt là vấn đề chọn lựa cảm tính, mà điều này thì khá mong manh, vì số lượng những thần tượng có tầm ảnh hưởng rộng khắp trong ngành giải trí lại không nhiều, mà phim chỉ với vài ba thần tượng đó cứ xem đi xem lại rồi cũng chán. Bế tắt!
Thành ra vòng đi quẫn lại thì chỉ có một lối ra duy nhất, đó là nâng cao chất lượng bộ phim ở mọi khâu của nó. Điều này cực kỳ khó khăn, bởi vì … chúng ta quá nghèo. Kinh phí tầm 20 tỉ nghe rất khủng nhưng nếu tính bằng USD thì chỉ khoản 1 triệu USD, chả là cái gì so với phim Mỹ với mức đầu tư trung bình là hàng chục triệu cho đến hàng trăm triệu USD. Vậy là về mặt kỹ thuật thì chúng ta so không nổi, yếu tố có thể cứu điện ảnh Việt là kịch bản phim, cái này thì càng chết, đây là khâu yếu nhất của chúng ta.
Có một vấn đề mà rất ít người thật sự quan tâm, phim hoặc bất cứ sản phẩm nào cũng vậy, đó là đầu ra. Các nhà sản xuất phim ở VN chỉ nhắm đến trị trường nội địa, trong khi các nền điện ảnh khác thì họ tìm cách phát hành phim ra nước ngoài; điển hình là mấy bộ phim dài tập của Hàn Quốc hoặc Đài Loan tràn ngập trên các đài truyền hình của VN, trong khi phim điện ảnh hoặc phim truyền hình VN chỉ có thể chiếu ở VN, bán cho nước khác thì chẳng ai thèm. Đó là thực tế!
Tại sao các nước khác không xem phim Việt? Tôi lại nói đến vấn đề nhạy cảm, đả kích đến sự tự tôn dân tộc. Người ta không xem vì nội dung phim quá dở, phim mà diễn cứ như kịch, thông điệp thì chỉ xoay quanh mấy chuyện cỏn con làng xóm, tình tiết thì trăm ngàn lỗ thủng. Lại trở về vấn đề kịch bản phim quá nghèo nàn, không mang những giá trị phổ quát; chưa cần nói đến những giá trị phổ quát tầm quốc tế như phim của phương tây, chỉ mang tầm châu Á thôi thì chúng ta cũng với không tới.
Mấy bộ phim hàng trăm tập của Ấn Độ hoặc Đài Loan cứ quanh đi quẩn lại bao nhiêu đó chuyện, tôi chả thèm xem, nhưng dù vậy phim của họ vẫn rất mượt mà, các bà nội trợ châu Á vẫn có thể kiên trì theo dõi, nghiếng răng nghiếng lợi căm ghét bà mẹ chồng hoặc cô em chồng; phim Việt làm được chuyện này không? Ngoại trừ bản thân người Việt xem phim Việt, rồi thì mấy bộ phim doanh thu khủng ở VN có phát hành ra nước ngoài được không? Ý tôi nói là chỉ châu Á thôi, đừng nghĩ đến chuyện phát hành ở Âu– Mỹ, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vẫn là vấn đề kịch bản hen! Làm sao có được kịch bản phim tốt? Nói ra thì chuyện này còn khó hơn là làm tốt khâu kỹ thuật, vì nó liên quan đến trình độ nhận thức của giới làm phim, khi tư tưởng và nhận thức chỉ bó hẹp trong tầm quốc gia thì khó mà viết ra những kịch bản mang tầm quốc tế. Còn chuyện nâng tầm nhận thức? Khó còn hơn lên trời!
Đó là chưa kể đến khâu kiểm duyệt, vấn đề này không bàn sâu, mọi người tự hiểu. Tuy rằng khâu kiểm duyệt sẽ giới hạn đề tài của phim nhưng cũng không phải là yếu tố mang đến sự giới hạn, ví như những phim của phương tây được phát hành ở VN, họ có cách biến đổi sao cho nội dung trở thành phổ quát có thể phát hành ở mọi quốc gia và mọi chế độ; nhưng muốn làm được điều này phải có lực lượng biên kịch đủ trình độ.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Gần đây tôi chuyển sang viết kịch bản phim, đã hoàn thành xong một kịch bản, viết tiếp cái thứ 2. Bạn biết tôi phát hiện bi kịch của nền văn hóa Việt là gì không? Chúng ta có quá ít nền tảng để kế thừa! Tôi đang nói đến nền tảng văn hóa thuần Việt. Lấy ví dụ cụ thể, tác phẩm nổi tiếng nhất của VN là gì? Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhưng cái cốt truyện đó từ đâu ra? Hiểu?! Hoặc cái áo dài VN, ai tạo ra nó? Một người Nhật, tất nhiên cái áo dài đó bản chất là thuần Việt, nghĩa là bản thân người Việt không thấy được vẻ đẹp của chính mình mà phải nhờ một người nước ngoài chỉ ra giúp mình; hoặc chữ quốc ngữ? Cũng giống như cái áo dài, chữ quốc ngữ phù hợp với tiếng Việt, nhưng phải được một linh mục người Bồ Đào Nha tạo ra giùm.
Yếu tố lịch sử thì sao? Chúng ta chống giặc giỏi, biết đoàn kết, và một số bản chất tốt mang tính phổ quát, xong; cuối cùng chỉ còn sót lại một thứ duy nhất: những câu chuyện cổ tích VN. Chúng ta quá nghèo!
Nói đi thì cũng nói lại, thật ra thì VN chúng ta có một nhân tố cực kỳ quan trọng vượt lên mọi dân tộc khác, đó là tính hiện sinh trong đời sống. Vấn đề này hơi phức tạp một chút để hiểu, ở đây tôi phải nói thật một tí nhé! Trong mắt người phương tây thì văn hóa Việt nói riêng và văn hóa Á đông nói chung sẽ hiện ra thế nào? Đó là tầm nhìn ngắn, suy nghĩ hạn hẹp, mê cái lợi trước mắt; họ nghĩ có đúng không? Đúng, nhưng đó chỉ là một mặt của bản chất, một bản chất khác sâu xa hơn là người Việt sống cực kỳ hiện sinh, nhưng bản thân người Việt không ý thức rằng họ đang sống hiện sinh, thành ra cái khảo sát về quốc gia hạnh phúc nhất thế giới mà VN đứng hàng thứ 2, nó vừa có tính mĩa mai, lại vừa thể hiện bản chất thật của người Việt.
Nhưng có bao nhiêu người đủ nhận thức để mang cái chất hiện sinh của người Việt vào kịch bản phim hoặc vào các tác phẩm văn học? Cái chất hiện sinh của người Việt rất gần với “đạo tự nhiên” mà Lão Tử đã nói, còn phương tây, họ bàn luận và phân tích về hiện sinh, nhưng càng phân tích thì càng rời xa, họ đi dần đến sự ích kỷ, phá vỡ nền tảng gia đình. Hiện sinh gần với sự hồn nhiên và trẻ thơ của con nít, nói vậy hơi mang tính châm biếm một tí, nhưng mặt khác, điều đó được thể hiện trong một câu cực kỳ nổi tiếng của Đức Jesus “Ai muốn vào nước trời thì phải như những đứa trẻ này”.
Nói dễ hiểu hơn, hiện sinh chẳng qua là cái phần cảm tính có trong bản chất con người. Nhưng để viết được một kịch bản thể hiện tính hiện sinh đó trong đời sống người Việt thì người viết phải đi một vòng lớn về nhận thức, con người đi từ trẻ thơ đến trưởng thành, đến lão thành rồi quay lại sự hồn nhiên của thuở ban đầu. Đó là lý do trong rất nhiều bộ phim của phương tây dùng hình ảnh trẻ thơ làm biểu tượng cho sự giải thoát hoặc tháo gỡ mọi vấn đề tồi tệ được đặt ra trong nền văn hóa của họ.
Vậy lối thoát cho điện ảnh Việt là gì? Hãy tạo ra những bộ phim mang tính phổ quát tầm quốc tế, dẹp mấy cái chuyện cỏn con trong làng xã đi; tiếp theo là tìm cách mô tả bản chất hiện sinh trong văn hóa Việt, nó cực kỳ thuần Việt. Tập trung vào vấn đề thông điệp ý nghĩa chứ không phải vấn đề kỹ thuật, làm cho bộ phim mượt mà hơn để xuất khẩu ra nước ngoài. Nhà sản xuất phim Việt nào đi sớm nhất trên phương diện này thì sẽ trụ vững trong tương lai. Tôi rất ít nói về ai đó trong nền điện ảnh Việt nhưng lần này sẽ chỉ ra một cái tên, đó là diễn viên Ngô Thanh Vân, chúng ta nhớ lại bộ phim Dòng Máu Anh Hùng, rồi gần đây là Hai Phượng, tiếp theo là mảng cổ tích; đây là những phim có thể xuất khẩu nếu làm tốt.
Nhưng tất cả rất dễ trở thành công dã tràng nếu không làm tốt một việc, đó là phải xữ lý nghiêm vấn đề đạo ý tưởng. Sẽ không bao giờ có một đội ngũ biên kịch tốt nếu kịch bản bị sao chép từa lưa, dẫn đến việc những nhà biên kịch thật sự bị rẻ rúm, kịch bản được bán với giá rẻ mạt và nội dung thì giống như cám cho heo ăn, và cuối cùng thì việc đó chẳng khác chi xem khán giả như mấy con … gì đó; mà khán giả Việt thì hơi bị vô tư. Thật ra thì nếu các nhà sản xuất phim mà không biết tôn trọng khán giả, không coi trọng kịch bản tốt mà chỉ ham chạy theo lợi nhuận trước mắt thì họ sẽ tự giết họ chứ không ai giết họ cả. Giống như nhiều doanh nghiệp VN đã phá sản khi các tập đoàn nước ngoài đặt chân đến VN.
Hãy giả sử một viễn cảnh, nếu ngày nào đó các hãng phim lớn của Mỹ đặt chi nhánh ở VN, liệu có bao nhiêu nhà sản xuất phim của VN có khả năng sống sót?
Còn về những thông điệp mang tính phổ quát? Ở ngay trước mắt bạn, hãy đọc thật kỹ những bài viết của tôi, lấy nó làm nền tảng, việc tiếp theo cần làm là trao cho bộ phim của bạn một cái áo mới. Đây không phải là việc ăn cắp ý tưởng, vì những thông điệp này thuộc về văn minh nhân loại, cố gắng hiểu nó, sau đó nhờ vào sự sáng tạo, bạn sẽ có vô số cách biến đổi câu chuyện để thể hiện những thông điệp nền tảng này, thế là bộ phim của bạn trở thành một món ăn tinh thần mang tầm quốc tế.