Tuy không phải chuyên môn nhưng hôm nay tôi sẽ phân tích căn nguyên về vấn đề diễn xuất của diễn viên, diễn như thế nào mới là đúng. Còn việc nhận định quan điểm trong bài này có chính xác không thì thuộc về các bạn. Mọi định nghĩa mà tôi đưa ra trong bài này đều thuộc về nhận thức cá nhân, nên nếu có sai lệch nào đó với định nghĩa chung thì các bạn thông cảm.
Trước tiên, điện ảnh là gì? Điện ảnh là hình thức “mô phỏng những gì đang diễn ra trong cuộc sống” lên màn ảnh, đó có thể là chiếc tivi hoặc màn ảnh rộng ở rạp chiếu phim. Như vậy, một diễn viên có tài diễn xuất khi thể hiện sự mô phỏng đó theo cách chính xác nhất, tự nhiên nhất và chân thật nhất. Cũng theo cách nhìn nhận đó, một kịch bản tốt khi nó đảm bảo những nguyên lý cơ bản nhất của cuộc sống, ví như tính logic hoặc tính nhân quả, 2 cái này có cách gọi khác nhau nhưng chỉ là một; nhưng kịch bản sẽ được gọi là hay khi nó kể một câu chuyện thú vị và có ý nghĩa, không ai bỏ thời gian ra để xem một điều bình thường.
Giả sử rằng chúng ta đã có một kịch bản hay, vậy điều mà diễn viên cần làm là diễn xuất sao cho như thật nhất. Trong đời sống thật, khi một hoàn cảnh hoặc một tình huống xẩy đến, nó sẽ tác động lên cảm xúc của con người, cảm xúc của người đó sẽ thể hiện ra bên ngoài bằng những biểu hiện thuộc về hình thức mà chúng ta có thể thấy được, có 3 nhân tố biểu hiện: nét mặt, hành động – cử chỉ, và lời nói.
Vậy nghệ thuật biểu diễn là gì? Là nhờ vào diễn xuất của diễn viên, khán giả có thể hiểu được những gì đang diễn ra, hiểu được cảm xúc hoặc những gì diễn ra trong nội tâm của nhân vật qua những gì họ có thể “cảm nhận” được qua các giác quan như nhìn, nghe, mùi vị, xúc giác, rung động. Hãy chú ý đến chữ “cảm nhận”. Chuyện gì sẽ xẩy ra khi loại hình biểu diễn không đảm bảo được 3 nhân tố biểu hiện mà tôi nói ở trên? Người ta sẽ tìm cách phô trương – làm quá những nhân tố còn lại để đảm bảo khán giả có thể “cảm nhận” trọn vẹn điều mà họ muốn khán giả cảm nhận.
Từ sự phân tích cơ bản đó, chúng ta hiểu tại sao ở các bộ phim câm thời kỳ đầu thì diễn viên thể hiện quá đà trong hành động và nét mặt, vì thiếu mất nhân tố lời nói. Hoặc trong loại hình sân khấu như kịch nói, chèo, cải lương, hát bội … thì nét mặt và cử chỉ cũng được phô trương hơn, đó là vì khán giả ngồi quá xa, hoặc camera cố định, họ không thể nhìn rõ những biểu hiện trên nét mặt của nhân vật. Giả sử như muốn người ở xa hiểu nhân vật là một người già thì làm thế nào? Trang phục cho người già thường mặc, giọng nói khàn một chút, cơ thể yếu một chút, tóc bạc trắng, cung cách cử chỉ mà người già thường làm; còn nếu ở gần thì chỉ cần nhìn mặt là biết ngay đấy là người già.
Điện ảnh ưu việt hơn những loại hình biểu diễn khác ở chỗ nó có thể biểu hiện ở mọi góc nhìn mà nó muốn, xa – gần, nhanh – chậm, di chuyển theo nhân vật, cắt cảnh và ráp nối với nhau thành chuỗi liền lạc, và thể hiện được âm thanh. Như vậy, điện ảnh có thể xem là sự tổng hợp của nhiều loại hình biểu diễn lại với nhau, cận cảnh thì diễn xuất sao cho tự nhiên nhất là được, cảnh ở xa thì vận dụng loại hình biểu diễn của sân khấu, và thế là một bộ phim hoàn hảo được hình thành khi có kịch bản hay.
À! Giờ thì chúng ta sẽ nói đến một kịch bản phim tệ hại, nội dung của nó phi logic, tình huống không tạo ra cảm xúc như vui buồn đối với khán giả, nhưng diễn viên lại bị bắt diễn những cảm xúc không phù hợp với tình huống, nó sẽ làm người xem “cảm nhận” hoặc cảm thấy sự giả tạo, họ sẽ bảo nhau “đây là đóng kịch, đang biểu diễn, đây không phải là thật”. Vấn đề này đang tồn tại đối với điện ảnh Việt nhé các bạn, diễn xuất thì thái quá, lời thoại vô nghĩa và gượng ép nhưng được thể hiện cứ như là vô cùng sâu sắc.
Giờ đến câu hỏi quan trọng hơn, nếu sự gượng ép và giả tạo đó kéo dài thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Nó sẽ phá hủy cả một nền điện ảnh chân chính, vì khán giả sẽ quen với lối diễn đó và hình thức đó, họ không còn phân biệt được diễn thế nào là đúng và diễn thế nào là sai, cả diễn viên trong nền điện ảnh đó cũng sai theo luôn. Sau đó là phá hủy nền văn hóa, tạo ra những biểu cảm sai lạc về cảm xúc trong đời sống thật. Tình trạng dở khóc dở cười sẽ diễn ra như “Ơ sao mặt của diễn viên này lúc nào cũng đơ ra mà lại đạt được giải Oscar”, vì họ quá quen với lối diễn thái quá khi xem phim.
Ngày nay có rất nhiều thứ kỹ thuật đang phá hủy những gì thuộc về tính tự nhiên và chân thật này. Tôi lấy ví dụ như những tiếng cười được lồng vào phim hoặc kịch, điều này được thể hiện đầu tiên nhất có lẽ là trong phim hài của Mr Bean. Nếu bạn có quan tâm một chút đến tâm lý học sẽ biết được sâu trong vô thức của chúng ta có tồn tại thứ gọi là “tâm lý đám đông”, ở trong đám đông, nếu họ cười, thì phản ứng của chúng ta là sẽ cười theo, dù có thể hoàn cảnh đó chẳng có gì khiến ta muốn cười.
Không chỉ lồng ghép tiếng cười, người ta còn ghép vào đó những biểu tượng cười, khóc, xấu hổ, đổ mồ hôi, kinh ngạc…, mấy thứ đó đều là độc dược đối với loại hình biểu diễn, nó là sự cưỡng ép về cơ chế cảm xúc đối với con người, cứ như là cái nút khởi động, người ta nhấn là khán giả cười. Hoặc khi con người quá thần tượng một ai đó, thần tượng cười thì cả đám đông cười theo.
Giờ chúng ta nhảy sang vài nền điện ảnh khác, phim Nhật người đóng, văn hóa Nhật là văn hóa cưỡng chế và đè nén cảm xúc, nên mặc dù có nhiều kịch bản hay nhưng diễn viên lại không thể hiện được cảm xúc trên khuôn mặt, và như tôi đã nói ở trên, sự thái quá sẽ đổ dồn về hành động và lời nói, đặt biệt là cách nhấn giọng trong lời nói, nó khiến người xem cảm thấy giả tạo và phô trương. Thật ra những bộ phim của mấy chục năm về trước không bị lỗi này nên có rất nhiều phim hay và được đánh giá cao, nhưng theo đà phát triển kinh tế thì cảm xúc càng bị đè nén dữ dội hơn, sự thái quá trong diễn xuất cũng tăng theo.
Tiếp theo là phim Hàn, văn hóa Hàn chuộng hình thức, họ muốn thể hiện sự hoàn mỹ đó trong giao tiếp, nên các phim về tình cảm gia đình hoặc lãng mạn thì rất ok, nhưng với những phim liên quan đến xã hội đen thì cực kỳ giả tạo, kẻ xấu diễn giống như là hù dọa chứ không phải kẻ xấu, xem khá buồn cười; hoặc khi thể hiện những mâu thuẫn trong gia đình cũng vậy, cứ như trẻ con đang diễn.
Phim Hongkong, điện ảnh Hongkong những năm 80-90 cực kỳ xuất sắc, sau năm 2000 thì rơi xuống cái vèo vì kịch bản bắt đầu chạy theo lối hài nhảm của nền điện ảnh TQ. Vấn đề phim nhảm hay không nhảm nó phụ thuộc vào trình độ nhận thức của người xem. Thành ra càng về sau thì diễn viên Hongkong cứ như là đang diễn kịch vậy, không có kịch bản hay cho họ diễn.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Trở lại với vấn đề diễn xuất của diễn viên trong điện ảnh, như thế nào là một diễn viên diễn xuất giỏi? Như đã nói, đó là thể hiện cảm xúc sao cho chân thật nhất đối với tình huống đang diễn ra. Vấn đề khó khăn ở chỗ tình huống đó là giả, là từ kịch bản, thêm một vấn đề nữa là trình độ nhận thức của diễn viên, vì nếu không hiểu kịch bản thì không thể diễn cho đúng cảm xúc mà kịch bản muốn.
Vấn đề này tôi sẽ lấy những vai diễn về các nhân vật đại ca của xã hội đen trong phim Việt làm ví dụ, đại ca gì mà cứ như thằng du côn, như bọn đàn em, mặt thì tỏ ra gian ác hùng hùng hổ hổ, đây là diễn tầm bậy, vì sao? Vì khi một kẻ lên nắm trùm thì đã trải qua nhiều gió tanh mưa máu, cảm xúc đã chai lỳ và bắt đầu trở thành vô cảm, không cần phải nói nhiều, chỉ cần hô giết là tự có người thực hiện điều đó, trùm thật sự thì không cần tỏ ra mình là trùm, vì quyền lực đã được thể hiện bằng giết chóc chứ không phải bằng lời đe dọa. Cái trạng thái này ứng rất nhiều với những phương diện khác trong cuộc sống, trí thức thật thì không tỏ ra mình là trí thức, giàu thật thì không mang vàng khắp cả người để phô trương.
Khi nói về lối diễn phô trương, chúng ta không thể không kể đến những phim hài của Châu Tinh Trì, hoặc diễn viên Jim Carrey của phương tây. Châu Tinh Trì hay các diễn viên trong phim của anh ấy đều diễn phô trương nhưng người xem không cảm thấy gượng ép và giả tạo, vì sao? Vì tình huống trong phim quá độc đáo, cho nên cái phô trương trong diễn xuất đó cực kỳ phù hợp với hoàn cảnh cũng phô trương không kém. Ví như cảnh trong phim Tây Du Ký phần 1, cả bọn đàn em khom người về trước, miệng há hốc nhìn bang chủ của họ, thể hiện đó phô trương, nhưng cảnh tiếp theo là bang chủ (Châu Tinh Trì) của họ đang chỉ con chó con và mắng mà lại tưởng là phó bang chủ, vì bang chủ trúng thất thương quyền nên mắt bị lé.
Nói tóm lại, nếu điện ảnh Việt không tự tìm cho mình những kịch bản hay để làm phim, thì có thể cả nền điện ảnh sẽ bị hủy hoại, muốn biết sự hủy hoại đó diễn ra ở cấp độ nào thì cứ mang những bộ phim của hiện tại so với những bộ phim của những năm 80-90 thì sẽ rõ, phim ngày xưa không có “kịch” và giả tạo như phim bây giờ, kể cả cách phát âm trong lời thoại cũng vậy, những điều diễn ra với điện ảnh Việt cũng giống với điện ảnh Nhật nhưng theo hướng ngược lại về lối biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt.
Cần trọng nội dung hơn hình thức là vấn đề muôn thuở, một ví dụ khác về điều này, phim Hoa Mộc Lan, nhiều người Việt chỉ trích là phương tây làm cái tòa nhà hình vòng tròn không đúng với phương diện lịch sử, cái đó đúng, nhưng phương tây họ chả quan tâm về phương diện đó, điều họ muốn thể hiện qua mô hình tòa nhà đó là sự khép kín, là cái vòng lặp, là sự bảo thủ và cô lập. Nghĩa là hình thức thể hiện một hàm ý có ý nghĩa sâu sắc, giống như diễn xuất của diễn viên là để thể hiện nội tâm cảm xúc bên trong. Muốn chỉ trích người ta thì phải hiểu cho rõ để nói cho đúng, không thì người ta cười cho.
Điện ảnh thế giới ngày càng tiến xa về cả hình thức và nội dung, trong khi điện ảnh của ta vẫn còn chạy theo về mặt hình thức, đã vậy còn có quá nhiều lầm lạc, quay lại xây dựng mấy cái cơ bản trước đi, cơ bản mà cũng hiểu sai thì lấy gì đón đầu? Còn muốn xây dựng vũ trụ điện ảnh? Hãy bước vào thế giới điện ảnh như 007 trước đã, tôi nói theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, anh chàng điệp viên đó hoạt động khắp cả thế giới, chúng ta có nhân vật điện ảnh như vậy chưa? Có rồi, tốt rồi thì lo gì không có được một siêu nhân bay khắp vũ trụ, sau đó xuyên từ vũ trụ này qua vũ trụ kia!
Cảm ơn các bạn đã đọc bài, nhớ chia sẽ bài viết và giới thiệu Chí Blog đến mọi người, và tích cực “cứu tế” để mình có thêm động lực viết bài nghen.
OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526