Bàn về điện ảnh: Làm sao phát triển nền điện ảnh Việt?

Nếu bạn có đọc tin tức, sẽ hiểu rằng các ban ngành chính phủ VN đang muốn xây dựng một nền điện ảnh theo hướng công nghiệp, điều này có lợi rất nhiều mặt, ví dụ như kinh tế, quảng bá du lịch và văn hóa Việt ra thế giới bên ngoài, nếu làm tốt thì có lợi ích về cả chính trị. Một thực tế cho thấy, dù chúng ta là người Việt, chúng ta tự hào, nhưng trên trường quốc tế thì sao? Dân chúng nhiều nước chả biết VN nằm đâu và dân tộc này thế nào, nếu có biết thì họ chỉ biết qua những cuộc chiến trong quá khứ, hoặc những tranh chấp trong hiện tại, đó là thực tế. Nhưng nếu có những bộ phim hay để họ xem, họ sẽ biết chúng ta là ai, lợi ích cực lớn.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Khi nhìn vào lịch sử từ quá khứ đến hiện tại, tôi có thể chia ra 3 loại hình để một quốc gia hoặc dân tộc này tạo ra tác động lên quốc gia dân tộc khác. Ban đầu là con đường của sức mạnh vũ lực, nói thẳng ra là dùng chiến tranh quân sự, đến nửa sau thế kỷ 20 thì dùng sức mạnh kinh tế, và khi bước sang thế kỷ 21 thì bắt đầu chuyển hướng qua sức mạnh văn hóa. Thật ra thì sự “xâm lược” của sức mạnh văn hóa – thứ thuộc về tinh thần / tư tưởng đã có từ rất lâu rồi, ví dụ như những gì thuộc về tôn giáo, hoặc sau này là các “chủ nghĩa” này nọ, tuy nhiên đến hiện tại thì sức mạnh văn hóa mới thật sự trở thành nguồn lực được xem trọng.

Thế giới ngày nay là thế giới phẳng, thế giới của công nghệ thông tin và tự động hóa, chúng ta gọi chung là 4.0 . Ở thời đại thông tin này, nền văn hóa nào không đủ chiều sâu thì rất dễ bị đồng hóa và tiêu biến, mà nếu bị xóa sổ về văn hóa nghĩa là sẽ biến mất mãi mãi. Trở lại vấn đề chính, là sao để phát triển nền điện ảnh Việt?

Chúng ta trở lại với bộ phim “Bố Già”, theo thông tin trên mạng, lượt xem của phim này đạt đến con số trên 5 triệu, đây là con số rất cao, tuy nhiên vẫn chưa thể hiện hết sức mạnh thị trường của VN, đơn giản vì chúng ta còn giới hạn rất lớn về cơ sở hạ tầng, nói thẳng ra là các rạp chiếu phim, phần lớn các rạp chiếu phim chỉ đông đảo ở những thành thị lớn, còn vô số người VN ở thôn quê muốn xem phim lại hết sức khó khăn, đây là một nhược điểm đang tồn tại của VN.

Hãy tưởng tượng, thời đại này là thời đại của thông tin, hầu như mỗi gia đình người Việt đều có trong tay một chiếc điện thoại smartphone để lên mạng xem thông tin, nếu xuất hiện những bộ phim “bom tấn” nước ngoài hoặc phim đình đám của VN thì họ đều nắm bắt được, nhưng những người ở thôn quê thì làm sao để đến rạp xem phim? Họ chỉ có thể xem phim qua các kênh trực tuyến đóng tiền hoặc các trang phim lậu, hoặc phim truyền hình, nhưng mang những thứ đó so với phim chiếu rạp thì một trời một vực. Trong khi đó ngày nay với giá vé trung bình 75.000/vé là nằm trong khả năng của phần lớn người dân, khả năng mở rộng thị trường là rất lớn.

Tuy nhiên việc đầu tư xây mới những rạp phim ở bên ngoài các đô thị lớn cũng có phần rủi ro, vì dân quê chưa có nhiều thói quen xem phim rạp, nên tôi nghĩ các tốt nhất là sự kết hợp với các hệ thống siêu thị (thực phẩm hoặc điện máy) đang lan tỏa rất mạnh trên khắp cả nước, không cần phải đầu tư những rạp hoành tráng gồm nhiều phòng chiếu. Với lượng phim nhiều của nước ngoài và VN như hiện nay và sự tiếp thị từ internet thì các rạp ở bên ngoài đô thị lớn vẫn có thể duy trì, khi nhiều người dân ở thôn quê có thói quen xem phim rạp thì thị trường điện ảnh là vô cùng khủng khiếp.

 Giờ thì bạn hãy thử tưởng tượng, nếu số lượng rạp chiếu phim trải rộng cả nước từ thành thị đến thôn quê, và giả như nhu cầu khán giả tăng gấp đôi, vậy cái phim “Bố Già” hoặc “Lật Mặt 5” sẽ có doanh thu bao nhiêu? Một bộ sẽ là 800 tỉ, bộ kia đến thời điểm này sẽ là 300 tỉ, trong khi mỗi bộ phim đầu tư từ 20-40 tỉ, đây là siêu lợi nhuận, và trong tình hình đó thì có hằng hà sa số các hãng phim Việt mọc ra, sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt, hoặc bạn phải tạo ra một bộ phim cực tốt để hốt bạc kiểu siêu lợi nhuận, hoặc bạn sẽ thua lỗ, à nhưng nếu có nhiều rạp hơn thì không đến nổi lỗ sặc gạch như hiện tại, trừ khi phim quá trời ơi đất hỡi.

Nếu sự việc thực hiện như những gì tôi đề ra, điện ảnh VN trước tiên có thể vượt qua một số nền điện ảnh khác ví dụ như Thái Lan và kể cả TQ. Tại sao tôi nói là có thể vượt qua TQ? Vì điện ảnh TQ có thể tự sống bởi nguồn lực bản thân quốc gia này, nên chính sách tương đối khắc nghiệt và phục vụ chính trị quá nhiều, trong khi điện ảnh VN có xu hướng quốc tế hóa, nghĩa là điện ảnh VN rộng mở hơn TQ.

Một điều nói ra hơi buồn cười một chút, nếu điện ảnh VN được đầu tư mạnh, trong thời gian rất ngắn có thể vượt qua nền điện ảnh Nhật và Hàn. Haha! Tôi không nổ đâu à, bạn biết tại sao không? Vì văn hóa VN rất đặt biệt, thứ văn hóa gắn liền với 2 từ “bắt chước”, chả cần biết văn hóa của nước A hay nước B, cứ nơi nào có thể hốt bạc là người VN sẽ nhảy vào bắt chước. Tôi từng nói văn hóa VN còn đa dạng hơn cả văn hóa Mỹ, mà toàn là dạng ăn chơi.

Thói sành ăn của TQ nhé, mà ẩm thực Việt hoàn toàn vượt qua ẩm thực TQ (quá nóng vì nhiều dầu mỡ), thói uống cà phê của người Pháp, quán cà phê ở VN mọc tràn lan khủng khiếp, đặt biệt là ở miền nam VN, rồi đến cái thói thích tự do giống Mỹ, tự do này lại nghiêng về chuyện ăn chơi / vật chất. Đấy! Thấy tiềm năng của VN chưa? Tôi không hề nói theo ý châm biếm, cứ nhìn sự sôi động của giới Showbiz Việt ở Sài Gòn thì hiểu, từ ca nhạc cho đến điện ảnh, rồi game-show, phát triển khủng khiếp luôn, đến cả nghệ sĩ hải ngoại chạy về VN để kiếm tiền là hiểu rồi.

Nhưng có một điều cần ghi nhớ, nếu làm không tốt chuyện ngăn chặn “đạo” ý tưởng thì có thể bị cả thế giới xúm lại tẩy chay phim Việt, khi này thì hết đường cứu. Việc “đạo” ý tưởng hoặc “trùng” ý tưởng là không hiếm trong điện ảnh, nhưng “đạo” cái kiểu sao chép y sì thì thua nhé.

Khi tôi nói điện ảnh Việt có thể đuổi theo điện ảnh Nhật và Hàn thì không có ý nói về dòng phim nghệ thuật, cái này chúng ta theo không nổi, nhưng dòng phim thị trường dạng bình dân thì có thể đuổi theo. Phim Hàn hoặc Nhật có một số hạn chế của họ ở chỗ văn hóa của họ quá đậm nét, còn văn hóa VN thì … nói ra sợ nhiều người chửi chứ tôi thật sự chả biết văn hóa Việt có cái gì luôn, tôi đang nói về chiều sâu nhé, mấy thứ sáo ngữ thì bỏ qua đi, tất nhiên là văn hóa Việt có đặc tính rất lớn, đó là lối sống hiện sinh. Nhưng cũng bởi vì có quá ít đặc trưng, nên phim Việt sẽ dễ phù hợp với mọi nền văn hóa khác, tiềm năng điện ảnh Việt cực lớn.

Giờ chúng ta nói sang chuyện thị phi một chút, phim “Bố Già” sỡ dĩ doanh thu cao là vì ảnh hưởng của người tạo ra nó quá lớn, mối quan hệ với truyền thông cũng tốt; còn phim “Lật Mặt” của anh Lý Hải thì dựa vào uy tín và không vướng vào bất kỳ lùm xùm nào. Trong khi rất nhiều bộ phim đã chiếu, đang chiếu, hoặc sắp chiếu lại vướng quá nhiều chuyện linh tinh. Có rất nhiều người không hiểu rằng thế giới ngày nay đang thay đổi, quyền lực không còn đặt trong tay các báo chính thống mà ở trên các trang mạng xã hội, khi đó một lỗi nhỏ cũng có thể sinh ra sự phản cảm cực lớn, và cái việc tẩy chay hay ném đá thì dễ khai thác hơn là khen ngợi, cứ nhìn showbiz Hàn thì rõ. Vậy mà nhiều nhà sx phim ở VN lại muốn PR bằng con đường thị phi, rồi đấu đá từa lưa trên các diễn đàn, tôi không hiểu tư duy của họ bị gì nữa. Họ tự đưa nhau vào con đường chết.

Mỗi khán giả xem phim chỉ một lần, vậy giành giật nhau làm gì không biết, tại sao cứ ném đá nhau trong khi khán giả hôm nay xem phim này và ngày mai xem phim khác. Tôi nói vậy vì vào các diễn đàn toàn thấy những bài đăng trù dập phim của đối phương, khi cái văn hóa tẩy chay mà lan rộng và trở thành thói quen của phần lớn dân chúng thì tất cả sẽ chết hết, đó là cách nhìn vô cùng thiển cận và ngu muội, rồi khi làn sóng diễn ra trên mxh thì các trang chính thống cũng bắt đầu chạy theo, khi dân Việt quay lưng với điện ảnh Việt thì coi như xong phim nhé các bạn. Thị trường đủ lớn để mọi người cùng hốt bạc không chịu đâu, chỉ thích giành ăn một mình, nhưng khi ném đá người khác thì họ có để cho mình ăn không? Tư duy người Việt quá lạ lùng!

Với thị trường phim hiện nay, nếu các phim Việt tương đối chỉnh chu mà ra với khoản lệch 1 phim/ tuần thì hoàn toàn có thể lấy vốn và có lợi nhuận, nhưng nhiều nhà sx lại thích ra cùng một lượt rồi giành ăn với nhau, đấu đá nhau. Nói ví dụ như “Lật Mặt” đang chiếu cùng 2 phim “gì đó”, mà 2 phim gì đó trong các diễn đàn cứ ném đá qua lại, cuối cùng thì “Lật Mặt” lại có tỉ lệ vé cao hơn 2 phim mới ra. Đấy! Có thấy cách anh Lý Hải làm phim theo cách thuần chính không? Nếu những nhà sx phim khác không học theo thì sẽ còn chết dài dài, chết không phải vì phim dở mà vì họ tự đưa nhau đi chết. Nên thay đổi tư duy, đừng quá tham lam. Theo phán đoán của tôi, 2 phim đang chiếu sẽ lấy vốn và có lời nhưng không cao, còn những phim còn lại trong năm nay nếu vẫn còn tư duy “giành ăn” thì sẽ chết dài dài.

Nhớ đọc thêm các bài “Bàn Về Điện Ảnh” khác nhé.

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Bàn về điện ảnh: thuần Việt – hiện sinh – đạo tự nhiên

T5 Th5 6 , 2021
Thời gian gần đây, các ban ngành muốn đẩy mạnh phim Việt ra với thị trường nước ngoài, với chủ trương là thể hiện đậm nét bản sắc và văn hóa Việt. Vậy câu hỏi quan trọng là văn hóa Việt Nam có gì? Tôi không phải nhà nghiêng cứu […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese