Bài phân tích này cực kỳ quan trọng nhé, tôi sẽ nói về phương thức để có được một phim Việt thành công về mặt doanh thu, và hướng đi của điện ảnh Việt trong tương lai. À! Nếu tôi nói là tôi chỉ thật sự quan tâm về nền điện ảnh nước ta chỉ trong vòng một tháng trở lại thì có ai tin không nhỉ? Bài này sẽ nói thật rất nhiều thứ nhưng cũng vì nền điện ảnh Việt nhé.
Tôi đố các bạn tại sao vừa bước qua năm 2021 mà đã có khoản 4-5 bộ phim dạng “bom tấn” của VN rơi đài và rơi cực kỳ thê thảm? Độ thê thảm cao hơn những năm trước rất nhiều, nó tạo thành một xu hướng, hoặc trăm tỉ, hoặc lỗ sặc gạch. Nguyên nhân trọng yếu nhất là vì Corona, không! Không phải như bạn nghĩ, dịch bệnh chẳng ảnh hưởng việc khán giả đến rạp vào đầu năm 2021, mà là Corona đã tạo ra một khoản lặng chừng 1 năm để những khán giả trẻ của chúng ta nằm nhà coi phim mạng, sau đó tìm đọc các bài review phân tích trên các diễn đàn mạng xã hội.
À! Khi này sẽ có rất nhiều khán giả trẻ khám phá ra còn cả một thế giới điện ảnh ở ngoài kia, lúc này thì hàng chất lượng cao và hàng chất lượng thấp sẽ được mang ra so sánh rõ ràng hơn. Mà những trang review thì cực ít phân tích phim VN, chỉ phân tích phim nổi tiếng và “bom tấn” nước ngoài, và các bạn hẳn biết góc nhìn của những trang này đối với nền điện ảnh VN là thế nào rồi đấy – rất là nhạy cảm nên không thể nói thêm. Lúc này các khán giả trẻ sẽ tự hỏi là tại sao phim VN như thế mà nhiều bài viết trên các báo mạng lại viết “thế khác”, chính vì vậy trước khi xem phim thì họ sẽ tham khảo đánh giá trên các diễn đàn trước, chứ không dễ “tin người” như trước kia nữa. Nó tạo ra một thái cực, báo mạng khen thì không tin, báo mạng chê thì tin, cái này tự làm thì tự chịu.
Các diễn đàn phân tích phim trên mạng xh và bản thân mạng xh là một quyền lực mới đối với điện ảnh VN, một ít người đã phát hiện điểm này nên đã đi trước khá sớm và đã tạo ra thành công vang dội như chúng ta vừa chứng kiến. Để kết cho đoạn phân tích vừa rồi thì có 2 điểm cần lưu ý: mạng xh và xu hướng quốc tế.
Khán giả VN như thế nào? Phần đông là giới trẻ, để phân tích chữ “trẻ” này khá nhạy cảm nên tôi không nói nhiều, tự hiểu nhé. Vì thế có một điều đang chi phối những khán giả của chúng ta, đó là tâm lý đám đông. Chính điều này giải thích cho cái thái cực là có phim trăm tỉ, có phim sặc gạch như vừa qua. Như vậy, trong tương lai, phim trăm tỉ không hiếm, phim sặc gạch còn nhiều hơn, đơn giản vì nếu bộ phim đó được khen, thì dù phim bình thường cũng thành bom tấn, và nếu bị chê, một viên sạn cũng có thể trở thành hòn núi.
Vậy các bạn đoán thử với chất lượng phim VN thì điều gì sẽ diễn ra với mấy bộ phim tiếp theo? Sẽ may mắn cho những phim tuy có sạn nhỏ nhưng được các mỹ nhân của showbiz Việt kéo lại, vì trong sự chọn lựa còn có yếu tố cảm tính chi phối. Phim “1990” sắp tới có thể rơi vào trường hợp này, thứ nhất là đề tài hợp thị hiếu, thứ hai là có 3 cô nàng xinh xắn đáng yêu, còn với phim “Thiên Thần Hộ Mệnh” đang có yếu tố quốc tế hỗ trợ, mà dạng phim này thì có thực lực đối với điện ảnh VN. Phim “Trạng Tí Phiêu Lưu Ký” thì có tên tuổi của Ngô Thanh Vân bảo chứng, cô diễn viên này đi khá sớm về những bộ phim được làm mượt mà và có xu hướng quốc tế, bước sang tháng 5 thì phim “Bóng Đè” cũng khả quan vì cũng có xu hướng quốc tế hỗ trợ, và tất nhiên phải kể đến bộ phim “Em và Trịnh” cũng thuộc dạng này.
Nói đến đây thì không thể bỏ qua bộ phim “gì đó” vừa tạo ra thành tích cũng muốn công chiếu ở vài nước châu Á, phải công nhận anh chàng thuộc giới showbiz Việt của chúng ta nhạy cảm kinh khủng, tôi thật sự khâm phục.
Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?
Vậy tóm lại, hướng đi của nền điện ảnh VN trong tương lai là quốc tế hóa, ai đuổi không kịp thì rủi ro cực cao. Đến đây hẳn nhiều người sẽ nghĩ, việc này quá khó với nền điện ảnh của VN. Hic! Tôi có nên nói thật những gì tôi nghĩ lúc này? Thật ra thì 90% những phim Mỹ sản xuất thì tôi chả thèm xem, mà phim tệ nhất trong trong số đó thì cũng thuộc tiêu chuẩn quốc tế rồi đấy, vậy thì nền điện ảnh VN đang ở đâu, khi mà một bộ phim được công chiếu ở nước ngoài đã là dạng “bom tấn tấn tấn” đối với chúng ta?
Đừng quá thất vọng, câu hỏi quan trọng tiếp theo, làm phim chuẩn quốc tế có khó không? Thật ra thì … không khó … nếu đảm bảo một số yếu tố nhất định, chúng ta có không ít đạo diễn làm được điều này, nó trở thành khó vì điện ảnh Việt bị vài căn bệnh kinh niên, đó là thích hài nhảm, thích độc lạ nhưng không đủ khả năng làm tốt, và lời thoại thì cực kỳ gượng gạo và không tự nhiên.
Thích hài nhảm là do hơn chục năm, vì lợi nhuận nên chạy theo thị hiếu của khán giả trong nước và nó tạo thành thói quen, một số đạo diễn từ nước ngoài về đã tránh được điều này, nhưng trong số đó lại có vài người bắt đầu nhiễm cái bệnh độc này khi làm phim trong nước quá lâu.
Thích độc lạ cũng vì chạy theo thị hiếu của khán giả VN, trong khi biên kịch Việt chưa có nhiều người cho ra kịch bản tốt, cho nên bị sạn từa lưa. Nói thật, với khả năng phân tích phim của tôi mà viết bài review cho phim Việt thì tôi đánh không còn manh giáp, vì thế trong tương lai tôi không bao giờ viết review cho phim Việt nếu nó không đoạt được một giải quốc tế nào đó, tôi là người ôn hòa hihi.
Về lời thoại, đây là căn bệnh trầm kha của điện ảnh Việt ngay từ khi nó vừa hình thành, từ nền điện ảnh miền bắc cho đến nền điện ảnh miền nam trước giải phóng, nhưng ngày trước phim Việt ít nói hơn, còn phim bây giờ thì nói nhiều mà thường là gượng gạo hoặc nói nhảm. Lấy một ví dụ, kể cả phim Cyclo (giải Sư Tử Vàng) của đạo diễn Trần Anh Hùng – đạo diễn tiêu chuẩn quốc tế, cũng không thể dựng được một bộ phim có nhiều lời thoại.
Thật ra thì chuẩn phim có thể xuất khẩu cũng không quá tầm đối với chúng ta, không cần xuất khẩu sang phương tây, ở vài nước châu Á là được rồi, phim của Mỹ cũng có vô số những bộ phim dở đấy thôi, phim của họ có thể dở, xem có thể chán hoặc buồn ngủ nhưng nó không nhảm, nó mượt dù là nó cực dở đi nữa. Nói đến chữ “nhảm” thì phải nhắc đến phim của Châu Tinh Trì, nhiều người gọi anh ấy là “vua hài nhảm”, đó là gọi bậy, cái hài của anh ấy quá lố nhưng nó mượt mà tự nhiên. Trong khi cái nhảm trong phim Việt thì lố lăng và gượng gạo, khác nhau về bản chất.
Tóm lại, kịch bản có thể dở, đơn giản nhưng không thể nhảm, không thể thiếu tự nhiên, có thể ít thoại nhưng không thể nói nhảm hoặc chen vào mấy câu triết lý sáo rỗng. À! Ở trên tôi quên nói cái vụ mấy lời thoại triết lý sáo rỗng, đây cũng là căn bệnh trầm kha của VN. Trình độ của anh không tới thì đừng nói triết lý, và dẹp hết mấy câu sáo ngữ đi. Ví như cái phim nhiều tập “gì đó” đang bắt đầu chiếu, khi nghe cái câu triết lý làm chủ đề phim là tôi bị khựng, rồi đến đoạn nói câu “muốn ăn thì lăn vào bếp” làm tôi bị khựng tập 2; tất nhiên cái phim này nếu so với vô số những phim khác của VN thì hay hơn nhiều, nhưng so với VN thôi nhé.
Nói tóm lại, nhà sản xuất nào làm phim điện ảnh trên 20 tỉ thì cố gắng hoàn thành một bộ phim mượt mà và phải nhắm tới xu hướng quốc tế hóa, có thể dở nhưng không thể nhảm và lỗi logic, và nhớ phải có thông điệp mang tính phổ quát, 100% các bài review của tôi là nói về điều này. Còn nếu làm không được những điểm này thì rủi ro cực cao trong tương lai. Và nếu dám bỏ 20 tỉ ra làm phim thì làm ơn đừng tiếc tiền cho một kịch bản phim không lỗ thủng, dù chi phí cho kịch bản tăng gấp 2 hoặc gấp 3, dù mời 2-3 biên kịch giỏi hoặc đạo diễn giỏi cùng viết kịch bản cũng được.
Nếu muốn làm phim hợp thị hiếu khán giả Việt thì nên tham khảo nền điện ảnh Ấn Độ, phim của họ trực quan dễ hiểu, đừng tham khảo điện ảnh Hàn vì họ đi khá xa so với chúng ta. Nếu so về phương diện tổng thể, với tôi thì điện ảnh Ấn vượt qua điện ảnh Hàn. Điện ảnh Ấn có thể không đạt được những giải thưởng quốc tế như của Hàn, nhưng điện ảnh họ làm được một điều, đó là đáp ứng được một đám đông dân chúng với trình độ dân trí bình quân thấp nhờ phim mang tính trực quan, và cũng chính điều này khiến phim của họ ít khi đoạt giải, nhưng cách làm đó phù hợp với VN, tuy nhiên đừng học theo cách làm phim thể hiện quá lố kiểu lãng mạn của họ.
Còn 2 yếu tố khác cực kỳ quan trọng nhưng khá nhạy cảm, thứ nhất là nhà phát hành, đừng để chết yểu như cái phim gì đó vừa rồi; thứ 2 là các trang báo mạng, nếu có phim dở ra lò, các diễn đàn dập đã đủ chết, nếu các trang báo mạng chạy theo dập tiếp thì sẽ không còn cửa sống. Tôi nói vụ này là vì xây dựng khó nhưng phá hủy dễ, nếu các nhà sản xuất phim (chủ yếu là tư nhân) ở VN mà cứ kiểu làm phim 20 tỉ nhưng doanh thu 2 tỉ thì sẽ chẳng còn nhà sản xuất nào tồn tại nổi, thế thì đừng nói đến chuyện đưa phim Việt ra với thế giới. Các ban ngành liên quan đến truyền thông VN mà không chú ý cái này thì cuối cùng điện ảnh Việt chỉ còn lại đống hoang tàn thôi.
Cảm ơn các bạn đã đọc bài.