Bàn về điện ảnh: Kế hoạch phát triển điện ảnh Việt

Tư tưởng truyền thống Á đông có câu dành cho nam giới, đó là “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” – rất ghê gớm nha, nhưng Chí Blog – “website duy nhất .. gì đó .. nghệ thuật” chưa lập gia đình nên không thể tề gia, là dân đen nên chẳng thể trị quốc thì nói gì đến bình thiên hạ, chỉ là Chí Blog yêu điện ảnh nên đôi lúc suy tư một chút xem có cách nào khiến cho nền điện ảnh VN phát triển.

Phần I: Vì sao phải phát triển nền điện ảnh Việt?

Để nói về vấn đề này thì phải có đủ lập luận vững chắc và mang tính thuyết phục, vì vậy phải đánh một vòng lớn. Để một đất nước phát triển bền vững trong tình hình hiện tại và tương lai thì nên đặt trọng tâm vào đâu? Như chúng ta đã thấy, thế giới hiện tại và tương lai đang trở nên cực kỳ hỗn loạn; thứ nhất là chiến tranh và xu hướng chiến tranh, Nga – Ukraina, Trung Quốc – Đài Loan, Hàn quốc – Triều Tiên, khu vực trung đông, quan hệ đối đầu Liên Âu – Nga, Mỹ – Trung, khu vực biển đông; thứ 2 là dịch bệnh mang tính toàn cầu; thứ 3 là sự biến đổi môi trường tạo ra thảm họa thiên nhiên; thứ 4 là sự sụp đổ của thị trường tài chính hoặc chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế do 3 tác nhân trước gây ra.

Trong tình hình đó nếu muốn một đất nước phát triển bền vững thì điều thiết yếu nhất là phải có nội lực, nghĩa là hạn chế những tác động từ 4 tác nhân kể trên xuống đến mức thấp nhất. Vậy chính sách trong hiện tại và tương lai nên chú trọng những gì?

Thứ 1 – ngành nông nghiệp: xã hội sẽ sụp đổ và hỗn loạn nếu dân bị đói, sỡ dĩ trong kỳ cách ly dịch bệnh vừa qua chúng ta dùng những biện pháp khá mạnh nhưng vẫn vượt qua được là bởi vì VN là một nước nông nghiệp, nếu là Liên Âu dù rất giàu có nhưng họ cũng sẽ bó tay chịu chết. Dù thị trường tài chính hay chuỗi cung ứng hàng hóa sụp đổ, ngành công nghiệp gián đoạn, thậm chí là xẩy ra chiến tranh, chúng ta cũng không sợ nếu dân có lương thực để sống và chiến đấu. Bạn có biết tại sao khi Nga đánh Ukraina thì Liên Âu như phát cuồng? Vì Ukraina là vựa lương thực lớn nhất châu Âu; tóm lại thì thứ quan trọng nhất trong lương lai là vấn đề lương thực.

Thứ 2 – ngành hóa sinh: đây là ngành có tác dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp và y tế, giả sử xẩy ra chiến tranh, khả năng con người dùng vũ khí sinh học là cực cao, dù rằng có thể nó không được công khai như những loại vũ khí khác; hoặc sự biến đổi khí hậu cũng khiến thế giới nẩy sinh ra những loại dịch bệnh mà chúng ta chưa từng thấy trong lịch sử, những dịch bệnh truyền nhiễm là thứ cực kỳ đáng sợ trong thế giới hiện đại, một căn bệnh ở xa tít trong ngôi làng nhỏ bé nào đó ở châu Phi vẫn có thể phát triển thành đại dịch cho cả thế giới.

Thứ 3 – ngành năng lượng: nếu không có đủ cung ứng hoặc dự trữ như xăng dầu và điện, trong vòng 1 ngày hoặc 1 tuần thì xã hội sẽ hoàn toàn bị đình trệ và tê liệt, nếu nó kéo dài hơn, xã hội hoàn toàn có thể trở về thời kỳ đồ đá, khi đó chúng ta không có quần áo để mặc nha, khi đó mình trở thành Chí Blog Khố Chuối còn các bạn thì thành Adam với Eva dùng lá bàng che thân. Liên Âu đối đầu với Nga nhưng chưa quyết liệt bởi vì một phần sợ dẫn đến chiến tranh hạt nhân, phần khác là vì họ phụ thuộc khá lớn vào sự cung cấp năng lượng khí đốt từ Nga, lợi ích đan xen trong đó.

Thứ 4 – ngành quốc phòng: phát triển vũ khí là thứ tôi ghét nói đến nhất nhưng buộc phải kể ra, vì không thể tự vệ nếu không có vũ khí, khả năng diễn ra chiến tranh trong tương lai là quá lớn, điều phi lý nhất của loài người ở chỗ phải có nhiều vũ khí thì mới tránh được chiến tranh, còn nếu sau đó vẫn đánh nhau thì chúng ta chết chùm cả lũ.

Thứ 5 – ngành du lịch: phải nói đây là một con gà đẻ trứng vàng của VN, là một kho tàng có sẵn dùng hoài không hết, trừ phi chúng ta ngu đến độ giết gà lấy trứng, tàn phá thứ tài nguyên vô hạn này. Biển có, vịnh có, đảo có, núi non hùng vĩ có, đồng bằng có, “sa mạc” cũng có. Nếu làm tốt, làm kỹ, siết chặt về quản lý, thành nơi phục vụ tốt nhất cho du khách, không bê tông hóa, không rác, không tận thu, không làm ăn gian trá, không móc túi giựt dọc, không thực phẩm bẩn… thì chúng ta ngồi không cũng có ngoại tệ từ khắp nơi trên thế giới đổ vào.

Thứ 6 – ngành điện ảnh: đây là thứ công cụ mạnh nhất để giúp cho con gà đẻ trứng vàng là ngành du lịch, không chỉ thế, trong nó còn mang sức mạnh về ảnh hưởng chính trị trên trường quốc tế, hay việc xuất khẩu hàng hóa về mọi mặt ra nước ngoài, mà trọng yếu nhất là xuất khẩu văn hóa. Mỹ có thể ảnh hưởng đến toàn thế giới vì họ giàu nhất và mạnh nhất? Không đâu, dân chúng chả ai quan tâm điều đó, Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất vì nền giải trí của họ là mạnh nhất và phổ biến nhất thế giới, tại sao người ta cuồng đi du lịch châu Âu? Không phải là từ những cảnh trong phim hay sao? Tại sao giới trẻ VN chuộng thời trang Hàn? Vì họ thấy nó trên phim Hàn. Tại sao giới trẻ cuồng phim thể loại phim ngôn tình? Vì các bộ phim của TQ có nhiều trai xinh gái đẹp. Tại sao có một nhóm thanh thiếu niên cuồng văn hóa Nhật? Vì họ mê truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản. Đã đủ lý do để thấy ngành điện ảnh trọng yếu chưa nhỉ?

Nói tóm lại, thế giới chúng ta trong hiện tại và tương lai, nếu lương thực là quan trọng nhất về vật chất thì điện ảnh là quan trọng nhất về tác động tinh thần, nếu điện ảnh VN phát triển và có danh tiếng với quốc tế, nó thậm chí có thể tác động đến chính sách về mặt kinh tế chính trị của những quốc gia đó.

PhầnII: kế hoạch phát triển điện ảnh Việt

Nguồn vốn trong xã hội VN hoặc quốc tế có thể đổ vào nền điện ảnh VN không bao giờ thiếu, điều quan trọng là chính sách nhà nước có thật sự xem trọng việc đẩy mạnh phát triển nền điện ảnh hay không, nếu có thì cần có những hành động thực tế và cụ thể, đó là kích thích việc mở rộng đầu ra và cơ sở hạ tầng phục vụ nền điện ảnh.

Lưu ý: Trọng tâm của kế hoạch này là xây dựng nền điện ảnh có thể tạo ra những bộ phim chất lượng xuất khẩu được, còn nếu chỉ tạo sản phẩm kém cỏi và nhảm nhí phục vụ trong nước thì nó không xứng đáng với những gì phải bỏ ra, không những thế nó còn khiến cho nguồn lực của đất nước trở nên lãng phí – khi phục vụ nhu cầu ăn chơi giải trí nhất thời.

1/ Mở rộng đầu ra: tăng gấp đôi số lượng rạp chiếu phim trên toàn quốc, đặt biệt là ở địa phương – thủ tục thông thoáng và miễn giảm thuế trong vài năm. Tuy nhiên nên tránh tình trạng độc quyền từ một số ít nhà phát hành lớn, vì thông qua điện ảnh, họ có thể tác động đến xu hướng văn hóa và xã hội VN, điều này rất nguy hiểm. Khi đầu ra lớn, thị trường mở rộng, cầu tăng thì sẽ kích thích nguồn cung, số lượng nhà sản xuất phim sẽ tăng, số lượng phim Việt cũng tăng.

2/ Cơ sở hạ tầng: phải có phim trường tập trung, đề xuất gần TP Hồ Chí Minh vì đây là khu vực giải trí mạnh nhất cả nước, chính sách miễn giảm thuế trong vài năm. Thời gian hoàn thành phải nhanh, vị trí phim trường có khả năng mở rộng diện tích (gấp 2-3 lần) trong tương lai, tránh tình trạng sau đó phải bỏ chỗ cũ tìm chỗ mới.

Tình hình là hiện nay là có rất nhiều phim trường tự phát, đó là sự lãng phí khá lớn về tài nguyên đất cũng như nguồn vốn đổ vào, lại khó tạo ra lợi nhuận lâu dài hoặc tái sữ dụng, sau đó suy sụp và bỏ hoang. Trong khi nếu được quy hoạch mang tính tập trung nhiều thành phần thì hỗ trợ lẫn nhau, các nhà đầu tư đều có lợi ích lâu dài, không những thế, nó có thể trở thành trung tâm giải trí và du lịch lớn nhất khu vực đông nam Á để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Cơ cấu phim trường này thế nào? Là nơi đặt trụ sở hoặc chi nhánh cho các nhà sản xuất điện ảnh và giải trí, nơi tạo ra bối cảnh cho các bộ phim lịch sử từ thời Vua Hùng cho đến thời kỳ Pháp thuộc, dạng thôn quê lẫn thành thị, hoặc những bối cảnh hậu tận thế, huyền ảo, giả tưởng, kinh dị, hành động, chiến tranh, hiệp khách …

Phải nói rằng lịch sử VN rất đồ sộ để khai thác vì chiến tranh vệ quốc diễn ra liên tục, mà để chiến thắng quân địch thì không thể thiếu vắng sự đóng góp của các hiệp khách và nhân tài xuất thân từ mọi thành phần trong dân chúng. Về mảng lịch sử – kiếm hiệp – võ thuật thì TQ và Hong Kong từng là tượng đài của châu Á, nhưng họ đã khai thác sạch sành sanh và cạn kiệt ý tưởng, trong khi VN thì chưa khai thác gì cả, đó là một lợi thế để chúng ta vươn lên dẫn đầu, nhưng chúng ta không nên bắt chước họ, bí quyết nằm ở 3 điểm mạnh nhất về đặc trưng địa hình VN: rừng núi – sông hồ – biển cả. Những hiệp khách và nhân tài này xuất thân từ thợ săn (rừng núi) và dân chày (sông hồ, biển cả) – rất thích hợp cho việc quảng cáo ngành du lịch.

Một mảng khác là thời kỳ Pháp thuộc, các bạn có thể nhớ tới những phim như Bến Thượng Hải hoặc Hong Kong và Ma Cao thời còn là thuộc địa của phương tây, họ đã khai thác đề tài này nát cả rồi, trong khi chúng ta thì chưa. Nhưng nếu có khai thác thì không nên làm phim dạng tuyên truyền thời kỳ cách mạng, mà chỉ lấy đó làm bối cảnh như phim Chị Chị Em Em 2 thôi.

Lưu ý: khi dựng bối cảnh lịch sử nên chú ý độ cao công trình – tránh ảnh hưởng bối cảnh khác; tính thẩm mỹ cao – mới đáp ứng việc tạo phim xuất khẩu; tính lịch sử – tham khảo di tích, nếu không rất dễ xẩy ra tình trạng phá bỏ để làm lại; tính năng động và thay mới – khả năng di dời và tháo ráp.

Quan trọng: ngoại trừ khu vực trụ sở hoặc nhà xưởng phục vụ kỹ thuật hoặc bối cảnh hậu tận thế hoặc thời Pháp thuộc, các phần còn lại dùng cho bối cảnh quá khứ thì không được “bê tông hóa” mà phải là “thiên nhiên hóa” và “núi – rừng hóa” và “sông – hồ hóa” từ “thành thị” cho đến “thôn quê”, nghĩa là cuộc sống của người Việt xưa hòa vào trong thiên nhiên – nếu có thêm động vật (nai, chim, cò …) như khu bảo tồn thì càng tốt, không phải đền đài tráng lệ kiểu TQ, mà là vẻ đẹp hoang sơ như phim Avatar, huyền bí như các phim tiên hiệp, chỉ có cách đó mới tạo ra sự khác biệt và giúp điện ảnh VN vươn lên dẫn đầu. Nhắc lại: cực kỳ hạn chế “bê tông hóa”, còn các nguồn cung năng lượng cho kỹ thuật nên giấu kỹ.

Lưu ý: như vậy phim trường mà tôi nói không phải là một phức hợp cấp tỉnh mà là cấp quốc gia, không tính bằng heta mà tính bằng km2, tất nhiên nó phải được lên kế hoạch tỉ mỉ và hoàn thành theo từng phần, bởi vì không cần đền đài đồ sộ và tráng lệ như TQ (Hoành Điếm) nên kinh phí sẽ không phải là quá cao và có thể hoàn thành nhanh.

 3/ Đào tạo: các trường ĐH và trung tâm đào tạo cho nền nghệ thuật và điện ảnh ở VN còn quá yếu, nên có các chiến lược mở rộng – hợp tác – mở chi nhánh với các trường ĐH nghệ thuật trên thế giới, mời các nghệ sĩ và diễn viên hết thời ở nước ngoài về VN giảng dạy, gửi nhân tài ra nước ngoài đào tạo với hợp đồng ràng buộc …

4/ Tăng số lượng diễn viên trẻ: Có rất nhiều đạo diễn than rằng thiếu diễn viên trẻ để đóng phim, Chí Blog có một cách nhưng phải nhờ đến sự vào cuộc của các đài truyền hình. Đó là yêu cầu đài truyền hình các tỉnh mỗi năm ít nhất phải cho ra được một bộ phim dài tập về thể loại học đường, diễn viên là người trong tỉnh, có giới hạn về độ tuổi – tránh tình trạng chỉ vài diễn viên cứ diễn mãi từ năm này sang năm kia.

Mục đích thứ nhất là tạo sân diễn cho các tài năng trẻ; mục đích thứ 2 là quảng cáo những thế mạnh của tỉnh này thông qua bối cảnh phim, ví dụ như du lịch, làng nghề truyền thống, đặc sản, đặc trưng văn hóa; mục đích thứ 3 là thông qua hình thức này thì có thể hô biến các đài truyền hình thành nhà sản xuất phim của nước nhà – mà các nhà đài thì thừa sức để làm chuyện này; mục đích thứ 4 là tăng chất lượng lẫn uy tín của các giải thưởng phim quốc gia khi có nhiều phim tranh giải

Lưu ý: đây chỉ là ý tưởng, vì sự phối hợp này tương đối khó khăn và phức tạp và cần nhiều kinh phí để thực hiện, nhưng có thể kêu gọi nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong tỉnh.

5/ tăng ngân sách cho nền điện ảnh VN: thật ra thì tất cả đều là nói nhảm nếu không có chính sách và ngân sách để thực hiện thúc đẩy nền điện ảnh phát triển. Ngân sách này dùng cho các cuộc thi về kịch bản phim, sản xuất phim ngắn, sản xuất phim nghệ thuật để gửi đến các LHF quốc tế tranh giải, tổ chức LHF quốc tế tại VN, đào tạo nhân tài, sản xuất phim phục vụ chính trị …

Về dòng phim phục vụ chính trị như nêu cao vẻ đẹp văn hóa Việt, sự đoàn kết, lòng yêu nước … thì tôi nghĩ rằng chúng ta cần thay đổi tư duy một chút. Đó là nếu mục đích là tuyên truyền thì bộ phim đó phải là phim có thiên hướng thị trường, nghĩa là cái thông điệp (hoặc bộ phim) phải đến được với nhiều người nhất. Về hình thức thì nó giống phim thị trường nhưng bản chất thì khác nhau, phim thị trường mục đích là doanh thu, phim tuyên truyền mục đích là số lượng người xem – cũng thể hiện qua doanh thu.

Tuy nhiên vì bản chất khác nhau nên mối quan hệ doanh thu / kinh phí cũng khác nhau, nếu làm vì tiền, kinh phí càng thấp nhưng doanh thu càng lớn thì càng tốt, ví dụ bỏ ra 20 tỉ để có doanh thu 100 tỉ, nếu làm vì số lượng người xem, hòa vốn hoặc lời ít thì đã là thành công, ví như kinh phí 40 tỉ để có doanh thu 100 tỉ, đây là một lợi thế mạnh mà phim tuyên truyền có thể có, nhưng cái khó là nội dung phim không nhảm nhí chạy theo thị hiếu của khán giả, nó đòi hỏi kịch bản phải cực kỳ chất lượng mới thu hút được khán giả đến rạp.

Tôi sẽ lấy 1 vị dụ cụ thể: theo bạn thì bộ phim Hero 2002 của Trương Nghệ Mưu – một phim dạng lịch sử là phim thị trường hay phim tuyên truyền với mục đích chính trị? Bề ngoài nó là phim thị trường nhưng bản chất là phim tuyên truyền. Câu chuyện xoay quanh việc hiệp khách Vô Danh ám sát Tần vương, nhưng vì “thiên hạ” nên ban đầu Tàn Kiếm rồi sau đó Vô Danh không giết Tần vương, vì Tần vương có công thống nhất đất nước, khiến cho thiên hạ không bị đại loạn vì chiến tranh, tư tưởng này nhằm tôn vinh sự lãnh đạo duy nhất và thống nhất của đảng cs TQ, rất thâm thúy nha, nhưng khán giả đâu phải ai cũng nhận ra, nếu sản suất một bộ phim tuyên truyền trên bề nổi thì bộ phim sẽ rất ít người xem và thậm chí không thể xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng bằng cách chuyển đổi cốt truyện, nó trở thành một bộ phim thành công trên trường quốc tế.

6/ Nâng cao nhận thức về điện ảnh: đây là mục quan trọng nha, việc cần làm đầu tiên là tài trợ Chí Blog về tài chính để mình có thể viết những bài chuyên sâu hơn về điện ảnh, chỉ ra những “ngôn ngữ điện ảnh” được sử dụng của phim nước ngoài, chỉ ra những thông điệp mang tính phổ quát dùng làm “xương sống” cho phim, nêu ra những ý tưởng mới lạ giúp nền điện ảnh VN phát triển – cái này thì cực nhiều luôn, những gì Chí Blog viết là mang lại lợi ích thực tế và sâu sắc chứ không nhảm nhí và xàm xí, vì vậy nhớ ủng hộ tài chính cho Chí Blog: OCB – ngân hàng phương đông, tk: 0003100008898001, NGUYỄN MINH CHÍ, chi nhánh Thủ Đức. Hoặc: Nguyễn Minh Chí, NH TMCP SAI GON THUONG TIN CN TIEN GIANG, Số TK: 0601 4671 8526

Bàn về điện ảnh: phân tích khán giả trẻ “trâu” VN

Bàn về điện ảnh: phong cách đánh trận cho phim lịch sử

Bàn về điện ảnh: cách tạo trang phục cho phim lịch sử VN

Bàn về điện ảnh: văn hóa Việt, tìm bản sắc, đừng màu sắc

Bàn về điện ảnh: thuần Việt – hiện sinh – đạo tự nhiên

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Review phim Dogville (2003): khi nàng Bạch Tuyết bị “dog hóa”

T5 Th5 4 , 2023
Dogville là phim chính kịch với nữ chính do Nicole Kidman thủ vai, bộ phim gây nhiều tranh cãi – wikipedia bảo vậy, nhưng Chí Blog – “website duy nhất đa vũ trụ giải mã phim nghệ thuật” không quan tâm điều đó hen, thật ra thì đây là một […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese