Bàn về điện ảnh: biên kịch, đạo diễn, diễn viên nhiễm độc thế nào?

Bài này rất quan trọng, nhưng đó cũng là lời thừa, vì có ai thèm đọc đâu, phần lớn con người chỉ thích đọc những điều mới lạ về hình thức chứ không muốn tìm hiểu về bản chất của vấn đề.

Khi xem những bộ phim do chúng ta tạo ra, từ phim điện ảnh đến phim truyền hình nhiều tập, tôi luôn bắt gặp sự gượng gạo và không tự nhiên, vấn đề không còn thuộc về chuyện hay hoặc dở mà nhảy sang chuyện những biểu hiện trong phim là không thực tế và phi logic. Người ta bảo nhau rằng chúng ta thiếu biên kịch giỏi, hoặc số lượng đạo diễn giỏi còn quá ít, thật ra thì nguyên nhân sâu xa không phải là ở số lượng, mà ở chất lượng. Chắc bạn cho rằng đó là lời thừa vì ai cũng biết, nhưng ít có biên kịch giỏi hoặc đạo diễn giỏi là bởi vì … phần lớn họ đều bị nhiễm độc về mặt tinh thần – tư tưởng – suy nghĩ – tư duy.

Lý do? Đó là cũng vì thích chạy theo cái lợi trước mắt nên họ đã tự hủy hoại chính bản thân. Tôi hiểu rằng khi viết ra một kịch bản phim, người viết kịch bản luôn bị ám ảnh bởi việc tạo ra một tình huống ấn tượng – mới – độc – lạ. Nhưng sự sáng tạo đối với một con người là vô cùng hiếm hoi, vì thế giới điện ảnh hoặc điện ảnh thế giới đã đi qua và đã thể hiện biết bao nhiêu thứ độc lạ rồi, muốn sáng tạo cái mới là rất khó khăn. Và bởi vì quá khó khăn nên người viết kịch bản phải sao chép ý tưởng có sẵn, hoặc thể hiện hoàn cảnh vượt quá những gì mà nó đang diễn ra, nhưng cách này không thể đi quá xa, nếu vượt qua một ranh giới nào đó, nó sẽ trở thành bất hợp lý.

Cuộc sống hiện thực nó là một chuỗi của những hoàn cảnh mang tính bình thường, và nó được gọi là tự nhiên khi lâu lâu mới xuất hiện những điều mới lạ, thú vị và độc đáo. Nhưng nếu trong một quảng ngắn thời gian mà lại diễn ra vô số sự việc không bình thường, thì nó trở thành gượng gạo mất tự nhiên và phi logic, trừ trường hợp quảng thời gian đó cũng đang ở trong một hoàn cảnh tổng thể bất thường. Lỗi trong phim Việt ở ngay chính điểm này, hoàn cảnh và sự kiện bình thường nhưng nhân vật lại phản ứng thái quá và không bình thường, chính vì vậy nó trở thành nhảm – kịch – giả dối.

Nói thật thì bị người ta ghét, nói dối thì tôi chả thèm nói, nhiều bài khác tôi có nói việc phim nhảm hay không nhảm phụ thuộc vào nhận thức của khán giả, nghĩa là, nếu trình độ khán giả cao, xuất hiện một chút nhảm là họ nhận ra ngay, nhưng nếu trình độ thấp, họ sẽ không nhận ra, mà nhà sản xuất nếu vì lợi nhuận chạy theo sở thích của khán giả (trẻ) thì sẽ tạo ra vô số bộ phim hợp ý họ, và chính bằng cách đó, các biên kịch và đạo diễn bị đầu độc.

Cái gì cũng vậy, khi làm quá nhiều, con người ta sẽ quen đi và cái sự kém tự nhiên đó trở thành tự nhiên, họ không còn nhận ra nữa, cái đó chúng ta gọi là nhiễm độc mãn tính. Có vô số bộ phim từ điện ảnh cho đến truyền hình mang đầy sạn nhảm, đó là một chuỗi những diễn biến bất thường diễn ra nhưng chẳng ai thấy, vì tất cả họ đã quen rồi. Lớp đạo diễn hoặc biên kịch mới và trẻ cũng thấy quen rồi nên cứ bắt chước học theo, tất cả đã bị đầu độc.

Nếu bạn muốn viết hoặc thể hiện điều gì đó độc lạ, hãy làm điều đó từ ngay điểm khởi đầu. Ví dụ như đó là một thế giới huyền ảo, một vũ trụ của dị nhân, một hoàn cảnh cổ tích; khi đó sự bất thường được hợp lý hóa từ trong bản chất của nó, hoặc đó có thể là những gì đang diễn ra trong một bệnh viện tâm thần, các nhân vật ở nơi này dù có hành động lố lăng cũng chẳng có gì lạ, nhưng nếu trong thế giới bình thường mà con người hành động lố lăng thì nó trở thành bất hợp lý.

Tôi lấy một ví dụ về sự bất hợp lý phụ thuộc vào tầm nhận thức của khán giả, nhân vật cô gái là một người có học thức nhưng lại yêu một kẻ đạo đức giả và ích kỷ, vì thể hiện cho khán giả (trẻ) hiểu điều đó nên đạo diễn thể hiện kẻ đạo đức giả bằng những hành động hết sức lố lăng như mấy tên lừa đảo đầu đường xó chợ. Khi làm điều này, chính là họ đang hạ thấp trình độ của cô gái, nếu cho nữ nhân vật đó thuộc dạng gái bao rồi lấy tiền nuôi trai đểu thì hợp lý hơn, còn nếu đó là cô gái có học thức thì tên người yêu cũng phải thuộc dạng đạo đức giả có học thức chứ không phải dạng “bá vơ” nào đó. Mà mấy cái thứ lỗi logic và tâm lý thế này có hằng hà sa số trong phim Việt, điều đó thể hiện trình độ nhận thức của đạo diễn và biên kịch đều có vấn đề.

Hoặc đạo diễn và biên kịch có nhận ra nhưng vì chiều ý nhà sản xuất nên họ cứ nhắm mắt làm theo. Cách làm như thế là kéo nhận thức của chính họ xuống, sự việc kéo dài, nhận thức khán giả không đi lên mà càng đi xuống, rồi chính những bộ phim này trở thành thuốc độc đầu độc cả một nền điện ảnh từ đạo diễn, biên kịch, cho đến diễn viên, tất cả họ quen dần … quen dần, rồi xem những gì họ làm là rất tự nhiên. Phim Việt ngày nay là gì? Là một chuỗi ngắt quảng của những pha hài và độc lạ mang tính cục bộ, nó khiến bộ phim bị rối loạn, tình tiết thì chồng chéo.

Một đạo diễn hoặc biên kịch đã nhiễm độc sẽ nghĩ gì khi đang viết kịch bản? Lẽ ra hành động trong một tình huống sẽ là “A” thì nó hợp lý và tự nhiên, nhưng họ nghĩ hành động “A” bình thường quá, phải thay hành động “B” mang tính độc lạ vào thì mới hấp dẫn được khán giả, vậy là kịch bản đó nát – nhảm – không tự nhiên. Diễn viên mà đóng những cái phim loại này thì cũng nhiễm độc luôn, đối với những diễn viên lành nghề lâu năm mà gặp những kịch bản thế này thì họ sẽ từ chối, còn các diễn viên trẻ thì cứ lao đầu vào.

Nếu người viết kịch bản mà cứ chiều lòng khán giả (trẻ) và chạy theo cái lợi trước mắt, không sớm thì muộn nhận thức của họ sẽ đi xuống như chính bản thân khán giả (trẻ), tất nhiên tôi đang nói tầm nhận thức bình quân. Điện ảnh TQ đang ở tình cảnh này, điện ảnh Hongkong trong hiện tại là minh chứng cho những gì tôi nói khi họ chạy theo thị trường TQ, trong khi điện ảnh Hàn đang đi lên vì họ nhắm đến thị trường phương tây, còn điện ảnh Ấn họ đi theo cả hai hướng là vừa quốc tế vừa đáp ứng nhu cầu trong nước nên tạo ra những bộ phim vừa có nội dung vừa mang tính trực quan dễ hiểu, nhưng vì đáp ứng nhu cầu trong nước nên vẫn còn có sự thái quá trong phong cách hành động, nhưng dù sao sự thái quá đó còn có giới hạn vì đạo diễn và biên kịch của họ có trình độ thật sự.

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

Làm sao để có một bộ phim độc lạ nhưng mượt mà tự nhiên? Đó là hãy tìm một chủ đề, một cốt truyện độc lạ ngay từ đầu, sau đó cứ viết các chi tiết theo cách bình thường mà nó sẽ diễn ra, đừng có thêm vào mấy cái chi tiết bất thường, vì cái độc lạ của hoàn cảnh hoặc cốt truyện đã đủ rồi. Tôi biết dù tôi có nói ra thì biên kịch VN cũng khó mà làm được, vì bản thân họ bị nhiễm độc quá nặng rồi, cứ viết đến chi tiết nào thì họ lại bị cái thứ độc lạ hoặc hài hước ám ảnh, rồi lại thêm vào. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi những đạo diễn hoặc biên kịch đã trúng độc mà tìm được kịch bản tốt, dù kịch bản đó đã đủ mượt thì họ cũng cố sửa lại vì họ nghĩ “thế này thì bình thường quá, không thú vị, không lôi cuốn được khán giả”, thế là họ sửa kịch bản tốt thành kịch bản nát.

Ngoài việc trúng độc “hài nhảm và độc lạ” thì còn có một thứ độc khác thuộc về loại kinh niên, đó là cố tình định hình thành tính cách nhân vật, bản chất con người là một thứ hết sức trừ tượng và mâu thuẫn, những truyện cổ tích tạo ra những nhân vật mang tính cố định bởi vì để cho con nít xem – đây là nói theo cách đơn giản, còn nói theo cách phức tạp thì các nhân vật đó mang tính biểu tượng, ví dụ nhân vật mẹ ghẻ trong truyện Tấm Cám là biểu tượng cho cái ác – tham lam – ích kỷ – gian trá. Còn nhân vật trong phim là một con người với sự tổng hợp đa tính cách, và sự khác biệt là tính này có thể trội hơn tính kia, nghĩa là nếu có sự vượt trội thì nó chỉ mang tính trừu tượng và mơ hồ.

Tôi lấy một ví dụ, một tên phát xít giết người như ngóe nhưng trong vai trò làm chồng làm cha lại cực kỳ hoàn hảo, khi hắn nghĩ về tương lai đứa con thì lại mong nó hướng đến những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống, khi đó nhân vật này có chiều sâu, biên kịch viết ra kịch bản đó có trình độ. Kịch bản Việt nếu muốn nâng thêm một bậc thì phải thể hiện được cái mâu thuẫn nội tại này, thật ra thì có nhiều biên kịch cố gắng làm điều này nhưng họ không đủ trình độ để làm cho đúng, nên thứ họ tạo ra mới trở thành lố lăng. Tôi bảo rằng muốn nâng cao trình độ thì tìm hiểu triết học, tôn giáo và đọc tiểu thuyết kinh điển, và phải đọc theo dạng hiểu chứ không phải dạng học vẹt, nhưng chắc nhiều người sẽ không nghe.

Phim Việt bị cái độc về tính cách bị định hình này rất nhiều, tôi nói ví dụ như một gia đình có người cha mang quan niệm thủ cựu, vậy mà cho người cha đó có bối cảnh là tổng giám đốc một công ty lớn, đó là sai logic, một người hoạt động trong môi trường rộng lớn như vậy, trình độ cao như vậy thì không thể có những quan niệm thủ cựu. Vậy sự thể hiện đúng sẽ như thế nào? Nó phải như trong vở Tô Ánh Nguyệt, đoạn 2 ông già gặp nhau, một ông là dạng dân quê theo nho giáo, một ông là dạng giàu có ở thành thị và theo văn hóa phương tây.

Còn muốn nhân vật thủ cựu nhưng có trình độ? Đó là người cha quý tộc trong tác phẩm Trà Hoa Nữ, nhưng hành động chia rẽ 2 kẻ yêu nhau phải thể hiện là một người có trình độ, nghĩa là ông ta chia rẽ họ bằng cách thuyết phục cô gái điếm hãy bỏ con trai ông ta nếu thật sự yêu anh ấy, đó là sự hy sinh vì tương lai của người yêu. Nghĩa là lý do của sự chia rẽ không phải vì ông ta khinh cô gái là gái điếm hay vấn đề môn đăng hộ đối, mà vì ông ta hiểu rằng nếu con mình lấy cô gái điếm thì tương lai sẽ bị hủy hoại và thân bại danh liệt, vì cái xã hội quý tộc sẽ không bao giờ cảm thông cho tình yêu giữa họ. Đó là cách thể hiện nhân vật có chiều sâu và có trình độ.

Phim Việt còn bị một thứ độc khác, nhưng cái độc này có thể thông cảm, đó là chuyện tình 3 người, làm như ngoài việc giành trai hoặc giành gái thì người Việt không có chuyện gì để làm hay sao ấy. Cái bệnh 3 người này không chỉ có ở VN, nó là bệnh kinh niên của toàn châu Á. Mà nếu có thì cố gắng thể hiện nó theo kiểu văn minh một chút, đừng thể hiện như loại người không có trình độ, trong khi nhân vật lại được khoác lên một bộ áo là người trí thức có học vấn và có địa vị.

Cái nhiễm độc thứ 4 là … không đánh giá được bản thân đang ở tầm nào, vấn đề này thì chịu, vì một người rất khó tự đánh giá nhận thức bản thân cao đến đâu, cho nên khi tự đánh giá mình quá cao thì sẽ làm những điều vượt quá khả năng. Tôi ví dụ về cái phim “gì đó” nói về tác phẩm “nào đó” của nhà văn hiện thực “nào đó”. Không biết người viết kịch bản đã hiểu hết một tác phẩm của nhà văn đó chưa, vậy mà còn muốn ôm đồm tạo ra bộ phim tổng hợp nhiều tác phẩm của nhà văn đó, tôi thật sự khâm phục.

Các bạn có biết để tạo ra một kịch bản tốt theo cách đó là khó thế nào không? Người viết kịch bản phải là một giáo sư hoặc nhà nghiêng cứu về nhà văn nọ, ngoài ra thì phải là một biên kịch giỏi trong nền điện ảnh, và phải hiểu thị hiếu của khán giả trẻ để viết một kịch bản đủ hấp dẫn họ. Ở VN ta có một biên kịch tổng hợp được 3 yếu tố vô cùng khó khăn đó chưa? Vậy mà người ta vẫn cố tạo ra một bộ phim như thế.

Muốn có một kịch bản tốt? Viết đề tài đúng tầm nhận thức của mình, quen thuộc với đời sống mình, loại được những thứ độc mà tôi nêu ra trong các bài “Bàn Về Điện Ảnh”, nhưng có ai thèm đọc đâu chứ. Viết một bài được vài ba người đọc, thành ra tôi cũng chán viết, các bài review phim nghệ thuật trên trang này cũng vậy. Chán nên không muốn viết nữa!

Facebook Comments

About Author

Minh Chí

Bạn tôi góp ý là: nhiều người ở VN thích làm màu, nên tôi cần làm màu hơn thế. Cho nên các bạn cứ nghĩ tôi rất "đỉnh" là được!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Next Post

Chí Blog có kịch bản phim điện ảnh, ai mua không?

CN Th4 18 , 2021
Hiện mình đã viết xong 2 kịch bản đầu tay, là đầu tay nhé! Nhiều người sẽ nói “kịch bản đầu tay cũng dám rao bán!”, À! Chuyện này thì còn phụ thuộc vào bạn đánh giá mấy bài review phim trên Chí Blog như nào, dù nó có vẻ […]

You May Like

Translate» English - Vietnamese